Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 22/06/2021, 14:55

Kỷ niệm 60 năm trận đánh Tổng kho Liên hợp hậu cần Long Bình đầu tiên của đặc công Biên Hòa U1 (22/6/1966-22/6/2021)

            Tổng kho Liên hợp hậu cần Long Bình là một kho vũ khí có diện tích khoảng 24 km2 mặt đất, có hệ thống đường hầm ngầm nhiều ngõ ngách với diện tích khoảng 300 km2, hiện nay thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

            Theo nguồn sử liệu, vào đầu năm 1965, Mỹ đưa quân viễn chinh trực tiếp tham gia chiến tranh xâm lược ở miền Nam. Số lượng quân viễn chinh Mỹ tăng rất nhanh từ 200.000 tên năm 1966 đến 500.000 tên năm 1972, do đó đòi hỏi cần phải được cung ứng một khối lượng hậu cần lớn.

Đến tháng 6/1965, đế quốc Mỹ cho triển khai xây dựng một tổng kho liên hợp hậu cần lớn nhất ở Việt Nam và Đông Dương. Kho này đặt trên một khu đồi ở Long Bình cách thành phố Sài Sòn khoảng 30 km về phía Đông, cách trung tâm thành phố Biên Hòa 10 km, nhân dân thường gọi là Tổng kho Long Bình.

Tổng kho Long Bình rộng hơn 20 km2 nằm trên trục quốc lộ 15 và xa lộ Sài gòn – Đồng Nai, giáp các xã Hố Nai, Long Bình Tân và thành phố Biên Hòa, sát bờ sông Đồng Nai, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng quân sự cả đường sông và đường bộ. Xung quanh kho bao bọc bởi hơn 20 lớp rào bùng nhùng kẽm gai, gài mìn, lựu đạn, các cạm bẫy, các lô cốt kiên cố. Bên trong kho có nhiều đường nhựa ngang dọc để cơ động phòng thủ với lực lượng thường trực ứng chiến trên 2 tiểu đoàn. Trên những khu đồi, Mỹ bố trí những kho bom, đạn pháo, rốc két cung ứng cho các đơn vị quân đội Mỹ ngụy ở miền Nam để đánh phá phong trào cách mạng, hủy diệt môi trường sinh thái. Long Bình còn là nơi đặt Bộ Tư lệnh dã chiến II Mỹ, Bộ Tư lệnh hậu cần số 1 của Mỹ, đồng thời là kho bom, đạn lớn của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Hai khu kho quan trọng trong tổng kho là khu kho đồi 50 và đồi 53, có 18 dãy nhà kho với khoảng 200 gian chia làm 3 khu (mỗi khu 6 dãy), mỗi dãy cách nhau 100 m, các nhà cách nhau 60 mét. Nhà kho xây hình khối chữ nhật (30m x 25m x 5,5m), cửa thép có khóa sắt, xung quanh có ụ đất dày 4 - 5 m…

Cũng trong năm 1965, khi sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam ngày càng rầm rộ, với sự chuyển biến của tình hình tại chiến trường miền Nam lúc đó, Trung ương Cục quyết định sáp nhập thị xã Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu thành đơn vị chiến trường ngang cấp tỉnh gọi là Biên Hòa và chỉ định đồng chí Nguyễn Văn Trị (hy sinh năm 1969) làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Công An làm Tỉnh đội trưởng. Tỉnh ủy Biên Hòa được xác định phải củng cố và phát triển cơ sở ở nội ô và ngoại ô thị xã, kết hợp đấu tranh chính trị với hoạt động vũ trang.

Xuất phát từ đặc điểm, vị trí chiến lược của chiến trường Đông Nam bộ, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông đã xây dựng các căn cứ địa kháng chiến lớn tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ngày nay. Trong số đó, căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (mật danh U1) bao gồm cả thị xã Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và huyện Trảng Bom được thành lập tháng 9/1965 nay thuộc xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) và tồn tại đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Căn cứ Tỉnh ủy U1 đã lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương và thực hiện nhiệm vụ quan trọng là xây dựng “vành đai lửa” tiến công sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình, phá hủy phương tiện chiến tranh cao cấp của Mỹ - ngụy. Hai đại đội đặc công U1 đã xây dựng các bàn đạp đứng chân ở xã Thiện Tân, Bình Trị, Hóa An… để nghiên cứu các mục tiêu.

Để phối hợp với nhiều mặt trận khác, đánh bại 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô của đế quốc Mỹ (1965-1966, 1967-1968), Tỉnh ủy Biên Hòa đã chỉ đạo đặc công U1 tìm cách tiến công vào Tổng kho Long Bình với phương châm đánh táo bạo, chắc thắng, đánh bồi nhằm phá hủy bom đạn, phương tiện chiến tranh của địch. Để chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên, đặc công U1 phải cưa bom lấy thuốc nổ, nhồi vào thùng mỡ 10 kg, gài đồng hồ quả quýt để chế tạo thành mìn hẹn giờ.

Trận đánh đầu tiên của đặc công U1 nhằm vào Tổng kho Long Bình được xác định là ngày 22/6/1966, do đồng chí Nguyễn Văn Tư (Tư Già) chỉ huy.

Trước đó, đêm 21/6/1966, tổ đặc công đã bí mật vượt qua hàng chục lớp rào kẽm gai, các lô cốt gác đột nhập vào trung tâm kho Long Bình, gài mìn hẹn giờ vào các khu kho.

 Đội đặc công bao gồm 6 chiến sĩ được chia làm 3 tổ: Tổ 1 do đồng chí Nguyễn Tấn Vàng làm tổ trưởng, tổ 2 do đồng chí Nguyễn Văn Thái làm tổ trưởng, tổ 3 do đồng chí Bùi Văn Hòa làm tổ trưởng, vượt rào và chướng ngại vật tiếp cận khu kho đồi 53 đặt mìn có gắn kíp nổ hẹn giờ bằng đồng hồ. Rạng sáng ngày 22/6/1966, một tiếng nổ lớn, sau đó là hàng loạt tiếng nổ truyền nhau làm chấn động thị xã Biên Hòa và thành phố Sài Gòn. Trận đánh đầu tiên bằng kỹ thuật đặc công vào Tổng kho Long Bình đã phá hủy 40.000 quả đạn pháo 155 ly của Mỹ.

Sáng 23/6/1966, khu kho đồi 53 bắt đầu nổ, toàn bộ khu kho trùm trong khói lửa. Các phương tiện cứu hỏa của địch đều bất lực.

Sau trận thắng lợi đầu tiên, các chiến sĩ đặc công Biên Hòa đã rút kinh nghiệm, từng bước xây dựng được một “vành đai lửa”, liên tục “đánh thủng dạ dày” của Mỹ - ngụy ở Tổng kho Long Bình, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, hỗ trợ đắc lực cho chiến trường toàn miền Nam.

Đây là trận tiến công đầu tiên của đặc công Biên Hòa vào tổng kho Long Bình, mở đầu cho hàng loạt trận đánh sau này. Trận đánh đã giáng một đòn nặng nề, làm đảo lộn chiến lược của địch, tạo ảnh hưởng lớn đến cục diện tại các mặt trận khác. Với thắng lợi lớn này, đặc công U1 được Bộ chỉ huy Miền tặng thưởng Huân chương quân công giải phóng hạng III và 4 huân chương chiến công giải phóng.

Hình ảnh Tổng kho Long Bình bị đặc công U1 tấn công. Ảnh Internet.

 

Nhân kỷ niệm 60 năm trận đánh Tổng kho Liên hợp hậu cần Long Bình đầu tiên của đặc công Biên Hòa U1 (22/6/1966-22/6/2021), Thư viện tỉnh Đồng Nai xin được giới thiệu sơ lược về quá trình diễn biến của trận đánh nhằm tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử, nghệ thuật quân sự tài tình, sáng tạo của quân và dân ta trong trận đánh Tổng kho hậu cần Long Bình ngày 22/6/1966, khẳng định đây là những đòn đánh phủ đầu quân viễn chinh Mỹ và chư hầu ngay khi chúng vừa đặt chân tới đất Biên Hòa, mở đầu hàng loạt trận đánh tiếp theo, gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống kho tàng, căn cứ của Mỹ và chính quyền tay sai. Đó là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng; là lời khẳng định cụ thể của Đảng bộ và quân dân Biên Hòa: “Nhân dân ta quyết tâm đánh đế quốc Mỹ xâm lược và có khả năng đánh thắng quân Mỹ”.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay và huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), xây dựng tỉnh Đồng Nai phát triển toàn diện./.

Đinh Nhài

 

 

 

 


Số lượt người xem: 274 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày