Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Hai, 14/03/2022, 21:20

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912-2022)

Đồng chí Tô Hiệu – người đảng viên mẫu mực

của Đảng Cộng sản Việt Nam

 

Trong những năm 20 của thế kỷ XX, có một người thanh niên yêu nước sớm tiếp thu tinh thần chống Pháp qua sách báo tiến bộ, qua những câu chuyện kể về các vị anh hùng đã hy sinh trong các cuộc khởi nghĩa chống Pháp, sau đó tham gia phong trào đòi thực dân Pháp phải ân xá cụ Phan Bội Châu, bãi khoá để dự lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh… Dù tuổi còn rất trẻ, nhưng chàng thanh niên ấy đã chính thức lao vào con đường hoạt động cách mạng, được kết nạp Đảng trong tù, giữ cương vị Bí thư chi bộ trong tù và cuối cùng cũng trút hơi thở cuối cùng ở trong tù. Người thanh niên ấy, không ai khác đó chính là đồng chí Tô Hiệu - người đảng viên mẫu mực của Đảng Cộng sản Việt Nam ta.

Tô Hiệu sinh năm 1912, tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nho học nghèo. Sau khi bị đuổi học vì tham gia các cuộc biểu tình, bãi khoá, Tô Hiệu lên Hà Nội học trường tư. Với tinh thần yêu nước, tổ chức học sinh đoàn của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đã kết nạp đồng chí vào Hội. Ngoài nhiệm vụ học tập, đồng chí đi tuyên truyền, rải truyền đơn, giăng biểu ngữ… trong các dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, Cách mạng tháng Mười Nga…

Năm 1929, thực dân Pháp đánh hơi mọi hoạt động của Tô Hiệu, trước khi chúng chuẩn bị vây bắt thì ông đã nhanh chân trốn vào Sài Gòn. Lúc này, anh ruột của Tô Hiệu là Tô Chấn đã là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng, được lệnh hạ sát toàn quyền Pasquier nhưng thất bại, bị thực dân bắt. Năm 1930, Tô Hiệu cũng bị kết án 4 năm tù và đày đi Côn Đảo. Hai anh em cùng hội ngộ trong tù, nhưng không bao lâu, Tô Chấn mất tích cùng với Ngô Gia Tự trong một cuộc vượt biển. Tại nhà lao, Tô Hiệu đã được Chi bộ Đảng trong tù kết nạp vào Đảng.

Dù chỉ mới 18 tuổi, nhưng Tô Hiệu đã sớm trưởng thành. Đồng chí đã có bảy lần cùng đồng đội tổ chức vượt ngục. Do đó, bọn thực dân đã ghép ông vào thành phần tù chính trị nguy hiểm và áp dụng mọi hình thức phạt, kể cả việc tống giam trong hầm xay lúa mà Pháp gọi là “khu trừng giới”. Nơi đây, tù nhân phải đeo xiềng suốt ngày đêm và phải xay lúa bằng cối lớn theo kiểu khoán: mỗi ngày 100 người phải xay xong 200 kg thóc trong ánh sáng nhợt nhạt và bụi trấu, bụi thóc bắn tung toé. Khi bị giam nơi đây, đồng chí Tô Hiệu đã cùng thủ lĩnh Tôn Đức Thắng chống lại bọn binh lính, bọn lưu manh đầu trộm đuôi cướp để giải quyết dứt điểm tình trạng người tù chính trị bị bọn này đánh đập vô cớ, đồng thời hạn chế bớt những khắc nghiệt ghê gớm nơi đây. Mặc dù còn rất trẻ, nhưng đồng chí Tô Hiệu đã mắc bệnh lao do phải chịu đựng chế độ tàn khốc của lao tù và những ngón nghề tra tấn của kẻ thù.

Sau khi được trả tự do năm 1934, đồng chí Tô Hiệu tìm mọi cách vượt qua sự bao vây, phong tỏa của kẻ thù để bắt liên lạc với Đảng. Năm 1936, Tô Hiệu cùng với Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và nhiều đồng chí xây dựng lại hệ thống tổ chức Đảng và chỉ đạo phong trào quần chúng Bắc Kỳ. Lúc này đồng chí được bầu làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, phụ trách các tỉnh miền biển, lấy Hải Phòng làm trung tâm. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hiệu, nhiều cuộc bãi công, biểu tình đã nổ ra ở thành phố cảng. Với cương vị Bí thư Thành ủy Hải Phòng, năm 1939, trong lúc chủ trì cuộc họp tại nhà Bùi Đình Đồng – Bí thư Chi bộ Nhà máy xi măng, đồng chí bị giặc Pháp phát hiện, bắt giam ở nhà lao Hải Phòng. Trong tù, bệnh tình của đồng chí mỗi lúc một nặng, nhưng đồng chí vẫn miệt mài làm việc dưới 4 bức tường đen tối của thực dân để kịp cho ra những tờ chỉ thị, truyền đơn theo đúng chương trình. Bị địch phát hiện, đồng chí bị giải về Hỏa Lò, tại đây dù bị kiểm soát rất ngặt, nhưng đồng chí vẫn tiếp tục trọng trách quan trọng của mình. Cuối cùng, chúng đày đồng chí Hiệu lên vùng rừng thiêng nước độc Sơn La.

Tại nhà tù Sơn La, cuối tháng 12/1939 chi bộ Đảng lâm thời đầu tiên được bí mật thành lập, đến tháng 02/1940 thì được công nhận chi bộ chính thức. Đồng chí Tô Hiệu được cử là Chi ủy viên, đồng chí Trần Huy Liệu giữ chức Bí thư. Đến tháng 5/1940, Đồng chí Tô Hiệu đảm nhận chức vụ Bí thư.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tô Hiệu nói riêng, chi bộ nhà tù nói chung, hoạt động cách mạng trong tù có sự tập trung, thống nhất hơn, có phương hướng rõ ràng, có tổ chức và phương pháp được xác định; đời sống anh em tù được tổ chức quy củ và khoa học, được cải thiện rõ rệt qua đấu tranh bảo đảm sức khỏe, nuôi dưỡng tinh thần anh em; tổ chức nhiều cuộc đấu tranh thắng lợi, tuyên truyền cách mạng cho binh lính và đồng bào địa phương, nhen nhúm phong trào cách mạng ở tỉnh Sơn La và quan trọng nhất là đã đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ưu tú cho Đảng.

Từ những năm 1940, cao trào cách mạng trong cả nước đang có những bước chuyển mới, bọn cai tù thực dân càng khiếp sợ và chúng trả thù bằng cách áp dụng chế độ khắc nghiệt để giết dần, giết mòn tù chính trị. Để đối phó lại tình hình này, Tô Hiệu đã phát động cuộc tuyệt thực, với mục đích cho dù có thất bại thì “cũng là sự rèn luyện chí khí, tôi luyện sức chịu đựng, ít nhất nó cũng làm cho địch chùn tay, không phải bắt thế nào thì người tù cách mạng phải cúi đầu cam chịu”.

Cuộc sống gian khổ trong nhà tù kéo dài và ảnh hưởng từ thời gian bị đày ải ở Côn Đảo đã tàn phá sức khoẻ của đồng chí Tô Hiệu. Tháng 10/1941, đồng chí thôi không làm bí thư chi bộ, song vẫn là cố vấn đặc biệt tin cậy của chi ủy và là trưởng ban huấn luyện, đào tạo cán bộ của nhà tù.

Với những hiệu quả hoạt động đặc biệt, cuối năm 1942, chi bộ nhà tù Sơn La được Ban Chấp hành Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ công nhận là chi bộ đặc biệt, phụ trách nhà tù và phong trào cách mạng ở tỉnh Sơn La. Bệnh lao mỗi lúc càng nặng thêm, đồng chí Tô Hiệu đã hy sinh lúc 10 giờ 15 phút, ngày 7/3/1944 tại nhà tù Sơn La ở tuổi 32 trong niềm tiếc thương vô hạn của anh em, đồng chí. Đồng chí được an táng tại nghĩa trang Vườn Ổi (nay là nghĩa trang liệt sĩ nhà tù Sơn La).

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Tô Hiệu luôn là người cộng sản mẫu mực, có bản lĩnh chính trị kiên cường, phẩm chất đạo đức trong sáng, quyết hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mặc dù bị giam cầm, bệnh tật trong nhà tù hà khắc của thực dân Pháp, đồng chí Tô Hiệu vẫn kiên cường giữ vững ý chí cách mạng và luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tấm gương và tinh thần Tô Hiệu còn thể hiện ở thái độ lạc quan cách mạng. Trong địa ngục trần gian của chốn lao tù đế quốc, Tô Hiệu vẫn động viên đồng chí, đồng đội của mình tin tưởng vào tương lai của cách mạng, tương lai của đất nước.

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu, xin được bày tỏ niềm thành kính, sự biết ơn sâu sắc đối với đồng chí, nhà tiền bối cách mạng, cán bộ xuất sắc của Đảng. Cuộc đời và thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí tuy không dài nhưng những cống hiến của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta thật to lớn. Đồng chí Tô Hiệu là một chiến sĩ cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng, trí tuệ, kiên trung, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc, mãi là tấm gương sáng ngời để thế hệ trẻ chúng ta học tập và noi theo./.

Đinh Nhài

 

 

 

 


Số lượt người xem: 329 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày