Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Năm, 16/03/2023, 20:15

Biên Hòa – Đồng Nai: Nơi sản sinh cách đánh đặc công

Lịch sử cách mạng của Biên Hòa - Đồng Nai có rất nhiều địa danh, sự kiện làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Chiến khu Đ oai hùng, chiến thắng La Ngà vang dội, chiến thắng Xuân Lộc đập tan “cánh cửa thép” Mỹ ngụy, chiến thắng Sân bay Biên Hòa,… là những trang sử vẻ vang của cách mạng Đồng Nai oai hùng. Đặc biệt, Biên Hòa – Đồng Nai còn là quê hương của lối đánh du kích linh hoạt, là nỗi khiếp đảm của quân thù trong những năm kháng chiến ác liệt. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Binh chủng Đặc công (19/3/1948 – 19/3/2023), Thư viện tỉnh Đồng Nai xin giới thiệu sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển của bộ đội đặc công trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Đây cũng là lời tri ân sâu sắc nhất đến lớp lớp thế hệ cha anh đã cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Sau thất bại ở Việt Bắc năm 1947, thực dân Pháp chuyển chiến lược từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh lâu dài”. Ở chiến trường Nam bộ, Pháp  thực hiện chiến lược bình định “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Ở miền Đông Nam bộ, Pháp tăng cường xây dựng hệ thống đồn bốt xung quanh các thị xã, thành phố và trên các đường giao thông quan trọng, nhằm bao vây, chia cắt, ngăn chặn lực lượng vũ trang Việt Minh. Qua nhiều lần thử nghiệm thắng lợi, đặc biệt là trận đánh tiêu diệt đồn cầu Bà Kiên đêm ngày 18 rạng sáng ngày 19/3/1948, đã mở ra một khả năng mới đánh địch trong vị trí cố thủ vững chắc. Tháng 11/1949, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức hội nghị chuyên đề về đánh tháp canh với sự tham gia của các cán bộ, chiến sỹ đã từng tham gia đánh tháp canh và đưa ra cách đánh tháp canh mới. Với loại vũ khí phá tường được cải tiến FT, đêm 21 rạng sáng ngày 23/3/1950, trên chiến trường Biên Hòa, 50 tổ chiến đấu đồng loạt sử dụng FT đánh vào 50 tháp canh, tiêu diệt trên 70 tên lính trong tháp canh, thu được nhiều súng, đạn, vũ khí các loại. Đặc biệt là làm dao động tinh thần binh lính Pháp, ngụy, nhất là lính canh giữ tháp. Từ trận đánh này, Tỉnh đội Biên Hòa và Phòng Tham mưu Quân khu 7 đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm và đặt tên cho cách đánh này là công đồn đặc biệt, gọi tắt là đặc công.

Sau hội nghị rút kinh nghiệm cho cách đánh đặc công, bộ đội Biên Hòa – Đồng Nai đã tổ chức thêm nhiều lần đánh vào đồn bốt của địch như: Đêm 18-4-1950 đánh sập hoàn toàn tháp canh cầu Bà Kiên lần thứ hai, diệt toàn bộ lính địch canh gác. Đêm 24-4-1950, phá hủy hoàn toàn tháp canh Vàm Giá (xã Phước Vĩnh) trên quốc lộ 14, tiêu diệt một trung đội lê dương Pháp,...v.v.

Tháng 5-1950, trên cơ sở kinh nghiệm đánh tháp và phát triển lực lượng, Tân Uyên xây dựng một đại đội đặc công gồm 162 chiến sĩ được Tỉnh ủy Biên Hòa đặt tên là đại đội Nguyễn Văn Nghĩa. Trong Hội nghị tổng kết chiến tranh năm 1950, Bộ Tư lệnh Nam bộ công nhận đại đội Nguyễn Văn Nghĩa  do Trần Công An làm đại đội trưởng là đại đội đặc công đầu tiên ở Nam bộ.

Sau khi cách đánh đặc công xuất hiện, trên chiến trường Nam Bộ đã chú trọng nghiên cứu phát triển, không ngừng hoàn thiện cách đánh lợi hại, độc đáo này. Và cách đánh đặc công đã trở thành cách đánh không thể thiếu được của lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều chiến dịch đánh địch được mở ra trên toàn Nam bộ như: Chiến dịch đặc công đánh Bến Cát do Quân khu 7 mở; trận Bùng Binh (Thủ Dầu Một); trận đánh chi khu quân sự Trảng Bom,… mở ra khả năng dùng đặc công đánh sâu vào hậu cứ địch, đặc biệt là mũi nhọn xung kích mở đường cho bộ binh diệt địch.

Xuất phát từ nhiệm vụ chiến đấu, mục tiêu của địch, lực lượng đặc công ở miền Nam đã có bước phát triển mới với quy mô ngày càng lớn. Một thế trận đặc công được tổ chức tương đối hoàn chỉnh với 3 thành phần: đặc công đánh bộ, đặc công nước, đặc công biệt động với quy mô tổ chức phổ biến là tổ, mũi, đội, tiểu đoàn, đứng chân ở khắp các địa bàn chiến lược. Lực lượng đặc công đánh bộ có khả năng tác chiến ở cả đồng bằng, rừng núi và đô thị, đánh vào các mục tiêu trên bộ. Đặc công nước chuyên đánh phá mục tiêu trên sông, biển, đánh phá cầu, phà... Biệt động chuyên hoạt động và đánh các mục tiêu ở đô thị và vùng ven, vùng sâu, khi cần có thể đánh các mục tiêu dưới nước, ở vùng nông thôn đồng bằng và rừng núi. Sau đó, từ thực tế chiến đấu, bộ đội đặc công miền Bắc đã kết hợp cách đánh kỳ tập với cường tập để tiêu diệt hàng loạt đồn bốt, cứ điểm của Pháp trên khắp chiến trường miền Bắc.

Như vậy từ Biên Hòa – Đồng Nai, cách đánh đặc công đã được ra đời. Đó là kết quả của phong trào du kích phát triển cao với tinh thần sáng tạo trong chiến đấu và chế tạo vũ khí thích hợp. Biên Hòa – Đồng Nai cũng là nơi xây dựng đơn vị đặc công đầu tiên ở Nam bộ. Sau này, ngày 19-3-1948 được lấy là ngày truyền thống của binh chủng Đặc công. Nhớ về Ngày thành lập Binh chủng Đặc công anh hùng, thế hệ trẻ thêm phần tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước. Từ đó, tạo động lực để học tập, tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất đạo đức - chính trị trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.

 

Đào Thanh

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1595 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày