Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 20/08/2021, 17:50

Kỷ niệm 35 năm ngày Tạ Quang Bửu mất (21/8/1986-21/8/2021)

Được sinh ra trên mảnh đất địa nhân linh kiệt, kế thừa truyền thống hiếu học từ gia đình, xuất hiện trong thời buổi khoa học – kỹ thuật còn non trẻ, Tạ Quang Bửu được xem là người mở đường cho sự ra đời nhiều ngành khoa học ở nước ta, đồng thời cũng là người đặt nhiều tâm huyết trong bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ của đất nước.Ông là giáo sư, nhà khoa học Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI (1946–1981).Là một trong những nhà trí thức tài giỏi của Việt Nam, ông đã cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc cũng như nền khoa học nước nhà và góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển giáo dục Việt Nam.

Tạ Quang Bửu sinh ngày 23/7/1910 trong một gia đình nhà giáo tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Bố của Tạ Quang Bửu Tạ Quang Diễm có tiếng hay chữ, từng làm huấn đạo ở Thanh Hóa, giáo thụ ở Quảng Nam. Về sau, khi các khoa thi Nho học bị bãi bỏ, Tạ Quang Diễm về dạy chữ Hán và Việt văn tại các trường tiểu học ở Huế. Mẹ của Tạ Quang Bửu là Nguyễn Thị Đào, con gái của Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, một văn thân Cần Vương, phò tá vua Hàm Nghi chống Pháp. Bà là một phụ nữ tân tiến, giỏi chữ Hán, đồng thời cũng là một nữ sĩ khá nổi tiếng trên văn đàn thời bấy giờ với bút danh Sầm Phố. Xuất thân từ một gia đình danh giá, Tạ Quang Bửu bộc lộ trí thông minh như một thần đồng. Mới bảy tuổi, Tạ Quang Bửu đã nổi tiếng cả vùng vì thi đỗ ở vị trí cao về chữ Hán, Việt văn và toán ở phủ Tam Kỳ.

Nổi danh học giỏi từ nhỏ,đến năm 1929,ông đỗ đầu tú tài bản xứ và tú tài Tây môn toán và đỗ hạng cao tú tài triết. Thành tích tuyệt vời này đã giúp ông nhận được học bổng của Hội Như Tây du học Trung Kỳ để sang Pháp học.Năm 1934,ông về nước sau 5 năm học ở nhiều trường Pháp và Anh. Liền 7 năm sau đó,ông dạy toán,tiếng Anh tại trường trung học “Thiên hựu học đường” ở Huế.Để tìm hiểu thêm về văn hóa phương Đông, ông dành thời gian trau dồi chữ Hán và đọc các sách triết học phương Đông bằng chữ Hán. Khi phong trào Hướng đạo phát triển rộng khắp thế giới và vào nước ta được đông đảo thanh niên ba miền hưởng ứng. Đây là một tổ chức có tính chất quốc tế, thu hút tầng lớp thanh thiếu niên các nước nhằm rèn luyện, phát huy những tố chất của tuổi trẻ như tháo vát, sáng tạo, tinh thần khắc phục khó khăn,... vì những mục tiêu tốt đẹp của thế hệ trẻ. Khi đó, Tạ Quang Bửu giữ vai trò Tổng ủy viên Hướng đạo. Ông là người đã từng được sang nước Anh dự Trại Tráng sinh của tổ chứcHướng đạo thế giới. Từ những gì đã học được ở Anh, ông thường xuyên phổ cập kiến thức và kĩ năng thực hành cho các hướng đạo sinh như tổ chức cắm trại và các hoạt động ngoài trời. Tham gia phong trào Hướng đạo có nhiều tri thức, sinh viên đương thời. Sau này hầu hết những nhân vật tham gia phong trào Hướng đạo đều tham gia cách mạng, hoặc trở thành những sĩ quan quân đội tài giỏi, hoặc hoạt động văn hóa, khoa học, giáo dục của nước Việt Nam mới.

Với tài năng của ông, sau cách mạng tháng Tám thành công, Tạ Quang Bửu được giao nhiều trọng trách khác nhau. Chính phủ mới được thành lập, ông giữ chức vụ Tham nghị trưởng Bộ ngoại giao. Năm 1946, ông là thành viên của đại biểu chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Đà Lạt; tham gia phái đoàn ta sang Pháp đàm phán ở Fontainebleau (1946). Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông được giao làm Thứ trưởng, đến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Khi Bộ Quốc phòng được tổ chức lại,ông giữ chức Thứ trưởng,lo công tác hậu cần và thay mặt Bộ trưởng Võ Nguyên giáp đi thị sát các mặt trận  về báo cáo lại tình hình trong các phiên họp Hội đồng Chính Phủ,giúp Bộ trưởng trong công tác khoa học kỹ thuật quân sự. Năm 1954, thay mặt Chính phủ ta ký Hiệp nghị Genève lập lại hoà bình ở Đông Dương.

Hòa bình lập lại, Tạ Quang Bửu vẫn tiếp tục giữ cương vị Thứ Trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Hiệu Trưởng trường Đại Học Bách Khoa Hà nội từ năm học đầu tiên (1956-1957). Sau đó,được Đảng và Nhà Nước cử ông làm Phó Chủ Nhiệm Kiêm Tổng Thư Ký Ủy Ban Khoa Học Nhà Nước, là vị Giáo Sư Bộ Trưởng Bộ Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp đầu tiên (1965-1976),Đại Biểu Quốc Hội liên tục từ khóa I cho đến khóa VI,nguyên Phó Chủ Tịch Uỷ ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam,Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Xô .

Nhiều nhà khoa học đầu ngành đều ghi nhận Tạ Quang Bửu là người mở đường cho  sự ra đời nhiều ngành khoa học ở nước ta. Đối với ngành toán học, ông đã sớm đề xuất và tiến hành đưa máy tính điện tử đầu tiên về Việt Nam. Ông lựa chọn những nhà toán học từ các trường đại học đi thực tập sử dụng máy tính tại Liên Xô. Đối với ngành Vật lý, ông là tác giả đầu tiên viết những cuốn sách về vật lý, về nguyên tử, về các hạt cơ bản…, là người tham gia thành lập Hội Vật lý Việt Nam. Tạ Quang Bửu là người có công đặt nền móng cho các ngành khoa học cơ bản như: Cơ học, Tin học, Nhiệt đới hóa, Dầu khí…Ông cũng là người bắc nhịp cầu giao lưu cho những nhà khoa học trẻ ở nước ta với thế giới.

Không những khâm phục về tài năng của ông mà chúng ta còn kính trọng về phong cách sống của Tạ Quang Bửu. Trong cuộc sống, Tạ Quang Bửu là người thanh bạch, giản dị, không trọng hình thức, sống liêm khiết và thanh đạm.Là cây đại thụ của nền giáo dục nước nhà, nhưng ông lúc nào cũng khiêm nhường, ẩn mình đi, nhường quyền lợi cho người khác. Ngay cả khi lâm bệnh nặng, nằm điều trị ở Bệnh viện Việt Xô, ông cũng chưa một lần đòi hỏi phải hội chẩn giáo sư hay chế độ chăm sóc đặc biệt. Giáo sư Tạ Quang Bửu mất ngày 21 tháng 8 năm 1986, hưởng thọ 76 tuổi.

Kỷ niệm 35 năm ngày Giáo sư Tạ Quang Bửu mất, chúng ta cùng tưởng nhớ, tri ân những đóng góp không nhỏ của ông đối với đất nước Việt Nam.Từ những đóng góp của mình, Giáo sư Tạ Quang Bửu được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng. Tiếp nối ý nguyện của ông, giải thưởng Giải thưởng Tạ Quang Bửu ra đời năm 2014 nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng góp phần thúc đẩy nền Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp cận trình độ Quốc tế, hội nhập và phát triển.

 

Yên Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 367 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày