Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam nằm dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Vì vậy, để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng ta xác định: Con đường của cách mạng miền Nam phải bằng bạo lực, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang.
Trước yêu cầu của thực tiễn lịch sử, đầu tháng 5 năm 1959, sau Hội nghị Trung ương lần thứ 15, với chủ trương đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, giải phóng miền Nam. Bộ Chính trị giao cho Quân ủy Trung ương nghiên cứu tổ chức mở tuyến giao thông và vận tải để đưa cán bộ, vũ khí và hàng hóa vào chi viện cho miền Nam. Chỉ thị nêu rõ: “Đây là một việc lớn, có ý nghĩa chiến lược, quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”
Ngày 19-5-1959, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập Đoàn 559, nhằm xây dựng tuyến chi viện chiến lược cho chiến trường. Đó là tuyến đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên đất liền:
Tháng 5 năm 1959, binh đoàn Trường Sơn ra đời, lấy tên là Đoàn 559, có nhiệm vụ mở đường tiếp tế vũ khí cho các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và Liên khu 5 cũ. Đến tháng 6 năm 1959 quân ta đã xác định xong tuyến đường và vị trí của 9 trạm đó là: 2 trạm ở phía Bắc sông Bến Hải và 7 trạm ở phía Nam. Ngày 10 tháng 6 năm 1959, bộ đội ta bắt đầu vượt sông Bến Hải tiến quân vào các trạm ở phía Nam. Đến ngày 20 tháng 8 năm 1959, Đoàn 559 đã giao chuyển chuyến vũ khí đầu tiên cho Khu 5 ở phía bắc A Sầu (Thừa Thiên Huế).
Trong năm 1959, Đoàn 559 đã đưa được 542 cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam nhận nhiệm vụ trên các chiến trường.
Qua hai năm vận chuyển, đến năm 1961, sau thời kỳ Đồng Khởi, nhu cầu chi viện cho miền Nam tăng lên vượt bậc. Đối phương cũng đã đánh hơi thấy tuyến đường nên ráo riết lùng sục và mở nhiều đợt càn quét.
Thời điểm này, cuộc chiến tranh đã mở rộng và trở nên cực kỳ ác liệt, Đoàn 559 được lệnh nhanh chóng mở thêm đường cho xe cơ giới vận chuyển vũ khí vào miền Nam.
Ngày 9 tháng 8 năm 1964, Trung đoàn 98 công binh mở đường cho xe cơ giới trên đường Hồ Chí Minh. Đến cuối tháng 5 năm 1965, đoàn xe cơ giới đầu tiên mang tên “ngọn đèn xanh Bác Hồ” đã xuất kích thắng lợi.
Khởi nguồn từ Tân Kỳ (Nghệ An), đường Hồ Chí Minh trên đất liền chạy suốt dọc dải Trường Sơn, xuyên qua nhiều tỉnh thành và cả nước bạn Lào cho đến gần Sài Gòn. Trong 16 năm, bộ đội đường Hồ Chí Minh đã xây dựng được một mạng lưới đường chiến lược có tổng chiều dài 16.000 km gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, 1 tuyến đường kín dài 3.140 km cho xe chạy ban ngày; với một khối lượng đất đá đào, đắp, san, lấp là gần 29 triệu m3. Đồng thời cũng đã xây dựng được một hệ thống đường sông gần 500 km nối qua Lào, một hệ thống đường ống hơn 3.000 km đến tận Lộc Ninh.
Để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, Mỹ tổ chức bộ chỉ huy và các lực lượng quân sự chuyên nghiên cứu và phát hiện đường Hồ Chí Minh để đánh phá. Chúng dùng đủ mọi loại máy bay, bom, mìn, chất độc hóa học cũng như gây mưa nhân tạo đánh phá trên toàn tuyến đường. Theo ghi nhận của quân ta, bình quân mỗi cán bộ, chiến sĩ, bộ đội ta phải chịu đựng 9 quả bom Mỹ (gần bằng 4,5 tấn thuốc nổ); riêng tại binh trạm 31, trong mùa khô năm 1969, bình quân mỗi người phải chịu đựng 270 quả bom các loại.
Có thể nói, để bảo đảm cho an toàn cho những chuyến xe, những đơn vị bộ đội ta hành quân qua tuyến đường này, các cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, công binh, những chiến sĩ mở đường đã không quản ngại hy sinh, gian khổ để giữ cho tuyến đường luôn được thông suốt, việc chi viện sức người, sức của và vũ khí cho các chiến trường miền Nam vì thế vẫn được thực hiện với khối lượng mỗi ngày một lớn.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân ta đã bắn hạ 2.458 máy bay địch trên dải Trường Sơn. San lấp 56.750 hố bom, phá 12.600 bom từ trường, 8.000 bom nổ chậm và 85.100 mìn các loại. Các đơn vị bộ binh của binh đoàn Trường Sơn đã đánh gần 2.500 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 20.000 tên địch. Riêng năm 1974, các lực lượng vận tải đã chuyển được một khối lượng hàng gấp gần 22 lần năm 1966.
Trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, bộ đội Trường Sơn còn bảo đảm giao thông toàn bộ tuyến đường số 1, khôi phục, sửa chữa 83 cầu với chiều dài 4.316m
Cùng với quân dân cả nước, bộ đội Trường Sơn đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi mở màn của chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch miền duyên hải và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tập thể bộ đội binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) đã được Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân và tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh hạng nhất, 77 đơn vị (trong đó có 4 đơn vị cấp sư đoàn, 15 đơn vị cấp trung đoàn) và 44 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân.
Đường Hồ Chí Minh trên biển:
Cuối năm 1959, địch đánh hơi thấy tuyến đường Trường Sơn nên liên tiếp tổ chức đánh phá nhằm chia cắt, xóa sổ tuyến giao liên chiến lược của ta. Vì vậy, Đoàn 559 đã nghiên cứu mở thêm nhiều tuyến đường mới, trong đó có tuyến đường vượt biển.
Dưới sự tuyển chọn của đồng chí Võ Bẩm, những cán bộ chiến sĩ Khu 5 đã tập kết thành lập đơn vị, ngụy trang thành "đoàn đánh cá" để thǎm dò vùng cửa biển sông Gianh. Đây chính là tiền thân của những đoàn tàu không số huyền thoại sau này.
Đầu năm 1961, Bộ Chính trị chỉ thị cho các tỉnh ven biển Nam bộ cử đơn vị tàu thuyền ra miền Bắc lấy vũ khí và trao đổi kinh nghiệm về tuyến đường vượt biển. Tháng 6 năm 1961, chiếc thuyền gắn máy đầu tiên ra miền Bắc chở vũ khí vào Nam là thuyền trọng tải 4 tấn của Bến Tre. Sau đó tàu của các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh lần lượt có thuyền ra Bắc nhận vũ khí.
Ngày 1 tháng 10 năm 1962, chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên đã xuất phát từ Hải Phòng. Tàu vỏ gỗ, gắn máy. Sau 10 ngày vượt biển, ngày 11 tháng 10 năm 1962, tàu tới đích an toàn và cập bến Vàm Lũng – Cà Mau. Đến cuối năm 1962, Đoàn 759 đã thực hiện được 23 chuyến chở cán bộ và vũ khí chi viện cho khu 7, khu 8 và khu 9.
Từ tháng 1 năm 1964 đến tháng 2 năm 1965, với hơn 20 tàu vỏ gỗ và vỏ sắt, Đoàn đã vận chuyển được 88 chuyến vào Nam bộ.
Đêm 22 tháng 12 năm 1964, tàu 56 chở 44 tấn vũ khí đến Bà Rịa, 1 trung đoàn chủ lực miền đã tiếp nhận và sau đó đánh trận Bình Giã.
Cuối năm 1964, Đoàn 759 đổi phiên hiệu là Đoàn 125. Đoàn đã có hàng chục tàu sắt trọng tải từ 50 đến 100 tấn, trang bị tương đối hiện đại.
Từ tháng 3 năm 1966 đến tháng 4 năm 1972 đã có 63 chuyến tàu lên đường chi viện cho miền Nam, trong đó có 9 chuyến thành công, chuyển được 400 tấn vũ khí đến nơi an toàn. Có 40 chuyến bị địch chặn nên phải quay về, 14 chuyến tới được bến hoặc gần tớn bến thì bị địch phát hiện nên buộc phải cho nổ tàu để giữ bí mật.
Qua 5.920 ngày đêm làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào miền Nam, cán bộ, chiến sĩ vận tải trên biển đã trực tiếp chiến đấu 300 lần với tàu địch, 1.200 lần máy bay và khắc phục 400 lần thủy lôi của chúng. Đoàn đã góp phần chi viện đắc lực cho các chiến trường khu 5, cực Nam Trung bộ, Nam bộ, các chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng quần đảo Trường Sa, cù lao Thu và các đảo phía Tây Nam. Các lực lượng bộ đội của đường Hồ Chí Minh trên biển đã bắn chìm, bắn bị thương 10 tàu, bắn rơi 5 máy bay, tiêu diệt hàng trăm tên địch và đã vượt qua được 20 cơn bão lớn.
Đoàn đã 2 lần vinh dự được Nhà nước tuyên dương Anh hùng; 3 tàu được tuyên dương Đơn vị Anh hùng; 5 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân.; 240 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng huân chương các loại.
Có thể nói, việc xây dựng những tuyến đường trong chiến tranh đó thực sự là một kỳ tích, là sự độc đáo và sáng tạo của chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ góp phần to lớn và sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mà những con đường đó ngày nay lại tiếp tục sứ mạng lớn lao của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Trần Thủy
Tài liệu tham khảo:
1. Tạp chí Công tác Tư tưởng Văn hóa. Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương.
2. Lịch sử Giao thông vận tải Việt Nam