Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 22/06/2021, 08:30

Kỷ niệm 55 năm: chiến thắng ba trận đánh lớn diệt cơ giới Mỹ trên đường số 13 (tháng 6/1966 – tháng 6/2021)

Đường 13 (1966) dài 100 km về phía tây bắc Sài Gòn chạy từ đường số 1, thuộc địa phận quận Thủ Đức (tỉnh Gia Định) đến tận biên giới Cam-Pu-Chia. Để đảm bảo cho đường 13, hành lang trước cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn để phòng thủ Sài Gòn, đồng thời để biến con đường này thành một hàng rào cắt đôi khu giải phóng từ Tây sang Đông, bọn Mỹ ngụy đã phải cắm 5 tiểu khu và chi khu quân sự để trấn giữ; sư đoàn 5 quân ngụy, được sư đoàn bộ binh số 1 của Mỹ tiếp sức rất nhiều lần. Chúng cố gắng đánh động ra các căn cứ vùng giải phóng ở vùng “tam giác sắt” chiến khu Đ. Chúng ném bom tấn, bom na-pan, rải chất độc hóa học tạo nên những vành đai trắng hai ven đường. Nhưng giặc càng phòng thủ, quân giải phóng và du kích càng hoạt động mạnh.

Từ chiến công mở đầu tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn 34 “cọp đen”, ngày 15/7/1964 với 20 xe hộ tống ở Chơn thành, đến trận xóa sổ tiểu đoàn 2, trung đoàn 7, sư đoàn 5 ngụy ngày 15/7/1965 tại Bầu bàng, và tiếp đó là hàng loạt hoạt động của du kích thường xuyên cắt đứt đường 13, quân và dân miền Đông Nam bộ đã đập tan kế hoạch phòng thủ của địch trên con đường này. Phát huy thắng lợi mùa khô (1965-1966), quân và dân miền Đông Nam bộ tiếp tục vừa bao vây uy hiếp căn cứ địch, vừa chặn cầu, phá đường, dựng chướng ngại vật làm cho giao thông của địch gần như bị tê liệt hoàn toàn. Một số chi khu quân sự của chúng bị cô lập. Hàng loạt đồn bốt và ấp chiến lược bị tiến công tiêu diệt.

Ngày 4/6/1966, các lực lượng vũ trang giải phóng đánh vào sở chỉ huy chi khu quân sự Lộc Ninh diệt trên 200 tên xâm lược Mỹ và phá hủy 27 máy bay lên thẳng. Ngày 6/6 quân giải phóng tiến công vị trí Núi đất, tập kích sân bay Hớn quản và phục kích một đại đội ngụy đang đóng quân dã ngoại trên đường 13. Tuyến phòng thủ của địch nhiều chỗ bị chọc thủng. Những đơn vị thuộc trung đoàn 9, sư đoàn 5 ngụy chiếm đóng vùng này càng hoang mang lo sợ, nhiều binh sỹ bỏ đồn, rã ngũ. Bị uy hiếp mạnh, quân địch hoảng hốt tập trung các lực lượng cơ động liều mạng cố mở lại cho được đường 13. Nhưng địch càng liều mạng thì càng liên tiếp bị quân giải phóng giáng cho những đòn mạnh:

Đòn thứ nhất, trận Cần Đâm

Sáng ngày 8/6/1966, địch cho hàng trăm máy bay lên thẳng thăm dò rồi trút bom, vãi đạn dọc hai bên đường. Một đoàn xe G.M.C chở hai tiểu đoàn chủ lực thuộc trung đoàn số 9 ngụy trải dài từ Chơn Thành đến Hớn Quản để mở đường cho đoàn xe của Mỹ - ngụy chở lính và đạn từ thị xã Bình Dương (Thủ Dầu Một) lên tăng cường phòng thủ cho chi khu quân sự Lộc Ninh. Tưởng chừng an ninh đã được bảo đảm. Khoảng 11 giờ 30 cùng ngày, bọn Mỹ cho một đoàn xe quân sự gồm các loại xe tăng, xe bọc thép nối đuôi nhau từ Thủ Dầu Một đi về thị xã Bình Long. Khoảng 13 giờ 15 phút, những chiếc xe đi đầu đã vượt khỏi cầu Tàu Ô và tiến vào khu vực Cần Đâm, cách quận Châu Thành 13km về phía Bắc. 15 phút sau, những chiếc xe đi đầu bị quật lộn nhào dưới một loạt đạn pháo phủ đầu của quân giải phóng, đồng thời nhiều xe ở phía sau bị trúng mìn nổ tung. Cả đoàn xe dồn lại và bị gói gọn trong một trận địa dài 3 km. Nhân lúc địch đang bị bất ngờ, các tổ xung kích quân giải phóng từ các cộng sự nhanh chóng xông ra mặt đường tấn công tiêu diệt địch. Đoàn xe của giặc Mỹ đã bị quân giải phóng chia cắt ra diệt gọn từng cụm, hủy từng chiếc.

Trận địa lúc bấy giờ chỉ còn xác xe tăng, xe bọc thép, xe G.M.C nằm ngang dọc bốc cháy giữ những cuộn khói đen. Xác lính Mỹ - ngụy nằm ngổn ngang trên mặt đường hoặc dồn đống trong các khoang xe đang bốc cháy. Sau khi quân giải phóng thu dọn chiến trường và rút khỏi trận địa, máy bay địch mới đến ném bom vãi đạn bừa bãi xuống đoạn đường chỉ còn xác xe và xác lính của chúng. Sau gần 3 giờ chiến đấu, quân giải phóng đã vây chặt và diệt gọn hai chi đoàn xe tăng M.41 và xe bọc thép M.113 cùng một số xe quân sự gồm 52 xe trong đó có 43 xe tăng và xe bọc thép, bắn rơi 8 máy bay lên thẳng và máy bay chiến đấu phản lực, giết và làm bị thương 500 tên địch trong đó có 300 tên xâm lược Mỹ, bắt sống nhiều tù binh và thu nhiều súng đạn.

Đòn thứ 2, trận Cần Lê

Hơn nửa tháng 6, con đường 13 vẫn không sao mở được. Để dồn quân cho chi quân khu Lộc Ninh đang ngày càng bị lung lay, cô lập, quân Mỹ buộc phải dùng lực lượng xung kích chủ yếu của chúng lần thứ 2 ném vào con đường 13 đẫm máu. Ngày 30/6/1966, một chiến đoàn cơ giới thuộc sư đoàn bộ binh 1 từ Hớn Quản (Thủ Dầu Một) chuẩn bị triển khai. 8 giờ 10 phút, đoàn xe bò đến một dốc nhỏ phía nam cầu Cần Lê cách tiểu khu Bình Long gần 13 km về phía Bắc để xem xét tình hình. Không phát hiện được gì, đoàn xe tiếp tục chuyển bánh. Đại đội biệt kích ngụy vượt lên phía trước và tiến gần lên phía trước và lọt vào trận địa phục kích. Một bộ phận của quân giải phóng bắt đầu nổ súng. Đại đội biệt kích ngụy đi dò đường bị đánh bất ngờ. 30 tên chết ngay tại trận, số còn lại hoảng hốt tháo chạy. Toàn đơn vị quân giải phóng được lệnh xuất kích. Các cỡ súng của quân giải phóng tập trung nhả đạn vào đoàn cơ giới trên một tuyến dài đến 3 km. Đội hình địch bị toán loạn. Những mũi nhọn của quân giải phóng lao thẳng ra mặt đường nổ súng diệt địch. Trong vòng 30 phút chiến đấu, bộ phận chặn đầu đã hoàn toàn làm chủ đoạn đường trước mặt mình. Trong khi đó, một đội của quân giải phóng tấn công đoàn cuối đoàn xe và phân đội nữa đánh mạnh vào đoạn giữa dùng thủ pháo diệt địch.

Với cách vận dụng linh hoạt lối đánh gần, với sự phối hợp linh hoạt giữa các phân đội, các mũi khi thì đánh thẳng, đánh mạnh ngay vào đội hình địch, khi thì bất ngờ đánh vào sườn địch, diệt gọn từng bộ phận địch. Sau gần một giờ chiến đấu, quân giải phóng hoàn toàn làm chủ trận địa. Lúc này, máy bay giặc Mỹ mới đến giải nguy cho đoàn xe của chúng. Bị hỏa lực phòng không của quân giải phóng bắn chặn lại, máy bay địch hốt hoảng thả bom đạn bừa bãi xuống vòng ngoài rồi tháo chạy. Cả một chiến đoàn xe cơ giới Mỹ gồm 43 chiếc bị tiêu diệt hoàn toàn.

Đòn thứ 3, trận Xa Cát

Hai lần bị thua đau, lần này chúng thận trọng hơn. Máy bay và pháo binh bắt suốt đêm để dọn đường, các đội ứng cứu đều được chuẩn bị sẵn sàng. Chúng tránh không đi theo đường 13 mà đi theo đường Minh thạnh nằm sát sườn phía tây. Tuy nhiên, khi đoàn xe đến Xa Cát, cách Hớn Quản khoàn 12km về phía Nam rẽ theo hướng Tây Nam thì lọt vào trận địa phục kích của quân giải phóng. Sau hơn một giờ chiến đấu ác liệt, các chiến sỹ quân giải phóng đã phá hủy 30 xe tăng M.41 và xe bọc thép M.113, giết và làm bị thương nhiều tên lính Mỹ. Quân giải phóng còn bắt rơi 1 máy bay chiến đấu phản lực F.105 và 1 máy bay lên thẳng chỉ huy pháo binh. Kể từ trận Cần Đâm đến nay, đây là đòn thứ 3 trong vòng 1 tháng, quân giải phóng đã đánh trúng đầu sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ trên đường số 13: ba lần, lực lượng xung kích của sư đoàn này ra quân, cả ba lần đều thất bại thảm hại.

Quân giải phóng ba lần đánh thắng lực lượng cơ giới địch trong một thời gian ngắn, trên cùng một địa hình diệt hơn 130 xe tăng và xe bọc thép Mỹ có ý nghĩa về mặt chiến thuật rất lớn. Do nắm chắc được tình hình địch, giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ và dựa vào những thế trận đã bày sẵn, quân giải phóng đã chủ động đánh cho giặc Mỹ những đòn trở tay không kịp: đánh trúng ngay vào chỗ yếu và đầu não chỉ huy của địch, nhanh chóng tiếp cận chia cắt đội hình địch, chặn đầu khóa đuôi địch, đồng thời phối hợp chặt chẽ với đánh địch trên không, tạo điều kiện nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch. Cách đánh lợi hại đó được xây dựng trên cơ sở tinh thần dám đánh dám thắng cơ giới địch và ý chí căm thù địch, trên cơ sở những những kinh nghiệm xương máu đánh bại chiến thuật của địch trong nhiều trận, qua đó mà trình độ tổ chức, trình độ chiến thuật của các đơn vị bộ binh của quân và dân miền Đông Nam bộ được nâng cao.

 

Yên Yên

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 290 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày