Theo sử sách, Lê Hoàn sinh ngày 10/8/941. Ông quê gốc làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm (nay là xã Ninh Thái, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên Lê Hoàn được cụ Lê Đột ở trang Kẻ Mía (nay là làng Phong Mỹ, xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) nhận làm con nuôi và được học văn, học võ. Với tư chất thông minh và đức cần mẫn, hiếu học, Lê Hoàn học rất giỏi và được thầy yêu quý, bạn bè khâm phục, riêng cha nuôi rất vui mừng và cho Lê Hoàn học nhiều hơn. Lớn lên, Lê Hoàn đi theo Nam Việt vương Đinh Liễn. Dù chỉ là lính thường nhưng trí dũng hơn người, tính tình phóng khoáng nên được cha con Đinh Bộ Lĩnh yêu mến. Ông trưởng thành từ trận mạc và không ngừng phấn đấu rèn luyện, phò giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân, lập nhiều công trạng và trở thành Thập đạo tướng quân, một nhà tổ chức chỉ huy quân sự kiệt xuất của vương triều nhà Đinh.
Mùa Đông tháng 10 năm Kỷ Mão (979), vua Đinh Tiên Hoàng và con trai cả Nam Việt Vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại, nội bộ triều đình nhà Đinh rối ren, triều đình nhà Tống quyết định đem quân xâm lược Đại Cồ Việt. Lê Hoàn được cử làm nhiếp chính, giúp ấu Chúa nhà Đinh giữ yên biên cương xã tắc, dẹp tan nội phản, được Thái hậu Dương Vân Nga trao áo long bào, đứng đầu cuộc kháng chiến chống Tống của quân dân nước Đại Cồ Việt. Năm Canh Thìn 980 Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Lê Đại Hành. Ông là vị Hoàng đế sáng suốt trong 24 năm của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ X. Lê Hoàn cùng các tướng lĩnh và quân đội đã tổ chức những trận địa phòng thủ vững chắc. Ông đã vừa thực hành tác chiến phòng ngự để ngăn chặn tiêu hao giặc, vừa tổ chức mai phục để tiến công tiêu diệt giặc, tạo điều kiện thuận lợi để quân ta thực hiện phân công, tiến công, truy kích tiêu diệt quân Tống làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm 981.
Lên ngôi vua trong cảnh đất nước khó khăn, hiểm nghèo. Trong hoàn cảnh đó, ông đã thể hiện đức độ và tài năng với những phương pháp đúng đắn, sáng tạo, chủ động lãnh đạo quân dân Đại Cồ Việt chuẩn bị và tiến hành kháng chiến chống Tống xâm lược. Ông gấp rút chuẩn bị lực lượng cho người dò xét tình hình để xác định chiến lược và bày trận chống giặc. Ông nắm chắc ý định tác chiến của quân Tống. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Lê Đại Hành và tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Đại Cồ Việt, cuộc kháng chiến chống quân Tống lần thứ nhất vào năm 981 đã giành thắng lợi to lớn. Đây là minh chứng cho tài thao lược, mưu trí sáng tạo của vua Lê Đại Hành, đồng thời cũng khẳng định ý chí độc lập, tự cường, kiên quyết chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia của ông. Ông cũng trực tiếp cầm quân để dẹp bọn phản loạn giữ yên lòng dân và chủ quyền đất nước. Trong phép trị nước, ông luôn đặt ra mục tiêu mang lại cuộc sống bình yên cho muôn dân trong một quốc gia độc lập, thống nhất. Vì vậy, những chính sách của vương triều Tiền Lê định ra cơ bản được người dân ủng hộ và thực thi hiệu quả.
Bên cạnh đó, với kinh nghiệm và tài thao lược về quân sự, vua Lê Hoàn đã dày công chăm lo tổ chức, huấn luyện quân đội vào nề nếp, vững mạnh hơn để phục vụ chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Nhờ vào tài thao lược quân sự của Lê Đại Hành trong việc nắm vững âm mưu xâm lược của giặc, chủ động xây dựng kế hoạch phòng thủ từ thời bình, trọng dụng người tài trong tổ chức và hoạt động quân sự, quân dân Đại Cồ Việt đã làm nên chiến công oanh liệt. Ông đã cho xây dựng các công trình quân sự trên từng hướng dự kiến về chống giặc khi chiến tranh xảy ra, kết hợp với thế trận trong cả nước; lại mưu lược linh hoạt, sáng tạo, vừa tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận địch, và bằng trận quyết chiến quét sạch quân thù ra khỏi đất nước, mạng lại hòa bình cho dân tộc. Trên các hướng tiến công đánh địch, quân Tống đều bị chặn đánh một cách quyết liệt. Hoàng đế Đại Hành đã tổ chức sử dụng lực lượng, bố trí đội hình thích hợp, dùng mưu lừa địch, chia cắt quân địch. Trong mỗi thời điểm ông từng bước tạo thế, tạo lực và chớp thời cơ đánh trận then chốt để giành thắng lợi quyết định của cuộc chiến mà ít hao tổn của cải và sinh lực.
Chiến thắng năm 981 của quân dân Đại Cồ Việt đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của triều đình Tống. Để giữ vững nền độc lập, ngăn ngừa âm mưu gây chiến, vua Lê Hoàn thực hiện phương sách ngoại giao vừa mềm dẻo, vừa hòa hiếu, do vậy ông rất chú trọng mối quan hệ hòa hiếu với nước Tống. Năm 997, nhân khi vua Tống băng hà và việc nhà Tống phong Lê Hoàn làm Nam Bình Vương, Lê Hoàn đã sai sứ sang Tống đáp lễ, trước hành động đó của Lê Hoàn, vua Tống đã ban chiếu thư khen ngợi. Từ đó, nhà Tống thay đổi chính sách đối ngoại theo hướng có lợi cho ta. Cùng với việc dẹp giặc ngoài, hoàng đế Đại Hành rất coi trọng ổn định chính trị, xã hội trong nước, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho nhân dân.
Tư tưởng nhân văn quân sự của vua Lê Hoàn đã kế thừa, phát triển truyền thống của triều đại vua Đinh. Ông vừa là nhà chiến lược quân sự, vừa là vị chỉ huy tối cao trực tiếp chỉ đạo quân dân Đại Cồ Việt kháng chiến chống Tống thắng lợi. chiến thắng Bạch Đằng năm 981 của tướng quân Lê Hoàn, là chiến công của sự kết hợp mưu trí và sức mạnh đoàn kết, tiêu diệt quân Tống xâm lược. Ông là vị tướng cầm quân xuất sắc, xông pha trận mạc, lập nhiều chiến công hiển hách. Là người có công lớn trong tổ chức xây dựng quân đội, rèn luyện quân sĩ, tổ chức xây dựng thế trận quốc phòng vững chắc trong thời bình. Tư tưởng nhân văn quân sự của Lê Hoàn có giá trị, ý nghĩa lịch sử sâu sắc không chỉ đối với lịch sử thời ấy, mà còn có giá trị thiết thực đối với tổ chức và hoạt động quân sự trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc ở các thời kỳ lịch sử sau này.
Yên Yên