Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 09/06/2023, 20:45

75 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/06/1948 – 11/06/2023)

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trước vận mệnh đất nước đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ việc động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam là điều rất cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cấp bách của cách mạng.

Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị đẩy mạnh phong trào Thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Chỉ thị xác định: "… mục đích Thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công".

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến (Ngày Nam bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23/9/1945), ngày 11/06/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”. Trong thơ chúc Tết năm Kỷ Sửu, Bác Hồ viết:

“Kháng chiến lại thêm một năm mới

Thi đua ái quốc thêm tiến tới

Động viên lực lượng và tinh thần

Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi.

Người người thi đua

Ngành ngành thi đua

Ngày ngày thi đua

Ta nhất định thắng

Địch nhất định thua”.

“Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt trong những thời khắc cam go, ác liệt của dân tộc, “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, biến thành sức mạnh đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào Thi đua Yêu nước đã phát triển rộng khắp, thực sự là động lực to lớn, góp phần vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Nổi bật là các phong trào thi đua: “Tuần lễ vàng”; “Bình dân học vụ”… đến “Cờ ba nhất” trong quân đội; “Gió đại phong” trong nông nghiệp; “Sóng duyên hải” trong công nghiệp; “Hai tốt” trong giáo dục; “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” trong thanh niên…

Trong sản xuất nông nghiệp, nông dân thi đua nâng cao năng suất, cán bộ công nhân viên chức học sinh thi đua sản xuất, chăn nuôi. Ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trong những năm 1948 – 1949 đã đạt sản lượng lương thực gần 500 tấn, bình quân đầu người 200kg / 1 người 1 năm; Lĩnh vực Văn hóa - Giáo dục hàng triệu người đã thoát nạn mù chữ, ngành Giáo dục được chấn chỉnh lại theo phương châm “Phục vụ kháng chiến, phục nhân dân và phục vụ sản xuất”; Trên lĩnh vực Y tế chúng ta đã có những tiến bộ vượt bậc, trong điều kiện khó khăn ta đã sản xuất được thuốc sốt rét, công tác đào tạo y - bác sĩ được thực hiện ngay dưới những tán rừng ở chiến khu Việt Bắc.

Đặc biệt trong những năm đổi mới, Đảng ta đã đề ra khẩu hiệu thi đua: “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhiều phong trào được phát động và thực hiện có hiệu quả như: “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “5 xung kích, 4 đồng hành”, “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “5 không, 3 sạch”,  “Vì Trường Sa thân yêu”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”,... Và gần đây là cả nước đang tập trung triển khai và thực hiện có hiệu quả ba phong trào lớn: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao”, “Khu dân cư kiểu mẫu”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. ”… Nhìn chung, các phong trào thi đua đã gắn bó mật thiết với quyền và lợi ích của người dân, góp phần vào những thành tựu quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, trong bảo vệ Tổ quốc.

Phong trào Thi đua yêu nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước nước của dân tộc góp phần đẩy mạnh công cuộc kháng chiến kiến quốc. Bài học về động viên sức mạnh đại đoàn kết thông qua phong trào Thi đua yêu nước vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay. Để tiếp tục phát huy ý nghĩa, giá trị lịch sử lời kêu gọi Thi đua ái quốc và sức mạnh của các phong trào Thi đua ái quốc, ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định: Lấy ngày 11/6 hàng năm là Ngày truyền thống Thi đua yêu nước.

 

Lê Thị Mai Hoa

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1141 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày