
Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo kháng chiến, kiến quốc tại Văn phòng Chính phủ
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới về nền độc lập của nhân dân Việt Nam tại Quảng trường Ba Đình, mùng 2-9-1945.
Nhà nước cách mạng ra đời trong điều kiện hệ thống chính quyền được thành lập, mặt trận Việt Minh ngày càng mở rộng đã lôi cuốn đông đảo quần chúng đi theo; Nhân dân bước đầu được hưởng thành quả từ cách mạng đem lại; Đảng hoạt động từ bí mật sang công khai hợp pháp có cơ sở trên cả nước, nhân dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Trên thế giới, hệ thống XHCN ngày càng vững mạnh, Liên Xô trở thành tường thành vững chắc cho các nước XHCN; Phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa phát triển mạnh…
Tuy nhiên, Nhà nước cách mạng non trẻ đã gặp phải nhiều khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự: Trên Thế giới vẫn tồn tại những mâu thuẫn không thể giải quyết được, trong khi đó ở trong nước, chính quyền, bộ máy, cán bộ còn non trẻ chưa được các nước công nhận và đặt ngoại giao; Hậu quả do chế độ cũ để lại; Về quân sự, lực lượng ít, chưa được trang bị vũ khí hiện đại, xuất thân từ nông dân, kinh nghiệm chiến đấu ít; Kinh tế kiệt quệ, tài chính trống rỗng, ngoại thương bế tắc, nạn đói hoành hành, lũ lụt, hạn hán kéo dài; Hậu quả của việc nô dịch để lại, hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội phổ biến, lực lượng phản cách mạng luôn luôn tìm cách chống phá…
Vận mệnh dân tộc như "ngàn cân treo sợi tóc". Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, đứng trước tình thế phức tạp, buộc Đảng lại phải rút vào hoạt động bí mật (dưới hình thức tuyên bố "Tự ý giải tán" từ ngày 11-11-1945), nhưng vẫn duy trì phương thức lãnh đạo "khôn khéo", "kín đáo". Vì vậy, các cơ quan lãnh đạo của Đảng phải có hình thức ban hành nghị quyết phù hợp, linh hoạt, bảo đảm lãnh đạo kịp thời công cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ.
Ngày 25-11-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến Kiến quốc”. Với nội dung: Chỉ đạo chiến lược giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc; Đưa ra khẩu hiệu “Dân tộc là trên hết, tổ quốc là trên hết”; Xác định kẻ thù chính là thực dân Pháp; Xác định 4 nhiệm nhụ cấp bách và chú ý cần thực hiện (củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản và cải thiện đời sống cho nhân dân). Về chủ trương, vừa kháng chiến vừa kiến quốc (chính chủ trương đó đã giải nguy cho nước ta trong tình thế hết sức khó khăn), kiên trì nguyên tắc bình đẳng, tương trợ, thêm bạn bớt thù. Thực hiện khẩu hiệu “Hoa – Việt thân thiện” đối với quân đội Trung Hoa Dân quốc và thực hiện chính sách “độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế” đối với Pháp. Chỉ thị phân tích những thay đổi căn bản về tình hình quốc tế và trong nước sau chiến tranh, nhận định lực lượng hoà bình, dân chủ thế giới đã mạnh hơn lực lượng chiến tranh. Chính quyền nhân dân đã được thành lập trên khắp đất nước nhưng đang ở trong tình thế vô cùng gay go, phức tạp, không những phải đối phó với thực dân Pháp xâm lược mà còn phải đối phó với quân Anh, quân Tưởng, với bọn phản cách mạng, với nạn đói, nạn dốt và các khó khăn về kinh tế, tài chính.

Chỉ thị “Kháng chiến Kiến quốc” – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8 (1945-1947)
Chỉ thị “Kháng chiến Kiến quốc” của Ban Chấp hành Trung ương ngày 25-11-1945 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với vận mệnh của đất nước trong tình hình vô cùng khó khăn. Chỉ thị đã xác định đúng kẻ thù của dân tộc Việt Nam, chỉ ra kịp thời những vấn đề cơ bản về chiến lược và sách lược cách mạng, nhất là nêu rõ 2 nhiệm vụ chiến lược mới của cách mạng Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám là xây dựng đất nước đi đôi với bảo vệ đất nước. Đồng thời, chỉ thị này cũng đề ra những nhiệm vụ, biện pháp cụ thể về đối nội và đối ngoại để khắc phục nạn đói, nạn dốt, chống thù trong giặc ngoài bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Nhờ có chủ trương đúng đắn, sáng suốt và nhiều quyết sách kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cách mạng Việt Nam đã vượt qua những thách thức hiểm nghèo, tranh thủ từng thời gian hoà bình quý báu để xây dựng thực lực, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
70 năm đã trôi qua, kể từ ngày Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến Kiến quốc (25/11/1945), tuy khoảng thời gian đó chưa phải là dài so với chiều dài lịch sử của đất nước, nhưng những giá trị lịch sử của Chỉ thị năm ấy luôn được Đảng và Nhân dân thế hệ sau gìn giữ, kế thừa và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày hôm nay dân tộc Việt Nam được sống trong tự do, hòa bình độc lập là nhờ có Đảng và Bác Hồ chỉ đường dẫn lối. Tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các tầng lớp nhân dân luôn hướng về Đảng, luôn tin tưởng vào những chỉ thị, nghị quyết, những quyết sách đúng đắn của Đảng sẽ mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân giao phó.
Đinh Nhài