Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 17/12/2021, 13:20

Kỷ niệm 60 năm ngày Dân số Việt Nam (26/12/1961 - 26/12/2021)

Dân số - một yếu tố quan trọng để phát triển bền vững. Dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Do đó, công tác dân số có vai trò, tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của một địa phương, một đất nước.

Theo nhiều nguồn tư liệu, lịch sử ngày dân số Việt Nam được ghi dấu ở thời điểm cách đây 60 năm. Vào những năm 1950 - 1960 của thế kỷ XX, với sự quyết tâm và nỗ lực của cả dân tộc, Việt Nam đã dành được những thành tựu lớn trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa, xã hội (những năm 1955 – 1957). Tuy nhiên, từ năm 1958 trở đi thu nhập quốc dân giảm, trong khi sản lượng lương thực giảm lại thì tốc độ tăng dân số lại tăng vọt từ 1,1% (1954) lên 3,93% (1960). Lúc này chính sách sinh đẻ có kế hoạch chưa được áp dụng ở nước ta.

Trước bối cảnh trên, ngày 26/12/1961, Hội đồng Chính phủ khi ấy đã ra quyết định số 216/CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn, xuất phát từ thực tế về sự gia tăng dân số quá nhanh, gây cản trở đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một văn bản đánh dấu sự ra đời của công tác Dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được triển khai thực hiện ở nước ta. Đồng thời, cũng là một quyết định hết sức quan trọng, đánh dấu cho những bước đi đầu tiên của công tác dân số và hệ thống tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ trong cả nước. Quyết định 216-CP mang tính nhân văn sâu sắc, nêu rõ mục tiêu của việc hướng dẫn sinh đẻ là vì sức khỏe của người mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận gia đình, để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp.

Ngày 19/5/1997, Thủ tướng Chính phủ nước cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định lấy ngày 26 tháng 12 hàng năm làm ngày Dân số Việt Nam, nhằm tập trung toàn xã hội cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, điều chỉnh sự phát triển dân số cho phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, trước mắt và lâu dài.

Từ đây, các văn bản mang tính toàn diện đã được ban hành kịp thời nhằm giúp việc triển khai thực hiện công tác DS-KHHGĐ đạt hiệu quả cao như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, ngày 14/01/1993, rồi đến Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000; Pháp lệnh Dân số năm 2003; Nghị quyết 47/NQ-TW, ngày 22/03/2005 của Bộ chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; Pháp lệnh 08 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh dân số… Tại Hội nghị lần thứ 6 (25/10/2017), Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Tiếp đó, ngày 31/12/2017, Chính phủ đã có Nghị quyết số 137/NQ-CP về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với nhiều mục tiêu trên tinh thần quán triệt Nghị quyết 21-NQ/TW.

Năm 2019, nước ta đã tiến hành tổng điều tra dân số và nhà ở trên quy mô cả nước, kết quả chính thức vào 0 giờ ngày 01/4/2019 cho thấy: Tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người; trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%. Theo kết quả điều tra, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 15 trên thế giới. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999 - 2009 (1,18%/năm). Với quy mô dân số trên 96,2 triệu người, tăng 10,4 triệu người trong vòng một thập kỷ qua, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên tăng nhanh nhất (chiếm 7,7%) điều này phản ánh tốc độ già hóa dân số của Việt Nam tăng mạnh. Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang ở trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm đa số (68% tổng dân số); dân số có khả năng lao động đang chiếm tỷ trọng cao trong tổng dân số, dự báo Việt Nam sẽ kết thúc giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” vào khoảng năm 2040. Bên cạnh đó, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện…

Đối với Đồng Nai, tính đến năm 2019, dân số toàn tỉnh đạt 3.097.107 người, mật độ dân số đạt 516,3 người/km², dân số thành thị chiếm 48,4%, dân số nông thôn chiếm 51,6%. Đây là tỉnh có dân số đông thứ nhì ở miền Nam (sau Tp. Hồ Chí Minh), đông thứ 5 cả nước. Toàn tỉnh Đồng Nai có 51 dân tộc cùng người nước ngoài sinh sống. Trong đó, người Kinh chiếm đa số.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản (2011-2019), mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em của tỉnh đã từng bước được nâng cao. Thông qua các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được triển khai đã giúp cho người dân có nhiều cơ hội trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, như: Khống chế được tốc độ gia tăng dân số, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,12% năm 2011 giảm xuống còn 0,93% năm 2019; tỷ suất sinh thô từ 14,67% năm 2011 giảm xuống còn 13,20% năm 2019. Mức sinh thay thế năm 2019 là 1,9 con/mẹ. Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tử vong từ 3,3% năm 2011 giảm xuống còn 0,2% năm 2019; tỷ suất chết trẻ dưới 5 tuổi từ 3,3% năm 2011 giảm xuống còn 0,32% năm 2019. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 7,29% năm 2011 giảm xuống còn 6,67% năm 2019. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 71,6% năm 2011 lên 74,3% vào năm 2019. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân năm 2010 là 12,4% đến năm 2019 giảm xuống còn 7,9%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi năm 2011 là 28,9% đến năm 2019 giảm xuống còn 23,3%...

Giai đoạn 2021-2025, mục tiêu của tỉnh đề ra: Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên <1%; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại >72%; tỷ số giới tính khi sinh < 109 bé trai/100 bé gái; Duy trì mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 3,56 triệu người. Giảm 2/3 số vị thành niên thanh niên có thai ngoài ý muốn. 80% người khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận với dịch vụ phục hồi chức năng phù hợp; 60% trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi được phát hiện, can thiệp sớm. Tối thiểu 50% người cao tuổi được chăm sóc dự phòng toàn diện, khám sức khỏe định kỳ, được điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân < 7,4; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi < 20%...

Có thể nói, mặc dù công tác dân số của tỉnh nhà đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, song nhìn chung công tác dân số tỉnh Đồng Nai đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn như: Mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền, huyện, thị, thành phố; mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức nghiêm trọng; lợi thế của dân số vàng chưa được khai thác hiệu quả; tốc độ già hóa dân số nhanh; chất lượng dân số còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Đã 60 năm trôi qua, kể từ ngày ban hành văn bản đầu tiên về công tác DS-KHHGĐ Việt Nam, ôn lại ngày kỷ niệm nhằm tuyên truyền, vận động đến đông đảo tầng lớp nhân dân về công tác dân số và phát triển; thúc đẩy sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dân số trong tình hình mới; huy động sự thống nhất, đồng thuận cao trong toàn xã hội nhằm thực hiện tốt hơn các chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác DS-KHHGĐ về ổn định quy mô, cơ cấu dân số, phân bổ dân cư hợp lý, từng bước nâng cao chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống./.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 279 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày