Lê Văn Thiêm là người nổi tiếng với những con số đầu tiên. Bởi lẽ, ông là người Việt Nam đầu tiên thi đỗ vào trường École Normale Supérieure de Paris; người Việt Nam đầu tiên có bằng Tiến sĩ tại Đại học Gottingen, nước Đức; người Việt Nam đầu tiên trở thành Giáo sư toán học của trường Đại học Zurich, Thụy Sĩ. Ông là chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học Việt Nam, là tổng biên tập đầu tiên của hai tờ báo toán học Việt Nam (Vietnam Journal of Mathematics và Acta Mathematica Vietnamica)… Một con người danh giá, tiếng tăm lừng lẫy như vậy, nhưng lại là một con người vô cùng giản dị, thân tình. Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông, chúng ta cùng nhìn lại cuộc đời ông để biết rõ hơn về những cống hiến của người thấy đáng kính này.
Gia tộc họ lê là một dòng họ khoa bảng nổi tiếng có truyền thống yêu nước. Bà nội ông là Phan Thị Đại, chị ruột của nhà cách mạng Phan Bội Châu. Bố ông là Lê Văn Nhiễu, đỗ cử nhân năm 1900. Chú ruột, Lê Văn Huân, đậu giải nguyên năm 1906, là một nhà cách mạng, tham gia phong trào Duy Tân hội, rồi Tân Việt đảng. Lê Văn Nhiễu không ra làm quan mà ở nhà dạy học và bốc thuốc, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dạy con cái. Gia cảnh nghèo lại sinh nhiều con, 8 người con trai, 5 người con gái. Con cả Lê Văn kỷ, đỗ tiến sỹ khoa cuối cùng của triều Nguyễn (1919). Người con gái thứ 12 của ông tên Châu. Nghĩ rằng đó là con út nên gia đình gọi là út Châu. Không ngờ năm 1918 tại làng Trung Lễ, Đúc Thọ, nhà cụ Cử Nhiễu sinh thêm được người con thứ 13, bèn gọi là Thêm. Nhưng viết giấy khai sinh mới thêm “i” thành Thiêm. Cái tên Lê Văn Thiêm ra đời từ đó.
Năm 1930 cha mẹ đều mất, cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn. Ông hằng ngày phải đi cắt cỏ chăn trâu và bắt đầu học chữ quốc ngữ với chú Lê Văn Huân. Anh cả Lê Văn Kỷ đỗ tiến sĩ Nho học, không ra làm quan mà ra Hà Nội thi vào Trường Y, tốt ngiệp y sĩ, rồi vào Quy Nhơn làm nghề y. Cuộc sống ổn định, Lê Văn Kỷ đón hai em trong đó có Lê Văn Thiêm vào học Trường Quốc học Quy Nhơn.Ông sớm bộc lộ khả năng toán học từ hồi ấy. Khi lên đến năm cuối của bậc Cao đẳng tiểu học (tương đương cấp phổ thông cơ sở ngày nay), ông được thầy Michel Casimir (thầy vừa dạy Toán, vừa là hiệu trưởng) để ý. Trong giờ học của thầy, Lê Văn Thiêm luôn đưa ra những cách giải toán thông minh, sáng tạo. Kết thúc năm học 1936 – 1937, Lê Văn Thiêm không phải người đỗ đầu, nhưng được thầy xếp tên đầu tiên trong danh sách học sinh xuất sắc lên nhận giải thưởng vì thầy nhìn thấy khả năng của ông có thể cao hơn thế.
Đúng như tầm nhìn của thầy Michel, Chỉ ba tháng sau ông thi đỗ tú tài phần 1 (trong khi bạn cùng lớp phải hai năm sau mới thi đỗ). Lê Văn Thiêm ra Hà Nội học thêm và thi đỗ tú tài toàn phần để học tiếp lên đại học. Năm 1939, kết thúc khóa học, ông đỗ thứ nhì nên được học bổng sang du học ở Paris. Năm 1941, Lê Văn Thiêm thi đỗ vào trường École Normale Supérieure (trường cao đẳng Sư phạm) ở Paris. Sau tốt nghiệp, ông làm luận án thạc sĩ. Ông là người đầu tiên trên thế giới giải được bài toán ngược trong “Lí thuyết các hàm phân hình”. Sau đó ông tiếp tục làm luận án tiến sĩ tại trường đại học Gittingen của Đức, rồi luận án tiến sĩ quốc gia tại Pháp. Các công trình của ông có tiếng vang lớn, được coi là kinh điển, mở đường cho nhiều nghiên cứu toán học sau này.
Năm 1946, khi phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Paris dự cuộc hội đàm Fontainebleau, ông đã tập hợp anh em trí thức Việt kiều đi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1948, ông đại diện cho Việt Nam lần đầu tiên tham dự Hội nghị hoà bình thế giới tại Ba Lan. Đến năm 1949, ông được mời sang làm giáo sư giảng dạy tại Thụy Sĩ. Ông là giáo sư người Việt Nam đầu tiên giảng dạy toán học và cơ học tại trường đại học Bách khoa Zurich, Thụy Sĩ. Đầu năm 1950, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên gửi thư cho Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị điều động Lê Văn Thiêm ra Bắc để giúp ích cho Bộ Giáo dục.
Năm 1951, ông được Chính phủ điều động từ Nam Bộ ra Việt Bắc để nhận nhiệm vụ mới. Hành trang chỉ là chiếc ba lô trên vai, đựng vài cuốn sách toán học mang từ nước ngoài về. Trèo đèo lội suối vượt Trường Sơn, bằng đôi chân trần, ông đã vượt quãng đường hơn hai ngàn năm trăm cây số. Hơn 6 tháng sau ông mới đặt chân đến chiến khu Việt Bắc. Giáo sư Lê Văn Thiêm được giao trọng trách làm hiệu trưởng của hai trường. Đó là Trường đại học Khoa học cơ bản và Trường Sư phạm cao cấp. Ông vừa làm công tác quản lý, vừa trực tiếp giảng dạy. Dựa vào ít tài liệu mang từ nước ngoài về, Giáo sư Lê Văn Thiêm đã tự mình biên soạn và Việt hóa các Bài giảng bằng tiếng Việt cho sinh viên.
Sau ngày giải phóng Thủ đô 1954, ông được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội. Đây là ngôi trường đã đào tạo ra hàng loạt các nhà khoa học hàng đầu của nước ta. Ông vừa giảng dạy vừa tiếp tục làm công tác nghiên cứu khoa học. Ngoài việc giảng dạy, nghiên cứu, Giáo sư còn là người kết nối ngành Toán học Việt Nam với thế giới toán học. Ông không chỉ đại diện Việt Nam đi dự các hội nghị, hội thảo thế giới mà còn mời nhiều nhà toán học nổi tiếng đến giảng dạy ở nước ta.
Năm 1970, GS. Lê Văn Thiêm được điều động sang phụ trách Viện Toán học thuộc Viện Khoa học Việt Nam với cương vị Viện trưởng. Ngay từ khi mới thành lập, Viện đã có một kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ tương đối lâu dài. Nhiều cán bộ trẻ của Viện được cử đi học tập ở Liên Xô và các nước Đông Âu, dưới các hình thức thực tập sinh và nghiên cứu sinh. Năm nào Viện cũng tổ chức được hội nghị khoa học để các cán bộ thông báo kết quả nghiên cứu mới. Viện có những công trình đạt chất lượng cao, công bố trên các tạp chí có uy tín trong nước và quốc tế. Là viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học Việt Nam, Giáo sư Lê Văn Thiêm đã cùng Giáo sư Hoàng Tụy góp công lớn trong việc thành lập Viện Toán học và Hội Toán học Việt Nam, xây dựng Viện trở thành nơi quy tụ các nhà toán học hàng đầu của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của ông , Viện Toán học đã trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học có tầm cỡ trong khu vực.
Với uy tín của một nhà toán học hàng đầu, Giáo sư Lê Văn Thiêm là tổng biên tập đầu tiên của hai tạp chí toán học Việt Nam: Vietnam Journal of Mathematics và Acta Mathematica Vietnamica. Bên cạnh việc tập hợp các nhà toán học làm công tác nghiên cứu ở Viện, ông còn thành lập Hội Toán học, ông cũng là Chủ tịch đầu tiên của hội này. Đặc biệt, Giáo sư Lê Văn Thiêm rất chú ý đến việc phát triển và đạo tạo những mầm non toán học ngay trên ghế nhà trường. Ông khuyến khích mở các lớp chuyên toán ở các trường trung học phổ thông. Là một trong những người sáng lập tờ báo Toán học và Tuổi trẻ, ông đã viết những bài đầu tiên cho tờ báo. Có thể nói, nhờ những nỗ lực của ông mà Việt Nam là một trong những nước thuộc tóp đầu có nhiều học sinh đạt giải Olympic Toán học thế giới.
Để ghi nhớ những cống hiến to lớn của Giáo sư Lê Văn Thiêm về khoa học, giáo dục và xã hội, Nhà nước Việt Nam đã truy tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996 và Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tiếp nối ý nguyện của ông, giải thưởng Lê Văn Thiêm được thành lập, là giải thưởng của Hội Toán học Việt Nam dành cho những người nghiên cứu, giảng dạy toán và học sinh giỏi toán xuất sắc ở Việt Nam được trao hàng năm. Ngày nay, khi đặt chân đến cổng Trường đại học Sư phạm Hà Nội hay cổng Viện Toán học Việt Nam, ta sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng đồng bán thân của Giáo sư Lê Văn Thiêm – người có những đóng góp to lớn cho Toán học trên cả ba phương diện: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai ứng dụng.
Yên Yên