Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng diễn ra trong 06 ngày (từ ngày 5 đến ngày 10/09/1960) tại Hà Nội là một sự kiện rất quan trọng trong sinh hoạt chính trị của Đảng và Nhân dân ta. Đại hội diễn ra trong bối cảnh đất nước vừa đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất và tàn bạo nhất của đế quốc Mỹ ở miền Nam, vừa xây dựng và bảo vệ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đại hội bao gồm 525 Đại biểu, Đại hội đã bầu ra được 11 đồng chí Ủy viên chính thức của Bộ Chính trị, 47 đồng chí Ủy viên chính thức Ban Chấp hành trung ương. Đồng chí Hồ Chí Minh giữ chức Chủ tịch Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương là đồng chí Lê Duẩn…
Từ khi hòa bình lập lại, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới nhưng phải đối mặt với những khó khăn vô cùng khốc liệt (nạn đói, nạn giốt và nạn ngoại xâm hoành hành…). Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng, miền Bắc từng bước khắc phục những khó khăn, tiến những bước vững chắc lên con đường chủ nghĩa xã hội, tǎng cường lực lượng về mọi mặt, trở thành thành trì, hậu phương của cách mạng cả nước. Trong khi đó, ở miền Nam đế quốc Mỹ và bọn Ngô Đình Diệm dựng lên một chính quyền độc tài và hiếu chiến, với âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và cǎn cứ quân sự của đế quốc Mỹ.
Chính vì vậy, Đại hội Đảng lần thứ ba đã nhấn mạnh, Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện tại có hai nhiệm vụ chiến lược: Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước. Hai nhiệm vụ chiến lược ấy có quan hệ mật thiết với nhau và có tác dụng thúc đẩy lẫn nhau. Đại hội xác định đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội là một nhiệm vụ tất yếu sau khi đã hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và làm cho miền Bắc được ngày càng vững mạnh về mọi mặt thì càng có lợi cho cách mạng giải phóng miền Nam… Vì vậy, tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc tiến hành trong khi ở miền Nam phải ra sức tập hợp mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, mở rộng và củng cố khối đoàn kết dân tộc, cô lập đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng, thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh củng cố hòa bình, thống nhất Tổ quốc.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã nhận định, từ Đại hội Đảng lần thứ II đến Đại hội Đảng lần thứ III này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi vĩ đại. Cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng của quân và dân ta đã đánh bại bọn thực dân xâm lược Pháp và bọn can thiệp Mỹ; chiến thắng oanh liệt Điện Biên Phủ, chúng ta đã giành được thắng lợi trong việc ký kết Hiệp nghị Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, phá tan âm mưu của đế quốc Mỹ kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã được Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, giai cấp công nhân và nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nhiệt liệt ủng hộ. Thắng lợi của cuộc kháng chiến đã củng cố thêm lòng tin tưởng và tự hào của nhân dân ta ở sức đoàn kết chiến đấu của mình và ở sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta (1954 - 1975) là sự tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Trong điều kiện đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn cứ vào tình hình quốc tế, trong nước, so sánh thế và lực giữa ta và địch, nắm vững phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đề ra đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo và tổ chức thực hiện đường lối phù hợp với điều kiện cụ thể và sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.
Điểm đặc biệt của cách mạng nước ta trong giai đoạn từ tháng 7/1954 đến tháng 5/1975, đó là mốc son Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã diễn ra, trên cơ sở tình hình của đất nước, Đảng ta đã thực hiện đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhằm một mục tiêu chung là hoàn thành độc lập, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Việc xác định đường lối cách mạng độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, tư duy chiến lược, tài thao lược xuất sắc của Đảng, nhất là ở những thời điểm mang tính bước ngoặt của cuộc kháng chiến. Trước tình hình chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách "tố cộng", "diệt cộng", lê máy chém đi khắp miền Nam, thẳng tay đàn áp các chiến sĩ cách mạng và quần chúng nhân dân, phong trào cách mạng miền Nam phát triển khó khăn, tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, vạch rõ mục tiêu và phương pháp cách mạng, mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng ở hai miền, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà. Nghị quyết Trung ương 15 chỉ rõ con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân; ngoài ra không có con đường nào khác. Chủ trương đúng đắn đó của Đảng đã tạo ra "làn gió mới", khí thế mới, trở thành động lực thúc đẩy cách mạng miền Nam vững bước tiến lên. Mở đầu là phong trào Đồng khởi vào cuối năm 1959, sau đó nhanh chóng phát triển thành cao trào Đồng khởi trên khắp miền Nam. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đã tạo bước ngoặt, đưa cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Đây là sự mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước rất độc đáo, sáng tạo; đồng thời, là cơ sở để Đảng ta tiếp tục phát triển chiến tranh toàn dân, toàn diện và đánh bại các chiến lược: "Chiến tranh đặc biệt" (1961 - 1965), "Chiến tranh cục bộ" (1965 - 1968), "Việt Nam hóa chiến tranh" (1969 - 1973) của đế quốc Mỹ, "Đánh cho Mỹ cút, Đánh cho ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đại thắng mùa Xuân 1975 kết thúc chiến tranh, thống nhất nước nhà là thành quả vĩ đại của nhân dân ta, thể hiện ý chí, khát vọng độc lập, thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta. Đồng thời cũng khẳng định, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng kéo dài 16 năm (1960 – 1976) là đại hội có nhiệm kỳ dài nhất, với sứ mệnh lịch sử cực kỳ quan trọng. Trong hoàn cảnh nước nhà đang gặp phải muôn vàn khó khăn, thử thách, Đảng đã vạch ra sách lược và chiến lược đúng đắn, huy động được cao nhất sức mạnh của cả nước, bao gồm cả sức mạnh vật chất và sức mạnh chính trị - tinh thần, sức mạnh truyền thống yêu nước của đất nước cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn thử thách và đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Lịch sử hơn 85 năm ra đời và phát triển của Đảng ta, với 11 kỳ Đại hội Đảng cho thấy, càng trong những thời điểm khó khăn, phức tạp thì bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ta càng được khẳng định. Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước sẽ ngày càng phát triển phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng bình đẳng, dân chủ và có cuộc sống ấm no, đủ đầy…
Đinh Nhài
