Mùa xuân là mùa của sự giao hòa giữa trời đất, thiên nhiên vạn vật và con người, luôn khiến ta cảm thấy tràn trề nhựa sống. Mùa xuân của đất nước chuyển biến cho mỗi người dân vừa rạo rực những niềm vui, ước mơ, hy vọng, vừa cảm nhận những thiêng liêng, cao quý của cuộc đời. Đó cũng là quy luật tất yếu để cho sự sống không ngừng được sinh sôi, nẩy nở cũng như dòng sông luôn xuôi chảy không bao giờ dừng lại. Mùa xuân với sức sống và vẻ đẹp của nó từ bao đời nay đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của các thi nhân, thi sĩ. Đặc biệt, đối với Chủ Tịch Hồ Chí Minh, sự yêu đời, say mê cuộc sống, tâm hồn dễ xúc cảm trước cái đẹp của con người, thiên nhiên, tạo vật, khiến Người đã sáng tác được rất nhiều tác phẩm Thơ xuân, trong đó không ít tác phẩm được coi là tuyệt bút. Trong thơ Hồ Chí Minh không chỉ là mùa xuân hiện hữu của đất trời mà còn là mùa xuân chất chứa bao nỗi niềm dân tộc, xuân bởi lòng người, xuân của lịch sử và của mong ước tương lai. Bác đã mang về cho dân tộc ta những mùa xuân lịch sử, Bác là mùa xuân của dân tộc, là lãnh tụ vĩ đại của đất nước Việt Nam.
Đọc thơ xuân của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy ở Bác luôn có một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của một thi nhân cùng với một cốt cách, phong thái ung dung, tự tại của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, thơ xuân của Bác thấm đẫm hồn dân tộc, tràn trề sức thanh xuân và luôn toát ra một tinh thần lạc quan vô hạn, thể hiện bản lĩnh vô song của một nhà cách mạng vô sản lỗi lạc. Hơn thế nữa, đó không chỉ vì Thơ, vì Tết, vì Xuân, mà là truyền thống của cả dân tộc, là tình cảm, là tấm lòng, là món quà đầu xuân năm mới Người gửi tặng đồng bào và chiến sĩ cả nước, là những định hướng chiến lược, là những lời đúc kết, đánh giá những thắng lợi trong năm qua và đề ra phương hướng nhiệm vụ của năm tới, là những lời động viên, cổ vũ toàn dân tộc cùng nhau đoàn kết một lòng, vững bước tiến lên trong đấu tranh cách mạng, trong lao động và sáng tạo để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Nhân dịp đầu xuân năm mới, chúng ta cùng đọc lại những bài thơ chúc tết của Bác Hồ để hiểu thêm phần nào những dấu ấn văn hóa, lịch sử đặc sắc ẩn chứa trong những lời thơ chúc tết mộc mạc giản dị. Đó là mùa xuân Nhâm Ngọ 1942. Bài thơ chúc Tết năm mới 1942 được in trên Báo Việt Nam Độc Lập số 114, ngày 1-1-1942. Mùa xuân năm ấy đất nước còn chìm đắm dưới ách nô lệ; chiến tranh thế giới đang lan rộng và ngày càng ác liệt. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của Người còn nhiều công việc phải làm để cùng đồng bào thực hiện ước mơ…
Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,
Năm cũ qua rồi chúc năm mới.
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt Minh ta càng tấn tới.
Chúc toàn quốc ta trong năm này,
Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới.
Năm này là năm tết vẻ vang,
Cách mệnh thành công khắp thế giới.
Quả thực lời chúc tết rất nôm na giản dị, thế nhưng ẩn chứa bên trong là cả một bản tổng kết tình hình đất nước và thế giới một cách khái quát đầy đủ. Bởi lúc này, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bắt đầu, phe trục phát xít chủ động tấn công và giành nhiều vùng đất đai rộng lớn, phe đồng minh bị động liên tiếp thất bại, thiệt hại nặng nề, thời thế chưa có chiều hướng tốt. Nhưng bằng cảm quan của một nhà cách mạng xuất sắc, Bác đã khẳng định “phe xâm lược sẽ diệt vong”, “phe dân chủ sẽ thắng lợi”. Đây cũng chính là điều kiện để cách mạng Việt Nam phát triển, vì thế, Bác đặt ra nhiệm vụ cấp bách cho cách mạng nước ta lúc này là “Đồng bào ta đoàn kết mau”. Đặc biệt hơn, mặc dù cách mạng chưa thành công nhưng ý tưởng về ngọn Quốc kỳ của nhà nước công nông với cờ đỏ sao vàng đã được tượng hình “Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới”. Và quả đúng 3 năm sau, Cách mạng tháng 8-1945 thành công, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chọn cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của nước ta từ đó đến nay.
Xuân Bính Tuất 1946, trong tâm thế mới là người đứng đầu Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á, Bác Hồ đã viết thư chúc tết rất nhiều đối tượng công nông binh như thơ chúc tết đồng bào in trên Báo Cứu Quốc, thơ chúc tết Phụ nữ in trên báo Tiếng gọi Phụ nữ, thơ chúc tết báo Quốc Gia của các cụ nhân sĩ trí thức Hà Nội với lời hân hoan hào hứng mừng đất nước độc lập tự do.
Tết này mới thật tết dân ta
Mấy chữ chào mừng báo Quốc Gia
Độc lập đầy vơi ba cốc rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa.
Muôn nhà chào đón xuân dân chủ
Cả nước vui chung nước cộng hòa.
Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc,
Những người chiến sĩ ở phương xa.
Thế nhưng, thực dân Pháp trở lại nước ta, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trong thư chúc tết gửi các chiến sĩ Bác đã tiên lượng cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ “Tết này ta tạm xa nhau/ Chắc rằng ta sẽ tết sau sum vầy…”. Từ đó các tết Đinh Hợi (1947), Mậu Tý (1948), Kỷ Sửu (1949), Canh Dần 1950… Bác Hồ đều có thơ chúc tết đăng trên các báo Độc Lập, Sự Thật (báo Nhân Dân sau này) đều ẩn chứa những nhiệm vụ cách mạng rất cụ thể. Như thơ chúc tết năm Kỷ Sửu (1949) có 4 câu trở thành khẩu hiệu hành động của phong trào thi đua yêu nước từ đó đến nay “Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua…”.
Thơ Xuân của Bác không chỉ đơn thuần là ca ngợi sắc xuân, vẻ đẹp hiện hữu của mùa xuân mà còn thể hiện khí phách hào hùng của dân tộc, khơi gợi lòng yêu nước, niềm tin và tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc trong mỗi người dân Việt. Bài thơ mừng xuân mới của Bác năm 1960 được Bác đã khéo léo khen ngợi và khích lệ tinh thần dũng cảm đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân cả nước nói chung và miền Nam nói riêng:
Mừng nhà nước ta 15 Xuân xanh!
Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ!
Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua,
Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh,
Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ.
Cả nước một lòng hăng hái tiến lên,
Thống nhất nước nhà, Bắc – Nam vui vẻ!
Mùa xuân được người thể hiện bằng những lời thơ vừa giản dị, mộc mạc, vừa mang đậm tính dân gian nhưng cũng rất mượt mà, hiện đại dễ đi vào lòng người. Mùa xuân trong thơ Người không chỉ là mùa xuân của đất trời mà còn mang biểu tượng của hào khí dân tộc, của sự sống bất diệt, niềm tin chiến thắng; sự lạc quan của người chiến sĩ cách mạng, của toàn dân tộc và biểu tượng cho tương lai tươi sáng của cách mạng Việt Nam.
Mùa Xuân năm 1969 Người viết bài thơ chúc tết đồng bào, chiến sĩ cả nước; lời thơ như hịch truyền cổ vũ cuộc đấu tranh cách mạng ngoan cường mà Người là ngọn cờ, là hồn thiêng sông núi, bài thơ đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thôi thúc toàn dân một lòng quyết tâm đánh và đánh thắng giặc. Mùa xuân Kỷ Dậu năm ấy với biết bao nhiêu hoạt động của Bác dành cho đồng bào, đồng chí dành cho công việc của cách mạng và kháng chiến – một mùa xuân đất nước tiếp tục giành nhiều thắng lợi to lớn để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Nhưng có ai ngờ đó lại là bài thơ chúc tết cuối cùng của Người.
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!
Đọc thơ xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh ta cảm nhận một sắc xuân rạng ngời, lại càng thấy được sự cao đẹp trong tâm hồn của Bác, cũng như sự sáng tạo tuyệt vời của một vị lãnh tụ kiệt xuất. Người là tấm gương thanh cao về nếp sống giản dị, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Nếp sống đó không chỉ có ở Người khi hoạt động cách mạng bí mật, gian khổ, hiểm nguy mà giữ vẹn nguyên khi Người đã là Chủ tịch nước yêu kính của dân tộc. Mỗi bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một bài học lớn khiến chúng ta phải suy ngẫm, soi mình học tập, noi theo.
Ngày Xuân trở về, rộn ràng hòa chung không khí mừng Đảng quang vinh, mừng đất nước đổi mới của cả dân tộc Việt Nam trên những chặng đường phát triển. Bắc – Nam thi đua đạt thành quả cao học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chúng ta cũng tự nhắc nhủ nhau học tập Người là phải học từ những nếp sống giản dị, gần gũi về tình yêu thương, quý trọng quê hương, đất nước, những người thân xung quanh mình. Như thế ta đã học tập được một phẩm chất tốt đẹp, cao quý của Người, một danh nhân văn hóa văn hóa thế giới.
Nguyễn Mai