Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 26/05/2021, 14:50

Kỷ niệm 230 năm ngày sinh vua Minh Mệnh (25/5/1791-25/5/2021)

Hoàng đế Minh Mệnh chính tên là Nguyễn Phước Đảm, sinh ngày 25/5/1791, tại làng Tân Lộc, Gia Định. Là con thứ tư của vua Gia Long và bà Trần Thị Đương. Năm Ất Hợi (1815) được lập làm Hoàng Thái Tử. Năm 1820 ông làm vua, đặt quốc hiệu là Đại Nam, niên hiệu là Minh Mệnh, làm vua được 21 năm (1820-1840). Vua Minh Mệnh mất ngày 28 tháng Chạp năm Canh Tý (20/1/1841) hưởng thọ 50 tuổi. Sau khi mất, bài vị của vua được đưa vào thờ ở Thế Miếu với Miếu hiệu Thánh tổ Nhân Hoàng Đế. Trong thời gian trị vì, ông chú ý đến việc củng cố và hoàn thiện hơn bộ máy quản lý đất nước xây dựng chính quyền quốc gia một cách có nề nếp khoa học, phân minh. Kỷ niệm 230 năm ngày sinh của ông, chúng ta cùng điểm lại một số đóng góp của vua Minh Mệnh đối với nhà Nguyễn và lịch sử phong kiến Việt Nam.

 Việc đầu tiên là cải cách bộ máy hành chính. Cuộc cải cách hành chính do vua Minh Mệnh tiến hành sau 10 năm giữ ngôi vua dựa trên cơ sở bộ máy nhà nước quân chủ Nguyễn dưới thời Gia Long. Thời bấy giờ, do hoàn cảnh đất nước nhiều năm bị chia cắt, và có nhiều phe phái thù địch, triều đình chỉ trực tiếp quản lý được dải đất miền Trung chạy dài từ Thanh Hóa ngoại đến Bình Thuận. Phía Nam, từ Trấn Biên Hòa trở vào gồm năm dinh, gọi là Gia định Thành. Phía Bắc, từ Sơn Nam hạ trở ra bao gồm 11 trấn gọi Bắc Thành đều cho một viên võ quan đại thần đứng đầu với chức danh Tổng trấn, có Hiệp trấn giúp việc. Tuy nhiên, thời kỳ quá độ này cũng bộc lộ những mặt yếu kém, cản trở xu hướng tập trung quyền lực của nhà nước quân chủ chuyên chế phương Đông mà vương triều Nguyễn kiên trì theo đuổi. Do vậy, đến thời Minh Mệnh thì cuộc cải cách hành chính được đặt ra và giải quyết theo hướng củng cố bộ máy nhà nước quân chủ trung ương tập quyền.

 Ông tổ chức lại triều chính, đặt Nội các, thành lập Viện Cơ mật đưa những vị đại thần có uy tín, có trình độ để cùng nhà vua quyết định những việc quan trọng. Ông tiến hành bãi bỏ các trấn, dinh, chia cả nước thành tỉnh, châu (cả nước có 31 tỉnh), đặt các Tổng đốc Bố chánh, án sát, Lãnh binh. Riêng kinh đô, lập thành một phủ, đứng đầu là phủ doãn. Ông sắp xếp lại các phẩm trật, cho quan lại lãnh lương theo cấp bậc, trật tự từ nhất phẩm đến cửu phẩm (có chính phẩm và tòng phẩm, tất cả 18 bậc). Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính đánh dấu một bước phát triển trong quá trình củng cố nhà nước quân chủ trung ương tập quyền với một hệ thống chủ yếu gồm 4 cấp: Trung ương - tỉnh - phủ - huyện - làng, xã. Vì thế, nhà nước quân chủ trung tập quyền Nguyễn đạt mức hoàn chỉnh, trở thành một nhà nước mạnh so với các nhà nước quân chủ trước đó.

Minh Mệnh là ông vua biết giữ gìn tư cách. Ông học hỏi nhiều, phấn đấu nhiều, không để ai chê bai về đức tính nghiêm nghị, đúng mực của ông. Ông luôn chú ý đến việc tề gia, lập ra phủ Tân nhân để trông coi các việc của hoàng tộc, cử người dạy dỗ con cái. Ông rất chặt chẽ trong việc dùng các quan lại. Người không có học vị, nhưng có tài vẫn được dùng vào chức vị lớn (trường hợp Nguyễn Tri Phương); người làm quan nhưng học vị kém, vẫn bị loại. Ông là người tinh thâm nho học, lấy việc tuyển chọn nhân tài thông qua khoa cử làm trọng. Ông cho xây dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử ở kinh đô Huế và các tỉnh. Việc đào tạo nhân tài từ Kinh đô đến làng xã đều dựa vào các sách kinh điển của Nho gia và việc tuyển chọn quan lại cũng hoàn toàn thông qua các Kỳ thi Nho học. Thời Gia Long, cứ sáu năm có một khoa thi hương, chưa mở thi hội. Thời vua Minh mệnh đổi lại ba năm thi hương một lần, năm nay thi hương thì năm sau thi hội. Ông đặt thêm học vị phó bảng ở dưới bậc tiến sĩ, và đổi những hương cống, sinh đồ thời Lê thành cử nhân và tú tài.

Dưới triều Minh mệnh, nước ta xảy ra nhiều cuộc loạn lạc. Vừa dẹp trừ nội loạn, vua Minh Mệnh còn chủ trương mở mang thế lực. Năm 1838, nhà vua cho đổi tên nước là Đại Nam, với mong muốn nước mình trở thành một đế quốc hùng mạnh. Ngoài ra, ông rất quan tâm về đối ngoại. Ông đặc biệt chú ý thần phục nhà Thanh nhận sự phong vương của nhà Thanh. Ông cho người đi các nước ở vùng biển Đông để thông thương, mua bán hàng hóa, và cho học cách đóng tàu của người phương Tây. Với mong muốn cho dân chúng trong nước giữ gìn thuần phong mỹ tục. Ông ban các điều huấn dụ để dạy dỗ dân. Ông rất nghiêm khắc với tệ tham nhũng, dùng hình phạt nặng nề và công bố cho toàn dân biết. Ông khuyến khích và ban thưởng cho các quan thanh liêm. Để cải thiện đời sống nhân dân, ông khuyến khích việc khẩn hoang, thống nhất việc đo lường…

Minh mệnh là một ông vua thưởng, phạt rất minh bạch. Người có công, cho dù người đó là ai, ông cũng sẵn sàng ban thưởng. Ngược lại, đối với tội, lỗi của quan lại, ông xử phạt rất nặng. Bởi vì, ông đề cao pháp trị. Tinh thần pháp trị, trong thực tế đã được đề ra và bước đầu thực hiện dưới thời vua Gia Long. Như năm 1812, vua Gia Long lệnh cho Nguyễn Văn Thành và Võ Trinh sửa định các luật lệ để đem ra thi hành. Bộ Hoàng Việt luật lệ là bộ luật chính thức của Việt Nam thời đầu do vua Gia Long cho ban hành năm 1815. Bộ Hoàng Việt luật lệ, gồm 398 điều, trong đó hình danh và phàm lệ: 45 điều; Luật Lại: 27 điều; Luật Hộ: 66 điều; Luật Lễ: 26 điều; Luật Binh: 58 điều; Luật Hình:166 điều; Luật Công: 10 điều. Dưới triều Minh Mệnh, tinh thần pháp trị được đề cao hơn nữa và thực hiện rất nghiêm. Ngoài việc dựa vào các điều luật trong Bộ Hoàng Việt luật lệ, ông còn định thêm các điều luật mới như: Định lệ chi tiết phân xử những việc làm sai lầm của các thuộc viên và các đường quan ở kinh đô, ở các tỉnh; Định lệ về việc xử phạt quan lại tham nhũng và hối lộ; Định lệ về việc xét các địa phương xử án hay hoặc dở… nhằm hạn chế sự tha hóa của quan lại.

Những gì vua Minh Mệnh làm được là nhằm tăng cường sức mạnh của triều đại và quốc gia sau thời gian hỗn loạn. Ông lãnh đạo triều đình trong sự nghiệp củng cố và xây dựng chế độ phong kiến tập quyền mạnh nhất sau thời đại Lê Tháng Tông. Dưới tình hình đất nước lúc bấy giờ, căn cứ vào khối lượng công việc ông đã làm về mọi mặt, căn cứ vào sự thành tâm, thiện ý của ông hết lòng lo toan việc nước, chúng ta có thể nhận định rằng, trong triều nguyễn, ông là một trong những vị vua làm được rất nhiều việc. Đặc biệt, ông đã đem hết năng lực của mình để tiến hành công cuộc cải cách hành chính quốc gia Đại Nam. Có thể nói vua Minh Mệnh là vị Hoàng Đế tiêu biểu của nhà Nguyễn, những công lao của ông và thành quả đạt được trong suốt 21 năm đã được lịch sử ghi nhận, các vị vua kế tiếp noi theo và thi hành.

                                                                                                                       

Yên Yên

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 244 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày