Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm đặc biệt ân cần, trìu mến cho các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam, trước lúc đi xa, Người đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thanh niên và nhi đồng, Bác nói: “Mai sau, các cháu sẽ là người chủ của nước nhà” cho nên cần phải sớm rèn luyện đạo đức cách mạng cho thiếu nhi. Vì thế, những lời dạy và bức thư, bài viết của Người dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng được xem như một trong những di sản vô giá của dân tộc và thế hệ trẻ nước ta.
Suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng Bác Hồ đã dành tình thương yêu và sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em: “Ai yêu Nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh…” Tình yêu của Bác Hồ dành cho thiếu niên không bao giờ ngơi nghỉ, là tình cảm yêu thương vô bờ bến không có gì đong đếm được. Tình thương đó bắt nguồn từ lý tưởng: Suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Sự quan tâm đặc biệt của Người dành cho trẻ em còn bắt nguồn từ tầm nhìn xa trong chiến lược con người:
“Vì lợi ích trăm năm ta phải trồng cây
Vì lợi ích trăm năm ta phải trồng người”
Năm 1926, khi còn hoạt động bí mật, Bác Hồ đã cho đưa tám thiếu niên Việt Nam ra nước ngoài học tập. Trong số đó có Lý Tự Trọng, Người thanh niên cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Tháng 10-1930 Đảng Cộng sản Đông Dương ra nghị quyết giao cho Đoàn thanh niên Cộng sản Đông Dương (nay là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) phụ trách các nhóm “Đồng tử Quân” “Hồng nhi đội” (Tổ chức tiền thân của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh).
Ngày 15-5-1941, Đảng giao cho đoàn chính thức thành lập Đội thiếu niên Tiền phong và Hội nhi đồng Cứu vong tại vùng Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng. Đội đầu tiên do anh Đức Thanh phụ trách và Kim Đồng làm đội trưởng. Đội nhi đồng cứu vong sau đổi là Đội Nhi đồng Cứu quốc. Sau cách mạng Tháng Tám, hai tổ chức này của đội hoạt động rất sôi nổi.
Ngày khai trường (9-1945) Bác lại có thư gửi các cháu học sinh. Từ đó trở đi, dù ở căn cứ kháng chiến trong núi rừng Việt Bắc cũng như khi đã về Hà Nội, hàng năm Bác đều có thư gửi cho các cháu thiếu niên nhi đồng vào dịp Tết Trung thu hoặc ngày khai trường. “… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…”
Đến giữa năm 1946 Đội Thiếu niên Tiền phong và Hội Nhi đồng Cứu quốc sát nhập Thành đội thiếu nhi Cứu quốc.
Tháng 3-1951 Đội Thiếu nhi Cứu quốc đổi tên thành Đội Thiếu nhi Tháng Tám, đội viên được mang khăn quàng đỏ.
Ngày 4-11-1956 tại Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc lần thứ hai, Đội Thiếu nhi Tháng Tám đổi tên thành đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam.
Ngày 15-5-1959, nhân kỷ niệm lần thứ 18 ngày thành lập Đội. Bác Tôn thay mặt Bác Hồ và BCH Trung ương Đảng trao cho đội lá cờ thêu dòng chữ: “Vì sự nghiệp CHXH và thống nhất Tổ quốc, sẵn sàng!”
Ngày 15-5-1961, nhân kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Đội, Bác Hồ dạy thiếu nhi 5 điều:
“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn thật thà dũng cảm”
5 điều Bác Hồ dạy từ đó đã trở thành niềm tin, sức mạnh, niềm vui, phương hướng cho mọi hoạt động của Đội. Những điển hình tốt, những gương mặt tiêu biểu, những việc làm mang nếp sống của người lao động mới xuất hiện và tươi nở rực rỡ như hoa mùa xuân. Nhiều tập thể, cá nhân tham gia công tác Đội xuất sắc.
Ngày 15-5-1966 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ngày càng quyết liệt, kỷ niệm lần thứ 25 ngày thành lập Đội, Bác Tôn thay mặt Bác Hồ và BCH Trung ương Đảng, trao cho Đội lá cờ theo dòng chữ:
Vâng lời Bác Hồ dạy
Làm nghìn việc tốt
Chống Mỹ cứu nước
Thiếu niên sẵn sàng.
Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Bác Hồ vĩnh viễn ra đi, để lại cho thiếu niên nhi đồng cả nước “muôn vàn tình thương yêu”. Trung ương Đoàn thay mặt tuổi trẻ cả nước đề nghị Trung ương Đảng cho Đoàn, Đội được mang tên Bác.
Ngày 30-1-1970, thể theo nguyện vọng của thanh thiếu niên và nhi đồng cả nước, BCH Trung ương Đảng quyết định cho Đoàn và Đội được mang tên Bác Hồ vĩ đại, và ngày 16-3-1970 đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng đã trao lá cờ có thêu chân dung Bác Hồ cho Đội.
Được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhận trách nhiệm trước Đảng chăm sóc giáo dục và rèn luyện, Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh gồm lớp lớp đội viên đã nối tiếp trưởng thành, góp sức nhỏ bé của mình trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trong hai cuộc kháng chiến dành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Những tấm gương thiếu niên anh hùng như: Kim Đồng, Lê Văn Tám, Vừ A Dính, Võ Thị Sáu, Phạm Ngọc Đa, Kơ Fa Kơ Lơng, Nguyễn Bá Ngọc, Hồ Văn Mên, Đoàn Văn Luyện…mãi mãi sáng chói cho thế hệ thiếu niên Việt Nam noi theo.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, trong những năm qua, truyền thống vẻ vang của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ngày càng phát triển và trở thành một bộ phận không thể tách rời trong lịch sử của Đảng, của Đoàn Thanh niên và dân tộc. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, 5 điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng vẫn là bài học thuộc lòng quý giá để mỗi em ghi nhớ, tích cực rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, ra sức phấn đấu học tập, hăng hái thi đua tham gia các phong trào “Thiếu nhi làm nghìn việc tốt” và cuộc vận động “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”….đóng góp công sức nhỏ bé vào sự nghiệp dựng xây, phát triển đất nước.
Với những cống hiến của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội (15/5/1941 - 15/5/2021), cũng là dịp để các em Thiếu niên Việt Nam ra sức phấn đấu học tập, để trở thành những người con ngoan, trò giỏi, đội viên gương mẫu, kế tiếp xứng đáng với lớp cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mai sau.
Mai Mai