Cách đây 110 năm, ngày 5/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn - Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh) người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi đó mới vừa tròn 21 tuổi tự giới thiệu là Văn Ba xin làm phụ bếp, đã rời Tổ quốc trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, bắt đầu cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước. Mỗi chúng ta đều khắc sâu trong tâm khảm những hy sinh lớn lao mà Bác đã trải qua trong suốt 30 năm bôn ba, với lòng biết ơn vô hạn đối với công ơn trời biển Bác đã dành cho dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng đã là một con người luôn luôn mang trong mình hai nhân cách không thể tách rời nhau, gắn bó mật thiết với nhau – vừa là nhà yêu nước vĩ đại, vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, vừa là người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Vì đau xót trước cảnh đọa đày đau khổ, trước cuộc sống nô lệ đầy máu và nước mắt của đồng bào ta dưới ách thống trị hà khắc của thực dân Pháp và phong kiến Việt Nam, vì nhận thấy sự bế tắc của các phong trào yêu nước của nhân dân ta hồi đầu thế kỷ XX, cho nên ngày 5/6/1911, Bác Hồ đã từ thành phố Sài Gòn rời nước ra đi, để tìm cho được con đường cứu nước đúng đắn đem về cho đồng bào. Mỗi quan tâm đầu tiên của Người lúc mới bước chân ra đi cũng như trong suốt quá trình hoạt động về sau này là làm sao đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do hạnh phúc cho đồng bào. Người từng nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
Chính vì mục đích đó mà trong những ngày tháng bôn ba ở nước ngoài để tìm hiểu con đường cứu nước đúng đắn, Người không lúc nào xao lãng ý chí đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc và đồng bào. Khi cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Người lập tức đưa ngay bản yêu sách tám điểm đến hội nghị Véc-xây chỉ đòi các quyền sơ đẳng về tự do dân chủ chứ chưa đụng chạm gì đến vấn đề quyền dân tộc Wil-son tổng thống Mỹ lúc đó, đã nêu lên. Thế mà cũng bị bác bỏ.
Cũng chính vì mục đích đó mà trong những ngày sống và hoạt động trên đất Pháp, Người luôn luôn tìm kiếm, gặp gỡ, thăm hỏi, liên lạc mật thiết với đồng bào Việt kiều tổ chức họ trong tinh thần tương thân, tương trợ nơi đất khách quê người và hướng bà con về Tổ quốc đau thương. Người tranh thủ mọi cơ hội để tuyên truyền, cổ động tinh thần yêu nước và tư tưởng cách mạng trong công nhân, thủy thủ, học sinh, trí thức, kể cả những sĩ phu yêu nước lão thành đang sống hoặc bị quản thúc tại Pháp như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường…
Những ngày sống trên đất Pháp, Người đã mở rộng quan hệ với những người lao động của các thuộc địa Pháp ở châu Phi, châu Mỹ. Năm 1921, Người đã cùng với một số bạn chiến đấu người An-giê-ri, Tuy-ni-di, Ma-rốc, Man-gát, Máctinich…sáng lập ra “Hội liên hiệp các thuộc địa” Pa-ri, Thủ đô nước Pháp, với tôn chỉ và mục đích là giải phóng những dân tộc thuộc địa Pháp.
Trong những ngày hoạt động trên đất Quảng Châu từ cuối năm 1924 đến năm 1927, đi đôi với việc xúc tiến mạnh mẽ công tác chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để tiến tới một Đảng cộng sản ở Việt Nam, với tư cách Ủy viên Bộ phương Đông thuộc Quốc tế cộng sản, phụ trách Cục phương Nam, Người đã tiến hành những hoạt động nhằm xây dựng phong trào cách mạng cho một số nước tại Đông Nam Á. Người đã tham gia sáng lập “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông” để thống nhất hành động chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc.
Trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đã làm nổi rõ sức mạnh tấn công và vị trí quan trọng đặc biệt của phong trào giải phóng dân tộc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Ngoài ra Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người sớm nêu lên tinh thần chủ động cách mạng tiến công của phong trào giải phóng dân tộc và sớm khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân ở các nước thuộc địa, nơi phần lớn dân cư là nông dân, giai cấp công nhân chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ.
Thấm nhuần học thuyết Mác-Lênin và đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, ngay từ năm 1923, từ trên diễn đàn của Đại hội quốc tế nông dân, Người tuyên bố: “Trong thời đại hiện nay, giai cấp công nhân là giai cấp độc nhất và duy nhất có sứ mạng lịch sử lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi cuối cùng bằng cách liên minh với giai cấp nông dân”. Người còn cảnh cáo: “Những trào lưu cơ hội chủ nghĩa, mơn trớn nông dân, coi nông dân là một lực lượng chủ yếu, là động lực duy nhất của cách mạng, là đội ngũ cách mạng nhất, điều chỉ đi tới chủ nghĩa phiêu lưu, chủ nghĩa cực đoan, vô chính phủ và đi tới chỗ phản bội chủ nghĩa Lê-nin mà thôi”
Bằng sự quan tâm đầy đủ và những hoạt động đóng góp to lớn về mặt lý luận và thực tiễn đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc thế giới, ngay trong buổi đầu hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương sáng chói về sự kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đồng thời Người đã đấu tranh không khoan nhượng chống mọi thứ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa dưới nhiều dạng khác nhau: tư sản, tiểu tư sản, phong kiến, phản mác-xít, phản động. Người đấu tranh chống những tư tưởng ấy ngay trong Đảng Cộng sản Pháp mà Người là thành viên, đấu tranh tại các đại hội Quốc tế cộng sản và Đại hội quốc tế các Hội quần chúng. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Người luôn nêu cao tấm gương đó, đồng thời giáo dục Đảng ta và nhân dân ta phải luôn luôn kết hợp tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản, hoàn thành nghĩa vụ dân tộc đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế, tích cực góp phần vào việc củng cố khối đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, đấu tranh bảo vệ sự trong sáng và chủ nghĩa Mác-Lênin, chống chủ nghĩa cơ hội với mọi màu sắc, ủng hộ và giúp đỡ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Hơn lúc nào hết, chủ nghĩa yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh trên hành trình tìm đường cứu nước của Người càng phải được phát huy và nhân rộng trong toàn thể dân tộc Việt Nam cả hiện tại và tương lai, làm cho chủ nghĩa yêu nước chân chính được phát huy cao độ trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ mới, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn phấn đấu, không ngừng tu dưỡng rèn luyện mình thực sự có lòng yêu nước chân chính, biết đặt lợi ích của đất nước của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, tiếp tục phát huy những phẩm chất anh hùng cách mạng, luôn xây dựng niềm tin vào chủ nghĩa xã hội. Làm tốt điều đó, nhất định chúng ta sẽ phát huy tốt chủ nghĩa yêu nước trong thời kỳ mới và sẽ xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2021), chúng ta càng hiểu rõ hơn về cuộc đời cách mạng và tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là dịp để cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước nói chung và tập thể cán bộ Thư viện tỉnh Đồng Nai nói riêng hiểu sâu sắc hơn về những cống hiến to lớn của Bác đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thế giới. Dù Bác đã đi xa mãi mãi nhưng tư tưởng, đường lối cùng với tình thương yêu bao la của Người để lại cho nhân dân ta vẫn còn sức sống bất diệt. Những tư tưởng ấy, tình yêu thương ấy vẫn sáng chói và soi đường cho chúng ta bước tiếp trong công cuộc phát triển phồn vinh và hội nhập quốc tế.
Mai Mai