Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Chủ Nhật, 08/01/2023, 20:45

Kỷ niệm 55 năm Ngày Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968

Vào thời gian này của 55 năm trước (tháng 01/1968), dưới sự lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang nhân dân cùng với lực lượng quần chúng cách mạng đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đồng loạt đánh vào hầu hết các đô thị, căn cứ quân sự, cơ quan chính quyền Mỹ - nguỵ trên khắp miền Nam. Đây là sự kiện lớn, đánh dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta, giáng một đòn quyết định, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm rung chuyển nước Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán với Việt Nam trong hoà bình.

Sau thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, từ năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” với ý đồ bình định miền Nam. Chúng huy động lực lượng lớn quân Mỹ (545.000 người) và quân từ các nước phụ thuộc (72.000 người) để chiến đấu trực tiếp trong 7 năm (1965-1972) với số vũ khí được trang bị hiện đại nhất, kể cả máy bay chiến lược B52 và 2 sư đoàn không quân vận trực thăng mới xây dựng. Chiến tranh cục bộ trở thành đỉnh cao của cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam và đế quốc Mỹ. Với lực lượng đông và trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, Mỹ đã mở các cuộc hành quân tìm diệt bộ đội chủ lực và cơ quan chỉ đạo cách mạng bằng hai cuộc phản công chiến lược lớn mùa khô (1965-1966) và (1966-1967); dùng không quân và hải quân leo thang phá hoại miền Bắc. Nhưng thực tế đã không mang lại hiệu quả như Mỹ mong muốn, mà ngược lại quân Mỹ, nguỵ luôn bị động, lúng túng. Trong thế tiến công mạnh mẽ của bộ đội chủ lực trên khắp chiến trường, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân miền Nam tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu, chống lại sự đàn áp của địch.

Tháng 12/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị thông qua quyết tâm chiến lược về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Thực hiện chủ trương của Đảng, đúng đêm giao thừa tết Mậu Thân (đêm 30 rạng ngày 31 tháng 1 năm 1968), quân và dân ta đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt vào 4/6 thành phố, 37/44 thị xã, hàng trăm thị trấn và các căn cứ quân sự, hậu cần, sở chỉ huy lớn của địch trên toàn miền Nam. Chỉ trong 2 tháng, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên Mỹ, nguỵ và chư hầu; tiêu diệt và đánh thiệt hại 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn xe thiết giáp; phá huỷ, phá hỏng 13.000 xe quân sự, 1000 tàu, xuồng chiến đấu; bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu; làm rối loạn hậu phương của chúng.

Với diễn biến và kết quả đạt được, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược, đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi. Sự kiện cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 diễn ra khi nỗ lực xâm lược của Mỹ ở Việt Nam lên tới đỉnh cao, khi lực lượng so sánh giữa ta và địch trên chiến trường nghiêng mạnh về phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt, táo bạo nhằm vào các đô thị trên toàn miền Nam, quân và dân ta đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải “xuống thang chiến tranh”, khởi đầu cho một quá trình đi xuống về mặt chiến lược (tháng 5/1968, Mỹ phải bắt đầu khởi động quá trình đàm phán với ta về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam).

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 kết thúc thắng lợi, ta đã tiêu diệt và làm tiêu hao một lực lượng quan trọng quân địch, phá huỷ nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị của chúng trên quy mô toàn miền Nam, tạo một bước phát triển đột biến trong cục diện chiến tranh, cụ thể: Về mặt chiến lược, thế chiến của địch đã bị đảo lộn và càng lún sâu vào phòng ngự bị động. Kế hoạch chiến lược “tìm diệt và bình định” năm 1968 chưa kịp triển khai đã phải đột ngột chuyển sang chiến lược “quét và giữ”. Chiến lược này, ngay khi mới đưa ra đã bị đánh bại bước đầu, trong khi thế chiến lược của ta ngày càng vững mạnh. Ta đã đưa chiến lược tiến công của chiến tranh cách mạng lên một bước mới, tạo ra thế tiến công, bao vây địch trên tất cả các chiến trường, nhất là trên mặt trận thành thị. Về mặt lực lượng, sự tương quan lực lượng giữa ta và địch đã biến đổi một bước quan trọng có lợi cho ta. Lực lượng Mỹ - ngụy kể cả sinh lực và phương tiện chiến tranh đã bị tổn thất nặng nề, tinh thần chiến đấu của địch càng sa sút. Những mâu thuẫn, khó khăn và bế tắc của chúng về quân số, về chất lượng, về cách đánh càng gay gắt và trầm trọng. Về mặt chính trị, giới cầm quyền Mỹ đã mất tin tưởng ở chiến lược quân sự của chúng. Mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ, giữa Mỹ và ngụy, trong nội bộ tay sai Mỹ ở miền Nam trở nên gay gắt, hàng ngũ của chúng phân hoá sâu sắc và rối loạn hơn bao giờ hết. Phong trào nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam càng lên cao,…

Có thể nói, Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là một biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân dân Việt Nam. Đó là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta, đó là nghệ thuật nắm bắt thời cơ, chủ động giáng đòn quyết định làm chuyển biến cục diện chiến tranh; nghệ thuật tiến công bằng cách đánh chiến lược mới, giành thế bất ngờ, đưa chiến tranh vào thành thị; là nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”, “lấy trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ”…

Chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã để lại nhiều ý nghĩa và bài học sâu sắc. Đó là, khát vọng về độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc; là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược; là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả. 55 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 vẫn vẹn nguyên giá trị, nhất là đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Bên cạnh thời cơ thuận lợi, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, với những thủ đoạn hết sức tinh vi. Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần phải đề cao cảnh giác, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đóng góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 (1968-2023), chúng ta càng thêm tự hào về ý nghĩa, tầm vóc của sự kiện này; tự hào về sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 nói riêng, trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung; tri ân sâu sắc các anh hùng lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh... Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục đến thế hệ trẻ hôm nay, luôn sống có mục tiêu, lý tưởng cách mạng, phấn đấu học tập và lao động góp phần bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

 

Nguyễn Mai

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 4147 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày