Tháng 5 năm 1941, trước những thay đổi mạnh mẽ của tình hình trong nước và những biến động to lớn trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng ở Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng - khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam.
Tháng 2 năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Pác Pó (Cao Bằng). Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Người, các cán bộ tỉnh Cao Bằng với 40 đồng chí vừa được đào tạo là nòng cốt, đã nhanh chóng xây dựng được những tổ “Cứu quốc” ở các địa phương. Chỉ trong 3 tháng (từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1941) ở 2 huyện Hòa An và Hà Quảng đã có những tổng, xã có cơ sở Việt Minh. Cuối tháng 4, Hội nghị tỉnh Cao Bằng dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Vũ Anh đã khẳng định kết quả bước đầu của công tác xây dựng thí điểm các đoàn thể “Cứu quốc” mở đầu bằng lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh. Kết quả đó chứng minh chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là hoàn toàn đúng đắn.
Từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, Hội nghị Trung ương 8 họp tại Khuối Nậm - Pác Pó - Hà Quảng (Cao Bằng) dưới sự chủ tọa của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã phân tích tình hình thế giới, trong nước, hoàn chỉnh sự chuyển hướng chiến lược của 2 hội nghị trước, đề ra chủ trương và chính sách cụ thể nhằm giương cao hơn nữa ngọn cờ giải phóng dân tộc, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào cách mạng để giành độc lập, tự do. Theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hội nghị quyết định Mặt trận Dân tộc Thống nhất chống phát xít Pháp - Nhật từ nay lấy tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh.
Hội nghị quyết định lấy ngày 19-5, ngày hội nghị bế mạc, làm Ngày thành lập Mặt trận Việt Minh. Nghị quyết của Hội nghị có một phần quan trọng là giới thiệu những nội dung chủ yếu của Chương trình Việt Minh. Ngày 25 tháng 10 năm 1941, Tổng bộ Việt Minh đã: thể hóa chương trình đó để phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Theo chương trình này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã soạn thành một bài diễn ca dài theo thể song thất lục bát được Bộ Tuyên truyền Việt Minh xuất bản và giới thiệu rộng rãi. Mặt trận Việt Minh tuyên bố rõ ràng chủ trương cứu nước của mình nhằm thực hiện hai điều:
- Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập
- Làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do.
Điều lệ của Mặt trận Việt Minh ghi rõ: liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước. Kết nạp từng đoàn thể, không cứ đảng phái, đoàn thể nào của người Việt Nam hay của các dân tộc thiểu số sống trong nước Việt Nam, không phân biệt giai cấp, tôn giáo và xu hướng chính trị, để cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập.
Khẩu hiệu của Việt Minh, với tinh thần phản Pháp, kháng Nhật, liên Hoa, độc lập, Việt Minh lấy làng, đường phố, nhà máy làm cơ sở tổ chức và thu hút các đoàn thể tham gia đánh Pháp, đuổi Nhật; với tên gọi (Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc, v.v...), trong đó, có khẩu hiệu: “Kêu gọi đồng bào gia nhập Việt Minh và đoàn kết đánh đuổi Nhật - Pháp” nổi tiếng: “Đồng Bào! Dịp tốt sắp đến! Mau đoàn kết lại! Gia nhập Việt - Minh! Việt Nam độc lập đồng minh, đánh đuổi Nhật Pháp! tiêu trừ Việt gian! Việt - Nam độc lập! Việt Minh”, đã thu hút mọi giai tầng, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị, giai cấp tham gia Mặt trận với tinh thần yêu nước và đoàn kết, để chiến đấu giành độc lập cho xứ sở.
Sau khi đánh đổ đế quốc phát xít Pháp - Nhật sẽ lập nên chính phủ cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ theo tinh thần dân chủ mới. Chính phủ sẽ thực hiện chính sách tiến bộ trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội mà Mặt trận đã đề ra. Chính phủ sẽ thực hiện một chính sách làm cho tất cả các tầng lớp nhân dân đều được hưởng sự giúp đỡ cần thiết để xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với mục đích, chương trình rất thiết thực, hợp với nguyện vọng của nhân dân, đấu tranh cho quyền lợi của mọi tầng lớp nhân dân, nên Việt Minh được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh. Cán bộ Việt Minh lại đi sâu, đi sát quần chúng nên phong trào Việt Minh phát triển rất nhanh chóng, đưa phong trào cách mạng cả nước lên một bước mới.
Ở Cao Bằng, Việt Minh có hệ thống từ xã đến tỉnh. Đến cuối năm 1942, khắp 9 châu của Cao Bằng đều có hội Cứu quốc, trong đó có 3 châu hoàn toàn, nghĩa là mọi người đều gia nhập tổ chức Việt Minh, ủy ban Việt Minh Cao Bằng và ủy ban Việt Minh Cao-Bắc-Lạng lập ra 19 ban xung phong “Nam tiến” để liên lạc với căn cứ địa Bắc Sơn - Vũ Nhai và phát triển lực lượng cách mạng xuống các tỉnh miền xuôi. Trong khi chú trọng xây dựng lực lượng chính trị trong quần chúng cơ bản ở nông thôn và thành thị, Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn không coi nhẹ việc tranh thủ tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân khác như sinh viên, học sinh, trí thức, tư sản dân tộc vào mặt trận cứu nước. Năm 1943, Đảng đưa ra Đề cương Văn hóa Việt Nam, vận động thành lập Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam (cuối năm 1944) và Đảng Dân chủ Việt Nam đứng trong Mặt trận Việt Minh (6-1944). Đảng cũng chủ trương tăng cường công tác vận động binh lính người Việt trong quân đội Pháp và tranh thủ cả những ngoại kiều ở Đông Dương có tinh thần chống phát xít chủ yếu là người Pháp thuộc phái kháng chiến và Hoa kiều chống Nhật.
Báo chí của Đảng và của mặt trận Việt Minh (giải phóng, Cờ giải phóng, Chặt xiềng, Cứu quốc, Việt Nam độc lập, Kèn gọi lính, v.v..) phát triển rất phong phú đã góp phần rất quan trọng vào việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, đấu tranh chống mọi thủ đoạn chính trị, văn hóa của địch, thu hút đông đảo quần chúng vào hàng ngũ cách mạng.
Từ giữa năm 1944, tình hình nước ta và trên thế giới phát triển gấp rút, có lợi cho cách mạng. Hồng quân Liên Xô liên tiếp giành nhiều thắng lợi to lớn, quan trọng, phản công quân Đức trên nhiều mặt trận và đẩy lùi chúng ra khỏi biên giới, Chủ nghĩa phát xít đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, ở Pháp, chính phủ Pê-tanh thân Đức đổ. Quân Nhật thua đậm ở Thái Bình Dương. Ngày 7-5-1944 Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị sửa soạn tổng khởi nghĩa.
Ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh phát động ráo riết cao trào “Kháng Nhật cứu nước”. Ngày 4 tháng 6 năm 1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố thành lập Khu Giải phóng Việt Bắc bao gồm 6 tỉnh với Thủ đô Tân Trào lịch sử. Đây là mảnh đất tự do đầu tiên của hơn 1 triệu đồng bào, là hình ảnh thu nhỏ của một nước Việt Nam mới. Ở miền xuôi, Mặt trận Việt Minh đi đầu trong phong trào phá kho thóc, giải quyết nạn đói, tiến hành khởi nghĩa tầng phần. Một bầu không khí sôi động và hào hứng đang lan tràn cả nước, báo trước giờ hành động sắp tới. Sau khi nghe tin chính phủ Nhật xin đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện, ngày 18-3-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định chớp lấy thời cơ hàng năm có một, phát động khởi nghĩa cả nước, giành chính quyền về tay nhân dân.
Ngày 16-8-1945 Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào gồm 60 vị đại biểu cho ba xứ thuộc đủ các giới, các đoàn thể, các dân tộc, tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của toàn dân. Đại hội đã thông qua mệnh lệnh khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh, Mười chính sách lớn của Việt Minh, lập ra Ủy ban dân tộc Giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời sau này) do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Chiều ngày 16-8, theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, một đội quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ Tân Trào về giải phóng thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Và chưa đầy 10 ngày sau, Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi hoàn toàn trên phạm vi cả nước. Sau Cách mạng Tháng Tám, Mặt trận Việt Minh vẫn có vị trí rất to lớn trong công cuộc vận động kháng chiến và kiến quốc. Tháng 5 năm 1946, để mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết, Đảng ta chủ trương lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) bao gồm Việt Minh và các cá nhân tổ chức không phải Việt Minh.
Mặt trận Việt Minh đã hoàn thành xuất sắc vai trò lịch sử của mình mà dấu ấn tốt đẹp của nó mãi mãi không phai mờ trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập của dân tộc ta.
Hôm nay nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Mặt trận Việt Minh cũng là dịp để nhân dân ta nhớ lại một thời kỳ hào hùng của dân tộc, ôn lại bài học muôn thuở cho mỗi người cộng sản Việt Nam và mọi người con dân đất Việt yêu nước thương nòi đoàn kết một lòng thì dù khó khăn đến đâu cách mạng cũng vượt qua. Hơn lúc nào hết, bài học về phát huy sức mạnh quần chúng của Đảng qua mặt trận Việt Minh đã tiếp tục phát huy giá trị, để không chỉ khơi dậy sức lực, trí tuệ, tiềm năng của toàn dân, mà còn góp phần tạo nên những phong trào cách mạng sinh động, phong phú mang âm hưởng của thời đại “đổi mới và hội nhập”.
Mai Mai