Nói tới đồng chí Phan Đăng Lưu là chúng ta nhớ đến ngay một người con ưu tú của Đảng, của dân tộc đã trọn đời hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.
Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902 ở thôn Đông, xã Hòa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước tại một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Phan Đăng Lưu đã thể hiện tư chất thông minh và bản lĩnh của một nhà cách mạng chuyên nghiệp. Đồng chí đã sớm dẫn thân vào con đường đấu tranh cách mạng đầy gian lao, thử thách để cứu nước cứu dân. Ở tuối thanh niên với tinh thần ham học hỏi, tìm tòi cái mới và gần gũi với nhân dân, đồng chí đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng: phải đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược và bè lũ phong kiến tay sai mới có thể cứu được nước, cứu được nhà, mới có thể chấn hưng đất nước.
Qua nhiều năm hoạt động cách mạng, Phan Đăng Lưu đã trưởng thành từ một đảng viên và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tân Việt cách mạng Đảng (tiền thân là Hội Phục Việt), đồng chí đã trở thành đảng viên và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng cộng sản Việt Nam), đồng chí được giao giữ trọng trách Xứ ủy viên Trung Kỳ (1936-1937), Ủy viên ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1937 – 1939).
Từ đầu đến giữa năm 1940, trước sự tăng cường đàn áp, khủng bố, vây bắt của quân thù, các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương chỉ còn lại một mình Phan Đăng Lưu chéo lái con thuyền cách mạng nước ta. Khó khăn, thử thách to lớn này đã đặt lên vai đồng chí những trọng trách mới, nhất là sau khi đồng chí Võ Văn Tần – Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ bị địch bắt. nhiều chỉ thị của đồng chí, nhân danh Ban Chấp hành Trung ương, được thi hành trong Đảng trên toàn quốc nhằm vận dụng thời cơ, xiết chặt kỷ luật, củng cố tổ chức đi vào hoạt động bí mật và vận dụng sáng tạo các phương pháp, hình thức đấu tranh cho phù hợp với giai đoạn chuyển hướng chỉ đạo cách mạng trên tinh thần đạt yêu cầu “dân tộc giải phóng” lên hàng đầu, đặc biệt là chuẩn bị xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, theo tinh thần nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu của Đảng.
Vào cuối tháng 10-1940, sau khi đã cố gắng trì hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Phan Đăng Lưu đã từ Nam ra Bắc cùng với Xứ ủy Bắc Kỳ tổ chức Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Hội nghị Trung ương lần thứ bảy). Tại hội nghị này, Phan Đăng lưu đã cùng các đồng chí dự hội nghị đề cử đồng chí Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) làm quyền tổng bí thư của Đảng.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương tiếp tục thực hiện đường lối do hội nghị trung ương 6 đề ra, nhằm tích cực chuẩn bị mọi mặt tiến tới Tổng khởi nghĩa dành lại non sông đất nước khi thời cơ xuất hiện do diễn biến của chiến tranh thế giới và tình hình trong nước tạo ra. Trong đó có quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và giao cho Phan Đăng Lưu trở lại Nam Kỳ truyền đạt quyết định đó cho Xứ ủy Trung Kỳ và Nam Kỳ.
Đối với Phan Đăng Lưu, đội ngũ cán bộ có tài, có đức luôn là yếu tố quyết định cho sự thành công của Đảng, của cách mạng. Vì vậy, Phan Đăng Lưu luôn coi sự nghiệp đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ là trách nhiệm trọng yếu, vừa thường xuyên, vừa lâu dài. Trong suốt quá trình hoạt động của mình, từ khi còn hoạt động trong Đảng Tân Việt cho đến tận cuối đời, đồng chí luôn đặt công tác đào tạo, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ cho Đảng lên hàng đầu và thường xuyên liên tục. Với công tác này, dù trong hoàn cảnh nào, hoạt động bí mật, công khai hay trong lao tù đế quốc, đồng chí luôn kết hợp lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành và truyền đạt kinh nghiệm hoạt động cách mạng cho cán bộ và cảm tình của Đảng. Ông là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân; còn sức còn làm việc vì Đảng, vì dân, còn sống còn cống hiến cho Đảng, cho dân; tuyệt đối không màng tới vòng danh lợi, một tấm gương đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Những ngày cuối đời trong xà lim án chém, Phan Đăng Lưu vẫn linh hoạt, sáng tạo tổ chức trao đổi, đúc rút kinh nghiệm về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ với các đồng chí trong tù, vẫn hết lòng chăm sóc, thương yêu những đồng chí bị kẻ thù tra tấn dã man, tàn bạo, vẫn truyền và khởi dậy ý chí bất khuất, kiên cường với niềm lạc quan tin tưởng vào ngày toàn thắng của cách mạng cho những đồng chí còn lại. Đồng chí cũng không quên viết thư về nhà để động viên, an ủi những người thân trong gia đình trên tinh thần một người cộng sản chân chính:
Vì nước, vì dân, một tấm lòng son nêu chính nghĩa
Yêu dân, yêu Đảng, nghìn năm sử sách khắc tim gan
Với tinh thần yêu nước là thế! quyết tâm hết mình vì dân tộc. Dù bị giam giữ trong ngục tù với đòn roi tra tấn ác nghiệt, đời sống khổ cực, bị kìm kẹp, đàn áp dã man, Phan Đăng Lưu vẫn không ngừng học tập, nâng cao trình độ, rèn giũa tinh thần đấu tranh cách mạng và tuyên truyền lý tưởng cộng sản. Vì thế, trong lao tù, đồng chí đã thuyết phục, lôi kéo được nhiều người không phải trong tổ chức đảng tham gia vào các hoạt động cách mạng, đấu tranh với kẻ thù, thực hiện lý tưởng cao cả giải phóng dân tộc.
Phan Đăng Lưu không chỉ là một nhà tổ chức, nhà lãnh đạo xuất sắc, Đồng chí còn là một nhà báo, nhà lý luận sắc sảo, một chiến sĩ tiên phong của nền báo chí và văn học cách mạng Việt Nam. Những bài báo, bài viết cả đồng chí Phan Đăng Lưu phản ánh sâu sắc thực tiễn đất nước, tố cáo tội ác của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, nêu cao khí tiết cách mạng của người chiến sĩ cộng sản trong lao tù đế quốc. Trên bước đường đấu tranh đầy gian khổ, dù trong chốn lao tù, trước những thù đoạn tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí vẫn nêu cao phẩm chất cách mạng, thủy chung, lòng trung thành vô hạn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai và sự tất thắng của cách mạng Việt Nam.
Với 39 tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng, 11 năm tuổi Đảng, hơn 7 năm giam cầm trong lao tù đế quốc, Phan Đăng Lưu đã cống hiến cả trí tuệ, đạo đức, tài năng và công sức của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân, trở thành nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối xuất sắc của Đảng ta.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng đầy đức độ! Đồng chí Phan Đăng Lưu đã đi vào lịch sử, nhưng dấu ấn vẫn còn để lại mãi thiên thu, vì sự hy sinh oanh liệt của đồng chí đã gieo mầm tái sinh cho sự sống. Đồng chí ngã xuống, nhưng tinh thần kiên trung, bất khuất của người cộng sản Phan Đăng Lưu đã trở thành bất tử trong đồng bào, đồng chí, bạn bè và bao thế hệ cách mạng. Tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí mãi mãi sáng ngời đối với non sông, đất nước Việt Nam.
Mai Mai