Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 27/06/2023, 21:00

Đốc Tích – Danh tướng tiêu biểu trong thời kỳ đầu chống Pháp xâm lược

Đốc Tích sinh năm Quý Sửu (1853) tại làng Yên Lưu Thượng, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn (nay là làng Lưu Thượng, xã Hiệp An, huyện Kinh Môn), tỉnh Hải Dương. Những năm đầu trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông là một thủ lĩnh kiên cường lập nhiều chiến công gắn liền với căn cứ Hai Sông (nằm giữa sông Kinh Thày và Kinh Môn) cùng với cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy từ năm 1883 đến năm 1892.

Theo gia phả trong họ, Đốc Tích vốn họ Mạc. Sau khi nhà Mạc thất thế, con cháu của họ phải phân tán đến nhiều địa phương, đổi họ tên để khỏi bị triều đình Lê Trịnh đàn áp. Riêng chi nhánh của ông cũng phải đổi sang họ Nguyễn. Tuy nhiên, theo quy định ngầm trong dòng họ, khi sống thì lấy họ Nguyễn nhưng đến khi chết thì lại trở lại họ Mạc. Con cháu dòng họ này vẫn cúng giỗ ông với tên Mạc Đăng Tiết. Còn tên của ông thường được dùng để gọi trong nhân dân khi ông còn sống và hoạt động là Nguyễn Xuân Tiết. Trong các tài liệu của Pháp tên ông được ghi là Đốc Tích, hoặc Đốc Tít, có lẽ do phát âm chệch chữ Tiết mà ra. Theo tác giả Đinh Xuân Lâm trong bài viết “Về Đốc Tích, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Hai Sông (1883 - 1889), đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 4, năm 1992, tr.61-63 ghi: Cũng có tài liệu cho biết ông còn có tên là Nguyễn Ngọc Tích, Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Đức Hiệu,…

Trong phong trào chống Pháp ở vùng đông bắc Bắc Kỳ hồi cuối thế kỷ XIX, ông đã được phong chức Đ đốc tỉnh Hải Dương và đặt dưới quyn chỉ huy chung Nguyễn Thiện Thuật (Tán Thuật), thủ lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy. Đốc Tích đã tập hợp nghĩa quân nổi dậy chống Pháp từ năm 1883, ly vùng Hai Sông nằm gọn giữa hai con sông Kinh Thầy và Đá Bạc, gồm có hai cù lao: cù lao Lớn và cù lao Nhỏ, cách nhau bởi một chi nhánh của sông Kinh Thầy, mà nhân dân địa phương quen gọi là sông Hàm Mu. Căn cứ Hai Sông nằm trên địa phận của bốn huyện Kinh Môn, Đông Triều, Yên Hưng và Thủy Nguyên của ba tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng. Nhìn trên bản đ, chúng ta thấy rõ đây là một vùng sông núi hiểm trở, rất thuận lợi cho nghĩa quân Hai Sông hoạt động. Khi cần, nghĩa quân có thể mở rộng sự phối hợp với các đội quân ở các vùng xung quanh như nghĩa quân Tiền Đức ở ngoài đảo Cát Bà, nghĩa quân ca Tạ Hiện (Đ Hiện) ở Thái Bình, nghĩa quân của Nguyễn Thiện Thuật (Tán Thuật) ở Hưng Yên.

Cuối năm 1884, Đốc Tích chỉ huy nghĩa quân Trại Sơn đánh bật một tiểu đoàn lính Pháp tấn công căn cứ (vùng giáp ranh phía nam căn cứ Hai Sông), gây thiệt hại nặng cho địch, buộc quân Pháp phải tháo chạy. Có lần ông cùng quân của Nguyễn Thiện Thuật diệt trừ nạn cướp ở phủ Kiến Thụy (Hải Phòng) và Cẩm Giàng, ông được triều đình phong chức Quản tinh binh suất đội, rồi chức Cấm suất đội.

Khi ông hoạt động tại căn cứ Hai Sông, ông thu thuế trong vùng để nuôi nghĩa quân, tích trữ nhiều vũ khí, quân nhu trong hang đá. Nhờ đó nghĩa quân chiến đấu được nhiều năm. Bên cạnh sự giúp đỡ của nhân dân, nghĩa quân còn chủ động chuẩn bị lương thực bằng cách tham gia sản xuất với nông dân, dựa vào các lũy tre làng đào hào đắp lũy, tổ chức chống giặc càn quét và bảo vệ lực lượng. Vũ khí của nghĩa quân tự trang bị là chính, ngoài những vũ khí thô sơ như: giáo, mác, mã tấu, đinh ba, gậy gộc, nghĩa quân còn sản xuất được loại súng theo mẫu súng của quân Pháp.

Năm 1885, sau khi có chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật phát triển rộng lớn, lan ra hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, một phần miền núi và duyên hải. Hào kiệt các nơi theo về rất đông như: Tiến Đức ở đảo Cát Bà, Lưu Kỳ ở Lục Nam,… Trước tình thế đó, nghĩa quân của Đốc Tích cũng ra nhập với nghĩa quân Bãi Sậy. Tháng 10 năm 1886, vua Hàm Nghi phong cho ông chức Đề đốc Quân vụ Hải Dương. Vào tháng 11 năm 1885, suốt hai tuần, nghĩa quân Đốc Tích đã chống cự quyết liệt với một binh đoàn giặc do hai tên sĩ quan Falcon và Faure chỉ huy đánh vào căn cứ. Chúng bắn đại bác dọn đường, rồi công binh, bộ binh theo sau. Nghĩa quân chiến đấu rất ngoan cường, gây thiệt hại nặng cho quân Pháp.

Cuộc chiến đấu kéo dài cho đến ngày 11 tháng 12 năm 1885, nghĩa quân chủ động rút khỏi Trại Sơn về lập căn cứ mới tại khu Cù Lao Hai Sông – một địa điểm nằm trong địa bàn tiểu quân khu Hải Phòng của quân Pháp. Từ đó, nghĩa quân hoạt động mạnh ở vùng này. Bên cạnh những hoạt động chống càn quét, nghĩa quân còn tập tổ chức nhiều trận tập kích đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, ngày 8/6/1888 quân kháng chiến do Đốc Tích lãnh đạo đã đánh một trận quyết chiến với giặc Pháp tại Thủy Động, gây cho địch nhiều tổn thất. Trong trận đánh ở Trại Sơn, nghĩa quân có 600 người thủ hiểm ở trong các khe núi đá, cầm cự với địch 12 ngày, sau đó thoát ra khỏi vòng vây của địch khi chúng cho tàu chiến có trọng pháo yểm trợ tiến vào. Ngày 26 tháng 6 năm 1886, nghĩa quân tấn công đồn bốt Pháp ở Cầu Đuống, ngày 10 tháng 7 năm 1886 nghĩa quân của Đốc Tích tấn công đồn Đông Triều. Ngày 11 và 12 tháng 9 năm 1888, nghĩa quân tấn công đồn Uông Bí…và thu được nhiều thắng lợi lớn.

Đối phó với nghĩa quân, giặc Pháp một mặt lập một hệ thống đồn bốt có lính Pháp, lính da đen và lính khố xanh người Việt đóng giữ để kiểm soát từng địa phương. Chủ đích của chúng là tách nghĩa quân ra khỏi chỗ dựa là nhân dân để dễ bề đàn áp. Mặt khác, Pháp mượn danh nghĩa triều đình Huế, phái tên Việt gian Hoàng Cao Khải, đang làm Tổng đốc Hải Dương lĩnh chức Khâm sai, dẫn 1.500 binh lính hợp với quân Pháp đi vào đánh dẹp nghĩa quân, mở những đợt tấn công ồ ạt vào cứ điểm. Vào cuối tháng 7 năm 1889, Pháp tập trung binh lực bao vây và tấn công Trại Sơn là đại bản doanh của đội quân Hai Sông. Quân địch chia làm 4 đạo quân, vây chặt căn cứ trung tâm, rồi dùng tàu bè đi tuần tiễu ngày đêm trên các ngả sông quanh căn cứ. Nghĩa quân phải rút hết nơi này đến nơi khác. Địch thắt chặt dần vòng vây, tăng cường truy quét và khủng bố nghĩa quân và nhân dân.

Trong suốt một tháng, địch tấn công liên tiếp, nhờ dựa vào thế núi hiểm trở, nghĩa quân nhiều lần đánh địch, gây cho chúng những tổn thất nặng nề. Tuy nhiên trong quá trình chiến đấu, nghĩa quân cũng bị hi sinh nhiều; lương thực, đạn dược cũng cạn dần, lực lượng ngày càng giảm sút. Trong khi đó địch càng thắt chặt vòng vây. Trước tình thế nguy hiểm trên, Đốc Tích cho giải tán nghĩa quân. Ngày 12 tháng 8 năm 1889, ông bị địch bắt, quân Pháp bắt ông đi đánh nghĩa quân của Đề Thám nhưng ông không chấp nhận. Tháng 1 năm 1890, thực dân Pháp đày ông sang Angiêri.

Thực dân Pháp rút kinh nghiệm của vụ Đội Văn trá hàng trước đó (8/1889), nên chúng đã quyết định đày Đốc Tích đi biệt xứ sang Angiêri. Trong bản báo cáo của Thống sứ Bắc Kỳ, ngày 1/1/1890 có đoạn viết: “Trường hợp của Đội Văn sau khi ra hàng lại quay giáo tiếp tục chống lại chúng ta đã đặt cho chính quyền nhiệm vụ khẩn thiết là phải có biện pháp mạnh đối với Đốc Tích, nhằm đề phòng một sự phản trắc mới. Tuy Đốc Tích xin được trở về cuộc sống đời thường như Đội Văn. Đốc Tích là một viên quan nổi loạn, chứ không phải là một tướng giặc. Y xuất thân trong cuộc chiến đấu chống lại chúng ta trước hết là vai trò chính trị và tiếng tăm của y trong vùng này đã có ảnh hưởng rất lớn đối với dân chúng. Nhiều lực lượng nổi loạn còn tồn tại khắp nơi buộc chúng ta tuyệt đối cần thiết phải cách ly Đốc Tích khỏi môi trường này. Chúng ra đã hứa bảo toàn tính mạng cho Đốc Tích, nếu đày y sang Cayenne thì chẳng khác nào khép y vào tội chết và sẽ có hậu quả xấu đối với công luận. Có lẽ cách khôn ngoan hơn cả là nên đày Đốc Tích sang Algéria”.

Ngày 25/2/1890, Đốc Tích sang đến Angiêri nhưng thực dân Pháp lo ngại ông có điều kiện tiếp xúc với vua Hàm Nghi cũng vừa bị lưu đày tại đây, nên đã đưa ông đến Biskra. Việc lưu đày này được tiến hành bí mật, không thông qua xét xử.

Trước khi đi đày Đốc Tích bị giam lỏng ở Hà Nội 5 tháng, sau đó chúng giải ông vào Nam Kỳ. Vợ ông được tin xin đi theo chồng. Cùng đi với ông còn có người con gái lên 5 tuổi tên là An. Trong thời gian ở Angiêri, vợ ông sinh thêm một cô con gái nữa. Ba năm sau (1893), bà cùng người con gái thứ hai về nước. Còn ông và An ở lại Angiêri. Đốc Tích cho An đóng giả thành con trai và theo học tại trường trung học nội trú tại địa phương trong 3 năm. Sau đó, cô bị phát hiện và buộc phải thôi học. Năm 1903, An về Việt Nam sống với mẹ. Cô làm giáo viên trường nữ học tại Hải Hậu, Nam Định. Năm 1914, cô lấy chồng người Pháp và chuyển về định cư tại Pari. (Theo Nguyễn Phan Quang: “Đốc Tích những năm lưu đày ở Algérie”, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 1 (266), 1993, tr. 80-81).

Đốc Tích mất tại thành phố Batna (Angiêri) ngày 21/12/1/916, thọ 63 tuổi. Sau đó, thi hài ông được đưa về quê nhà ngày 29/12/1917 (tức ngày 16 tháng 11 năm Đinh Tỵ). Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đốc Tích là một trong những thủ lĩnh kiên cường, lãnh đạo nghĩa quân lập nhiều chiến công gắn liền với căn cứ Hai Sông, là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu của nhân dân đồng bằng Bắc Bộ cuối thể kỷ XIX, chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc khởi nghĩa đã để lại nhiều bài học bổ ích, nhất là về phương thức hoạt động và các hình thức tác chiến “du kích” của nghĩa quân ở một vùng núi non, sông nước hiểm trở. Nhân kỷ niệm 170 năm ngày sinh của vị tướng quân anh hùng Đốc Tích (1853 - 2023), thư viện tỉnh Đồng Nai xin giới thiệu sơ lược về tiểu sử, cuộc đời và những cống hiến tiêu biểu của ông trong thời kỳ đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Đây cũng là dịp để nhân dân ta ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc; cổ vũ, động viên những người trẻ cố gắng trong học tập, lao động và sản xuất, góp sức mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước văn minh và giàu đẹp./.

 

Đào Thanh

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2662 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày