Trải qua biết bao biến động, thăng trầm trong công cuộc dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã lao động cần cù, sáng tạo, xây dựng nên non sông gấm vóc Việt Nam, chiến đấu anh dũng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc chủ quyền, độc lập và thống nhất Tổ quốc. Bên cạnh những cuộc kháng chiến chống giặc xâm lược và chủ động tấn công, là những cuộc khởi nghĩa, cuộc bạo động… để đấu tranh giành lại non sông. Đặc biệt, còn có những cuộc vận động khởi nghĩa không đi tới đích, kế hoạch dang dở bất thành, nhưng giá trị để lại cho dân tộc Việt Nam chính là hào khí lẫm liệt của những người tụ nghĩa. Đó chính là cuộc vận động khởi nghĩa ở Trung Kỳ tháng 5 năm 1916. Mặc dù chưa bùng nổ trong thực tế và chưa đạt được kết quả như mong muốn, nhưng những hoạt động liên tục tính từ cuộc họp mặt các nhà yêu nước Trung kỳ tại Đà Nẵng (tháng 3/1914) cho đến khi bị thực dân Pháp đàn áp (tháng 5/1916) đã làm chấn động bộ máy cai trị thực dân ở thuộc địa.
Trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chính sách vơ vét sức người sức của từ thuộc địa đưa sang chiến trường châu Âu đã làm cho mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp ngày càng sâu sắc. Lực lượng dân tộc ở Việt Nam trong phong trào đấu tranh chống thực dân và tai sai lúc này như tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội, Hội kín Nam Kỳ… đã nhanh chóng phục hồi và phát triển, chuẩn bị cho những kế hoạch hành động. Việt Nam Quang Phục Hội là tổ chức yêu nước được thành lập từ giữa năm 1912 do ảnh hưởng của Cách mạng Tân Hợi theo chủ xướng của lãnh tụ Phan Bội Châu và những người yêu nước theo xu hướng bạo động chống Pháp. Trước khi chiến tranh thế giới nổ ra, Việt Nam Quang Phục Hội đã phát triển nhanh hội viên ở cả trong và ngoài nước, bao gồm nhiều thành phần tham gia. Đặc biệt, ngoài các sĩ phu yêu nước và các nghĩa quân, còn có cả một bộ phận những binh sĩ Việt Nam yêu nước trong quân đội Pháp.
Thành phần lực lượng tham gia cuộc vận động gồm nhiều bộ phận: Vua, quan lại, các chỉ huy quân sự của triều đình nhà Nguyễn; sĩ phu và nghĩa sĩ từng tham gia phong trào vũ trang Cần Vương thế kỷ XIX; những cựu tù chính trị từ Côn Đảo từng tham gia phong trào Duy Tân; những thành viên trong Việt Nam Quang Phục Hội. Ngoài ra, lực lượng khởi nghĩa còn quy tụ được nhiều binh lính triều đình với binh lính thuộc Pháp như lính khố đỏ, khố xanh, liên kết giữa sĩ phu Hán học với những trí thức tân học, một lực lượng quần chúng rộng rãi cũng được vận động, tổ chức và sẵn sàng nổi dậy cùng binh lính vũ trang.
Người được nói tới đầu tiên trong vai trò lãnh đạo cuộc mưu khởi là vua Duy Tân, người đã đi đến cuộc khởi nghĩa với ý chí quyết tâm ngay từ đầu. Vua đã chủ động lựa chọn phối hợp với lực lượng nghĩa quân. Sự xuất hiện của vua Duy Tân đã khích lệ tinh thần đấu tranh của nhiều nhân vật trong triều đình. Tiêu biểu là Đoàn Bổng, một thư lại bộ Hộ, là người phụ trách chung về lực lượng khởi nghĩa tại Huế. Nhiều chỉ huy binh lính người Việt cũng đã trở thành một phần của ban lãnh đạo khởi nghĩa. Trong đó có những người tiêu biểu như Phạm Thanh Chương (Phạm Thành Xương, con trai Phạm Như Xương, một lãnh tụ trong Nghĩa hội Quảng Nam), người được phân công vẽ bản đồ các điểm đóng quân của Pháp, kiểm tra giám sát và phụ trách các cơ sở sản xuất vũ khí cũng như vận chuyển vào kinh thành. Tại Quảng Nam có Lê Đình Dương, một y sĩ điều trị tại Hội An, phục vụ trong quân đội Pháp.
Về phía lãnh đạo thuộc Việt Nam Quang Phục hội, có Thái Phiên cùng Phan Hiên, là những người chịu trách nhiệm tiếp xúc ban đầu với các lực lượng phối hợp, đặc biệt là vai trò của Thái Phiên. Ngoài ra,Việt Nam Quang phục Hội cũng có lực lượng yểm trợ từ Thái Lan.Thái Phiên là một người được biết đến từ sớm trong phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Là người giữ vai trò kinh tài của phong trào sau Nguyễn Hàm và Đỗ Đăng Tuyển. Khi Duy Tân hội chuyển thành Việt Nam Quang phục Hội, tuy không có tên trong Bộ Chỉ huy nhưng Thái Phiên đã đóng vai trò quan trọng.Thái Phiên được nhìn nhận là người đã một mình gây dựng lại tổ chức và phong trào mới ở Trung kỳ.
Bên cạnh đó, Thái Phiên đã tìm đến Trần Cao Vân, một người rất nổi tiếng lúc bấy giờ trong vùng từ Quảng Nam đến Bình Định, Phú Yên. Cuộc đời hoạt động tranh đấu của ông có nhiều điểm đặc sắc. Trải qua thời gian hoạt động với nhiều vị trí khác nhau, với tài nho học, số, lý, hóa, pháp, Trần Cao Vân tạo nên hình ảnh một con người có khả năng thu hút sự ủng hộ của quân chúng về phía mình. Ngoài ra, với việc tham gia các phong trào đấu tranh từ giai đoạn Cần Vương đến giai đoạn Duy Tân, Đông Du, rồi hai lần bị tù tội, bị đày Côn Đảo, ông đã xây dựng được uy tín, đội ngũ những người yêu nước lúc bấy giờ. Sự kết tập ban đầu của cuộc mưu khởi còn chú ý đến những cựu tù chính trị khác từ Côn Đảo. Đó là những người như Lê Ngung, Trương Bá Huy, Nguyễn Sụy (Nguyễn Thụy), những yếu nhân tham gia phong trào Duy Tân ở các địa phương.
Đến tháng 9/1915, về cơ bản, lực lượng trong lúc này đã tập hợp được nhiều thành phần. Nhưng số lượng vẫn còn ít, đặc biệt là chưa tạo được lực lượng rộng ở các địa phương. Trên tinh thần đó, từ năm 1915 đến 1916, Thái Phiên, Trần Cao Vân đã tìm kiếm việc kết nối các lực lượng. Trần Cao Vân với uy tín và ảnh hưởng của mình đã tích cực cùng các nhân sĩ tại địa phương tiếp tục vận động sự tham gia của dân chúng. Cuộc vận động khởi nghĩa tháng 5/1916 đã được chuẩn bị cùng lúc gần như trên khắp Trung kỳ, kéo dài từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, một số nơi khác cũng được chú trọng để cùng hưởng ứng với dân chúng và binh lính cảm tình. Tuy nhiên khắp nơi cuộc khởi nghĩa bị bại lộ trước khi bùng nổ, quân địch ra sức đàn áp, nhưng không vì thế mà quân ta chùn bước, nhân dân ta vẫn nung nấu căm hờn để sau này sẵn sàng đứng dậy chiến đấu.
Cuộc vận động khởi nghĩa chống Pháp ở Trung kỳ dự định nổ ra vào đầu tháng 5 năm 1916 đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân từ vua quan đến binh lính, công nhân, nông dân ở thành thị cũng như nông thôn tham gia nhiệt tình và hăng hái. Đây là cuộc vận động đấu tranh yêu nước kế thừa truyền thống đấu tranh bất khuất kiên cường của dân tộc, đồng thời là một cuộc vận động theo con đường dân tộc, dân chủ, nhân dân khá rõ ràng. Những người tổ chức lãnh đạo cuộc vận động khởi nghĩa đã cùng chung mục tiêu chống chế độ cai trị, áp bức của thực dân Pháp, đã chớp lấy thời cơ chiến tranh, cùng hành động trong việc tập hợp đông đảo các bộ phận, các tầng lớp nhân dân ở nhiều địa phương… Đó là cũng có thể xem là thành công của những người lãnh đạo từ nhiều bộ phận hợp lại, đi theo con đường cách mạng bạo động mà tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội đã chủ trương.
Trải qua một quá trình chuẩn bị kéo dài suốt hơn hai năm, tuy cuộc khởi nghĩa không được tiến hành, nhưng giá trị và ý nghĩa của cuộc vận động khởi nghĩa ở Trung kỳ năm 1916 luôn mãi trường tồn trong lịch sử Việt Nam. Đây là một trong số ít hoạt động chống Pháp bùng lên sau một thời gian bị đàn áp và tạm lắng, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của phong trào dân tộc dân chủ trong gia đoạn chiến tranh thế giới thứ nhất. Cuộc vận động khởi nghĩa ở Trung kỳ có sự vượt trội về quy mô tiến hành, về tầm vóc và ảnh hưởng lớn so với các hoạt động và phong trào chống Pháp đương thời trong cả nước. Nối tiếp và phát huy truyền thống đấu tranh yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, Cuộc vận động đã bồi đắp thêm những giá trị kiên cường, dũng cảm trước những biến động lớn lao của thời cuộc. Những giá trị quý báu đó chắc chắn sẽ được tiếp tục kế thừa và nâng lên tầm cao mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Yên Yên