Chúng ta biết gì về ngày 1/5? Chắc chắn ai cũng biết đó là ngày Quốc tế lao động. Nhân kỷ niệm 135 năm ngày Quốc tế Lao động 1/5 (1886-2021), Thư viện tỉnh Đồng Nai tuyên truyền đến đông đảo bạn đọc nhất là anh chị em công nhân lao động về ngày lịch sử vẻ vang của giai cấp công nhân. Đồng thời phổ biến rộng rãi về nguồn gốc ra đời và ý nghĩa lịch sử ngày 1/5. Đặc biệt điểm lại những ngày Quốc tế Lao động đã được tổ chức trên đất nước ta qua các thời kỳ cách mạng.
Đầu thế kỷ 19, tại nước Anh, đất nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất, khẩu hiệu ngày làm việc 8 giờ sớm xuất hiện tại một số nơi trong các nhà máy, xí nghiệp, yêu sách này dần lan sang các nước khác. Từ một thuộc địa của Anh, nước Mỹ đã giành được độc lập từ năm 1776 rồi tiến nhanh trên con đường tư bản chủ nghĩa và đế quốc chủ nghĩa. Tại Mỹ lúc đó công nghiệp phát triển thay thế công trường thủ công, tầng lớp tư sản công nghiệp ra đời. Song song với sự phát triển của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản cũng tăng lên nhanh chóng, tập trung phần lớn tại các công xưởng, các thành phố. Họ bị giai cấp tư sản như chủ nhà cho thuê, chủ hàng buôn lẻ, bóc lột thậm tệ. Họ buộc phải làm việc từ 14 đến 18 giờ mỗi ngày. Nhiều phụ nữ, trẻ em đã phải làm thuê tới 12 giờ một ngày trong các nhà máy đầy khói bụi, hay hầm mỏ tối tăm. Do vậy, lao động và công nhân Mỹ vùng dậy đấu tranh. Vào khoảng những năm 50 của thế kỷ 19, khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm, làm việc 8 giờ trong ngày đã được nêu một cách cấp thiết. Nhiều cuộc mít tinh đã nổ ra từ các nhà máy đến dinh lũy của bọn chủ xưởng.
Năm 1848 trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Mác - Ăng ghen đã kêu gọi “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” và thành lập tổ chức liên minh những người cộng sản. Ngày 28/9/1864, Hội liên hiệp công nhân quốc tế (Quốc tế I) thành lập theo sáng kiến của Mác - Ăng ghen, đóng vai trò quyết định trong việc tổ chức lực lượng giai cấp công nhân quốc tế. Đại hội lần thứ nhất (tháng 9/1886) Quốc tế họp tại Giơ ne vơ xác định mục tiêu đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ là nhiệm vụ trước mắt. Thực hiện Nghị quyết của Hội liên hiệp lao động quốc tế, các cuộc đấu tranh của công nhân liên tiếp nổ ra ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ diễn ra gay gắt. Trước đó, phong trào đấu tranh ở Mỹ diễn ra mạnh mẽ trong quần chúng công nhân, Liên đoàn lao động Mỹ họp Hội nghị vào tháng 11 năm 1884, quyết định lấy ngày 1/5/1886 làm ngày đấu tranh đầu tiên của công nhân toàn nước Mỹ đòi thực hiện chế độ ngày làm 8 giờ. Đúng ngày 1/5/1886, tại Chi-ca-gô (Mỹ) đã nổ ra hơn 5.000 cuộc bãi công ở trên khắp nước Mỹ thu hút hơn 35 vạn công nhân tham gia.
Ngày 11/5/1889, Đại hội thành lập Quốc tế II, tổ chức tại Pari (Pháp) đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5/1886 của công nhân Chi-ca-gô làm ngày đoàn kết quốc tế và biểu dương lực lượng chiến đấu của giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày truyền thống đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới (gọi tắt là Ngày Quốc tế Lao động).
Ra đời muộn so với giai cấp công nhân thế giới, giai cấp công nhân Việt Nam ngay từ khi ra đời đã có tinh thần cách mạng triệt để, tính tổ chức và tính kỷ luật cao. Ngay từ khi chưa có Đảng, giai cấp công nhân nước ta đã tự phát đấu tranh đòi quyền sống, quyền tự do, chống lại những thủ đoạn lừa gạt và hành động áp bức của bọn tư bản thực dân thống trị. Cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son (Sài Gòn) vào tháng 8/1925, tổ chức bãi công để giam chân Pháp không cho chúng chở binh lính sang đàn áp cách mạng Trung Quốc. Đây là cuộc đấu tranh mở đầu cho giai đoạn đấu tranh có tổ chức tiến dần đến đấu tranh tự giác và mang tính chất quốc tế sâu sắc. Trong những năm 1926, 1927,1929, các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân nổ ra ngày càng nhiều.
Sau khi Đảng Cộng sản ra đời năm 1930, giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập-tự do-dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội. Ngày 1/5/1930 Đảng đã lãnh đạo và tổ chức cuộc biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động tại Vinh, Bến Thủy và các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương (Nghệ An). Từ sau năm 1930 cứ đến ngày 1/5, những cuộc đấu tranh lớn của giai cấp công nhân lại liên tiếp nổ ra ở các nhà máy, đồn điền, hầm mỏ trong cả nước. Năm 1936, do thắng lợi của mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Đặc biệt, ngày 1/5/1938, một cuộc biểu tình lớn gồm hàng chục nghìn người diễn ra ở khu Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị) với sự tham gia của 25 ngành, giới. Đây là cuộc mít tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ (1936-1939), một cuộc biểu dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động do Đảng lãnh đạo. Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 29/4/1946 Hồ Chủ Tịch đã ký sắc lệnh quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5. Ngày 1/5/1946 kỷ niệm ngày Quốc tế lao động ở nước ta đầu tiên dưới chính thể cộng hòa dân chủ được tổ chức trọng thể tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 20 vạn công nhân và đồng bào lao động Thủ đô.
Ngày Quốc tế Lao động đã trở thành ngày hội lớn. Là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động của nước ta, đồng thời nó cũng trở thành ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Ngày hội đấu tranh đòi quyền sống tự do, bình đẳng, chống bóc lột, chống lại chế độ thống trị tư bản chủ nghĩa. Nó đã đi vào lịch sử nhân loại, lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới vì một tương lai hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Từ năm 1976 trở lại đây, ngày lễ 1/5 cùng dịp với ngày Lễ chiến thắng 30/4 trở thành dịp đại lễ của toàn dân tộc, lễ hội được tổ chức tưng bừng trên toàn đất nước Việt Nam.
Yên Yên