Phan Châu Trinh, người chí sĩ yêu nước kiên cường,
Nhà cải cách dân chủ tiên phong của cách mạng Việt Nam
Nhắc đến Phan Châu Trinh, người đời luôn ghi nhớ hình ảnh một người chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng xã hội tiến bộ ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, người đã kiên cường truyền bá tư tưởng dân chủ vào Việt Nam, khởi xướng phong trào Duy Tân và Đông Kinh nghĩa thục…
Sinh ra vào thời kỳ nước mất nhà tan, nhân dân ta phải sống trong cảnh lầm than, nô lệ (năm 1872), cũng như bao nhà yêu nước khác, Phan Châu Trinh sớm giác ngộ và quyết tìm con đường cứu nước, cứu dân. Con đường cứu nước mà Phan Châu Trinh chọn để giải phóng dân tộc đó là con đường cải cách Duy Tân.
Trong số các sĩ phu đương thời và cả sau này, Phan Châu Trinh là người thấy rõ nhất trên con đường thực hiện dân chủ thì chướng ngại đầu tiên cần phá bỏ trước hết chính là những tàn dư của tư tưởng và thể chế phong kiến. Tiếp nối trào lưu cải cách, duy tân hình thành từ thế kỷ trước của những tên tuổi đáng kính: Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ… Phan Châu Trinh đã chủ trương triệt để tư tưởng Dân chủ tới cùng. Cụ chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ bằng cách nâng cao trình độ trí tuệ và đạo đức của người dân, phát triển kinh tế - văn hóa, học những tư tưởng tiến bộ của phương Tây, từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu... Cụ cho rằng Việt Nam phải phát triển kinh tế và giáo dục để tự lực, tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh rồi mới nên mưu cầu độc lập chứ không nên cầu viện ngoại bang dùng bạo lực để giành độc lập như chủ trương của Phan Bội Châu. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có nền độc lập chân chính trong quan hệ với ngoại bang còn nhân dân được hưởng tự do trong quan hệ với nhà nước. Để thực hiện chủ trương của mình, năm 1906, ông cùng một nhóm sĩ phu đất Quảng như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế mở cuộc vận động Duy tân ở Trung kỳ. Cụ thể như: Về kinh tế, chú ý cổ động thực nghiệp, lập hội kinh doanh. Phát triển nghề thủ công, làm vườn, lập “nông hội”,...; Về giáo dục, mở trường dạy theo kiểu mới để nâng cao dân trí, dạy chữ Quốc ngữ, các môn học mới thay thế cho Tứ thư, Ngũ kinh của Nho học…; Về văn hóa, vận động cải cách trang phục và lối sống: cắt tóc ngắn, ăn mặc “Âu hóa”, bài trừ mê tín dị đoan và các hủ tục phong kiến,... Tư tưởng Duy Tân khi đi vào quần chúng đã vượt qua khuôn khổ ôn hòa, biến thành cuộc đấu tranh quyết liệt, điển hình là phong trào chống thuế ở Trung kỳ (1908). Phong trào đã bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội, Phan Châu Trinh bị kết án tù 3 năm ở Côn Đảo, sau đó chúng đưa cụ sang Pháp.
Vào thời Phan Châu Trinh, cụ không lựa chọn con đường bạo động rõ ràng, không chỉ xuất phát từ tư tưởng nhân văn, không muốn đổ xương máu, mà quan trọng hơn cả đó là con đường đảm bảo cho thắng lợi chắc chắn của sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ngu dốt, đói nghèo và bất công. Trên con đường cứu nước, cụ Phan là một nhân vật hiếm hoi đã có quan hệ với hầu hết những khuynh hướng, nhân vật chính trị nhất phong trào giải phóng dân tộc ở đầu thế kỷ XX, từ Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp, các sĩ phu phong trào Đông Kinh nghĩa thục, Hoàng Hoa Thám cho đến Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh… ở Phan Châu Trinh cũng thể hiện những phẩm chất cao đẹp của một nhà yêu nước, một chiến sĩ cách mạng kiên trung và chân thành. Luôn giữ cho mình một vị trí độc lập, kiên định với những quan điểm chính trị của mình. Mặt khác, ở Phan Châu Trinh luôn biểu hiện một tinh thần cầu thị, đặt lợi ích dân tộc lên trên cả chính kiến cá nhân.
Là một nhà yêu nước lớn, có uy tín cao trong nhân dân, Phan Châu Trinh là người rất nỗ lực trong việc tập hợp các lực lượng yêu nước của dân tộc. Người không những trở thành thủ lĩnh của phong trào Duy Tân ở Trung kỳ mà còn là mối dây liên kết với các đồng chí trong phong trào Duy Tân ở Nam kỳ; là người đã ra lặn lội ra Bắc gặp các yếu nhân của Đông Kinh nghĩa thục, lên Phồn Xương tìm gặp Đề Thám, sang Nhật gặp Phan Bội Châu, rồi sau này khi phải sống ở Pháp, Phan Châu Trinh cũng trở thành hạt nhân tập hợp những người Việt Nam yêu nước khác.
Tuy chưa giải quyết được các yêu cầu dân tộc một cách căn bản, do sự đàn áp và ngăn chặn của thực dân Pháp, nhưng chủ trương của Phan Châu Trinh và các sĩ phu Duy Tân trên thực tế đã đẩy “dân khí, dân trí, dân sinh” lên một bước ở các nơi có phong trào, từ đó ảnh hưởng đến các địa phương khác ở khắp Trung bộ và nhiều địa phương ở Bắc bộ. Trong đêm tối mịt mùng của chế độ nô lệ, với màng lưới đàn áp khốc liệt tứ bề, Phan Châu Trinh đã kêu gọi sự giúp đỡ của những chính sách và nhân sĩ Pháp trung thành với lý tưởng dân chủ nhân đạo để tố cáo chế độ thực dân, vận động chính trị có kết quả hơn… đó là quyết định táo bạo, vì nghĩa lớn, không ngại khó khăn của một nhà nho học yêu nước.
Đặc biệt, trong những năm tháng cuối đời của mình, Phan Châu Trinh đã trở thành trung tâm thu hút, tập hợp những lực lượng yêu nước, những hoạt động chính trị vào thời điểm có những chuyển biến lớn trong phong trào cách mạng thế giới. Đặc biệt trong mối quan hệ với người đồng chí trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc, vượt qua được mặc cảm về tuổi tác, khi đã nhận thấy sự bế tắc về đường lối cứu nước của mình, Phan Châu Trinh chân thành xác nhận niềm hy vọng tương lai sự nghiệp giải phóng đất nước đã thuộc vào một thế hệ khác, một học thuyết chính trị khác…
Phan Châu Trinh qua đời vào một thời điểm rất có ý nghĩa, như một bước chuyển cơ bản của lịch sử phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Cuộc xuống đường của hàng chục vạn người đi dự đám tang ở Sài Gòn cũng như phong trào truy điệu Phan Châu Trinh được tổ chức khắp nơi, tạo nên một sự thức tỉnh trong toàn quốc mang một ý nghĩa trọng đại. Đó là thời điểm bắt đầu hình thành những khuynh hướng và tổ chức chính trị sau này sẽ tham dự vào những biến cố quan trọng, trong đó có cả một thế hệ thanh niên được kích thích bởi tấm gương Phan Châu Trinh đã hướng vào cương lĩnh của một tổ chức cách mạng kiểu mới do Nguyễn Ái Quốc lúc này đang có mặt tại Trung Quốc tổ chức, để trở thành những chiến sĩ cộng sản trung kiên…
Cuộc đời hoạt động yêu nước cách mạng của Phan Châu Trinh có thể khẳng định rằng, đặt trong những điều kiện lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX, xu hướng chính trị và những hoạt động của Cụ đã có tác dụng tích cực đến phong trào cách mạng thời đó, do yêu cầu dân chủ, khát vọng dân quyền Cụ đề xướng là phù hợp với thời đại, phù hợp với bước tiến của cách mạng Việt Nam đang chuyển từ phạm trù cũ phong kiến sang phạm trù mới có tính chất tư sản.
Cụ Phan đã đi xa tròn 1,5 thế kỷ, nhưng kể từ khi Cụ xuất hiện trên vũ đài chính trị ở nước ta với tư cách một nhà yêu nước khảng khái, trung thực, bất khuất trước cường quyền, một sĩ phu tiến bộ suốt đời hăng hái và kiên trì phấn đấu cho việc phát huy dân chủ, dân quyền ở nước ta, thì Cụ Phan Châu Trinh thật xứng đáng chiếm một vị trí cao trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Nhân dân Việt Nam luôn nhớ đến tên tuổi cũng như những công lao Cụ Phan đã hiến dâng trọn đời cho Tổ quốc, bởi hơn bao giờ hết, trong công cuộc đổi mới hiện nay để xây dựng đất nước, củng cố nền độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, những bài học về dân chủ, dân quyền từ thời Phan Châu Trinh vẫn còn giá trị thực tiễn cao, đã và đang có ý nghĩa to lớn./.
Đinh Nhài