Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 01/09/2021, 18:45

Khát vọng độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam - dấu ấn bản Tuyên ngôn Độc lập

Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước và chống giặc ngoại xâm. Độc lập dân tộc luôn là khát vọng của nhân dân Việt Nam. Từ thời vua Hùng dựng nước cho dến hôm nay, trải qua biết bao nhiêu cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, nhân dân ta vẫn giữ vững độc lập chủ quyền đất nước. Trong đó có ba bản Tuyên ngôn Độc lập tiêu biểu, tương ứng với mỗi giai đoạn khác nhau, qua đó khẳng định mạnh mẽ quyền độc lập, tự chủ của dân tộc ta. Đó là: Nam quốc sơn hà (1076) của Lý Thường Kiệt; Bình Ngô đại cáo (1428) của Nguyễn Trãi; Tuyên ngôn độc lập (1945) của Hồ Chí Minh.

Chúng ta đánh bại quân xâm lược phong kiến Trung Quốc hơn nghìn năm Bắc thuộc, làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm 938, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài cho dân tộc ta. Nhưng nền độc lập dân tộc vừa giành được vẫn luôn bị giặc ngoại xâm đe dọa và công cuộc dựng nước vẫn phải gắn liền với những cuộc chiến tranh bảo vệ và củng cố nền độc lập dân tộc. Thế kỷ XI, quân dân nhà Lý phá quân Tống trên phòng tuyến thủ sông Như Nguyệt, từ đó “Nam quốc sơn hà” trở thành bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của dân tộc ta. Đến Thế kỷ XIII, đội quân Mông - Nguyên hùng hậu, tinh nhuệ đã từng xâm chiếm ở phần lớn châu Âu, bình định Trung Quốc và nhiều nước châu Á, nhưng chúng đã thất bại ở nước ta đến ba lần nhờ tài thao lược của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn và ý chí độc lập của dân tộc Việt Nam.

Bước sang thế kỷ XV, đất nước ta lại bị phong kiến nước ngoài đô hộ. Kẻ thù không những bóc lột tham tàn, khủng bố man rợ, mà còn âm mưu đồng hóa nhằm vĩnh viễn nô dịch nhân dân, xóa bỏ đất nước ta trên bản đồ thế giới. Một lần nữa, lịch sử lại chứng minh sức sống phi thường, truyền thống quật cường bất khuất của dân tộc ta. Nhân ta ta dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã dập tan âm mưu xâm lược của quân Minh để bản Tuyên ngôn Độc lập thứ hai được ra đời – “Bình Ngô đại cáo”. Đến thế kỷ XVIII, quân Thanh xâm lược Việt Nam, người anh hùng áo vải Quang Trung đã lãnh đạo nhân dân từ Nam ra Bắc làm nên chiến thắng vang dội Ngọc Hồi - Đống Đa, đại phá quân Thanh để giữ vững nền độc lập dân tộc. Thật tự hào về sức sống kỳ diệu của một dân tộc anh hùng sáng ngời lý tưởng độc lập tự do.

Cuối thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn để đất nước rơi vào tay thực dân Pháp. Phong trào yêu nước trong thời gian này là những Phong trào đấu tranh vũ trang, chịu sự chi phối của hệ tư tưởng phong kiến. Do vậy nhiệm vụ giải phóng dân tộc bị thất bại để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Sang đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước đều chung mục tiêu cứu nước, giải phóng dân tộc và được chi phối bởi hệ tư tưởng dân chủ tư sản và đều thất bại. Do thiếu giai cấp lãnh đạo tiên tiến, thiếu tổ chức nên không có đường lối đấu tranh đúng đắn. Ở thời điểm này, cách mạng Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước. Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước mới. Trong khoảng 10 năm tìm đường cứu nước (1911-1920), Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và xác định con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản. Người truyền bá lý luận cách mạng, chuẩn bị điều kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Để hiện thực hoá khát vọng độc lập, tự do và giải phóng dân tộc của mình, Người đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930) là sự kiện lịch sử trọng đại có tính bước ngoặt trong dòng lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì đấu tranh giành độc lập, làm nên thắng lợi trong cách mạng tháng Tám năm 1945. Cách mạng tháng Tám thành công, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chân lý “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập  khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Trong phần đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những bản bản tuyên ngôn nổi tiếng thế giới, khẳng định về quyền con người. Nhưng không dừng lại ở đó mà Người đã khái quát và nâng cao thành quyền dân tộc, suy rộng ra điều đó có nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền tự do. Như vậy quyền sống, quyền tự do là bất khả xâm phạm. Độc lập tự do là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam, là khẩu hiệu chiến đấu của tất cả các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chốn chủ nghĩa thực dân. Một cuộc đấu tranh chính đáng và chính nghĩa mà dân tộc ta đã anh dũng đấu tranh hơn 3/4 thế kỷ mới giành lại được. Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời là kết quả của quá trình đấu tranh anh dũng chống thực dân Pháp, chống phát xít Nhật. Cũng là kết quả 15 năm chuẩn bị và đấu tranh của Đảng và nhân dân Việt Nam mà trực tiếp là cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939-1945 làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định dân tộc Việt Nam đã anh dũng đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân hơn tám mươi năm, đứng về phe đồng minh chống phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai chính là vì quyền tự do đó. Người khẳng định đanh thép rằng, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập. Sự ra đời của nước Việt Nam tự do độc lập là một thực thể chính trị không thể phủ nhận, tồn tại phù hợp với luật pháp quốc tế, cần được thừa nhận, được tôn trọng. Với mục đích đảm bảo quyền tự do độc lập của nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi các nước đồng minh và các nước khác trên thế giới hãy công nhận nền độc lập tự do của nước Việt Nam. Người đã khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong giữ gìn quyền tự do độc lập. Đây là quyết tâm sắt đá không chỉ phản ánh ý chí tự do và nguyện vọng độc lập của dân tộc ta mà còn phản ánh chân lý của thời đại.

Ý chí giữ gìn độc lập dân tộc được thể hiện ngay khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Trận Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy, đánh đổ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân cũ đối với nước ta. Ý chí đó càng thể hiện cao hơn trong cuộc đối đầu lịch sử giữa nhân dân ta với đế quốc Mỹ. Nhân dân Việt Nam tiếp tục đấu tranh chống kẻ thù phá hoại Hiệp định Pari, tạo thế và lực tiến tới cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. Giờ đây, ý chí đó vẫn là khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân phát huy khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam hiện nay, nhất là trong thời kỳ cả nước đang tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid -19.

 

Yên Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 390 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày