Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 26/02/2016, 07:45

NHỮNG DANH NHÂN VIỆT NAM TUỔI THÂN

1./ Nguyễn Trãi (1380-1442): 

 

Nguyễn Trãi sinh năm 1380, hiệu là Ức Trai. Ông quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương). Năm hai mươi tuổi, năm 1400, ông đỗ thái học sinh và từng làm quan dưới triều Hồ. Sau khi Việt Nam bị rơi vào sự cai trị của nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại ách đô hộ của nhà Minh. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày mưu tính kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với nhà Minh.  Suốt mười năm chiến đấu, ông đã góp công lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Đầu năm 1428, quét sạch quân thù, ông hăm hở bắt tay vào xây dựng lại nước nhà thì bỗng dưng bị nghi oan và bắt giam. Sau đó ông được tha, nhưng không còn được tin cậy như trước. Năm 1440, Lê Thái Tông mời ông trở lại làm việc và giao cho nhiều công việc quan trọng. Năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lê Chi Viên. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông.

Nguyễn Trãi là bậc đại anh hùng dân tộc và là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Ở Nguyễn Trãi có một nhà chính trị, một nhà quân sự, một nhà ngoại giao, một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ tầm cỡ kiệt xuất. Ông là một trong những anh hùng dân tộc Việt Nam và là Danh nhân văn hóa thế giới.

2./Nguyễn Tri Phương (1800-1873): một đại danh thần Việt Nam thời nhà Nguyễn. Ông là vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).

Nguyễn Tri Phương tên cũ là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu là Đồng Xuyên, sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân 1800, quê làng Đường Long (Chí Long), xã Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ông xuất thân trong một gia đình làm ruộng và nghề thợ mộc. Nhà nghèo lại không xuất thân từ khoa bảng nhưng nhờ ý chí tự lập ông đã làm nên công nghiệp lớn.

Năm 1873, Nguyễn Tri Phương và con trai là phò mã Nguyễn Lâm được giao trấn thủ thành Hà Nội. Khi quân Pháp tấn công thành vào đêm 19, rạng sáng ngày 20/11/1873, Nguyễn Lâm tử trận, ông cũng bị trọng thương. Ông được lính Pháp cứu chữa, nhưng ông khảng khái từ chối và nói rằng: “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lắt mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”. Sau đó, ông tuyệt thực gần một tháng và mất vào ngày 20/12/1873 (1 tháng 11 Âm lịch), thọ 73 tuổi. Thai hài ông và Nguyễn Lâm được đưa về an táng tại quê nhà. Đích thân vua Tự Đức tự soạn bài văn tế cho ba vị công thần (Nguyễn Duy, Nguyễn Lâm và Nguyễn Tri Phương) và cho lập đền thờ Nguyễn Tri Phương tại quê nhà.

3./ Ngô Gia Tự (1908-1935):  là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam.

Ông sinh tại làng Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Năm 1927, ông tham gia lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc, được Kỳ bộ Bắc kỳ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội chỉ định vào Tỉnh bộ Bắc Ninh để gây dựng cơ sở ở địa phương. Năm 1928, Ngô Gia Tự được đưa về hoạt động tại Kỳ bộ Bắc kỳ. Ngày 1/5/1929, Đại hội toàn quốc của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội họp ở Hương Cảng. Ông đại diện đoàn đại biểu miền Bắc đưa ra đề nghị giải tán Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, thành lập Đảng Cộng Sản. Sau đó thực hiện chủ trương “vô sản hóa” Ngô Gia Tự đã vào Sài Gòn làm phu đẩy xe than, làm công nhân khuân vác ở các bến tàu. Qua công việc, ông đã giác ngộ được nhiều công nhân lao động về con đường cách mạng.

Tháng 3/1929, ông là một trong những người thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời của Đảng bộ Nam Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Xứ ủy Ngô Gia Tự, Đảng bộ đã chọn nhà máy Ba Son, đồn điền Phú Riềng, xã Vĩnh Kim (Mỹ Tho) làm cơ sở phát triển cách mạng. Đến cuối năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Sau hơn 2 năm bị giam giữ, ngày 2/5/1933, thực dân Pháp đưa Ngô Gia Tự, cùng Phạm Hùng, Lê Văn Lương và nhiều đảng viên khác ra phiên tòa “đại hình đặc biệt”, và đày ra Côn Đảo vào tháng 5/1933. Ông bị mất tích trong một chuyến vượt ngục đầu năm 1935 cùng với các bạn tù khác.

4./ Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932): Một chiến sĩ, một nhà hoạt động cách mạng kiên trung và là một trong những người tham gia sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng.

Ông là người làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy), tỉnh Thái Bình. Ông là nhà hoạt động cách mạng, Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng và Tổng biên tập đầu tiêu của báo Lao Động.

Tháng 3/1929, ông là một trong 8 người thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam tại nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội). Đầu năm 1930, ông và Trịnh Đình Cửu được cử làm đại diện của Đông Dương Cộng sản Đảng sang Cửu Long (Trung Quốc) để dự Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc.

Tháng 5/1930, ông được Trung ương cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Đến cuối năm 1930 phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ Tĩnh phát triển rầm rộ rộng khắp, nhằm tăng cường đội ngũ lãnh đạo cho phong trào miền Trung, Nguyễn Đức Cảnh được điều vào Trung kỳ chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Ngày 9/4/1931 trên đường từ cuộc họp Xử ủy Trung kỳ trở về cơ sở, ông bị bắt giữ tại làng Yên Dũng Hạ (nay thuộc phường Hưng Thủy, TP. Vinh). Tại phiên tòa Hội đồng đề hình của thực dân Pháp mở ngày 15 đến ngày 17/11/1931 tại Hà Nội, ông bị kết án tử hình. Ngày 30/7/1932, thực dân Pháp đưa ông cùng với một đồng chí là Hồ Ngọc Lân từ nhà tù Hỏa Lò Hà Nội xuống nhà lao Sông Lâp (Hải Phòng) để xử chém. Hai ông thọ hình vào sáng sớm ngày 31/7/1932.

5./Đào Duy Từ (1572-1639):  nhà chính trị quân sự lỗi lạc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người thầy, bậc khai quốc công thần số một của chín đời chúa Nguyễn và 13 đời vua nhà Nguyễn.

Đào Duy Từ, hiệu là Lộc Khê, quê ở xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hoa, Đại Việt. Đào Duy Từ thông minh, học rộng biết nhiều, đã đỗ á nguyên khoa thi Hương năm 1593 đời vua Lê Thế Tông (l567-1584) 

Đào Duy Từ làm quan với chúa Nguyễn Phúc Nguyên từ năm 1627 đến năm 1634, trong vòng tám năm (từ năm ông 54 tuổi đến năm 62 tuổi) ông đã kịp làm được năm việc lớn: Giữ vững cơ nghiệp của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chặn được quân Trịnh ở Đàng Ngoài; Mở đất phương Nam làm cho Nam Việt thời ấy trở nên phồn thịnh, nước lớn lên, người nhiều ra; Xây dựng được một định chế chính quyền rất được lòng dân, đặt nền móng vững chắc cho triều Nguyễn lưu truyền chín chúa mười ba đời vua; Tác phẩm “Hổ trướng khu cơ”; Nhã nhạc cung đình Huế, vũ khúc tuồng Sơn Hậu là những kiệt tác và di sản văn hóa vô giá cùng với giai thoại, ca dao, thơ văn truyền đời trong tâm thức dân tộc; Đào Duy Từ là người thầy đức độ, tài năng, bậc kỳ tài muôn thuở, người khai sinh một dòng họ lớn với nhiều hiền tài và di sản.

6./Phan Chu Trinh (1872-1926): Ông là nhà thơ, nhà văn, và là chí sĩ thời cận đại trong lịch sử Việt Nam.

Ông là người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phù Ninh), tỉnh Quảng Nam, hiệu là Tây Hồ Hy Mã, tự là Tử cán. Ông là người phát động phong trào Duy Tân những năm đầu thế kỷ 20.

Khoa Canh Tý (1900), Phan Chu Trinh đỗ cử nhân thứ ba ở trường Thừa Thiên. Năm sau 1901, triều đình mở ân khoa, ông đỗ phó bảng, đồng khoa với tiến sĩ Ngô Đức Kế và phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Khoảng thời gian này ông ở nhà dạy học đến năm 1903 thì được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ.

Trong số các sỹ phu đương thời và cả sau này, Phan Châu Trinh là người thấy rõ nhất những nhược điểm của xã hội và con người Việt Nam thời đó. Ông chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ bằng cách nâng cao trình độ trí tuệ và đạo đức của người Việt, phát triển kinh tế - văn hóa, học những tư tưởng tiến bộ của Phương Tây, từ bỏ phong tục tập quán lạc hâu… Ông cho rằng Việt Nam phải phát triển kinh tế và giáo dục để tự lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh rồi mưu cầu độc lập chứ không cầu viện ngoại bang dùng bạo lực giành độc lập. Chỉ như vậy mới bảo đảm Việt Nam sẽ có một nền độc lập chân chính, lâu bền về chính trị lẫn kinh tế trong quan hệ với ngoại bang cũng như nhân dân sẽ được hưởng độc lập và tự do cá nhân trong quan hệ với nhà nước.

Tiếc thay đại cuộc chưa thành, bệnh tình của Phan Chu Trinh mỗi ngày một thêm trầm trọng. Ngày 24/3/1926 (nhằm ngày 12/2 âm lịch) nhà cách mạng ái quốc Phan Chu Trinh đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ được 55 tuổi.

Ngày 4/4/1926 khắp từ Nam chí Bắc đều tự động làm lễ bãi khóa và làm lễ quốc táng nhà chí sĩ Phan Chu Trinh rất trọng thể để chứng tỏ tấm lòng ngưỡng mộ và mến tiếc nhà cách mạng đã suốt đời vì dân vì nước.

 

 

Quỳnh Giang

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2605 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày