Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 04/05/2022, 20:45

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (05/5/1902 – 05/5/2022), lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Là một người có chí khí, bản lĩnh và tinh thần yêu nước nồng nàn, Phan Đăng Lưu tham gia cách mạng từ khi còn đi học và đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào của vùng quê Hoa Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của ông không chỉ sáng ngời trong sử sách mà còn gắn bó với nhiều địa phương trên đất nước ta. 

Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902 tại xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Thân sinh của ông tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Chu Trạc ở vùng Yên Thành. Năm lên sáu tuổi, Phan Đăng Lưu theo học chữ Hán, sau đó vào học trường tiểu học Vinh. Tốt nghiệp tiểu học, ông thi vào trường Canh nông thực hành ở Tuyên Quang. Ra trường với bằng tốt nghiệp hạng ưu, ông được bổ nhiệm làm nhân viên tập sự tại Sở Canh nông Bắc Kỳ. Ngày 10/10/1924, ông đến nhận việc tại Trại nuôi tằm Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) và một năm sau được đổi về Sở Canh nông Nghệ An. 

Ảnh hưởng từ cha mình nên Phan Đăng Lưu sớm có tư tưởng chống thực dân Pháp, ông nhanh chóng bắt liên lạc với các thầy giáo trong Hội Phục Việt và tích cực tham gia các hoạt động yêu nước ở thành phố Vinh. Tìm đọc và phổ biến sách báo tiến bộ, bàn luận thời cuộc với những người yêu nước và ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu. Biết rõ việc làm của ông, ngày 3/31926 Sở Canh nông Nghệ An đổi ông ra trại nuôi tằm Diễn Châu. Mười tháng sau, khâm sứ Trung Kỳ chuyển ông vào trại sản xuất trứng tằm Bình Định. Ngày 7/4/1927, chúng lại đổi ông vào làm việc tại trại nghiên cứu Canh-ky-na Thượng Đồng Nai (tỉnh Lâm Đồng). Được một tháng, khâm sứ Trung Kỳ ra quyết định thải hồi vì những hoạt động yêu nước của Phan Đăng Lưu. Đây là một cơ hội tốt để ông trở về quê hương hoạt động. 

Tháng 2-1928, Phan Đăng Lưu được kết nạp vào Hội Phục Việt (lúc này hội đổi tên là Hưng Nam, sau đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng). Từ một công chức, ông đã trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp trong tổ chức Tân Việt, được bầu làm Ủy viên Thường vụ của tổ chức này (tháng 7-1928). Cuối tháng 9-1928, Phan Đăng Lưu được Tổng bộ Tân Việt cử sang Quảng Châu, Trung Quốc tìm cách hợp nhất Tân Việt với Thanh Niên, nhưng chuyến đi không thành công. Tháng 9-1929, Tổng bộ Tân Việt lại cử Phan Đăng Lưu sang Quảng Châu lần thứ hai. Khi đang ở Hải Phòng để chuẩn bị sang Trung Quốc, do có kẻ phản bội chỉ điểm, Phan Đăng Lưu bị mật thám bắt đưa về giam ở nhà lao Vinh và bị Tòa Nam triều Nghệ An kết án 7 năm tù giam, đày lên nhà tù Buôn Ma Thuột - một trong những nhà tù khắc nghiệt nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Cùng với nhiều tù chính trị, đồng chí Phan Đăng Lưu bị giam cầm, tra tấn dã man, nhưng vẫn kiên trì, bền bỉ đấu tranh. Cũng chính tại đây, đồng chí được chi bộ Đảng kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tham gia Ban lãnh đạo nhà tù. Đồng chí tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền trong bạn tù chính trị; làm tờ báo bí mật "Doãn Đê tuần báo" trong nhà tù (tuần báo của người Kinh và người Ê Đê), đã tuyên truyền, giác ngộ sự đoàn kết giữa người Kinh, binh lính và đồng bào Ê Đê. Đồng chí tham gia lãnh đạo các cuộc đấu tranh trong nhà tù đòi quyền lợi cho tù chính trị; đồng thời viết nhiều bài gửi ra bên ngoài tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở nhà tù Buôn Ma Thuột.

Giữa năm 1936, phong trào đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ và thả tù chính trị dấy lên ở Pháp và Đông Dương. Thực dân Pháp ở Đông Dương buộc phải thả một số tù chính trị, trong đó có Phan Đăng Lưu. Ra tù, đồng chí về hoạt động tại Huế trong sự kiểm soát của mật thám Pháp. Tại Huế, ông cùng các đồng chí của mình liên lạc với Đảng, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới bằng những bài viết trên các báo. Tháng 3 năm 1937, tại Đông Pháp Lữ quán, số 7 đường Đông Ba, Đại hội Báo chí Trung kỳ khai mạc với sự tham gia của hơn 70 nhà báo. Phan Đăng Lưu và các nhà báo cách mạng đã có công hướng Đại hội vào những nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa lúc bấy giờ.

Ở Huế, Phan Đăng Lưu cùng Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Lâm Mộng Quang, Trịnh Xuân An, Hải Thanh... được Đảng giao hoạt động công khai và bán công khai. Và đương nhiên, báo chí là diễn đàn, là vũ khí đấu tranh phù hợp và sắc bén. Nguyễn Chí Diểu chỉ đạo nội dung Báo Nhành Lúa (do Nguyễn Xuân Lữ làm Chủ nhiệm), Phan Đăng Lưu và các đồng chí khác mua lại tờ Sông Hương của Phan Khôi, đổi tên thành Sông Hương tục bản, mời Nguyễn Cửu Thạnh làm Chủ nhiệm, Phan Đăng Lưu chỉ đạo nội dung và trực tiếp viết các bài xã luận, bình luận, tiểu phẩm. Báo được in tại nhà in Vương Đình Châu ở Vinh. Trên tờ báo mới này, Phan Đăng Lưu và các đồng chí của ông trình bày quan điểm của Đảng; phát động quần chúng đấu tranh đòi dân chủ, tự do; tuyên truyền cho cuộc vận động Đông Dương Đại hội Trung Kỳ; giải thích cho nhân dân biết về quyền bầu cử, ứng cử. Báo thể hiện tính giai cấp, tính chiến đấu rất sâu sắc. Mục “Chiếu điện” của tác giả Nghị Toét - bút danh của Phan Đăng Lưu, vạch mặt, chỉ tên bọn tay sai bán dân hại nước, dùng các âm mưu, thủ đoạn để lừa gạt cử tri (đó là Bùi Huy Trứ, Nguyễn Quang Triệt, Cao Văn Chiểu…). Còn 18 ứng cử viên là người của Đảng và có tư tưởng tiến bộ do Sông Hương tục bản giới thiệu, cổ vũ đã đắc cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ, trong đó có đồng chí Đặng Thai Mai.

Sông Hương tục bản trên thực tế đã trở thành cơ quan ngôn luận của Xứ uỷ Trung Kỳ, ra được 14 số (từ 15 tháng 6 đến 14 tháng 10 năm 1937), sau đó bị chính quyền thực dân thu hồi giấy phép.

Ngày 24 tháng 12 năm 1937, một số đại biểu vừa trúng cử Viện Dân biểu Trung Kỳ qua sự gợi ý, đề xuất của Phan Đăng Lưu đã làm đơn xin xuất bản tờ báo lấy tên là “Dân”. Hai người quản lý báo Dân là Nguyễn Đan Quế và Nguyễn Xuân Cát. Tuy nhiên, về thực chất, đây là tờ báo của Xứ uỷ Trung Kỳ do Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Ban Biên tập có Hải Triều, Bùi Công Trừng, Nguyễn Cửu Thạnh, Lâm Mộng Quang, Lê Bồi, Hà Thế Hanh… Báo Dân kết hợp chặt chẽ với các đại biểu tiến bộ trong Viện Dân biểu và phong trào cách mạng của quần chúng, tạo nên sức mạnh to lớn chống sưu cao, thuế nặng, chống áp bức, bất công, đòi tự do ngôn luận, đặc biệt là đánh bại dự án Thuế thân và dự án Thuế điền thổ do khâm sứ Trung Kỳ đưa ra, làm rung chuyển bộ máy cai trị ở chính nơi đầu não của chúng. Trong thành công lớn lao ấy, Phan Đăng Lưu có những cống hiến hết sức quan trọng. Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sắc sảo, các bài viết của ông thực sự là những tác phẩm báo chí giàu tính chiến đấu, tính giai cấp, tính văn hoá, tính nhân dân.

Báo Dân không tồn tại được bao lâu do kẻ địch biết đó chỉ là sự thay đổi tên gọi của Sông Hương tục bản và đứng đằng sau tờ báo là Phan Đăng Lưu, cao hơn, là Xứ uỷ Trung Kỳ (Báo ra được 17 số, từ tháng 7 đến tháng 10 năm 1938). Cơ quan Xứ uỷ và Phan Đăng Lưu tiếp tục cho ra tờ Dân Tiến. Theo tuyên ngôn của Báo: “Dân là dân, tiến là tiến tới. Dân tiến là dân tiến tới, dân cứ đi mãi. Dân có bị giết chết, bị tù, bị phạt, bị đói… dân vẫn cứ sống, vẫn cứ tới” (Dân Tiến, số 3, ngày 17/11/1938).

Để tránh sự kiểm duyệt gắt gao của Khâm sứ Trung Kỳ, Báo Dân Tiến được biên tập ở Huế, sau đó đưa vào Sài Gòn in ấn, phát hành ở Nam Kỳ vì ở đó, báo chí dễ “thở” hơn. Báo Dân Tiến vẫn do Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo, Huỳnh Văn Thanh làm Quản lý, Lưu Quý Kỳ làm Thư ký Toà soạn. Dân Tiến lại bị nhà cầm quyền đóng cửa. Không chịu khuất phục, Phan Đăng Lưu cho ra tiếp tờ báo mang tên Dân Muốn, vẫn biên tập ở Huế, in và phát hành ở Sài Gòn.

Trong các năm từ 1937 đến 1939, cùng với hoạt động báo chí sôi nổi, bản lĩnh, sáng tạo, Phan Đăng Lưu còn cho ra mắt bạn đọc các tác phẩm mang tính nghiên cứu, lý luận như “Xã hội Tư bản”, “Thế giới cũ và Thế giới mới”, “Thơ văn các nhà chí sỹ Việt Nam”. Là người rất gần gũi với Phan Bội Châu, được coi là Thư ký của cụ Phan, Phan Đăng Lưu còn động viên, giúp việc để cụ Phan hoàn thành cuốn sách “Phan Bội Châu niên biểu”. Phan Đăng Lưu cũng là người có ảnh hưởng sâu sắc đến những người hoạt động cách mạng ở Nghệ Tĩnh và Huế lúc đó như: Trịnh Xuân An, Tôn Quang Phiệt, Trịnh Quang Xuân, Hà Thế Hanh hay lớp thanh niên yêu nước như: Tố Hữu, Trần Tống, Trần Quỳnh, Nguyễn Chí Thanh.

Tháng 9 năm 1939, Phan Đăng Lưu được Trung ương chỉ đạo rút vào Nam Kỳ hoạt động bí mật. Tháng 11 năm 1939, Ông ra Việt Bắc dự Hội nghị Trung ương lần thứ VII (tháng 11 năm 1939), được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và trở thành một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta lúc đó. Tại Hội nghị này, ông báo cáo, phân tích tình hình ở Nam Kỳ, cho rằng tình thế cách mạng chưa chín muồi, xin Trung ương cho hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Đề nghị của ông được chấp thuận.

Về đến Sài Gòn tối 22-11-1940, chưa kịp truyền đạt chỉ thị của Trung ương thì đồng chí Phan Đăng Lưu bị mật thám Pháp bắt. Trong đêm đó, đồng chí Tạ Uyên và nhiều người trong xứ ủy, cấp ủy các cấp cũng bị địch bắt. Cơ quan đầu não lãnh đạo khởi nghĩa không còn. Tuy nhiên, lệnh khởi nghĩa đã truyền đến các địa phương trong toàn xứ, đêm 22-11-1940, nhân dân đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa ở 19/22 tỉnh, thành phố từ Biên Hòa đến Cà Mau.

Tòa án binh của chính quyền thực dân Pháp ở Sài Gòn trong các phiên xử ngày 25-3-1941 và ngày 3-4-1941 đã tuyên án tử hình đồng chí Phan Đăng Lưu. Bị dư luận nhân dân phản đối, ngày 28-8-1941, thực dân Pháp bí mật đưa đồng chí Phan Đăng Lưu và một số đồng chí khác ra bắn tại ngã ba Giồng, xã Tân Thới Thượng (Hóc Môn, Gia Định). Khi bị tuyên án tử hình, đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn bình tĩnh, kiên định, tỏ rõ thái độ của người cộng sản kiên trung và khẳng khái: "Tôi không sợ chết… Nếu còn sống, nhất định tôi sẽ tìm cách vượt ngục để về hoạt động cách mạng".

Đồng chí Phan Đăng Lưu hy sinh khi mới 39 tuổi và trong trang sử vàng của cách mạng Việt Nam, của báo chí cách mạng Việt Nam, Phan Đăng Lưu có một vị trí xứng đáng, trân trọng. Ông là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta, nhân dân ta, một nhà báo cách mạng ưu tú, hết sức tiêu biểu thập niên ba mươi của thế kỷ XX.

 

Cúc Nguyễn

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1786 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày