Đề cương về văn hóa Việt Nam – nội dung và giá trị lịch sử
“Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua vào cuối tháng 2/1943 tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên - nay là Hà Nội). Đề cương là văn kiện có tính cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa; đề cập toàn diện và sâu sắc những vấn đề có tính chất nền tảng về nguyên tắc, phương châm, phương hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Suốt 80 năm qua, những nội dung, giá trị, cốt lõi của Đề cương luôn được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng và phát triển để từng bước hoàn thiện tư duy lý luận và nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, dân tộc Việt Nam chịu cảnh áp bức, bóc lột “một cổ hai tròng” của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Chúng ra sức thực hiện chính sách đàn áp thâm độc, tàn bạo nhằm đè bẹp ý chí đấu tranh và phong trào cách mạng của nhân dân ta. Về mặt văn hóa, chúng thi hành chính sách ngu dân, lừa bịp nhằm xóa bỏ những thành tựu văn hóa được hun đúc qua hàng nghìn năm văn hiến của dân tộc ta. Văn hóa Việt Nam lúc này đứng trước sự bế tắc, mất phương hướng, cần ánh sáng dẫn đường để vượt lên đáp ứng yêu cầu của thời cơ cứu nước, giải phóng dân tộc.
Để đẩy lùi và tẩy sạch những nọc độc của văn hóa thực dân, phát xít, Đảng cần có chủ trương lãnh đạo làm thức tỉnh các nhà văn hóa và các tầng lớp nhân dân, tạo ra được một cuộc vận động xây dựng văn hóa mới cho xã hội. Thực hiện mục tiêu đó, Trung ương Đảng đã soạn thảo và cho ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam. Tuy là bản “Đề cương” (chỉ hơn 1.400 từ) nhưng đã chứa đựng những quan điểm rất cơ bản và thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về văn hóa, là cơ sở định hướng cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong quá trình cách mạng.
Đề cương về văn hóa của Việt Nam ra đời năm 1943, đã phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hóa dưới ách Pháp - Nhật, vạch ra đường lối văn hóa cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân.
Về kết cấu, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” có 5 phần: Phần I - “Cách đặt vấn đề”; phần II - “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”; phần III - “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp”; phần IV - “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam” và phần V - “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mácxít Việt Nam”. Nội dung cơ bản của Đề cương đã thể hiện các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Trước tiên, trong “Cách đặt vấn đề”, Đề cương xác định nội dung, phạm vi, vị trí, vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đề cương nêu rõ: văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc); mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động, không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Đồng thời, có lãnh đạo được phong trào văn hóa Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.
Thứ hai, Đề cương xác định rõ tính chất văn hóa Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử từ quá khứ đến hiện tại (1943), “… về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản”, đồng thời dự báo xu trào văn hóa mới của Việt Nam đang cố vượt hết mọi trở lực để nảy nở (văn nghệ bất hợp pháp)”. Rõ ràng đây không chỉ thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng mà còn thể hiện cách luận giải khoa học mang tính biện chứng sâu sắc…
Thứ ba, về nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị của Nhật – Pháp. Nội dung này xác định những thủ đoạn, chính sách văn hóa của Nhật - Pháp đã trói buộc văn hóa và giết chết văn hóa Việt Nam (đàn áp, mua chuộc và hăm doạ các nhà văn hoá cách mạng dân chủ chống phát xít; kiểm duyệt rất ngặt những tài liệu văn hóa; truyền bá văn hóa ngu dân, phô trương và giới thiệu văn hoá Nhật Bản,…). “Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mõ xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới. Hai ức thuyết, cái nào sẽ trở nên sự thực? Căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay, cách mạng dân tộc Việt Nam nhất quyết sẽ làm cho ức thuyết thứ hai trở nên sự thực”. Nội dung này khẳng định cách mạng nhất định thắng lợi, văn hóa Việt Nam sẽ cởi được xiềng xích, đuổi kịp văn hóa mới, tiến bộ trên thế giới…
Thứ tư, vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam là nội dung đóng vai trò chủ đạo trong toàn bộ Đề cương về văn hóa Việt Nam. Đề cương xác định cách mạng văn hóa là một bộ phận hợp thành không thể thiếu của cách mạng Việt Nam, “phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội” và “cách mạng vǎn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo” và phải gắn chặt với cách mạng chính trị, phục tùng cách mạng chính trị, có như vậy mới không dừng lại ở những “cải cách văn hóa” mà phải dọn đường tiến tới “cuộc cách mạng triệt để mai sau”... Về phương pháp tiến hành cuộc cách mạng văn hóa, Đề cương đã chỉ ra ba nguyên tắc vận động cuộc vận động văn hóa Việt Nam thời kỳ này, đó là: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Trong đó, Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập). Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng). Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ). Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm,... Ba nguyên tắc đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới. Nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.
Và cuối cùng là nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mácxít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa mácxít Việt Nam. Đề cương đặt ra mục đích phải làm là chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân; phát huy văn hóa tân dân chủ Đông Dương; tranh đấu về học thuyết, tư tưởng, về tông phái văn nghệ, về tiếng nói, chữ viết; cải cách chữ quốc ngữ,...
Có thể nói, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 là văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam, là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ giới trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Đề cương có sức lan tỏa mạnh mẽ và giá trị bền vững, bởi bản thân nó trong nội dung và cấu trúc của nó được tạo dựng và hoàn thiện một phương pháp tiếp cận thực sự khoa học; Đề cương đã thâu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện lúc bấy giờ của cách mạng Việt Nam; Đề cương không chỉ có giá trị trong chỉ đạo hoạt động văn hóa - xã hội mà còn có ý nghĩa đối với việc xây dựng, hoàn thiện lý luận về nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”…
80 năm đã trôi qua, tình hình đất nước và thế giới đã trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, song những giá trị lý luận và thực tiễn cũng như tính chiến đấu, tính thời sự của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” vẫn còn nguyên giá trị và luôn được củng cố, khẳng định rõ nét hơn, thể hiện quá trình kế thừa vận dụng và phát triển những nội dung cốt lõi của văn kiện, nhất là những vấn đề có tính chất nền tảng, nguyên tắc, phương châm, phương hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới.
Nhân kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943-2023), khái quát sơ lược nội dung Đề cương nhằm tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”; tiếp tục quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là quan điểm của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng và sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành văn hóa, của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đinh Nhài