Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Năm, 13/05/2021, 14:20

Kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ đến thăm lớp huấn luyện Đảng viên mới (14/5/1966 - 14/5/2021)

Năm 1966, Mỹ tăng cường chiến tranh xâm lược ở miền Nam, và đẩy mạnh chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Để tăng cường sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng, Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, công tác giáo dục đảng viên. Hồ Chủ tịch giao cho Ban tuyên giáo trung ương trách nhiệm nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận, chính trị cho cán bộ, đảng viên. Thi hành chỉ thị của Bác, Ban tuyên giáo trung ương đã đề nghị với thành ủy Hà Nội tổ chức 2 lớp học. Bác dã duyệt kế hoạch mở lớp, chương trình học tập và danh sách giảng viên. Trong đó, Bác Hồ và các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Trân, Hoàng Quốc Việt đến giảng cho lớp thứ nhất; lớp thứ hai do Trường Chinh, Hoàng Anh, Tố Hữu chịu trách nhiệm giảng dạy.

Trong buổi khai giảng lớp học tại trường Chu Văn An ngày 14/5/1966, Bác đã đến thăm và trực tiếp nói chuyện với học viên. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng đối với việc giáo dục, rèn luyện đảng viên, góp phần tăng cường công tác xây dựng Đảng. Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngắn gọn, súc tích, có nội dung lý luận và tính tư tưởng cao. Không những bổ ích cho lớp học mà còn bổ ích cho toàn thể cán bộ, đảng viên.

Trước tiên, Bác đề cập đến vấn đề cơ bản, đầu tiên của bất cứ người đảng viên nào, đó là vấn đề động cơ vào Đảng và ý tưởng phấn đấu của người đảng viên. Bác nói: “Vì sao chúng ta vào Đảng? Phải chăng để thăng quan, phát tài? Không phải!... Chúng ta vào Đảng là để hết lòng, hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, làm trọn nhiệm vụ của người đảng viên”. Sau đó, Bác đề cập những nội dung lớn trong chương trình học tập, đó là “chủ nghĩa cộng sản là mục đích cuối cùng của Đảng ta”; đường lối cơ bản của Đảng và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam; Tổ chức cơ sở Đảng và vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và phương pháp công tác của người đảng viên. Về lý tưởng của người đảng viên Bác dạy: “Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là: Suốt đời làm cách mạng, phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới... phải đem hết tinh thần và nghị lực phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp Cách mạng hoàn toàn thắng lợi”. Bác phân tích cặn kẽ nhiệm vụ của đảng viên, là phải học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối chính sách của Đảng, học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng và năng lực công tác của mình.

Bác căn dặn đảng viên phải thực hiện lời dạy của Lênin là học, học nữa, học mãi. Học tập lý luận là rất quan trọng. Nhưng học tập lý luận chưa đủ, còn phải học đường lối chính sách của Đảng. Đối với đảng viên mới, còn phải học để hiểu tổ chức cơ sở Đảng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương pháp công tác của người đảng viên. Vì mỗi đảng viên đều phải hoạt động trong một tổ chức cơ sở Đảng, cho nên phải hiểu vai trò và nhiệm vụ của chi bộ, hiểu rõ nhiệm vụ và quyền hạn của đảng viên để góp phần vào việc xây dựng chi bộ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình đối với Đảng. Bác căn dặn đảng viên, muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng. Học phải đi đôi với hành, chứ không phải học để nói suông. Lý luận liên hệ với thực tế. Theo quan điểm của Bác, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập chân lý phổ biến để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để xử trí mọi việc, chứ không phải học thuộc lòng để khi gặp việc thực tế thì xử trí máy móc, lúng túng.

Cuối cùng, Bác căn dặn Ban tuyên giáo Trung ương, các cấp ủy Đảng và tất cả đảng viên, tùy theo chức năng và nhiệm vụ của mình mà có kế hoạch tăng cường việc giáo dục học tập, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng, Bác nói: “Ban Tuyên giáo Trung ương cần căn cứ vào trình độ khác nhau của đảng viên mà soạn ra các chương trình học tập, bảo đảm cho đảng viên ở cơ sở có thể thường xuyên học tập. Các cấp ủy phải quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đảng viên. Từ nay trở đi công tác giáo dục đảng viên phải là một điều quan trọng trong chương trình công tác của cấp ủy. Phải bồi dưỡng giảng viên lý luận cho các chi bộ. Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận và chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của mình”.

Kỷ niệm 55 năm ngày Bác đến thăm và nói chuyện với lớp huấn luyện đảng viên mới là dịp để chúng ta nghiên cứu, học tập, liên hệ và rút ra những bài học bổ ích.  Bài nói chuyện của Bác năm 1966 là bài học về xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. 55 năm qua, trong các thời điểm, hoàn cảnh của cách mạng, nhất là thời kỳ đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn chăm lo đến công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Qua đó đã góp phần quan trọng làm cho Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng và nền tảng tinh thần của xã hội; nâng cao tính tự giác chính trị của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, kiên định và quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, đường lối, cương lĩnh chính trị của Đảng.

Ngày nay, đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thắng lợi của sự nghiệp này gắn liền với trách nhiệm lãnh đạo và hoạt động của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định tạo nên những thành tựu đổi mới to lớn hơn. Theo đó chúng ta phải tiếp tục thực hiện đúng đắn những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của Đảng là sự nghiệp vĩ đại lâu dài phải do nhiều thế hệ chiến sĩ cộng sản tham gia gánh vác. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu chỉ có thể có trên cơ sở số lượng, chất lượng đội ngũ đảng viên tương ứng. Do đó, Đảng phải thường xuyên làm tốt công tác phát triển đảng. Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức nhằm xây dựng đường lối chính trị, xây dựng và phát triển hệ tư tưởng chính trị, củng cố lập trường chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị, xây dựng tổ chức đoàn kết, thống nhất chặt chẽ. Xây dựng Đảng về đạo đức để mỗi cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, giáo dục và tu dưỡng tốt hơn, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó, đặc biệt là giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng. Đảng hoạt động trên nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; kỷ luật nghiêm minh, tự giác; đoàn kết thống nhất trong Ðảng.                                       

                                                                                                                       

Yên Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 253 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày