Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Hai, 12/07/2021, 07:25

Kỷ niệm 75 năm ngày mất của nhà cách mạng Nguyễn Hữu Cầu - chiến sĩ yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục (13/7/1946 - 13/7/2021)

Tư tưởng canh tân đã xuất hiện nhiều lần trong lịch sử Việt Nam. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, luồng tư tưởng này được thổi bùng lên thành một cao trào cách mạng trong lĩnh vực tư tưởng và văn hóa, đã làm thay đổi sâu sắc bộ mặt xã hội Việt Nam. Có thể khẳng định rằng đứng trước những khó khăn về kinh tế ngày càng gay gắt, sự rối loạn về chính trị và nguy cơ mất nước, các sĩ phu tiến bộ lúc bấy giờ đã mạnh dạn đưa ra những tư tưởng canh tân đất nước trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa, quân sự, ngoại giao với mục đích đưa đất nước phát triển, phục vụ công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Đặc biệt, để làm nên cuộc cách mạng canh tân ấy, không thể không kể đến vai trò của tầng lớp sỹ phu cựu học, cụ Nguyễn Hữu Cầu là một trong số đó.

Nguyễn Hữu Cầu (Giản Thạch) sinh năm 1879 tại làng Trung Tự, huyện Hoàng Long (nay là phường Đống Đa, thành phố Hà Nội). Ông sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Trưởng thành trong hoàn cảnh chế độ phong kiến đang suy tàn, cùng với đó là sự hiện diện của quân xâm lược Pháp. Được thừa hưởng truyền thống hiếu học, yêu nước của các bậc tiền nhân, con đường duy nhất của ông là con đường thi cử. Từ lúc học vỡ lòng đến năm 28 tuổi (1906), ông đậu cử nhân khoa Hương trường Nam Định, nghề chính là cử nghiệp. Năm sau, ông thi khoa Hội. Đến kỳ thi thứ 4 mới bị loại. Cuộc đời khoa cử của ông chấm dứt sau lần thi Hội đầu tiên này. Ông kiên quyết bước trên con đường duy tân cứu nước. Đầu tiên ông tham gia sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục (tháng 3/1907)  và nhận công tác ở Ban Tu thư của trường.  Các sĩ phu Đông Kinh Nghĩa Thục chú trọng nhất việc giáo dục lòng yêu nước và truyền bá một nền học mới.

Đông Kinh Nghĩa Thục đã tiến hành một cuộc cải cách tư tưởng, chính trị, văn hóa, giáo dục lối sống cho đông đảo nhân dân, nhằm mục tiêu trước mắt đưa nước ta trở thành một quốc gia giàu mạnh, văn minh; mục tiêu lâu dài là chuẩn bị lực lượng giải phóng đất nước ra khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Trường dạy học miễn phí; tài liệu giảng dạy và tuyên truyền, giấy bút đều phát không cho học sinh, hội viện; bất cứ ai muốn học đều được, không phân biệt độ tuổi và giới tính. Kinh phí hoạt động do đồng bào quyên góp. Các sĩ phu Đông Kinh Nghĩa Thục, trong đó có cụ Nguyễn Hữu Cầu, đã nhận thức được mặt lạc hậu của nền cựu học mà chính họ từng thụ hưởng. Để đổi mới lối sống của nhân dân, Đông Kinh Nghĩa Thục ra sức đả phá các hủ tục, tệ cờ bạc, nghiện hút, mê tín di đoan, thói sống lạc hậu, đề xướng lối sống đạo đức, khoa học, cắc tóc ngắn, mặc quần âu… Đông Kinh Nghĩa Thục không chỉ dạy dân học chữ mà còn dạy về chính trị, kinh tế, quyền công dân…, là những vấn đề xưa nay chưa người Việt Nam nào được học. Thời gian làm việc ở Đông Kinh Nghĩa Thục là thời gian làm việc tích cực nhất, tươi đẹp nhất của Nguyễn Hữu Cầu. Ngày ngày cụ lên trường làm việc, tối khuya về nhà; nhà ở giữa cánh đồng bùn lầy, đường bờ ruộng đi lại rất khó; khi về đều không gọi cổng, xé rào mà vào. Sáng sớm cụ tập đánh giáo, đâm thủng cả mấy tấm phên nứa làm cửa nhà ngang. Đôi khi cụ đưa các bạn về nhà mình, cũng về ban đêm và khuya, các cụ ngồi ngoài sân bàn công việc cứu nước đến sáng mới tan. Tuy bận việc nước nhưng cũng không quên việc nhà giúp vợ con trong những ngày nghỉ và cụ thường mang tài liệu về nhà để soạn sách và dạy con, nhất là về lòng yêu nước.

Cuối năm 1907, do hoảng sợ trước tác động to lớn của Đông Kinh Nghĩa Thục trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước và cứu nước của đông đảo dân chúng, thực dân Pháp đã ra lệnh đóng cửa trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Nguyễn Hữu Cầu về quê dạy học. Năm sau lên Hà Nội giúp cụ Nghiêm Xuân Quảng dạy chữ Hán khoảng một năm ở trường Quảng Hợp Ích; đồng thời cùng một số đồng chí bí mật tìm kiếm các thanh niên ưu tú và yêu nước, giúp họ kinh phí sang Trung Quốc du học để trở thành các chiến sĩ chống Pháp sau này. Chính vì vậy mà mạng lưới mật thám của thực dân Pháp thường xuyên bám sát và theo dõi cụ. Đến năm 1915, cụ bị bắt và khép án 5 năm tù, 5 năm cầm cố, cùng cụ Tú Phật Tích (Nguyễn Cảnh Lâm) và cụ Quảng Hòa (Trịnh Đình Lưu) cùng một số nhân sĩ khác. Năm 1917, thực dân Pháp bắt đem ba cụ đày Côn Đảo.

Ở Côn Đảo, Nguyễn Hữu Cầu gặp các bạn Đông Kinh Nghĩa Thục và các nhà chí sĩ Trung bộ: cụ Đốc Đặng Nguyên Cẩn, cụ nghè Huỳnh Thúc Kháng, cụ nghè Ngô Đức Kế, cụ Xứ Lê Đại. Ông cùng các bạn chịu sự áp bức hành hạ của chế độ thực dân Pháp trong ba năm. Tháng 9/1920, ông mãn hạn tù, được trở lại quê hương nhưng bị thúc quản, không được ra Hà Nội. Sau đó, cụ Nguyễn Hữu Cầu mở một hiệu thuốc bắc lấy tên Lợi Nhân Đường ở Ngã Tư Sở, và nổi tiếng là người “mát tay hay thuốc”, rất tốt bụng, nhất là đối với người nghèo. Cụ giữ nếp sống bình dị, khiêm tốn suốt cả cuộc đời. Trong khoảng 20 năm làm thuốc ở Ngã Tư Sở, cụ vừa bốc thuốc vừa dạy học trò Đông y. Tuy tuổi già sức yếu, nhưng cụ vẫn luôn nghĩ và làm những việc ích nước lợi dân. Năm 1934, nhân dịp Hội Khai Trí Tiến Đức mở cuộc thi viết về đề tài “Tân nữ huấn”, cụ đạt giải ba. Nội dung bài ca Tân nữ huấn của cụ nhằm trình bày quan điểm tiến bộ của mình đối với “giáo dục phụ nữ ở thời đại tân tiến” có những quyền lợi và nghĩa vụ đối với gia đình, xã hội, đất nước…như thế nào.

            Cuối năm 1940, cụ bị chứng tê liệt một bên chân, phải từ giã hiệu thuốc về dưỡng bệnh ở nhà. Cụ tự mình điều dưỡng và gắng tập thể dục, cuối cùng cũng tạm đi lại trong nhà. Tuy cuộc sống yên ả như vậy nhưng tình yêu đất nước chưa bao giờ phai nhạt trong lòng chí sĩ. Cụ mong ngóng đến ngày non sông thoát khỏi ách cai trị của giặc Pháp. Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Hữu Cầu vô cùng phấn khởi khi thấy vợ con đi mít tinh, con cháu vào dân quân. Sau đó cụ bảo con làm cỗ cúng và khấn báo với tổ tiên rằng giặc Pháp đã cút khỏi Đông Dương, nước ta độc lập rồi. Khấn xong, cụ giơ nắm tay chào theo kiểu Việt Minh, hai mắt ứa lệ sung sướng. Một người như cụ, quá nửa đời mình yêu nước thương dân, ngày đêm mong mỏi nước nhà độc lập, bản thân đứng báo cáo tin mừng lớn ấy với tổ tiên, tưởng trong những phút khấn giơ tay chào ấy, lòng cụ hoan hỉ, vui mừng biết bao.

Cụ Nguyễn Hữu Cầu ngày một già yếu, ốm bệnh và từ trần ngày 13/7/1946 tại nhà riêng, đúng lúc cách mạng Tháng Tám thành công được gần một năm. Theo ý kiến lúc sinh thời của ông, vợ con ông làm ma chay thật đơn giản, đem số tiền định làm ma chay ấy giúp vào quỹ Quốc phòng. Cụ không phải là một nhân vật kiệt xuất của lịch sử. Một con người khiêm tốn, gần gũi, cụ là một nhân vật cao quý. Bất chấp tất cả mọi sự đàn áp của một chế độ thực dân hà khắc, nhà nho bình thường này đã sống cuộc đời can đảm và khó khăn của một sĩ phu yêu nước, trọn đời giữ vững khí tiết của một trí thức sạch, nhìn lên không xấu hổ với cha ông, nhìn xuống không hổ thẹn với hậu thế.

 

Yên Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 313 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày