Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc kéo dài suốt ba mươi năm, từ kháng chiến chín năm chống Pháp đến hai mươi mốt năm chống Mỹ, dân tộc ta đã ghi một dấu ấn vàng son chói lọi nhất trong lịch đất nước. Trong chiều dài lịch sử ấy, nhân dân và quân đội Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng rất tự hào vì đã sinh ra những vị tưỡng lĩnh có tài, có đức. Trong số đó có Thượng tướng Vũ Lăng. Một con người có tuổi thơ vui ít, buồn nhiều, cuộc sống cơ cực đã trở thành người chỉ huy, một tướng lĩnh có nhiều chiến công oanh liệt.
Vũ Lăng sinh ngày 4 tháng 8 năm 1921, tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông có một tuổi thơ tủi cực và đau buồn. Mẹ ông là người phụ nữ dịu dàng, khéo léo, không bao giờ to tiếng với chồng, thường dạy con phải ngoan ngoãn và có hiếu với cha mẹ. Cha ông là thợ vẽ mẫu thêu giỏi, thường vẽ mẫu thêu cho các cửa hiệu ở Bắc Ninh, Hà Nội nên cũng kiếm được nhiều tiền. Nhưng rồi có tiền sinh tật, bố ông ăn chơi tiêu tiền hoang phí đến khi sa sút phá sản, khi hết tiền về đánh vợ chửi con. Mẹ ông quá uất ức buồn rầu, đau ốm mà chết. Vì thế từ nhỏ ông rất thương mẹ và ghét thói hư tật xấu của bố. Mẹ ông mất khi ông mới bảy tuổi, bố đi làm thuê cho bác ruột, Vũ Lăng nay đây mai đó, lúc ở bên nội, lúc ở bên ngoại. Có thời gian đi lang thang mấy năm trời. Cuộc sống chật vật khiến Vũ Lăng khi ấy rất chán đời, ông oán xã hội, oán người cha không tròn trách nhiệm với vợ con và cũng thấm thía cảnh người dân mất nước.
Để kiếm sống, ông phải làm đủ nghề ở bất kỳ đâu, làm thư ký dây thép ở Lào Cai, dạy tư, làm y tá ở bệnh viện Phủ Lý. Khi phong trào Việt Minh nổi lên ở Phủ Lý, ông tham gia Việt Minh. Sau ngày 9/3/1945, Việt Minh tổ chức phá kho thóc để cứu đói, gây dựng phong trào chuẩn bị tổng khởi nghĩa, ông được cử đi học Trường Quân chính khóa V (sau đổi tên thành Trường Huấn luyện Cán bộ Việt Nam). Tháng 11/1945, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vũ Lăng tham gia đoàn quân Nam tiến, vào Nam Trung Bộ chiến đấu, được cử làm chỉ đạo viên trung đội, sau đó làm phó ban huấn luyện Khu 6, rồi làm phó ủy viên quân sự Ninh Hòa. Tháng 6/1946, ông ra Bắc được cử làm đại đội phó bảo vệ Bắc Bộ Phủ (Hà Nội). Trên cương vị mới, ông luôn gương mẫu, lãnh đạo đơn vị một lòng kiên trung với sự nghiệp cách mạng. Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông cùng đồng đội đã chiến đấu quyết liệt bảo vệ Bắc Bộ Phủ. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội, ông đã có nhiều thành tích và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tháng 2 năm 1947.
Từ năm 1947 đến năm 1954, ông tham gia các chiến dịch: Việt Bắc, Sông Thao, Biên Giới, Trung Du, Hoàng Hoa Thám, Hà – Nam – Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Trên chiến trường, ở nhiều cương vị khác nhau, ông cùng tập thể lãnh đạo, xây dựng đơn vị ngày càng lớn mạnh và chỉ huy bộ đội chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc. Trong chiến dịch Việt Bắc năm 1947, Đội trưởng Vũ Lăng cùng đại đội dũng cảm tìm địch mà đánh. Trong vòng 12 ngày, bộ đội Vũ Lăng đã đánh quân Bô-Phrê bảy trận, làm cho địch suy yếu dần. Trong chiến dịch Điên Biên Phủ, trên cương vị là Trung đoàn trưởng, ông là người chỉ huy kiên quyết, rất có kỹ thuật và cũng rất tình cảm. Ông luôn để ấn tượng tốt đẹp với đồng đội, một người chỉ huy sâu sát, kiên quyết, tạo mọi điều kiện cho cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ và rất thương yêu cán bộ chiến sỹ. Tinh thần năng động, sáng tạo trong hoạch định kế hoạch tác chiến của chỉ huy Vũ Lăng đã góp phần vào thắng lợi của nhiều chiến dịch quan trọng.
Sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đầu năm 1956, ông được Đảng và Nhà nước cử đi học ở Học viện Bộ Tổng Tham mưu (Liên Xô). Ông cùng đồng đội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập. Cuối năm 1959, ông về Việt Nam. Từ năm 1960 – 1964, ông là Cục phó Cục Nghiên cứu khoa học quân sự (Bộ Tổng Tham mưu). Trong thời kỳ này, quân đội ta tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu học thuật quân sự và diễn tập thực nghiệm bằng thực binh. Đồng chí Vũ Lăng thường giữ vai trò chủ trì trong việc đề xuất các vấn đề nghiên cứu, tổ chức thực hiện các cuộc thảo luận, lý luận và diễn tập thực nghiệm. Ông đã góp phần công sức không nhỏ cho kết quả của các cuộc nghiên cứu và thực nghiệm đó. Trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1965-1967), ông được Bộ Quốc phòng điều động vào làm Phó Tư lệnh quân khu 4. Ông cùng tập thể Bộ Tư lệnh quân khu xây dựng phương án tác chiến, đẩy mạnh các hoạt động chiến đấu, đánh thắng máy bay và tàu chiến Mỹ.
Cuối năm 1967, ông được Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tin cậy giao trọng trách làm Cục phó Cục tác chiến. Năm 1971, là Phó tư lệnh Mặt trận đường 9 rồi Cục trưởng Cục tác chiến. Đặc biệt trên cương vị Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên và trên cương vị Tư lệnh quân đoàn 3 (1975), ông đã góp công sức rất to lớn trong việc giải phóng Tây Nguyên và chỉ huy quân đoàn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong đó có sư đoàn 10 đánh thọc sâu chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tổng tham mưu ngụy, góp phần quan trọng giải phóng Sài Gòn và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau giải phóng miền Nam năm 1976, ông trở về làm Viện trưởng Học viện Quân sự Đà Lạt. Ông cùng Đảng ủy và Ban Giám hiệu Học viện lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng Học viện đi vào nề nếp và ngày càng vững mạnh về mọi mặt. Trên cương vị là Giám đốc Học viện Lục quân, ông đã đem hết khả năng, trí tuệ của mình cùng Ban Giám đốc Học viện triển khai nghiên cứu thành công nhiều công trình, đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ Quốc phòng có tác dụng thiết thực xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trên cơ sở những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng quân đội, ông đã được Quốc hội và Chính phủ lần lượt phong quân hàm Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1980), Thượng tướng (1986), và được tặng nhiều huân chương cao quý khác.
Đầu năm 1988, Thượng tướng Vũ lăng lâm bệnh, sang Liên Xô chạy chữa nhưng không qua khỏi. Ngày 23/10/1988 ông mất. Thượng tướng Vũ Lăng là một trong những vị tướng tài của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hơn bốn mươi năm liên tục chiến đấu và công tác trong quân đội, trên nhiều cương vị khác nhau, Thượng tướng Vũ Lăng đã thể hiện phẩm chất cao quý của người đảng viên cộng sản, người cán bộ quân đội cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, dũng cảm trong chiến đấu, tận tụy trong công tác. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, ý thức đoàn kết, phẩm chất thẳng thắn, cương trực, chí công vô tư của người đảng viên cộng sản, Bộ đội Cụ Hồ, người thủ trưởng trong quân đội.
Yên Yên