Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 28/10/2015, 08:55

LÂM TRUNG TRẠI – NHỮNG ANH HÙNG NGHĨA SĨ ĐẤT ĐỒNG NAI

Nhớ thuở ông cha, đời chật hẹp

Ba trăm năm trước, đến miền Đông

Hiên ngang hồn nước, thanh gươm thép

Vang động trời Nam, tiếng trống đồng.

Vùng đất được nói đến trong bài thơ chính là vùng đấtmiền Đông gian lao mà anh dũng với tên gọi thân thương: “Đồng Nai”. Hai tiếng Đồng Nai đã in sâu vào tiềm thức trong lòng mọi người dân sống ở nơi đây, đã để lại những tiếng vang vang đầy tự hào của quân và dân anh hùng cùng đánh đuổi nhng bè lũ cướp nước, khắc sâu vào tâm trí của kẻ thù một nỗi sợ hãi và đầy thán phục khi những con người nhỏ bé đã làm nên lịch sử. Đồng Nai, một vùng đất mênh mông, trù phú, giàu tiềm năng kinh tế, thiên nhiên tươi đẹp, trữ tình. Nơi mà hơn 300 trước, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào kinh lý, xây dựng và ổn định bộ máy quản lý hành chính, chính thức đưa xứ Đồng Nai vào bản đồ nước Việt.

Trong tiến trình lịch sử, trên vùng đất này, ông cha ta đã lao động, đấu tranh với thiên nhiên, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh để biến rừng thiêng nước độc thành đồng ruộng phì nhiêu, xóm làng trù phú. Khi thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược nước ta vào năm 1858, quân và dân Đồng Nai đã hăng hái, dốc hết nhân tài, vật lực lập nên nhiều chiến công vang dội, hiển hách góp phần vào cuộc kháng chiến giành thắng lợi chung của toàn dân tộc. Một trong những sự kiện nổi bật của địa phương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã gây tiếng vang lớn tại Biên Hòa – Đồng Nai có thể nói đến đó là tổ chức Lâm Trung Trại trong việc tổ chức nhân dân đứng lên đấu tranh chống bọn thực dân Pháp đô hộ.

Theo truyền miệng, vào năm 1918, một lều am tranh được dân chúng trong xóm dựng lên tại gốc cây đa lớn nơi đầu Dốc sỏi để thờ phật và cầu siêu cho các oan hồn uổng tử, phảng phất trên vùng đất thiêng này. Sau đó được dời qua hướng Tây, cất lại thành một ngôi chùa bằng ngói vừa thờ Phật cũng vừa là để thờ phụng nhóm nghĩa sĩ anh hùng Lâm Trung Trại đã dũng cảm hy sinh. Ngôi chùa này do một tu sĩ trong thôn đến trụ trì đặt thiền hiệu là “Bửu Hưng Tự”, được nhóm anh chị em “Bồi bếp”, sở “Máy bay” đứng ra bảo trợ và gọi là chùa “CÔ HỒN”.

Nhưng theo tài liệu còn lưu giữ, vào năm 1861, Pháp đánh chiếm Biên Hòa và xây dựng chính quyền thuộc địa. Trước cảnh nước mất nhà tan, người dân Biên Hòa đã liên tục đứng dậy kháng chiến. Một tổ chức hội kín yêu nước với tên gọi là Lâm Trung trại được thành lập ở Biên Hòa vào đầu thế kỷ XX. Tác giả Lương Văn Lựu trong tác phẩm Biên Hòa lược sử đã viết: "Dân Biên Hòa cũng hưởng ứng phong trào chống Pháp của Thiên Địa hội. Rất nhiều các tay anh chị, hảo hán ở nông thôn, võ nghệ tinh thông, đầy lòng hào hiệp, không nặng tình cảm gia đình kết hợp nhau thành một đảng lấy hiệu danh riêng là Lâm Trung Trại". Mục đích của hội kín Lâm Trung trại là tập hợp nhân dân, xây dựng lực lượng để chống Pháp. Trại có căn cứ đóng tại xã Thiện Tân - Vĩnh Cửu, do nhiều nhân vật yêu nước, tinh thông võ nghệ như: Tư Hy, Tư Hổ, Ba Hầu, Hai Lực, Ba Vạn, Bảy Đen... tổ chức, ngày đêm luyện tập võ nghệ, trang bị vũ khí để mưu cầu đại sự cho quê hương.

Lâm Trung Trại chọn núi Gò Mọi thuộc xã Đại An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), nơi có địa hình hiểm trở, dễ thủ khó công làm căn cứ. Hơn thế, sinh sống tại Gò Mọi chỉ toàn những dân tộc thiểu số nên giặc Pháp không để ý. Đây được coi là một căn cứ lí tưởng. Về  công có thể dùng thủy binh theo ngọn Rạch Đông ra Biên Hòa, thủ có thể dựa vào rừng núi theo thế ỷ dốc.

Ban đầu sáng lập Lâm Trung Trại có 18 vị được người dân xưng tụng là "anh hùng" gồm: Năm Hi, Ba Hổ, Ba Hầu, Hai Lựu, Bảy Đen, Sáu Huyền, Ba Vạn, Hai Danh, Bảy Phát, Tám Tâm, Hai Mạnh, Ba Thứ, Năm Thanh, Ba Nghi, Tư Rùa, Hai Sở, Mười Lợi, Hai Cầm. Với tài võ nghệ, văn chương hơn đời, lại giỏi về thuật số, chiêm tinh nên ông Năm Hi được chọn làm lãnh đạo trại, dưới trướng là gồm 9 thành viên.

Được tôn vinh là những anh hùng, hào kiệt, mang trên vai trọng trách cứu nước, tổ chức Lâm Trung Trại được người dân nhiệt tình ủng hộ. Không bao lâu sau, số thành viên trong trại nhanh chóng tăng vọt. Số người về tụ nghĩa không ngừng nhân rộng.

Tháng 2-1916, sau một thời gian chuẩn bị, trại tổ chức trận tấn công vào các công sở của quân Pháp. Do vũ khí thô sơ, lực lượng không nhiều nên trại đã không thành công trong đợt đột kích tấn công. Sau sự kiện này, quân Pháp tổ chức truy lùng và tìm  cách bắt các vị chỉ huy của Lâm Trung trại. Chúng dùng nhiều thủ đoạn như bắt người thân của các vị chỉ huy và dựa vào bọn tay sai chỉ điểm, nên đã bắt được nhiều trại viên Lâm Trung.

Tháng 6-1916, thực dân Pháp xử bắn 9 người lãnh đạo trại Lâm Trung gồm: Năm Hi, Ba Hầu, Hai Lựu, Hai Sở, Lào Lẹt, Bảy Phát, Bếp Đầy, Mười Tiết, Mười Sót tại địa điểm Dốc Sỏi (xóm Bình Thành) trước sự chứng kiến của nhân dân địa phương. Đối diện với quân thù, nhiều trại viên đã hiên ngang đón nhận cái chết mà không hề sợ hãi khiến nhiều người dân khâm phục. Trước khi bị hành xử, các tử tội vẫn bình thản, không lộ vẻ hối tiếc, khiếp hãi. Ông Ba Hầu hùng dũng nói to: "Ta sinh ra làm tướng, chết làm thần. Bà con ở lại mạnh giỏi". Tiếp sau đó, Hai Sở hiên ngang thách thức: "Cứ bắn ta đi. Sở này không sợ đâu. Cái chết, ta thị như quy tân gia (xem như được về nhà mới)". Và chính giây phút ấy đã đi vào lịch sử Biên Hòa khi tinh thần, khí tiết hùng dũng của những bậc anh hùng đã hòa vào hồn thiêng của xứ này và được lưu truyền mãi mãi.

Quân Pháp xử bắn và chôn 9 trại viên chung trong một nấm mồ gần nơi hành hình. Cảm khái trước lòng yêu nước của các nghĩa sĩ Lâm Trung trại, nhân dân địa phương xây ngôi miếu thờ ở ngã ba Dốc Sỏi. Đến năm 1920, nhân dân địa phương góp tiền của, công sức xây dựng ngôi miếu thành ngôi chùa chuyển về tại khu đồi cao, chính là nơi chùa Bửu Hưng tọa lạc hiện nay

Di tích chùa Cô Hồn là nơi thể hiện sự hòa quyện tốt đẹp giữa đạo và đời, vừa giữ gìn Phật pháp, vừa ghi nhớ công lao những người xả thân vì nước. Đồng thời, đây là một địa điểm gắn chặt với sự kiện quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Biên Hòa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc vào mùa thu Cách mạng tháng Tám 1945.

Chùa Cô Hồn (Bửu Hưng tự) đã được UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng di tích cách mạng theo Quyết định số 62/QĐ.UBT ngày 16/2/1979.

Từ khi bắt đầu được thành lập, có thể nói Lâm Trung trại là "Lò luyện" tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, chính nghĩa của những anh hùng hào kiệt và tinh thông võ nghệ với mục đích thoát khỏi xiềng xích nô lệ, Lâm Trung Trại từng được người dân xứ Biên Hòa xưa xem như Lương Sơn Bạc của đất Đồng Nai. Dẫu đấu tranh một cách tự giác, tự phát bằng những trang bị thô sơ, Lâm Trung Trại được xem là nơi vực dậy tinh thần quật cường, kiên quyết đấu tranh đòi quyền tự do của người dân Đồng Nai trong những ngày đầu kháng Pháp.

 

Như Quỳnh

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1383 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày