Theo sử sách, Mạc Đăng Dung sinh ngày 23/11/1483 (Quý Mão). Xuất thân từ một gia đình ngư dân nghèo ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng). Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên vừa lớn lên, Mạc Đăng Dung đã phải dở dang nghiệp thi thư để lo kiếm sống bằng nghề đánh cá và chèo đò thuê, nhưng sức khỏe và chí lớn hơn người đã giúp ông về sau làm nên nghiệp đế vương.
Năm 1504 vua triều Lê sơ Lê Hiến Tông chết, nhà vua được sử gia Vũ Quỳnh cho là bậc vua hiền, giữ vững cơ đồ, chẳng may chết sớm. Người con thứ lên thay, tức vua Lê Túc Tông cũng mất một năm sau đó, hưởng dương17 tuổi. Lê Túc Tông mất, người anh lên thay, tức vua Lê Uy Mục. Mạc Đăng Dung chính thức bước vào đường quan lộ sau khi thi đậu Võ Trạng nguyên trong cuộc thi tuyển võ sĩ thời vua Lê Uy Mục (1505 - 1509) và được bổ sung vào đội quân túc vệ, giữ việc cầm tán đi theo xe vua. Lê Uy Mục từ khi lên ngôi vua ham rượu chè, gái đẹp, thích giết người, tin dùng người họ mẹ. Sự tàn bạo quá đáng của Lê Uy Mục đã gây bất bình trong dân chúng và triều thần. Do vậy cơ đồ Nhà Lê đi xuống từ đây.Tháng 11 năm 1509, Giản Tu Công Oanh tự xưng là Cẩm Giang Vương ở Tây Đô (Thanh Hoá) đưa quân về chiếm Đông Kinh (Hà Nội) bắt được và bức Lê Uy Mục tự tử tháng 12/1509. Lê Oanh lên ngôi tức vua Lê Tương Dực.
Thời vua Lê Tương Dực (1509 – 1916), Mạc Đăng Dung được tấn phong tước Vũ Xuyên Bá (1511) và phong chức Phó tướng Tả đô đốcnăm 1516.Bản thân Lê Tương Dực cũng lao vào con đường ăn chơi trụy lạc. Tháng 5/1514 nghe sàm tấu của Hiệu uý Hữu Vĩnh giết chết 15 Vương Công, cho gọi các cung nhân của triều trước vào cung để gian dâm. Trịnh Duy Sản nhiều lần can ngăn, vua không nghe, còn đem Sản ra đánh bằng trượng. Tháng 4/1516, Trịnh Duy Sản đem binh đâm chết Lê Tương Dực.Cùng năm đó, Trịnh Duy Sản cùng các huân cựu đại thần lập người con mới 14 tuổi của Cẩm Giang Vương Lê Sùng tên Lê Y lên ngôi tức vua Lê Chiêu Tông.
Đến thời vua Lê Chiêu Tông, năm 1518, Mạc Đăng Dung được thăng chức Vũ Xuyên hầu và chuyển ra trấn thủ Hải Dương. Năm 1519, ôngđược thưởng phong tước Minh quận công do có công lớn dẹp yên bọn phản loạn lấy được Kinh đô. Năm 1521, ông được thăng Thái phó, tước Nhân quốc công, lĩnh quản binh lực thủy bộ của 13 đạo.Lúc này quyền thế của Mạc Đăng Dung rất lớn, kiểm soát toàn bộ triều đình. Trải qua 3 đời vua Lê, ông được phong Thái sư Nhân quốc công năm 1524 rồi đến An hưng vương năm 1527. Tuy nhiên,tình hình đất nước thời kỳ này đang lâm vào bối cảnh khủng hoảng chính trị. Thời kỳ Nhà Lê đã suy tàn, các phe phái tiêu diệt lẫn nhau, nhân tài cạn kiệt, dân tình khổ cực.Lê Chiêu Tông bị phế truất, Lê Cung Hoàng mới 15 tuổi lên thay ngôi lại ươn hèn, càng không thể xoay chuyển được tình thế. Trước bối cảnh đó, lịch sử không còn sự lựa chọn nào khác là phó thác quyền trị vì đất nước vào tay Mạc Đăng Dung để khởi dựng lên một triều đại mới – Vương triều Mạc.
Ông lên ngôi vua từ ngày 15 tháng 6 âm lịch năm 1527 đến hết năm 1529 với niên hiệu Minh Đức. Sau đó, nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh để lui về làm Thái Thượng hoàng. Ông là người có tài thao lược, trí dũng hơn người, hành xử linh hoạt, là người có sức thu phục đại bộ phận lòng dân trong nước, chiêu nạp được nhiều tướng lĩnh có tài và trung thành. Trong thời gian trị vị, ông tổ chức thi tuyển chọn người có tài, sửa định binh chế, điền chế, lộc chế và đặt các vệ - phủ, các vệ cơ sở trong ngoài…, nhưng vẫn phỏng theo quan chế triều trước.
Khả năng dùng người và trọng đãi nhân tài của Mạc Đăng Dung rất linh hoạt, cởi mở. Một bộ phận lớn quan lại, đại thần của triều cũ (Lê Sơ) vẫn được tin dùng và trao giữ những chức vụ quan trọng dưới triều Mạc. Và ông cũng được đánh giá cao về cách đối nhân xử thế. Khi Mạc Đăng Dung phế truất vua Cung Hoàng, ông đã không tiến hành một cuộc tàn sát nào đối với con cháu của nhà Lê và những người trung thành với triều đình. Đối với những di sản văn hóa, kiến trúc của nhà Lê sơ tại Thăng Long và Thanh Hóa, ông cũng không xâm phạm hay tàn phá mà còn cho tu bổ các công trình như Quốc Tử Giám ở Thăng Long hay khu lăng mộ vua Lê ở Lam Kinh, Thanh Hóa... Những việc làm của Mạc Đăng Dung được coi là hiếm có trong lịch sử phong kiến.
Ông luôn chú trọng chăm lo đời sống nông dân. Để thực hiện chính sách cải cách kinh tế nông nghiệp, mở mang công thương nghiệp, xây dựng nền kinh tế hướng ra biển. Ngoài kinh thành Thăng Long, ông lập công điện ở Cổ Trai,lấy Hải Dương làm Dương Kinh, kinh đô thứ hai có vị thế gần biển, gần sông với nhiều ngả nối liền phố Hiến, Thăng Long. Ông cho xây dựng một số thương cảnh trên bến, dưới thuyền làm nơi giao lưu hàng hóa trong và ngoài nước, từng bước đưa Dương Kinh xưa trở thành đô thị ven biển đầu tiên của người Việt. Tầm nhìn hướng biển mang tính kinh tế của Mạc Đăng Dung được đánh giá vừa có tầm xa và rộng hơn nhiều so với các triều đại phong kiến nước ta đã tồn tại trước đó.
Từ một người lính túc vệ vác tán theo hầu xe vua, sau hơn 20 năm tham chiến và tham chính giữa thời tao loạn, Mạc Đăng Dung đã lên tới đỉnh điểm của danh vọng và cuối cùng trở thành hoàng đế. Thành công ấy thực sự rất xứng đáng với con người như Mạc Đăng Dung. Ngoài tài thao lược ông là người trọng nghĩa vẹn tình, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Trong cuộc đời chính trị, ông là một chính khách hành xử nhiều toan tính linh hoạt. Nhưng hầu hết những toan tính đó không vì lợi ích cá nhân mà hướng tới đại cục lâu dài mang tầm quốc gia. Ông có khả năng giành được quyền lực và sử dụng quyền lực với tính linh động cao. Ông chọn thời điểm thích hợp để phế ngôi nhà Lê Sơ mà không gây cảnh thảm sát, tắm máu. Ông cởi mở trưng dụng hiền tài và thu dụng đội ngũ tri thức cựu triều Lê Sơ một cách rộng lượng, đồng thời không vội thay đổi những thế chế cũ của triều trước. Ngày 22 tháng 8 âm lịch năm 1541, Thái Tổ Mạc Đăng Dung băng hà, cuộc đời ông đã để lại một dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của nhà Mạc sau này.
Yên Yên