Không biết từ bao giờ, hai tiếng “gia đình” đã đi cùng mỗi người chúng ta với một ý nghĩa hết sức thiêng liêng và cao cả, đó là cái nôi cho mỗi người sinh ra và trưởng thành. Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc. Đó là món quà tuyệt vời nhất, là điểm tựa vững chắc nhất, là bến đỗ bình yên nhất đối với mỗi con người.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách… được hình thành, phát triển và giữ gìn, vun đắp, phát huy trong mỗi gia đình Việt Nam. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng gia đình phải phát triển bền vững.
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là mốc quan trọng để những con người đất Việt hướng về cội nguồn, về những người thân yêu, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, những giá trị văn hoá cao quý của dân tộc. Cho dù đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để quay về.
Trong cuộc sống gia đình, từ tuổi ấu thơ, qua những câu hát ầu ơ, lời ru của bà, của mẹ đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và ước mơ của mỗi con người, những tình cảm đó sẽ theo suốt cuộc đời của mỗi chúng ta. Với sự nhân từ của người mẹ, sự nghiêm khắc của người cha, sự hy sinh quên mình vì con cái của cha mẹ là những bài học vô cùng quý báu của mỗi người, góp phần hình thành một thế giới quan đúng đắn, một nhân sinh quan tích cực cho mỗi cá nhân sau này.
Giáo dục gia đình dựa vào lời nói, những việc làm mẫu mực của cha mẹ, tấm gương lao động, làm việc chân chính, ăn ở có nghĩa có tình trong gia đình, với bạn bè, người thân bà con hàng xóm, thái độ tôn trọng với mọi người xung quanh, tôn trọng pháp luật, bảo vệ của công,… của cha mẹ là những bài học thực tiễn cụ thể, dễ hiểu, con cái cảm nhận được hàng ngày, in vào tâm trí chúng từ lúc còn nhỏ cho đến khi trưởng thành, thúc đẩy chúng làm theo bố mẹ một cách tự giác.
Nuôi dạy con tốt vừa là nguyện vọng, vừa là nhiệm vụ của mỗi người làm cha, làm mẹ và trong tâm lý chung, ai cũng muốn nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Song nó lại là hai nhiệm vụ rất khác nhau đòi hỏi chúng ta phải có sự hiểu biết khoa học về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Nếu nuôi con tốt nhưng dạy con tồi, ta sẽ cung cấp cho xã hội một người con hư hỏng.
Gia đình cũng là nơi con người hưởng thụ cuộc sống, tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em. Chính sự hưởng thụ ấy là điều kiện để con người phát triển các năng lực thể chất và tinh thần để mở rộng sự tham gia vào các hoạt động, các quan hệ xã hội. Người ta sinh ra không phải là để trở thành con người ngay, mà chỉ trở thành con người trong quá trình giáo dục. Trong giáo dục gia đình, điều quan trọng nhất là phải giáo dục đạo đức, giáo dục nền nếp gia phong, lễ giáo…Vì đạo đức là thành phần cốt lõi của nhân cách, cho nên giáo dục đạo đức để hình thành nhân cách và giáo dục đạo đức trong gia đình là tạo nền tảng cho nhân cách con người vào đời, ở đời và làm người.
Nội dung của giáo dục gia đình chính là những yếu tố của vấn đề văn hóa gia đình và văn hóa cộng đồng nhằm tạo lập và phát triển nhân cách con người như đạo đức, lối sống, cách ứng xử, tri thức lao động và khoa học. Giáo dục gia đình được thực hiện thông qua chu trình của đời sống con người: từ lúc còn thơ ấu đến thanh niên, trung niên, tuổi già.
Giáo dục gia đình bắt đầu ngay từ khi chúng ta cất tiếng khóc chào đời và nó kéo dài suốt cuộc đời mỗi người. Từ nhỏ, bên cánh nôi với những lời ru của bà, của mẹ ở đó ẩn chứa những điều giáo dục, răn dạy đối với chúng ta.Với những cử chỉ chăm sóc vỗ về dịu dàng của mẹ thì chúng ta phần nào cảm nhận được tình yêu thương con người, tình yêu thương của cha mẹ dành cho chúng ta. Đến tuổi đi học, ngoài giờ học ở trường, trẻ vẫn chịu đựng sự tác động to lớn của giáo dục gia đình. Cho đến khi trưởng thành, khi ta được coi là “đủ lông, đủ cánh” chúng ta vẫn luôn ảnh hưởng bởi giáo dục gia đình. Gia đình là chỗ dựa vững chắc, lâu dài nhất của mỗi con người. Trong cuộc sống đứng trước niềm vui hay nỗi buồn, thành công hay thất bại thì nơi đầu tiên con người tìm về và nhận được những sẻ chia ân cần sâu sắc nhất đó chính là gia đình. Với những tình cảm thân thương của ông bà, cha mẹ, anh chị em sẽ là “cội nguồn” động viên khích lệ, nâng bước mỗi người.
Và đúng như thế đối với mỗi cá nhân, gia đình luôn là điều thiêng liêng, tuyệt vời nhất, gia đình là chỗ dựa cho mỗi chúng ta, thật là hạnh phúc cho những ai có được một gia đình đầm ấm. Mỗi khi công việc thuận lợi, thành công và khi bạn vui vẻ bạn thường tìm đến bạn bè mình và nơi náo nhiệt, nhưng khi bạn thất bại, buồn chán thì thường bạn cần tìm sự an ủi, giúp đỡ từ gia đình và gia đình là nơi mà không bao giờ từ bỏ bạn trong những lúc khó khăn, gia đình là nơi chúng ta quay về sau những vấp ngã, sóng gió trong cuộc sống. Chính vì vậy mà mọi người hay gọi gia đình là “tổ ấm”.
Trong cuộc sống hàng ngày, trong xã hội phát triển rất nhanh như hiện nay, có khi nào chúng ta “dừng lại” và tự hỏi: Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc ở đâu? Hạnh phúc có rất nhiều cung bậc khác nhau, có khi hạnh phúc rất giản dị, nó chỉ là một bữa cơm quây quần bên người thân trong gia đình, hạnh phúc ở ngay cạnh bên mỗi con người chúng ta. Đó chính là “bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”
Không khí gia đình thật là đầm ấm, hạnh phúc khi chúng ta biết chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Bữa cơm gia đình không chỉ đơn giản là một bữa ăn cung cấp năng lượng để hoạt động cho cơ thể mà nó còn là nơi gắn kết yêu thương của các thành viên trong gia đình, thể hiện văn hóa truyền thống của một gia đình, của một đất nước. Nơi mà tất cả mọi người đều cảm nhận được tình yêu thương thực sự, quan tâm lẫn nhau, sự kết nối giữa cha mẹ với con cái, giữa thế hệ này và thế hệ khác. Đó chính là gia đình.
Ngày gia đình Việt Nam đã thực sự là một ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, mỗi người chúng ta hãy tổ chức sum họp gia đình, tổ chức liên hoan gặp mặt các thành viên trong gia đình và chăm lo gắn kết với hàng xóm, cơ quan, nhà trường và xã hội; nhằm ôn lại truyền thống nề nếp gia phong, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc là điều hết sức cần thiết và thật sự có ý nghĩa thiết thực, gắn chặt tình cảm các thành viên với nhau để “Ngày gia đình Việt Nam 28/6” hàng năm đi vào cuộc sống, trở thành ngày hội lớn, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, được lưu truyền tốt đẹp trong mỗi gia đình Việt Nam.
Mai Mai