Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Bảy, 12/06/2021, 15:00

Kỷ niệm 30 năm ngày Chùa Long Thiền được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia (14/6/1991 – 14/6/2021)

            Việt Nam, mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và đấu tranh cách mạng. Con người nơi đây đã sáng tạo và để lại không ít những công trình kiến trúc có giá trị cho dân tộc, trong số đó có công trình kiến trúc phật giáo. Những ngôi chùa không chỉ là nơi thờ phật, mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh để người dân gửi gắm niềm tin, khát vọng trong cuộc sống. Chùa, tiếng Hán Việt gọi là tự. Nó còn có những tên khác như: Tăng già lam, Già lam, Phạm sát, Lan nhã, Tùng lâm, Tinh xá, Đạo tràng v.v… Có chỗ gọi là tự viện. Chùa là một biểu tượng thiêng liêng thấm sâu vào lòng dân tộc Việt từ ngàn xưa. Như nước thắm sâu vào lòng đất. Do đó, dù đã trải qua mấy ngàn năm thăng trầm, thịnh suy, nhưng hình ảnh của ngôi chùa vẫn mãi mãi hiên ngang hiện hữu tồn tại trong lòng người dân Việt.

Chùa không chỉ là trung tâm tôn giáo là nơi thờ tự và hành lễ của đạo phật, mà còn là điểm tựa văn hóa, nơi diễn ra một số hoạt động tâm linh của người dân. Đồng Nai là địa bàn phật giáo đã được truyền vào từ xa xưa trong lịch sử và đã từng là cái nôi của phật giáo Đàng trong. Với người Nam Bộ, chùa Long Thiền như là cái nôi trung tâm đã truyền bá Phật giáo đến. Trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, chùa Long Thiền cũng đã tham gia hỗ trợ và đóng góp rất nhiều để đem đến chiến thắng giải phóng dân tộc. Chùa Long Thiền hay tổ đình Long Thiền là một trong ba ngôi chùa cổ nhất, có tuổi đời trên 300 năm của thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.Chùa tọa lạc ở số K2/3B ấp Tân Bình, phường Bửu Hòa, nay là hẻm 906 đường Bùi Hữu Nghĩa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.Địa thế của chùa được xem là long mạch quý. Trước chùa là sông Đồng Nai, sau lưng chùa có núi Châu Thới, từ chùa tỏa ra quanh vùng, từ xã Hóa An đến Thạnh Hội là “long mạch của Thanh Long”, còn mũi Châu Thới dựng lên như cánh đuôi rồng, chùa Long Ẩn biểu trưng miệng rồng, núi Bửu Phong biểu thị “trái châu”, ví như “rồng ngậm trái châu”.

            Chùa Long Thiền được xây dựng vào năm 1664 do tổ sư Thành Nhạc khai sơn. Vào khoảng thế kỷ thứ XVII, vùng đất xứ Đồng Nai còn hoang vu, rừng núi bạt ngàn, Đất đai nơi đây mênh mông không người canh tác, rừng rậm và các cánh đồng mọc đầy cỏ dại, cây hoang mọc tràn lan. Ven sông Đồng Nai, lác đác vài ngôi nhà của người dân thiểu số. Vùng đất trù phú với sông Đồng Nai trong lành trở thành nơi lý tưởng cho việc định cư của lưu dân người Việt từ Đàng Ngoài vào do không cam chịu cuộc chiến tranh khốc liệt giữa hai nhà Trịnh - Nguyễn . Trong cộng đồng di dân, có một số nhà sư và phật tử lánh nạn vào xứ Đồng Nai. Nhà sư Thành Nhạc là một trong số đó vào khai hoang lập ấp, mưu tìm cuộc sống ở vùng đất mới. Đến hữu ngạn sông Đồng Nai, nhà sư nhận thấy cảnh trí tĩnh mịch, địa cảnh phong quang có thể khai thác mở thiền lâm nên dựng lập một ngôi chùa, đặt tên là Long Thiền tự.

Khởi đầu,chùa Long Thiền chỉ là ngôi chùa nhỏ: Cột gỗ, vách ván, mái lợp lá dừa nước, nền đất sét. Chính trên nền tảng sơ sài đầu tiên này, mai chùa là nơi sưởi ấm tinh thần, là điểm tựa nuôi dưỡng tâm hồn, những người dân trong cuộc mưu sinh khốc liệt phải thường xuyên đối đầu với thú dữ, thiên tai, giặc cướp,.. đã đặt trọn niềm tin của mình vào trời Phật, tâm linh bừng sáng, hướng về cội nguồn, và cũng từ đó, hàng đêm, tiếng chuông mõ ngân vang trong các thời kinh, khóa lễ an ủi những cuộc đời lam lũ với ruộng đồng.

Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Lần thứ nhất vào năm 1748, xây dựng thêm chánh điện bằng gỗ với lối kiến trúc ba gian, hai chái, nhà Tổ bằng vách ván. Vào năm 1842, chùa được tu bổ, xâykhách đường và nhà trù (nhà bếp) với tường gạch; nền gạch tàu, nóc ngói âm dương. Sau trận lụt năm 1952, (Nhâm Thìn), chánh điện được tôn nền cao, giảng đường có thêm gác lửng, khách đường, tăng đường, hành lang được mở rộng. Mái ngói tây, nền gạch tàu và gạch bông, nhà trù lợp tôn xi măng, giảng đường có thêm gác lửng.

Đến chùa Long Thiền, chúng ta được chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc trải qua bao biến thiên của dòng đời vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa lâu đời từ hình thể chữ Tam () truyền thống (vẫn được các ngôi chùa cổ thời Nguyễn mô phỏng theo), trên nền diện tích chỉ gần 800m2, vật liệu xây dựng chủ yếu bằng gỗ quý, tường xây bằng gạch thẻ tô vôi, mái lợp ngói âm dương, thờ Tam thế Phật.Phần Chánh điện có diện tích khoảng 110m2, chia làm 3 gian, uy nghiêm với hệ thống các bàn thờ là nơi Phật tử dâng hương và hành lễ. Trên Điện Phật, nhiều pho tượng Phật cổ bằng đất nung và bằng đồng, trong đó có nhiều pho tượng bằng đồng và gỗ có niên đại xa xưa và các bức hoành phi, liễn đối được những vị Phật tử đầu tiên của xứ sở này dâng cúng cách đây hàng mấy trăm năm vẫn còn được bảo tồn. Bệ thờ gian chánh điện bài trí tượng Phật Di Đà, Thích Ca, Ngọc Hoàng, Tam Thế Phật, Đức Địa Tạng, Ông Tiêu... và các vị Bồ tát. Đối xứng hai bên thờ Già Lam, Linh Sơn cùng Thập điện Diêm Vương. Đối diện với bàn thờ chính là bàn thờ bằng xi măng hai mặt thờ Tiên Diệu Đại Sĩ, Tam Châu Hộ pháp cùng đức Thiên Thủ, Thiên Nhãn.

Từ chánh điện đi sang tổ đường bằng hai cửa đối xứng. Tiếp nối với Tổ đường là giảng đường, sau giảng đường là nhà khách, nhà trù (bếp). Bên tả là nhà tăng. Khuôn viên chùa Long Thiền là khu vườn rộng, cây cối trồng trong vườn mọc quanh năm tươi tốt. Nơi đây còn lưu lại nhiều bảo tháp cổ trong đó bảo tháp của Tổ sư Thành Nhạc với tấm bia bằng đá xanh chạm trổ tinh vi được xem là linh thiêng nhất. Ngoài ra, còn có hai ngôi mộ cổ, được xem là của vị đại thần và phu nhân có công với việc khai hoang lập ấp, xây dựng Long Thiền tự. Những hàng cột chính trong chánh điện chạm khắc tinh tế đề tài hoa điếu, bát tiên, lý ngư hoá long, nhật nguyệt, tứ linh được trên các xà ngang treo nhiều hoành phi khắc chữ Hán sơn son thếp vàng có nội dung về chánh pháp, khuyên nhủ con người về lòng từ bi, bác ái.

Hàng năm vào ngày 18/12 âm lịch, chùa tổ chức lễ giỗ tổ thu hút nhiều phật tử, tăng ni về tham dự. Chùa Long Thiền đã được Bộ Văn hóa-Thông tin-Thể Thao và Du Lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1057/QĐ, ngày 14 tháng 6 năm 1991. Long Thiền tự được xem như là cái nôi của trung tâm truyền bá Phật giáo vào vùng đất Nam Bộ. Là một kiến trúc tôn giáo, là một cái nôi của trung tâm Phật giáo xứ Đàng Trong cùng với sự đóng góp trong sự nghiệp cách mạng nước nhà, chùa Long Thiền có một vị trí trong lịch sử của vùng đất Đồng Nai.

 

Yên Yên

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 323 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày