Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 25/11/2015, 08:15

KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG MỘT TRANG SỬ VÀNG TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

Việt Nam Trong suốt hơn một nghìn năm bị giặc Tàu đô hộ (179 Tr.CN – 938), để tiến hành các chính sách đô hộ và đồng hóa dân ta, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã không từ một thủ đoạn nào để tiêu diệt mọi cơ sở tồn tại, mọi sức mạnh tinh thần của cha ông ta. Phong trào đấu tranh chống đô hộ mang tính chất phổ biến, liên tục và rộng khắp, nổ ra dưới nhiều hình thức khác nhau, đã lôi cuốn nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Có những cuộc khởi nghĩa bị đàn áp và thất bại sau khi mới bùng phát nhưng cũng có nhiều phong trào giành được thắng lợi trong một thời gian. Trong đó cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng được sử nhà Hán chính thức nghi chép, là cuộc khởi nghĩa lớn đầu tiên có vị trí và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phong trào đấu tranh giành độc lập suốt thời Bắc thuộc.

Vào đầu Công nguyên, hai thế kỷ sau Thục An Dương Vương, ở Mê Linh, thuộc vùng đất tổ Hùng Vương có hai người con gái: Trưng Trắc và Trưng Nhị đã lãnh đạo toàn nước Âu Lạc cũ vùng dậy lật đổ nền đô hộ tàn bạo của phong kiến phương Bắc, giành lại tự do độc lập cho dân tộc. Xây dựng một nhà nước do phụ nữ nắm chính quyền và tiến hành một cuộc kháng chiến chống xâm lăng quyết liệt. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra thành công đã cách chúng ta hơn 1.970 năm là ngọn cờ giải phóng dân tộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, là những nữ anh hùng dân tộc đầu tiên làm rạng rỡ giống nòi Rồng Tiên. Từ thời đại Hồ Chí Minh với vai trò của người phụ nữ được đề cao, đặt trong bối cảnh đất nước ta buổi đầu bị đô hộ bởi phong kiến phương Bắc, chúng ta ngày càng nhận thức được đầy đủ hơn giá trị và ý nghĩa to lớn của nó trong lịch sử dân tộc, đặc biệt trong truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một sự kiện trọng đại và vinh quang trong lịch sử nước ta. Đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của ý thức dân tộc, không chấp nhận, không chịu bị đồng hóa, đã phủ định hiên ngang cái cường quyền sai trái của Đại Hán tộc. Sự bùng nổ và thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã minh chứng ý thức biệt lập sâu sắc giữa Hán và Việt của nhân dân ta. Đây là cái mốc bản lề khẳng định những giá trị nền tảng của văn minh, sức sống của ý thức dân tộc thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc và định hướng tương lai cho phát triển của đất nước.

Đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên và duy nhất thời bấy giờ quy tụ sức mạnh của toàn dân trên phạm vi cả nước và là động lực cho phong trào đấu tranh giành độc lập sau đó. Trước đó, có cuộc nổi dậy của Tây Vu Vương (thủ lĩnh đất Tây Vu) nhưng thất bại. Sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hàng loạt cuộc khởi nghĩa nổ ra liên tục nhưng đều có quy mô nhỏ, địa bàn hẹp nên nhanh chóng bị thất bại. Năm 100, hơn 3.000 nhân dân quận Nhật Nam nổi dậy đốt phá dinh thự của quan lại. Nhân dân Tượng Lâm nổi dậy chống lại Hán trong các năm 137, năm 144, năm 157. Năm 178, Lương Long kêu gọi nhân dân cả bốn quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố nổi dậy giành thắng lợi trong bốn năm (1978-1981). Cho đến cuối thế kỷ II (khoảng 190-192), khi nhà Đông Hán suy yếu, nhân dân Tượng Lâm nổi dậy khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Khu Liên đưa đến thắng lợi và thành lập một quốc gia tồn tại độc lập lâu dài là nước Lâm Ấp (tiền thân của chămpa sau đó)… Như vậy, khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã đánh thức, cổ vũ và định hướng cho cuộc chiến một mất một còn giữa kẻ thù đô hộ phương Bắc và một dân tộc bị đô hộ với quyết tâm giành độc lập.

Hơn thế nữa, đây là cuộc khởi nghĩa mà từ lãnh tụ đến tướng lĩnh cao cấp phần lớn là phụ nữ. Bên cạnh Hai Bà Trưng, lịch sử còn ghi chép sự có mặt của một loạt nữ tướng trẻ tài ba như: Thánh Thiên, Lê Chân, Thiều Hoa, Xuân Dương, Ả Di, Ả Chạ, Nàng A... Những người phụ nữ này có vai trò to lớn, mang tính quyết định cho khởi nghĩa thành công, xây dựng chính quyền tự chủ và chống nhà Đông Hán xâm lược trở lại đất nước ta. Bên cạnh đó, cuộc khởi nghĩa cũng đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách cai trị của phong kiến phương Bắc và phong trao đấu tranh của nhân dân ta chống đồng hóa cũng quyết liệt và mạnh mẽ hơn cho đến thắng lợi cuối cùng.

Sự nghiệp của Hai Bà Trưng thật lớn lao, chiến công của nhân dân Việt cổ thời Hai Bà thật oanh liệt. Những bài học của Hai Bà để lại vô cùng quý giá. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn và sự nghiệp của hai vị nữ anh hùng. Do tầm vóc và ý nghĩa to lớn của cuộc khởi nghĩa nên nó không chỉ được ghi lại trong sử sách Đại Việt thời Lý, Trần, Lê mà còn được lưu truyền rộng rãi trong ký ức dân gian. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đặt nền tảng và mở đầu cho cho truyền thống “anh hùng, bất khuất” của người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống ngoại xâm. Để phát huy giá trị lịch sử của cuộc khởi nghĩa góp phần giáo dục truyền thống dân tộc, việc tôn vinh và biết ơn Hai Bà Trưng là thường thực và sâu sắc trong lòng nhân dân Việt Nam, từ một nhân vật thực trong cuộc đời, Hai Bà trở thành anh hùng dân tộc, rồi trở nên những vị thần, vị thánh (Trưng Vương, Nữ thánh). Nhân dân lập đền thờ Hai Bà Trưng ở khắp nơi trong cả nước. Nhiều nơi, những hình thức tế tự cúng bái ở các đền thờ ấy, đã trở thành những ngày lễ hội kính cẩn, thiêng liêng, rồi tấp nập, sôi nổi. Có thể nói là có một dòng lễ hội Bà Trưng, trong toàn bộ hệ thống lễ hội ở Việt Nam. Và việc thờ tự cũng được xem là một loại tín ngưỡng: tín ngưỡng Hai Bà. Ngoài các  lĩnh vực như lịch sử, tín ngưỡng, phong tục… còn có cả một kho tàng văn học nghệ thuật phong phú như: Thơ vịnh Bà Trưng, Tuồng Trưng Nữ Vương, Tuồng hát Hai Bà Trưng của Nguyễn An Ninh…. Như vậy, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã làm rạng rỡ cho lịch sử Việt Nam và cho cả văn hóa Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa tuy chỉ đưa lại nền độc lập cho đất nước trong gần ba năm, nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, còn lưu mãi sử xanh. Đó là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị ngoại bang của nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc ta. Là trang sử vàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam, quân xâm lược có thể đánh bại chính quyền của Hai Bà Trưng, nhưng tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc ta thì không bao giờ bị dập tắt. Dân tộc ta đời đời ghi nhớ công ơn và mãi mãi tự hào về hai vị liệt nữ anh hùng. Hai Bà Trưng là những nữ anh hùng dân tộc đầu tiên mở đầu cho truyền thống bất khuất, kiên cường của phụ nữ Việt Nam.

                                                                                                                                                                                                                                                                                    Nguyễn Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1140 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày