Nhìn lại con đường lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo là một trong những cuộc chiến tranh giành độc lập anh dũng, hiển hách nhất của nhân dân ta. Trong bảng vàng chiến công của nghĩa quân Lam Sơn, chiến thắng Tốt Động - Chúc Động cuối năm 1426 là một trong hai chiến thắng lớn nhất. Đó là thắng lợi của một trận quyết chiến có ý nghĩa chiến lược quan trọng đánh dấu bước chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh. Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động là một trong những chiến công bất diệt tiêu biểu về quyết tâm tiêu diệt địch, về tinh thần thần chiến đấu dũng cảm và nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nghĩa quân Lam Sơn.
Cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, triều Trần suy yếu và mất lòng dân nghiêm trọng. Năm 1400, Hồ Quý Ly phế truất triều Trần, thành lập triều Hồ. Nhà Hồ có đề ra và thực hiện một số cải cách về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội. Công cuộc cải cách của triều Hồ có một số tiến bộ nhất định, nhưng về căn bản chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển khách quan của xã hội. Vương triều mới vì vậy gặp nhiều khó khăn và bị cô lập về mặt xã hội. Lợi dụng tình thế đó, nhà Minh tiến hành xâm lược nước ta. Kể từ chiến thắng bạch đằng năm 938, đất nước ta sau năm thế kỷ đã giành lại được độc lập, nay lại bị phong kiến nước ngoài đô hộ. Trong cuộc chiến tranh giải phóng chống quân Minh, nghĩa quân Lam Sơn khởi đầu năm 1418 chỉ là một đội quân nhỏ bé với lực lượng lúc đầu không quá 2.000 người, hoạt động theo lối đánh nhỏ, nhưng rồi dần lên tạo thành một đạo quân đông mạnh và trở thành một lực lượng hùng hậu đủ sức đánh tập trung với quy mô lớn, tiêu diệt hàng vạn địch.
Sau 8 năm chiến đấu, một khu vực rộng lớn từ Thanh Hóa vào đến Thuận Hóa (nam Quảng Trị, Thừa Thiên) đã được giải phóng, tạo thành hậu phương vững chắc của cuộc chiến tranh giành độc lập. Sau nhiều trận thất bại liên tiếp trên chiến trường Đại Việt, lực lượng quân Minh bị tiêu hao, tinh thần binh sĩ dần sa sút. Nghĩa quân Lam Sơn đã đẩy giặc Minh vào thế co cụm phòng ngự bị động ở thành Đông Quan. Tháng 10 năm 1426, Vương thông (Tướng nhà Minh) kéo 5 vạn viện binh vào thành Đông Quan, nắm quyền tổng chỉ huy quân đội xâm lược ở Đại Việt, nâng số lượng quân Minh ở đây lên 10 vạn. Với một lực lượng lớn trong tay, để giành lại thế chủ động, Vương Thông quyết định mở cuộc phản công lớn, đánh vào chủ lực của nghĩa quân ở Cao Bộ (Chương Mỹ, Hà Nội).
Sáng ngày 7/11/1426, Vương Thông cho xuất phát tiến hướng về Cao Bộ. Trước đó quân ta đã nắm được ý đồ và hướng tiến công của Vương Thông, bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn quyết định bố trí hai trận địa mai phục ở Tốt Động và Chúc Động. Trận địa Tốt Động tại xã Tụy An, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Nơi đây có cánh đồng khá sâu và lầy lội, cỏ lác rậm rạp. Đạo quân của địch muốn tiến đến Cao Bộ phải đi theo con đường qua cánh đồng Tốt Động. Do vậy nghĩa quân đã tận dụng vị trí này bố trí trận địa mai phục nhằm dồn ép địch vào cánh đồng Tốt Động để đánh. Trận Tốt Động có nhiệm vụ đánh tan tiền quân của cánh chính binh, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực địch. Để tranh thủ thời cơ tiêu diệt địch một cách triệt để, làm phá sản hoàn toàn kế hoạch phản công của Vương Thông, bộ chỉ huy đã bố trí một trận địa mai phục thứ hai tại Chúc Động.
Trận địa mai phục thứ hai được bố trí ở vùng Chúc Động thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Vùng Chúc Động có địa hình đa dạng, phức tạp và hiểm yếu. Cánh đồng Chúc động không lầy bằng cánh đồng Tốt Động, nhưng lại nằm dưới chân núi Chúc Sơn. Có dòng sông Đáy chảy vòng dưới sát chân núi Chúc Sơn và gần vùng Chúc Động. Trận mai phục này nhằm đánh vào hậu quân của cánh chính binh, đồng thời chặn đường rút lui của cả hai cánh quân địch sau khi bị thất bại đang tìm đường chạy trốn về Đông Quan. Quân ta lợi dụng địa hình vùng Chúc Động, bố trí một trận địa phục kích hai bên đường cái. Khi quân địch lọt vào trận địa, quân ta sẽ đánh bất ngờ vào đội hình quân địch. Bộ phận mai phục gần Ninh Kiều có nhiệm vụ sẵn sàng phá cầu, chặn đường rút lui của quân địch.
Khi đạo quân chủ lực do Vương Thông chỉ huy đến vùng Tốt Động thì quân ta bắn pháo hiệu đánh lừa địch, để địch tiến sâu vào trận địa mai phục của quân ta. Khi tiền quân của địch đã lọt vào trận địa mai phục ở Tốt Động và hậu quân đã đi qua hết sông Ninh Giang, quân ta nhất tề xông thẳng vào quân giặc, đánh tan tác đội hình của chúng, dồn quân giặc vào cánh đồng Tốt Động lầy lội để tiêu diệt. Đội quân ta đã chặn đứng và đập nát bộ phận tiền quân của địch. Hàng vạn quân địch bỏ xác trên chiến trường Tốt Động. Vương Thông bị thương dẫn một số tên giặc sống sót tìm đường tháo chạy về Ninh Kiều. Khi nghe tiền quân bị thua, trung quân và hậu quân của địch bị ùn lại quãng đường từ Tốt Động đến Chúc động mất hết tinh thần, tìm đường rút lui. Biết đã mắc mưu ta, Vương Thông vội ra lệnh cho cánh kỳ binh rút chạy về Chúc Động. Rơi vào trận địa mai phục tại Chúc Động, quân ta vùng lên đánh những đòn quyết liệt vào cánh kỳ binh và hậu quân cùng với số giặc thoát chết ở Tốt Động chạy về. Cùng lúc đó cầu Ninh Kiều bị quân ta phá hủy và dòng sông biến thành chiến tuyến cản đường rút lui của địch chạy về Đông Quan. Kết quả trên 5 vạn quân giặc tử thương, bắt sống trên 1 vạn. Binh bộ thượng thư Trần Hiệp và nội quan Lý Lượng, tướng Lý Đằng bị giết tại trận.
Trận Tốt Động - Chúc Động đã phá tan kế hoạch phản công chiến lược đại quy mô của tổng binh Vương Thông, tạo ra bước ngoặt quyết định để tiến lên giành những thắng lợi mới. Trận đánh này đã dồn đạo quân xâm lược của Vương Thông phải hoàn toàn co về cố thủ ở một số thành lũy lẻ loi chờ quân cứu viện. Còn nghĩa quân Lam Sơn thì giành được cả một vùng giải phóng rộng lớn, đồng thời tranh thủ thời gian tăng cường lực lượng về mọi mặt, chuẩn bị sẵn sàng cho trận tiêu diệt viện binh địch, giành thắng lợi quyết định kết thúc chiến tranh. Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động là một chiến thắng oanh liệt của quân dân ta trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV. Trên cơ sở thiên thời, địa lợi, nhân hòa, cùng với tư tưởng chỉ đạo “lấy ít đánh nhiều” và nghệ thuật dùng binh có hiệu quả cao, trận Tốt Động - Chúc Động đã đánh thắng oanh liệt kẻ địch đông hơn gấp bội. Với đội quân chỉ có 6-7 nghìn người mà đã tiêu diệt gần 6 vạn quân Minh. Chiến thắng này đã thể hiện nghệ thuật chỉ đạo tác chiến, chiến thuật tài giỏi đầy mưu lược và sáng tạo của bộ chỉ huy Lam Sơn. Đây cũng là một tấm gương sáng chói về sức mạnh kỳ diệu của quyết tâm, ý chí, nghị lực và tinh thần quyết chiến quyết thắng của nhân dân ta.
Yên Yên