Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc việt Nam đã viết lên những trang sử hào hùng, bất diệt. Để làm nên những chiến công oanh liệt đó, thì không thể không kể đến sức mạnh truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Qua mỗi giai đoạn lịch sử, dân tộc Việt Nam đã mở ra những trang sử mới vô cùng rạng rỡ. Khi chiến tranh nổ ra đã có biết bao con người xông pha đi giành lại độc lập cho Tổ quốc. Những anh hùng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc đã để lại cho thế hệ chúng ta truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tiếp nối truyền thống đánh giặc oai hùng từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt…, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã kế tục xứng đáng nhất sự nghiệp và công đức của những bậc tiền bối kiệt xuất, Người là anh hùng giải phóng dân tộc, anh hùng mở ra thời đại mới. Noi gương Bác Hồ vĩ đại, những người con của dân tộc Việt Nam cống hiến cả cuộc đời để chống giặc ngoại xâm. Đại tướng Hoàng Văn Thái là đại biểu cho những con người đáng kính đó.
Hoàng Văn Thái là một trong những vị tướng có ảnh hưởng quan trọng trong việc hình thành và phát triển của quân đội nhân dân Việt Nam. Ông chính là tham mưu trưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Là một trong những chỉ huy chủ chốt trong cuộc tổng tiến công tết Mậu Thân, tham mưu trưởng trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông, Biên giới Thu Đông cùng nhiều chiến dịch quân sự khác trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Hoàng Văn Thái có một bề dày gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam chống đế quốc xâm lược.
Từ một thanh niên lớn lên sau phong trào cách mạng 1930 - 1931, quê ở Tiền Hải - Thái Bình, Đại tướng Hoàng Văn Thái lúc đó có tên gọi là Hoàng Văn Xiêm, Người thanh niên nông thôn nhọc nhằn mưu sinh kiếm tiền để nuôi gia đình. Ông đã đi Quảng Ninh, Cao Bằng, nhưng với đồng tiền công rẻ mạt không đủ nuôi thân. Ở đâu ông cũng thấy một bầu trời u ám của bọn đế quốc phong kiến. Ông trở về làng với tâm trạng dằn vặt u uất, lòng ông có phần hoang mang như người đi lạc đường mà chưa tìm được hướng. Thế rồi được những người cách mạng giúp đỡ, giác ngộ ông đã đi theo cách mạng. Đầu tiên ông được kết nạp vào Hội nông dân tương tế. Vào hội, ông được nghiên cứu tác phẩm “Vấn đề dân cày”. Đây là cuốn sách làm thay đổi cuộc đời, dẫn dắt cho những người đàn ông thuộc tầng lớp nghèo khổ ở nông thôn thời bấy giờ nhìn thấy con đường đấu tranh để đi tới cuộc sống ấm no hạnh phúc (cuốn sách là sản phẩm của đồng chí Trường Chinh soạn thảo).
Từ Hội nông dân tương tế, thanh niên dân chủ mở rộng ra các hội đàn nam dùng âm nhạc dân tộc thu hút thanh niên, khởi đầu là chống hủ tục, sau đó là giáo dục ý thức đấu tranh. Dần dần Hoàng Văn Xiêm là quen với việc đưa dân đi đấu tranh. Qua đó ông cùng các bạn bí mật rải truyền đơn, vận động nhân dân chống sưu cao thuế nặng, đòi quyền tự do dân chủ. Do hăng say, nhiệt tình, sáng tạo và dũng cảm hoạt động ở địa phương nên năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng. Sau một thời gian hoạt động bị địch bắt, rồi trốn tù ông được tổ chức bố trí bí mật đưa lên các tỉnh phía Bắc… Rồi sang Trung Quốc học trường quân sự của Tưởng Giới Thạch. Cũng tại đây lần đầu tiên ông gặp được cụ Hồ mà sau này mới biết cụ chính là Nguyễn Ái Quốc.
Về nước với bí danh mới là Hoàng Văn Thái, ông đã gặp Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Ông được giao nhiệm vụ cùng một số đồng chí khác tổ chức lễ ra mắt đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Ông đã tích cực tham gia công tác tuyên truyền và binh vận cho đội, đồng thời cùng đội tổ chức nhiều trận tấn công khiến thực dân Pháp thiệt hại nặng nề. Các trận tấn công quân Pháp của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân khi mới thành lập đều có sự đóng góp của Hoàng Văn Thái. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được Bác Hồ giao nhiệm vụ thành lập Bộ Tổng Tham mưu và cử Hoàng Văn Thái làm Tổng tham mưu trưởng. Khi đó ông chưa đến 30 tuổi và ông ở vị trí Tổng Tham mưu trưởng suốt cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong vai trò Tổng Tham mưu trưởng, kiêm Đại đoàn trưởng Đại Đoàn độc lập, ông đã góp phần quan trọng trong chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947. Năm 1950, quân Pháp thất bại nặng nề tại chiến dịch Biên giới Thu Đông. Trước đó trong trận Phai Khắt, Nà Ngần ở Cao Bằng, Hoàng Văn Thái cùng đồng đội tạo nên chiến thắng đầu tiên trước quân Pháp của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Trong cương vị Tổng Tham mưu trưởng và nhiều chức vụ khác, ông cùng các tướng lĩnh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tạo nên nhiều chiến thắng quan trọng cho quân dân Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Đặc biệt, ông luôn được Bác Hồ tin tưởng và tín nhiệm vì không chỉ có tài năng vào mưu lược, Đại tướng Hoàng Văn Thái luôn thể hiện quyết tâm chiến thắng trong mọi nhiệm vụ được giao.
Trong Kháng chiến chống Mỹ, ông đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng tại chiến trường miền Nam như sự kiện Tết Mậu Thân, chiến dịch Xuân hè 1972. Ông là Tư lệnh Chiến dịch Lộc Ninh; Tư lệnh Chiến dịch Tây Ninh. Qua tám năm làm Tư lệnh 2 chiến trường lớn đánh Mỹ ở miền Nam: B2 và khu V, ông có nhiều kinh nghiệm chỉ đạo tác chiến. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giữ trách nhiệm Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng chi viện, ông đã tập trung chỉ đạo chi viện kịp thời cho các chiến trường, góp phần quan trọng đưa cuộc tiến công và nổi dậy đến toàn thắng. Không chỉ đơn thuần làm công tác chỉ huy và tham mưu, ông còn tham gia viết và biên tập nhiều tác phẩm, bài viết, tài liệu tổng kết, nghiên cứu về lịch sử và học thuyết quân sự Việt Nam… là những tài sản tinh thần vô giá cho Đảng, Quân đội và nhân dân ta.
Đại tướng Hoàng Văn Thái mất ngày 2 tháng 7 năm 1986 trong sự tiếc thương của quân dân Việt Nam. Công lao to lớn của ông đối với nền độc lập, tự do của đất nước đã được nhân dân tưởng niệm và ghi nhớ qua Khu tưởng niệm Đại tướng Hoàng Văn Thái nằm trên con đường mang tên ông, được xây dựng tại xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình quê hương của Đại tướng. Với những cống hiến của mình, ông đã được nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý. Tên ông cũng được đặt tên cho nhiều đường, phố tại các tỉnh, thành phố trên đất nước Việt Nam.
Yên Yên