Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 14/05/2021, 10:15

Lịch sử đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2021)

Tháng 6 năm 1923, vừa đặt chân đến nước Nga Xô Viết, dự đại hội Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã đi thăm nhiều nơi để tìm hiểu về xã hội Liên Xô trong đó Người rất chú ý đến thiếu niên, nhi đồng. Năm 1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập, Nguyễn Ái Quốc đã cử cán bộ về nước và chọn được 8 em Việt kiều ở Xiêm (nay là Thái Lan) đưa sang Quảng Châu để bồi dưỡng thành hạt nhân của Đoàn thanh niên sau này. Tám thiếu niên ấy, người ít tuổi nhất là 12, nhiều tuổi nhất là 15. Để giữ bí mật, tất cả đều lấy họ Lý, theo đó Bác Hồ lúc này lấy tên và họ mới là Lý Thụy, hoặc gọi bí danh là đồng chí Vương. Tám thiếu niên họ Lý gồm: Lý Tự Trọng (Lê Văn Trọng); Lý Văn Minh (Đinh Chương Long); Lý Thúc Chất (Vương thúc Thoại); Lý Anh Tợ (Hoàng Tự); Lý Nam Thanh (Nguyễn Sinh Thản); Lý Trí Thông (Ngô Trí Thông); Lý Phương Đức (Ngô Hậu Đức); Lý Phương Thuận (Nguyễn Thị Tích). Từ giữa năm 1925 cho đến giữa năm 1926, tám thiếu niên này được Bác tổ chức thành một lớp học riêng vừa để tiếp tục nâng cao trình độ văn hóa vừa học chính trị theo một chương trình phù hợp.

Ngày 22/7/1926, từ Quảng Châu, Nguyễn Ái quốc đã viết thư gửi Ủy ban Trung ương Đội Thiếu niên Tiền phong Lênin đề nghị tiếp nhận một số thiếu niên Việt Nam sang học và được đáp ứng nồng nhiệt. Tuy nhiên, do tình hình chính trị Quảng Châu diễn biến phức tạp nên chủ trương gửi các thiếu niên Việt Nam sang Liên Xô học tập không thực hiện được. Phái phản động trong Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch cầm đầu đã thi hành chính sách đàn áp, khủng bố những người cộng sản Trung Quốc và Việt Nam. Trước tình hình hết sức khó khăn, tám đoàn viên theo hướng dẫn của các Đảng viên đã tùy hoàn cảnh, điều kiện thực hiện nhiệm vụ cách mạng của mình. Một số về nước như Lý Tự Trọng và Lý Phương Thuận. Một số di chuyển về nông thôn hoặc vào các nhà máy tham gia công tác vận động quần chúng trên đất nước bạn. Một số tìm đường sang Liên Xô tiếp tục học tập theo chủ trương của Bác Hồ. Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất, Lý Anh Tợ cùng các đồng chí Việt Nam khác tình nguyện tham gia Sư đoàn quốc tế bảo vệ Liên Xô. Đó là ba trong số tám thiếu niên hiếm hoi từ bước đầu do Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, đã trở thành cán bộ, chiến sỹ chiến đấu ngoan cường vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Cả ba đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại trên quê hương V.I. Lênin vĩ đại tại trận địa phía Nam Matxcơva. Nhà nước Liên Xô đã tặng thưởng ba đồng chí huân chương cao quý: Huân chương Vệ quốc hạng nhất.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đảm đương sứ mệnh cao cả lãnh đạo giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân ta đấu tranh giành giải phóng dân tộc và giai cấp. Từ đó phong trào thanh thiếu niên nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tổ chức Đội từng bước được hình thành. Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1930, cả nước nổ ra nhiều cuộc đấu tranh lớn và tiêu biểu là phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Các chi bộ Đảng ở hai tỉnh này đã tập hợp được 513 đội viên thiếu niên cách mạng. Đến thời kỳ 1936-1939, thực hiện chủ trương chuyển hướng hoạt động của Đảng, Đoàn Thanh niên Dân chủ đã tổ chức nhiều lớp học chữ Quốc ngữ cho thiếu nhi qua đó tập hợp thiếu nhi vào các hình thức tổ chức văn hóa, văn nghệ như các đội kịch, đội ca nhạc, đội bóng…

Trước sức mạnh đấu tranh của các tầng lớp nhân dân theo lệnh chính phủ Pháp, toàn quyền Đông Dương đã phải ra một nghị định nêu rõ kể từ ngày 1/11/1936 “Cấm bắt đàn bà,trẻ em làm việc ban đêm”. Vào thời gian này ở một số tỉnh như ở Hà Đông, Nam Định, Hải Phòng…nhiều tổ chức Hồng nhi đoàn được thành lập, nhiều hội viên hoạt động rất hăng hái trong các đội kịch, đội múa, hoặc các ban đồng ca do tổ chức Đoàn Thanh niên Dân chủ hướng dẫn.

Tháng 1 năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước ở vùng Pác Bó (Cao Bằng) để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Đây là một sự kiện hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển của cách mạng nước ta. Tháng 5/1941, Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản triệu tập và chủ trì. Hội nghị chủ trương tổ chức ra các đoàn thể cứu quốc và thành lập Việt Nam độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Vào dịp này, Bác Hồ đã viết bài “kêu gọi thiếu nhi” thể hiện tình cảm yêu thương của Người với thiếu nhi và giao cho Đức Thanh (Đàm Minh Viễn) nhiệm vụ tổ chức Hội Nhi đồng cứu quốc, Đức Thanh là người phụ trách đầu tiên của Đội và là người trực tiếp soạn thảo Điều lệ Hội Nhi đồng cứu quốc. Đức Thanh tuyên truyền, giác ngộ được một số thanh niên trong vùng và bồi dưỡng trở thành đoàn viên rồi giao nhiệm vụ cho các đoàn viên tìm các thanh niên dũng cảm, tin cậy để tổ chức vào Hội Nhi đồng cứu quốc.

Ngày 15/5/1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Hội Nhi đồng cứu quốc được thành lập. Đây chính là tiền thân của Đội TNTPHCM ngày nay. Sau khi thành lập, Hội Nhi đồng cứu quốc được gia nhập Mặt trận Việt Minh. Một thời gian ngắn, cả Nà Mạ, Hà Quảng và tỉnh Cao Bằng, số lượng đội viên tham gia đã lên đến hàng trăm. Từ năm đội viên đầu tiên năm 1941, đến trước cách mạng tháng Tám, tổ chức Đội đã được xây dựng rộng khắp trong cả nước.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, từ ngày thành lập đến nay, đội Thiếu Niên tiền phong Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều phong trào hoạt động sôi nổi, thu hút nhiều thiếu nhi tham gia góp phần xây dựng tổ chức Đội ngày càng vững mạnh. Đồng thời góp phần không nhỏ vào việc giáo dục thiếu niên, nhi đồng hôm nay tiếp nối truyền thống  yêu nước của các bậc cha anh, phấn đấu học tập không ngừng để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp hơn. Thế hệ trẻ hôm nay chính là tương lai của đất nước mai sau.

 

Yên Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 271 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày