Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Bảy, 05/06/2021, 13:35

Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam (06/6/1941-06/6/2021)

Dân tộc Việt Nam có truyền thống kính trọng người già. Đây là sự thừa nhận công lao đóng góp của người già, người cao tuổi đối với gia đình, xã hội và đất nước; thể hiện sự kính trọng biết ơn của các thế hệ đi sau đối với các thế hệ đi trước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò của người cao tuổi đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, với gia đình, quê hương nói riêng. Từ sớm, Người đã nhận thấy vị thế, vai trò, tiềm năng, sức mạnh và những giá trị cả về vật chất và tinh thần của người cao tuổi đối với sự nghiệp cách mạng. Ngay sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã khẳng định, cách mạng muốn thắng lợi cần phải đoàn kết sức mạnh toàn dân tộc, trong đó phát huy được vai trò của các bậc phụ lão, cao niên là việc làm cần thiết. Người thường xuyên viết thư, trực tiếp nói chuyện thăm hỏi, động viên các bậc phụ lão cần tiếp tục phát huy vai trò của mình tham gia vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.  Duy trì truyền thống “trọng lão” là thể hiện quan điểm “uống nước nhớ nguồn”. Phát huy truyền thống của dân tộc, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định người cao tuổi có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng. Bác Hồ đã chỉ rõ: “trách nhiệm của các phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão góp sức. Nước mất phụ lão cứu, nước suy sụp phụ lão phù trì”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, người cao tuổi Việt Nam đã kế thừa, phát huy truyền thống từ Hội Phụ lão cứu quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, Hội Người cao tuổi Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế, vai trò trong đời sống xã hội.

Hội Người cao tuổi Việt Nam kế tục và phát triển tổ chức tiền thân là Hội Phụ lão cứu quốc được thành lập theo Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại thư ngỏ gửi đồng bào cả nước “Kính cáo đồng bào” ngày 6/6/1941. Trong tác Phẩm Hồ Chí Minh toàn tập (tập 3; trang 229-230) có ghi lời Bác kêu gọi: “Hỡi các bậc phụ huynh! Hỡi các hiền nhân, chí sĩ! Hỡi các bạn sĩ, nông, công, thương, binh!... Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết. Hỡi đồng bào! Hãy tổ chức Hội cứu quốc chống Pháp, chống Nhật”. Theo tiếng gọi của người, hàng loạt tổ chức Phụ lão cứu quốc được bí mật thành lập tại các làng xã, phố phường trong cả nước, hoạt động trong Mặt trận Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh), theo sự lãnh đạo của Đảng. Hội Phụ lão cứu quốc phát triển rộng rãi; là một thành phần quan trọng, một cơ cấu không thể thiếu trong công tác mặt trận qua các thời kỳ (Việt Minh, Liên Việt, Mặt trận tổ quốc). Hội Phụ lão cứu quốc đã được tổ chức ở các địa phương trong cả nước từ lúc hoạt động bí mật, qua kháng chiến chống Pháp, Mỹ đã góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành kháng chiến chống thực dân xâm lược giành thắng lợi và hoàn thành nhiệm vụ cứu quốc cho đến ngày ra đời Hội người cao tuổi Việt Nam.

Từ thực tiễn xây dựng và phát triển Hội Phụ lão cứu quốc nêu trên và theo đề nghị của Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, ngày 26/3/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 772/QĐ-TTg về việc lấy ngày 6 tháng 6 hằng năm là Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam và sau gần 4 năm, ngày 23/11/2009, kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XII đã quyết định: Ngày 6 tháng 6 hằng năm là Ngày Người cao tuổi Việt Nam (Điều 6 Luật người cao tuổi).  Luật Người cao tuổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Như vậy kể từ ngày 6/6/2010 có thêm ngày kỷ niệm truyền thống của lớp Người cao tuổi “Ngày người cao tuổi Việt Nam”. Như vậy “Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam” kể từ dấu mốc lịch sử 6/6/1941 là tiền đề để Luật hóa trở thành “Ngày người cao tuổi Việt Nam 6/6” nhằm bổ sung một nội dung rất quan trọng được thể hiện trong Luật Người cao tuổi. Đó là sự khẳng định vai trò của lớp người cao tuổi trong xã hội phải được phát huy đúng mức, sự cống hiến đóng góp của người cao tuổi cho xã hội phải được ghi nhận và tiếp tục tạo điều kiện để phát huy. Đồng thời, Nhà nước phải tạo điều kiện để toàn xã hội quan tâm chăm sóc người cao tuổi như điều 1 luật người cao tuổi quy định: “Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; Hội người cao tuổi Việt Nam”.

Trong suốt chặng đường lịch sử của dân tộc, người cao tuổi Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo xây dựng gia đình, quê hương; quên mình chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì dân tộc; tham gia vận động thanh niên tòng quân, đi dân công hỏa tuyến, rào làng chiến đấu, nuôi giấu cán bộ, hậu phương thi đua với tiền phương, tay cày tay súng, tay búa tay liềm... Tất cả đều nhiệt huyết, góp phần đánh thắng hai đế quốc to và bè lũ tay sai giành thống nhất, độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bước vào thời kì đổi mới, cả nước hăng hái thi đua, phấn đấu thực hiện các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, người cao tuổi tiếp tục đồng hành, góp phần vào sự chuyển động mạnh mẽ, đi lên của đất nước. Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, kịp thời và thiết thực, ngày càng quan tâm chăm lo nhiều hơn đối với việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, động viên và tập hợp đoàn kết người cao tuổi tiếp tục tham gia rộng rãi vào các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như sự nghiệp phát triển đất nước hiện nay.  

Người cao tuổi có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với gia đình, vẫn tiếp tục giáo dưỡng giúp đỡ con cháu, là chỗ dựa tinh thần cho sự phát triển của mỗi thành viên trong gia đình. Người cao tuổi có nhu cầu làm việc phù hợp với bản thân và mong muốn tiếp tục góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Các hoạt động của người cao tuổi góp phần giữ gìn những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, giữ gìn an ninh trật tự, sự ổn định đời sống, phát triển văn hóa xã hội của địa phương, của đất nước. Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam (06/6/1941-06/6/2021) xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thế hệ người cao tuổi luôn luôn sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc và tiếp tục tích cực tham gia đóng góp trí tuệ và công sức góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh.

 

Yên Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 331 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày