Là một nhà lãnh đạo có uy tín lớn với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, một người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người đầy lòng vị tha, ham học hỏi, giàu trí tuệ, rất mực khiêm tốn, sống giản dị... Cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục hơn 60 năm của đồng chí thật phong phú, sinh động và đầy nhiệt huyết.
Đồng chí Lê Quang Đạo có tên thật là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8/8/1921, trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước, tại xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, nay là phường Đình Bảng, thị trấn Từ Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Sớm được gia đình giáo dục, với tinh thần ham học hỏi, sau khi học xong bậc tiểu học, đồng chí được gia đình cho vào học Trường trung học tư thục Thăng Long ở Hà Nội. Trong thời gian đi học, đồng chí còn làm gia sư, viết báo cáo để góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Sớm được giác ngộ, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí Lê Quang Đạo đã tham gia hoạt động trong tổ chức Đoàn Thanh niên dân chủ, sau đó là Đoàn Thanh niên phản đế do Đảng lãnh đạo. Năm 1940, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau đó 1 năm, đồng chí thoát ly gia đình để hoạt động cách mạng, lấy bí danh là Lê Quang Đạo, được Đảng phân công đảm trách cương vị Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh.
Năm 1943, đồng chí giữ chức Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tháng 8/1945, đồng chí là chính trị viên chi đội giải phóng quân Bắc Giang, trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Bắc Giang.
Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương giao các trọng trách: Bí thư Thành ủy Hải Phòng (9/1945 - 4/1946); Bí thư Thành ủy Hà Nội (5/1946-12/1946); từ năm 1947 đến 1948, đồng chí là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Liên tỉnh ủy Hà Nội – Hà Đông, Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy 3, phụ trách công tác tuyên huấn. Năm 1949, đồng chí là Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng.
Tháng 10/1950, đồng chí được điều động vào quân đội. Trong 28 năm ở quân ngũ (1950-1978), đồng chí được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng: Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy chiến dịch, phụ trách công tác tuyên huấn của Chiến dịch Biên giới năm 1950; Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Phó Chủ nhiệm chính trị chiến dịch Điện Biên Phủ; Phó trưởng đoàn đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến Việt – Pháp (1954); Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp phụ trách công tác tuyên huấn (1955).
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960), đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn vô cùng ác liệt, đồng chí được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phân công làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận đường 9 – Khe Sanh (1967-1968); Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận đường 9 – Nam Lào (1971-1972); Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận Trị - Thiên (1972), đồng chí đã góp phần trực tiếp chỉ huy bộ đội ta lập nên những chiến công vang dội, làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Với những đóng góp to lớn đó, tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III), tháng 3/1972, đồng chí được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12/1976), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng; Ủy viên Thường trực Quân ủy Trung ương; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Năm 1978, đồng chí đảm nhận chức vụ Phó Bí thư thành ủy Hà Nội. Tháng 6/1978, làm Phó Bí thư Thành ủy kiêm Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hà Nội. Trên cương vị này, đồng chí đã cùng tập thể Thường vụ Thành ủy lo chạy gạo, mì, chất đốt... cho nhu cầu tối thiểu của người dân. Trong gian nan, đồng chí đã dành nhiều công sức đi xuống các trường đại học, các viện nghiên cứu, nhà máy, xí nghiệp, gặp gỡ lắng nghe ý kiến ở cơ sở để có cái nhìn toàn diện, cụ thể về sự phát triển Thủ đô và từng bước tháo gỡ những khó khăn.
Tháng 3/1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban chấp hành Trung ương và Ban Bí thư Trung ương; được phân công làm Trưởng ban Khoa giáo Trung ương trực tiếp phụ trách công tác dân vận và tham gia ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 6/1987, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ III, đồng chí được bầu vào Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng).
Trải qua nhiều lĩnh vực công tác, với những cương vị quan trọng khác nhau, nhưng ở bất cứ cương vị, lĩnh vực công tác nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, phấn đấu không mệt mỏi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí luôn tâm huyết, trăn trở để nâng cao vai trò của Mặt trận, thực sự là nơi thu hút, tập hợp mọi người đồng lòng thực hiện mục tiêu chung của Tổ quốc. Là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Mặt trận, ông đã dốc sức cùng tập thể đề xuất, hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Giúp Bộ Chính trị xây dựng Nghị quyết 07 “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất”, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Luật Quốc tịch và Luật Mặt trận - những văn bản mang tính định hướng, đặt cơ sở cho sự tiếp tục mở rộng và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân và Mặt trận dân tộc thống nhất.
Đồng chí Lê Quang Đạo được đánh giá là một con người đầy lòng vị tha, ham học hỏi, giàu trí tuệ, rất mực khiêm tốn, sống giản dị, trong sáng và chu đáo, chân thành và thủy chung, gần gũi và đoàn kết với mọi người, đã làm việc và cống hiến cho đến hơi thở cuối cùng. Đồng chí đã về với đất mẹ ngày 24/7/1999 tại Hà Nội. Đồng chí mãi là tấm gương sáng để thế hệ hôm nay và mai sau học tập và noi theo. Hiện nay, tên của đồng chí đã được đặt cho đường phố ở Hà Nội (nối Lê Đức Thọ với Đại lộ Thăng Long) và ở một số địa phương khác trên cả nước.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921-8/8/2021) là dịp thế hệ hôm nay xin được tưởng nhớ, trân trọng và tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí, một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng Đảng và Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bài viết, nhằm góp phần tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Quang Đạo, đồng thời khơi dậy tinh thần chủ nghĩa yêu nước, lý tưởng, ý chí và hoài bão cách mạng cho thế hệ trẻ đương thời.
Đinh Nhài