Phạm Thế Hiển (1803) sinh ra và lớn lên ở làng quê Luyến Khuyết, tổng Đông Triều, huyện Đông Quan, phủ Thái Bình nay thuộc xã Thuỵ Phong, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Đất Thái Thuỵ xưa thuộc phủ Thái Bình và Tiên Hưng, trấn Sơn Nam là một trong những nơi phát sinh ra nhiều nhà khoa bảng có tên tuổi. Trong lịch sử của nền khoa bảng Việt Nam, vùng đất này cùng với toàn tỉnh Thái Bình đã đóng góp nhiều vị đại khoa vào thế kỷ XIX, trong đó có gia đình của Phạm Thế Hiển khi cả hai anh em ông cùng đỗ đạt (Phạm Thế Hiển đỗ Tiến sĩ và Phạm Thế Húc đỗ Phó bảng).
Với vốn thông minh hiếu học, Phạm Thế Hiển nổi tiếng là người chăm học và học rất giỏi. Năm 25 tuổi, ông thi Hương đỗ Cử nhân (1827), rồi năm sau thi Hội và thi Đình đỗ đệ tam giáp Tiến sĩ (1828). Vì thế, dân gian thường gọi ông là “Ông Nghè Luyến Khuyết”.
Khi được bổ nhậm với chức Tri phủ, ông làm việc rất chuyên cần, địa phương ông cai quản được yên vui, nhân dân mến mộ. Tiếng lành đồn xa, Phạm Thế Hiển được triều đình cất nhắc khá nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn đã cử ông đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng trong triều cũng như ngoài địa phương: ngoài Bắc (Hải Dương, Quảng Yên); trong Trung (Phú Yên); kinh qua nhiều chức vụ ở các bộ (viện ngoại, Biện lý, Thị lang) suốt 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
Năm 1835, ông được thăng chức Chánh phó sứ Biện lý Lại bộ Hữu thị lang, Án sát sứ tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh. Khi Thiệu Trị lên ngôi (1841), Phạm Thế Hiển được điều động về kinh đô Huế, giữ chức Hữu Thị lang bộ Hộ kiêm Hữu Thị lang bộ Binh, mấy năm sau lại chuyển sang Hữu Tham tri hộ Bộ, tới năm 1847 lại được chuyển về viện Đô sát giữ chức phó Đô ngự sử. Khi vua Tự Đức lên ngôi (1847) đã bổ nhậm ông ra giữ chức Tuần phủ Hà Tĩnh, 4 năm sau lại triệu ông về Kinh giữ chức Hữu Tham tri bộ Lễ rồi được sung chức Khâm sai đi thanh tra (năm 1848).
Năm 1854, ông được cử làm Tham tán quân thứ Gia Định, ít lâu sau thăng Tuần phủ Gia Định, rồi Thự (quyền) Tổng đốc Gia Định - Biên Hòa, kiêm Tham biện Kinh lược sứ, cùng Thống đốc quân vụ đại thần Nguyễn Tri Phương lo liệu mọi việc ở sáu tỉnh Nam Kỳ. Chấp hành lệnh vua, ngay năm ấy (1855) Phạm Thế Hiển đi xem xét chỗ nào có ruộng đất bỏ hoang đều đưa binh lính đến dựng nhà ở, khai phá ruộng hoang để cày cấy. Ông lại cùng Nguyễn Tri Phương và Tổng đốc An Hà (An Giang - Hà Tiên) Doãn Uẩn xin triều đình cho xây dựng đồn lũy kiên cố ở những chỗ hiểm yếu nơi biên thùy, cửa bể, cửa sông để ngăn chặn giặc cướp và chống ngoại xâm. Chính trong thời gian này, hai ông đã đi kinh lý các nơi, trù tính công việc khẩn hoang và vạch kế hoạch bảo vệ các tỉnh.
Một trong những đóng góp rất lớn của Phạm Thế Hiển giai đoạn 1850-1867, là ông đã xướng xuất kế sách đẩy mạnh khẩn hoang lập đồn điền ở Nam Kỳ nhằm đối phó kịp thời với tình hình điêu tán ở vùng biên giới và Hậu Giang, góp phần vào việc giữ giặc, yên dân, cụ thể như: Đưa dân lưu tán về với nghề làm ruộng; Chặn đứng tình trạng hào hữu bá chiếm ruộng đất; Lập một đạo quân tự túc nhất là ở khu vực biên giới… Đây là kế sách hay vừa có thể giữ gìn an ninh biên giới vừa góp phần yên dân.
Khẩn hoang đồn điền lập ấp là một kế sách hay, đem lại những miền đất rộng lớn cho nhân dân cày cấy lập làng. Ngoài hiệu quả của khẩn hoang nó còn lại là một biện pháp hữu hiệu để giữ gìn biên giới một cách ít tốn kém nhất và có hiệu quả thích hợp. Với tấm lòng yêu nước thương dân, thêm vào đó là sự am hiểu tường tận về tình hình Nam kỳ, Phạm Thế Hiển đã được vua Tự Đức cho toàn quyền thực thi công việc lập đồn điền ở các tỉnh phía Nam. Việc đẩy mạnh khẩn hoang lập đồn điền, lập ấp ở Nam Kỳ dưới thời Tự Đức đã mang lại kết quả nhất định: Trong 6 tỉnh Nam kỳ, nhà Nguyễn đã có thêm 21 cơ (mỗi cơ 500 người) cộng với 4 cơ sở ở sông Vĩnh Tế, tổng cộng là 12.500 người, cùng làng mạc hơn 100 ấp.
Năm 1858, khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, Phạm Thế Hiển khi đó đang giữ chức vụ Tham tán Đại thần Quân thứ Quảng Nam (trông coi việc biên phòng), được Tự Đức cử làm Phó tướng cho Nguyễn Tri Phương. Sau khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông được cử chức vụ Quân thứ Gia Định, cùng vào Nam với Tổng thống quân vụ Nguyễn Tri Phương, ra sức xây dựng Đại đồn Chí Hoà để bao vây và bức rút quân Pháp như chiến thuật đã được vận dụng ở Đà Nẵng. Trong vòng 1 năm ông đã tổ chức 60 trận đánh lớn nhỏ chống Pháp. Để chiến đấu lâu dài với địch, Phạm Thế Hiển đã cùng Nguyễn Tri Phương đắp đồn kiên cố, đắp luỹ dài dọc từ bờ biển vào phía trong để bao vây địch ngoài mé biển, chặn không cho chúng đi sâu vào nội địa... Giặc Pháp cứ mỗi lần đánh vào đều bị quân dân ta đánh bật trở lại, thiệt hại khá nặng, cuối cùng đành rút đại bộ phận quân lính kéo vào đánh Gia Định (tháng 02/1859).
Tháng 12/1860, Tham tán quân thứ Quảng Nam kiêm Tổng đốc Định Tường, Biên Hòa Phạm Thế Hiển được vua Tự Đức cử giữ chức Tham tán quân thứ Gia Định để cùng với Nguyễn Tri Phương mưu việc đánh giặc Pháp. Vừa vào tới nơi, Tham tán Phạm Thế Hiển được Nguyễn Tri Phương cử về các phủ huyện tổ chức dân binh, huấn luyện quân sự, trang bị vũ khí cho họ để họ hỗ trợ, tiếp ứng cho quân Triều đình khi quân Pháp tới đánh. Vào tới Gia Định, ông cùng Nguyễn Tri Phương lo bố phòng lại lực lượng, chiến lũy Chí Hòa được củng cố mở rộng. Hai ông cho áp dụng nhiều cách đánh địch: tập kích quấy rối, phục kích đánh địch khi chúng ra khỏi đồn.
Ngày 23 tháng 2 năm Tân Dậu 1861, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đưa toàn bộ lực lượng mạnh gồm 8.000 quân với 30 tàu chiến các loại tấn công đại đồn Chí Hòa. Suốt hai ngày hai đêm, quân ta chiến đấu dũng cảm, gây nhiều tổn thất cho giặc. Song bên ta cũng bị tổn thất nặng nề,… Ngày 24 tháng 2 năm 1861, được sự đồng ý của Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển lệnh cho Lê Tố, Lê Hóa ở tiền đồn mở đường rút quân về thôn Tân Tạo, huyện Tân Long, phủ Tân Bình là tỉnh lỵ lâm thời của tỉnh Gia Định… Triều đình nhà Nguyễn hoang mang, chia thành hai phái: chủ chiến và chủ hoà. Phạm Thế Hiển dứt khoát đứng về phe chủ chiến. Thực dân Pháp đánh thành Gia Định (25/2/1861), ông cùng Thống đốc Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân sĩ giữ thành. Nhưng Thống đốc Nguyễn Tri Phương bị thương, một mình Phạm Thế Hiển phải lo đốc chiến. Trước thế mạnh của giặc, ông đành cho quan quân lui về chợ thôn Tân Phú tạm nghỉ, sau đó rút về đóng ở Biên Hoà để củng cố lực lượng. Tin đại đồn Chí Hoà thất thủ, vua Tự Đức triệu ông về kinh báo cáo gấp, nhưng trên đường về, ông lâm bệnh nặng và mất sau đó (tháng 8/1861), hưởng dương 58 tuổi. Trên đường đưa linh cữu về quê, nhân dân các tỉnh đều ra nghênh đón, tế lễ tỏ lòng tôn kính ông.
Có thể nói, Phạm Thế Hiển là vị quan có tài kinh bang tế thế, văn võ song toàn, một con người hiếu học, vị quan thanh liên luôn luôn khao khát thiên hạ thái bình. Ông là con người hành động và hành động kiên quyết. Tấm gương chiến đấu dũng cảm, bất khuất và cái chết vì nghĩa lớn của ông đã góp phần không nhỏ khích lệ, cổ vũ nhân dân và sĩ phu ở cả hai miền Nam Bắc xả thân chống giặc.
Hơn 2 thế kỷ đã trôi qua, những cống hiến của ông vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước đã được lịch sử ghi nhận. Ông là danh nhân của đất nước trong thế kỷ XIX, Phạm Thế Hiển, một nghị sử đài chân chính, một võ tướng giàu lòng yêu nước, quên mình vì xả tắc, một nhân vật kiệt xuất của đất nước Việt Nam. Với tất cả đức tính cao đẹp của mình, ông đã để lại cho đời, cho thế hệ hôm nay và mai sau những bài học vô cùng quý giá, ông mãi là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách sống, lòng tận trung báo quốc, tận hiếu với dân, xứng đáng để người đời tri ân và tưởng nhớ.
Nguyễn Mai