Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Chủ Nhật, 21/11/2021, 08:40

Kỷ niệm 150 năm Ngày mất của cụ Nguyễn Trường Tộ (22/11/1871 – 22/11/2021)

Nguyễn Trường Tộ, sinh năm 1830 tại làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên (Nghệ Tĩnh) trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa, dù nghèo nhưng hiếu học. Từ nhỏ Nguyễn Trường Tộ đã chú ý đến lối học suy luận, phán đoán, quan sát, phê bình và ghét lối học từ chương của khoa cử đương thời. Ông nổi tiếng là một trong những danh sĩ có tư tưởng cải cách xuất sắc nhất dưới thời Tự Đức. Ông đã dành trọn trí tuệ và tài năng của mình để đề xuất với triều đình nhà Nguyễn những đường lối cải cách rất tiến bộ. Tiếc rằng triều đình Huế không nghe theo lời của ông mà hậu quả của nó đưa đất nước Việt Nam lạc hậu kéo dài. Nhân kỷ niệm 150 năm ngày ông mất, chúng ta cùng nhìn lại cuộc đời và công đức của ông về tư tưởng canh tân đất nước.

Thuở nhỏ, Nguyễn Trường Tộ học chữ Hán với cha là Nguyễn Quốc Thư (làm nghề thầy lang bốc thuốc) và các thầy trong vùng.  Ông là người thông minh, học giỏi, nên được truyền tụng là “Trạng Tộ”. Thế nhưng ông lại không dấn thân vào con đường khoa cử. Sau khi thôi học, ông mở trường dạy chữ Hán tại nhà. Năm 1858, thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng. Vận mệnh dân tộc đang đứng trước nguy cơ xâm lược của phương Tây. Nghe tiếng ông, một cố đạo người Pháp tên là Gauthier (tức Cố Hậu) đã mời ông dạy chữ Hán cho Nhà Chung xã Đoài, đồng thời dạy lại cho ông chữ Pháp cùng các khoa kỹ nghệ. Đầu tháng 2 năm 1861, ông nhận làm phiên dịch giữa triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp, với mong muốn góp phần trong việc giảng hòa.

            Ngày 29 tháng 11 năm 1861, Đô đốc Louis-Adolphe Bonard lên thay Đô đốc Léonard Charner, và ông này liền xua quân mở rộng cuộc chiến. Thấy vậy, Nguyễn Trường Tộ không trông mong gì ở cuộc “nghị hòa”. Năm 1863, Nguyễn Trường Tộ tìm cách thoát ra khỏi khu vực chiếm đóng của quân Pháp, liên hệ được với triều đình Huế. Lúc này, ông đã dồn hết tâm trí vào việc thảo kế hoạch giúp nước. Ông đã thảo xong 3 bản điều trần gửi lên Triều đình Huế là: “Tế cấp luận”, “Giáo môn luận” và “Thiên hạ phân hợp đại thế luận”. Ngoài ra, ông còn thảo thêm bài “Trần tình” gửi lên để giải bày tâm tư và hoàn cảnh của mình, vì sợ Triều đình nghi ngờ ông, người đã từng gần gũi với các giáo sĩ Pháp và làm việc cho quân Pháp. Song tất cả đều không được phúc đáp. Nhưng với tấm lòng yêu nước thương dân vô hạn, từ đây cho đến cuối đời ông viết hàng loạt điều trần, luận văn, tờ bẩm, trình nhiều kiến nghị có tầm chiến lược nhằm canh tân đất nước, tạo thế vươn lên cho dân tộc để giữ nền độc lập một cách khôn khéo mà vững chắc. Chương trình cải cách của ông bao gồm nhiều lĩnh vực:

            Về ngoại giao: Trong di thảo “Thiên hạ đại thế luận” Nguyễn Trường Tộ có góp ý với triều đình: quân ta chưa thể chống lại sức mạnh của giặc thì chi bằng hòa với chúng. Ông phân tích điều lợi của đối ngoại là, khi hòa với Pháp thì các cường quyền khác không dám xâm chiếm nước ta nữa. Còn đối nội thì khi dân được bình yên thì ta cố gắng học hỏi các nước lớn, học tập cái khôn khéo của họ về vận dụng vào nước mình. Nguyễn Trường Tộ phân tích cho triều đình Huế thấy rõ cục diện chính trị trên toàn thế giới lúc bấy giờ, những mâu thuẫn về quyền lợi giữa Pháp với Anh và Tây Ban Nha, khuyên triều đình nên có quan hệ hòa hoãn với Pháp và chủ động mở rộng bang giao với nhiều nước, khéo léo chọn thời cơ lấy lại 6 tỉnh Nam Kỳ, xác lập “tư thế làm chủ đón khách”....

            Về kinh tế: Nguyễn Trường Tộ nêu lên tầm quan trọng của ngành kinh tế nông nghiệp. Theo ông, nông nghiệp là gốc, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của nhân dân và các nhu cầu quan trọng khác. Thế nhưng dưới triều Tự Đức nông nghiệp nước ta giảm sút và không được quan tâm cải tiển. Hơn nữa làm giàu cho công quỹ nhà nước vẫn chưa đủ mà còn phải có biện pháp giúp dân cùng giàu bằng cách chấn hưng nông nghiệp, công nghệ, thương ngiệp, khai khẩn các mỏ...Ông nhận thấy nước ta lúc bấy giờ có nguồn tài nguyên phong phú có điều kiện phát triển cho ngành công nghiệp như hải lợi, lâm lợi, thủy lợi và khoáng lợi. Ông khuyên triều đình ra sức mở mang nghề nghiệp, học cách làm ăn của các nước văn minh Tây Âu, tránh bế quan tỏa cảng, mời các công ty kinh doanh nước ngoài đến giúp Việt Nam khai thác tài lợi để có thêm của cải và học cho được kỹ thuật cũng như cách làm ăn tiên tiến của họ. Các thế hệ sau khi tìm hiểu về những di thảo của ông để lại đều nhận định rằng: Một con người như ông sống ở thế kỷ trước lại có những suy nghĩ hiện đại và những tư duy đón đầu tương lai để cho chúng ta nghiên cứu, học hỏi. Lịch sử đã chứng minh, đó là con đường phát triển kinh tế đúng đắn để xây dựng một đất nước giàu mạnh.

            Về nội chính: Theo ông, nên giảm bớt số tỉnh, phủ, huyện để bớt số quan lại vô ích thì mới có thể tăng lương và nghiêm trị sự hối lộ. Nên phân định luật lệ rõ ràng để khen thưởng phân minh. Mặt khác, nên có chính sách đối với những nho sinh để họ không thể dựa vào chút chữ nghĩa, trốn tránh nghĩa vụ đối với nước nhà. Ngoài ra, muốn cho đội ngũ viên chức giữ được thanh liêm thì phải tạo điều kiện cho họ làm giàu chính đáng...

Về tài chính: Ông đề nghị sắp đặt lại hệ thống thuế khóa cho thật công bằng hợp lý. Muốn thế phải đo đạc lại ruộng đất, kê khai nhân khẩu, tăng thuế người giàu và hàng xa xỉ ngoại nhập, đánh thuế thật nặng vào những tệ nạn như cờ bạc, rượu chè,... Bên cạnh đó, phải điều tra rõ dân số trong nước để đánh thuế công bằng, thuế ngạch các ruộng đất cho công bằng và tránh gian lận. Ngoài ra, còn phải khuyến khích nhà giàu bỏ tiền ra cho vay, và vay tiền của nước ngoài.

Về giáo dục: Khi đó triều Nguyễn sử dụng hệ thống giáo dục về thi cử tuyển chọn theo Nho giáo để đạo tạo đội ngũ quan chức. Đây là nền giáo dục coi “Kinh, truyện” của Trung Hoa là mẫu mực. Khi thi ai thuộc được nhiều kinh, thơ, truyện, phú là đỗ đạc. Trong khi nhiều môn học không được biết đến thì chữ Nho được dùng làm chữ viết có tính chất pháp quy. Với nội dung giáo dục như vậy nhà Nguyễn không đào tạo được những con người có năng lực. Vì thế Nguyễn Trường Tộ phê phán lối dạy và học trong giáo dục Nho học Việt Nam. Ông còn chỉ ra sự hạn chế của chữ Nho trong việc tiếp thu tri thức mới. Nguyễn Trường Tộ cho rằng chữ Nho quá xa lạ với tiếng Việt phổ thông và khiến người học tốn rất nhiều thời gian để ghi nhớ ngữ nghĩa, cản trở việc thu nạp và phổ biến kiến thức. Để cải tiến vấn đề giáo dục, ông đề ra kế hoạch đạo tạo nhân tài cho đất nước qua hệ thống trường chính quy, chú trọng khoa học tự nhiên; đào tạo người tài qua các trường dạy nghề, qua hoạt động thực tế chứ không phải chỉ có điển tích trong sách vở của Trung Quốc cổ đại... Có thể nói, ông đã đặt cơ sở lý luận về mối quan hệ giữa học và thực hành phải đi đôi với nhau. Tư tưởng về giáo dục của ông mang tính định hướng mà cho đến ngày nay chúng ta vẫn kế thừa và phát triển.

Mặc dù chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi, nhưng với những vấn đề cải cách duy tân đất nước to lớn của mình, Nguyễn Trường Tộ đã có một vai trò rất quan trọng trong lịch sử cận đại Việt Nam. Trí tuệ lỗi lạc của Nguyễn Trường Tộ đã vượt hẳn lên trên tầm thời đại giữa thế kỷ XIX. Tiếc là triều đình nhà Nguyễn cũng như các nho sĩ, văn thân thời ấy chưa hiểu nổi luồng tư tưởng của ông, nên chưa coi trọng đúng mức những kiến nghị cách tân của ông. Với 58 bản điều trần ông viết khiến ngày nay chúng ta còn phải kinh ngạc trước tầm vóc suy nghĩ của ông. Có thể khẳng định rằng, ông là công dân ưu tú của đất nước ta đã có những tư tưởng đổi mới đem lại phồn vinh cho đất nước. Và có những quan điểm đến ngày nay chúng ta đã và đang thực hiện.

Mai Mai

Phòng phục vụ bạn đọc

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 283 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày