Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Bảy, 26/06/2021, 09:30

Kỷ niệm 10 năm ngày Thành nhà Hồ chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (27/6/2011- 27/6/2021)

Có lẽ đâu đó sự kì thị vùng miền vẫn còn âm ỉ trong một bộ phận người suy nghĩ lệch lạc. Quê hương mỗi người đều đáng quý, đáng trân trọng. Mọi địa phương, vùng miền với các cư dân sinh ra và lớn lên ở nơi đó đều bình đẳng. Việt Nam được chia thành 3 vùng miền chính đó là Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Mỗi vùng miền đều mang một nền văn hóa, bản sắc rất riêng và ấn tượng. Chính sự khác biệt về vùng miền đã mang lại cho Việt Nam một nền văn hóa phong phú và đa dạng. Bản thân là người con của xứ Thanh, đã có đôi lần tôi cũng bị kì thị vì dân Thanh Hóa. Nhưng không vì thế mà hết yêu quê, tôi yêu quê tôi bằng niềm tự hào là mảnh đất có bề dày về truyền thống lịch sử và văn hóa, xuyên suốt từ thuở các vua Hùng dựng nước cho tới thời đại Hồ Chí Minh. Quê hương của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, người đã cùng nghĩa quân Lam Sơn làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc trước quân Minh xâm lược. Thiên nhiên quê tôi, tôi yêu bằng tất cả tâm hồn, yêu biết bao cái nắng gắt hay rét buốt của khí hậu quê tôi. Nơi đây là xứ sở quê hương của nhiều nhiều đặc sản nổi tiếng mà người gần, xa đều phải trầm trồ khen ngợi như quế Thường Xuân, cam giấy Làng Giàng, chè lam Phủ Quảng, nước mắm Do Xuyên, dừa Hoằng Hoá, mía Kim Tân, cà Làng Hạc, khoai Làng Lăng, vịt Trạc Nhật, v.v... chính những thứ này đã tạo ra cho xứ Thanh nét độc đáo, đậm đà riêng biệt mà xứ khác không thể nào có được.

Là điểm cuối của Bắc bộ và đầu Trung bộ còn lại là vùng Tây Bắc nối dài, có rừng núi, có đồng bằng, có sông biển và các doi cát nối dài. Có lẽ chính vì vậy đã tạo nên nét phong phú về cảnh đẹp thiên nhiên, và rất đúng như lời quả quyết  của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (ở cuốn sách Lý Thường Kiệt của ông), rằng “với núi sông thắng tích cả đất nước Việt Nam không đâu phong phú và đẹp đẽ bằng Thanh Hoá”. Quả đúng như vậy, quê hương tôi có một dòng sông Mã huyền thoại đã đi vào thơ ca. Dòng sông là chứng tích của lịch sử, là minh chứng cho sự hy sinh, mất mát của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ. Một Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2011, và được công nhận đứng đầu trong 21 di sản nổi bật và vĩ đại nhất thế giới…

Nhân kỷ niệm 10 năm, Di sản thành nhà Hồ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, xin giới thiệu đến bạn đọc gần xa về di sản thành nhà Hồ quê tôi. Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn và rất hiếm ở Việt Nam. Đây cũng là di sản văn hóa có giá trị độc đáo nhất còn lại ở Đông Nam Á và một trong số ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Thành nhà Hồ còn có các tên gọi khác là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai. Nhưng tên gọi thông thường và phổ biến là thành nhà Hồ, được xây dựng cách đây hơn 600 năm, nằm trên địa phận xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay.

Tháng giêng năm Đinh Sửu (1397) bắt đầu xây thành đá, thang tư đổi trấn Thanh Hóa thành trấn Thanh Đô và tháng 11 dời đô về kinh thành mới. Theo lịch sử ghi chép, Hồ Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông nhường ngôi cho thái tử Án (cháu ngoại của Hồ Quý Ly) mới lên 3 tuổi để đi tu tiên ở cung Bảo Thanh phía Tây nam núi Đại Lại. Thái tử Án lên ngôi được 2 năm, cơ nghiệp họ Trần chuyển sang họ Hồ. Trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn vị trí xây thành vừa có ý nghĩa chiến lược phòng thủ, vừa phát huy được ưu thế giao thông thủy bộ. Có lẽ vì vậy, quanh thành vừa có sông nước vừa có núi non hiểm trở. Một tòa thành cổ to lớn và độc đáo, công việc tưởng chừng phải tốn thời gian nhiều năm mà chỉ hoàn thành trong 3 tháng (từ tháng giêng đến tháng 3 năm 1397) thành đã được xây xong và ngay sau đó, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô. Hồ Quý Ly ngồi trên ngai vàng chưa được bao lâu lại truyền ngôi cho con là Hồ Hán Thương để làm Thái thượng hoàng. Khi quân minh xâm lược, nhà Hồ liên tiếp bị thất bại trên các mặt trận. Tháng 5/1407, quân Minh đánh Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc), Quý Ly bỏ thành, bị tướng giặc bắt sống đem về Trung Quốc. Vương triều Hồ mất, thành Tây Đô rơi vào tay giặc và quân Minh bắt đầu tàn phá từ đó. Mặc dù chỉ tồn tại một khoảng thời gian ngắn ngủi trong lịch sử dân tộc, nhưng triều đại nhà Hồ đã để lại cho kho tàng nghệ thuật kiến trúc Việt Nam một công trình đặc sắc chính là thành đá Nhà Hồ.

Thành nhà Hồ chiều nam – bắc dài khoảng 870,5m, chiều đông – tây dài khoảng 883,5m. trải qua hơn 6 thế kỷ tồn tại, phần kiến trúc bên trong hoàng thành đã bị hủy hoại, vùi lấp hết, song 4 bức tường thành - biểu tượng của Thành Nhà Hồ vẫn giữ tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, nổi bật với 4 cổng Nam, Bắc, Đông, Tây. Cổng Nam là cổng chính, mở 3 cửa; cửa giữa lớn nhất, cao 5,75m, rộng 5,82m; hai cửa phụ cao 5,35m, rộng 5,45m. Các cổng Đông, Tây, Bắc chỉ có một cửa có chiều cao và rộng tương đối bằng nhau. Các cửa vòm cuốn có kết cấu rất đặc biệt, đều dùng đá ghép hình múi bưởi, không cần chất kết dính. Các cổng, cửa không còn nguyên vẹn, riêng tường thành đủ để hình dung tính kỳ vĩ của nó. Tất cả đều xây bằng đá xanh. Tường cao trung bình từ 5m đến 6m, có nơi cao tới 10m (cửa Nam). Đá ốp là những khố đá đẽo vuông bốn cạnh và ghép lại với nhau một cách tự nhiên, không cần vữa hồ. Kích thước mỗi khối đá trung bình dài khoảng 1,4m, rộng khoảng 0,7m. Có khối dài hơn 5m, cao và rộng hơn 1m. Tường thành cấu trúc ba lớp: lớp ngoài là đá khối, ở giữ đất nện, bên trong xây ốp gạch vồ. Những khối đá xây thành được sản xuất ngay tại một số công trường trong huyện. Đất Vĩnh Lộc là xứ sở của núi đá vôi. Vận chuyển bấy nhiêu khổ đá cũng là một kỳ công.

Thành nhà Hồ, một kiến trúc quân sự, đồng thời là nơi vua đóng đô, nên thành đá tức Cấm thành, bên trong có Hoàng thành xây bằng gạch, và La thành ở phía xa, không đắp đất như La thành Thăng Long mà trồng tre gai, những lũy tre dày đặc và kín mít. Đây cũng là nét đặc sắc trong kỹ thuật xây thành của Việt Nam. Bao bọc quanh Cấm thành là hồ trị. Thành Nhà Hồ trở thành một công trình mang giá trị nổi bật toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực, vừa là một pháo đài quân sự, thể hiện sự gắn kết tài tình giữa công trình kiến trúc với cảnh quan văn hóa và thiên nhiên. Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn, trải qua thời gian hơn 600 năm với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay Thành Nhà Hồ vẫn được bảo tồn rất tốt trong cảnh quan thiên nhiên hầu như còn nguyên vẹn.

Thành nhà Hồ tồn tại cho đến ngày nay được đánh giá là một trong những di sản quan trọng lưu giữ nhiều những giá trị cả về mặt văn hóa lẫn kiến trúc thời trung đại. Đồng thời là một chứng tích lịch sử quan trọng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, một giai đoạn có nhiều biến động. Nếu ai có dịp đặt chân đến xứ Thanh, thì không nên bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng thành tựu kiến trúc bằng đá độc đáo của công trình xưa cũ, để hiểu thêm về lịch sử cũng như nền văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam.

 

Yên Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 270 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày