Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 25/03/2016, 15:35

Sự kiện tù nhân cộng sản tổ chức vượt ngục tại Nhà tù Tà Lài (27/03/1941 – 27/03/2016)

Trong kháng chiến, Tà Lài là một xã nằm trong tỉnh căn cứ Đồng Nai (tức Chiến khu Đ mở rộng) được Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thủ Biên xây dựng năm 1951, hiện có tên là xã Tà Lài thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

          Tà Lài thưở xưa là một chốn rừng thiêng nước độc, nằm ở khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai, giáp với rừng nguyên sinh Nam Cát Tiên. Nơi này có địa thế hiểm trở gần như là một ốc đảo, biệt lập với thế giới bên ngoài nên thực dân Pháp chọn nơi đây làm địa điểm dựng lên một nhà ngục gọi là trại Tà Lài (camp Tà Lài) để giam giữ những người cộng sản yêu nước ở miền Nam (còn gọi là tù chính trị).

          Camp Tà Lài hay còn gọi là nhà Ngục Tà Lài, một trại tập trung mang tên “Trại lao động đặc biệt” nằm ở vùng rừng miền Đông thuộc xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (trước và sau năm 1945 thuộc tỉnh Biên Hòa), bên bờ sông Đồng Nai được thực dân Pháp xây dựng sau Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940). Camp Tà Lài là loại trại tập trung lớn ở Nam Kỳ, nơi thực dân Pháp giam giữ 300 - 400 tù cộng sản “nguy hiểm” bị bắt thời kỳ 1936 - 1939 trở về trước.

 

           

          Thời điểm đó, những đồng chí đảng viên cộng sản bị giam cầm trong nhà tù Tà Lài bao gồm 11 đồng chí: Trần Văn Giàu, Dương Quang Đông, Tô Ký, Ta Tỵ… đã thành lập Tổ chức Đảng với hình thức gọi là Ban Lãnh đạo do toàn thể trại viên bầu lên, nhằm tôi luyện ý chí cách mạng cho bản thân, đoàn kết, duy trì hoạt động và tuyên truyền về chủ nghĩa yêu nước, lý tưởng cách mạng cho các đồng chí trong nhà tù. Mỗi trại trong nhà tù có hai người đại diện trong Ban Lãnh đạo. Tổng đại diện của Ban Lãnh đạo là đồng chí Trần Văn Giàu. Nhiệm vụ của Ban được phân công với các nhiệm vụ cụ thể: Đảng uỷ viên chuyên lo việc huấn luyện chính trị tư tưởng, tổ chức lực lượng nòng cốt, liên lạc với bên ngoài, công tác binh vận đối với lính khố xanh, công tác dân vận đối với đồng bào Mạ. Mặc dầu gặp những khó khăn song các công tác này được Ban lãnh đạo chỉ đạo thực hiện hiệu quả, tạo cơ sở cho các kế hoạch hoạt động của những đảng viên cộng sản tại nhà ngục Tà Lài.

          Kế hoạch tổ chức vượt ngục về với cách mạng, về với tự do của tổ chức Đảng tại nhà tù Tà Lài là ý chí được các đồng chí cộng sản nung nấu trong suốt thời gian bị giam cầm. Nghe tin cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, thực dân Pháp khủng bố, chém giết dã man các chiến sĩ yêu nước, phá nát cả hệ thống tổ chức Đảng ở Nam Kỳ. Thực lực cách mạng ở các tỉnh Nam bộ nói chung và Biên Hòa nói riêng bị tổn thất lớn. Phong trào cách mạng khó khăn nghiêm trọng, tạm thời lắng xuống. Đảng ủy lãnh đạo Nhà tù Tà Lài quyết định tổ chức vượt ngục để trở về tập hợp đội ngũ đảng viên, xây dựng lại cơ sở, hệ thống Đảng ở Nam Kỳ. Do đó, đầu năm 1941, một kế hoạch vượt ngục đã được các đồng chí đảng viên cộng sản ở nhà tù vạch ra. Kết quả kế hoạch vượt ngục được các đồng chí thực hiện trong hai lần.

          Lần đầu tiên, ba đồng chí được chọn là đồng chí Dương Khuy, đồng chí Khước (người Mỏ Cày), đồng chí Minh (người Long Hồ) vượt ngục vào ngày 17-1-1941. Những đồng chí này có nhiệm vụ, sau khi vượt ngục trót lọt sẽ về địa phương nắm tình hình, sau ba tháng liên lạc lại trại giam để tổ chức Đảng tiếp tục tổ chức vượt ngục cho các đồng chí khác ra ngoài. Thực hiện kế hoạch, ba đồng chí đã dùng thuyền thả xuống dòng sông và đã vượt ngục thành công. Tuy nhiên, sau khi vượt ngục, không rõ vì lý do gì mà cả ba đồng chí đều không có tin tức trở lại cho tổ chức Đảng trong nhà tù.

          Sau cái tết đầu tiên trong rừng, Đảng ủy quyết định lên kế hoạch vượt ngục lần thứ hai được tổ chức Đảng trong nhà tù tổ chức kỹ càng và khẩn trương và đã rút kinh nghiệm từ lần vượt ngục trước. Đợt vượt ngục lần này quan trọng hơn vì chính tổng Đại diện Sáu Giàu (Trần Văn Giàu) chỉ huy. Trong lần này, tổ chức Đảng Tà Lài chọn tiếp tám đồng chí để vượt ngục bao gồm các đồng chí Trần Văn Giàu, đồng chí Châu Văn Giác, đồng chí Tô Ký, đồng chí Dương Quang Đông, đồng chí Trương Văn Nhâm, đồng chí Nguyễn Tấn Đức, đồng chí Nguyễn Công Trung, đồng chí Trần Anh Kiệt, tám đồng chí này có khả năng dân vận để hàn gắn các đổ vỡ sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Theo kế hoạch, các đồng chí này chuẩn bị kỹ lưỡng lương khô, thuốc men, giấy tờ căn cước giả hợp pháp, kiếm tiền và tìm cách bắt liên lạc với các đồng chí ở bên ngoài… để tập hợp và gây dựng lại cơ sở sau khi thoát được ra bên ngoài.

          Ngày 27- 3-1941, theo đúng kế hoạch, tám đồng chí xuống hai chiếc xuồng bơi ngược dòng sông Đồng Nai đang chảy xiết. Để đánh lạc hướng địch, các đồng chí của ta lấy cắp hai thuyền độc mộc của đồng bào Thượng bên kia bờ suối chèo lên thượng nguồn sông Tà Lài rồi bỏ thuyền băng rừng về phía Đà Lạt. Vượt qua bao nhiêu thác ghềnh, đến thượng lưu sông, các đồng chí lên bờ đi sâu vào rừng, ngược lên phía bắc, hết lương thực, hỏi đường thì người dân tộc không hiểu, nửa tháng đói, rét các đồng chí tưởng chừng không ra được khỏi rừng sâu. Vượt qua mọi gian nan nguy hiểm, băng rừng, vượt sông qua hàng chục cây số,… các đồng chí đã thoát khỏi tù ngục, trở về hoạt động, các đồng chí đã phân công nhau về Nam Kỳ chắp nối, gây dựng lại tổ chức cơ sở Đảng.

          Trong quá trình truy bắt nhóm tù vượt ngục, địch đã căn cứ theo hai thuyền độc mộc của dân bị đánh cắp nghĩ rằng nhóm tù vượt ngục sẽ xuôi dòng Tà Lài ra sông La Ngà xuống Biên Hòa, chính quyền thực dân cũng huy động những người dân tộc thiểu số trong vùng Tà Lài vốn thông thạo địa hình nhằm thông báo hoặc bắt giữ tù nhân nộp về trại để được thưởng. Tuy nhiên, do các đồng chí của tổ chức Đảng trong nhà tù đã làm công tác tuyên truyền, vận động và thu phục được tình cảm trong quá trình bị giam cầm tại đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở Tà Lài đã giúp đỡ và không thực hiện công việc kẻ thù giao. Do đó, mặc dầu được cấp báo khi phát hiện, địch cũng đã huy động lực lượng quân lính phong tỏa, truy lùng, nhưng chúng không ngăn chặn được bước chân của các đồng chí đảng viên cộng sản trên cung đường vượt ngục (trừ bốn đồng chí bị địch bắt lại).

          Do chuẩn bị tốt công tác dân vận, nên trên bước đường vượt ngục, các đồng chí vượt ngục đã nhận được sự giúp đỡ của đồng bào dân tộc Chơro, đồng bào dân tộc Mạ,… Cuối cùng, 11 đồng chí đảng viên cộng sản đã tổ chức vượt ngục Tà Lài thành công về lại Sài Gòn tiếp tục hoạt động. Bằng nhiều cách, các đồng chí trong nhóm vượt ngục đã trở về các địa bàn hoạt động trước đây, gây dựng, móc nối, liên lạc với tổ chức Đảng để khôi phục phong trào cách mạng. Nhiều người trở thành hạt nhân nòng cốt trong lãnh đạo cuộc nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng Tám năm 1945 ở Nam Bộ.

          Cuộc vượt ngục tại Nhà tù Tà Lài do những người đảng viên cộng sản thực hiện vào đầu năm 1941, là một sự kiện lịch sử quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự kiện này đã đánh dấu cho tinh thần kiên cường, bất khuất, đấu tranh cách mạng bền bỉ của những người đảng viên cộng sản. 

          Lịch sử đã tròn 75 năm, kể từ ngày 11 chiến sĩ cộng sản tại Nhà tù Tà Lài đã tổ chức vượt ngục thành công (27/03/1941 – 27/03/2016), tuy chiến tranh đã lùi xa, vết thương chiến tranh đang được hàn gắn, nhưng những ký ức về sự kiện ngày vượt ngục đó sẽ còn mãi trong chúng ta và nhất là trong lòng những thế hệ trẻ, đó là nền tảng tinh thần là động lực để thế hệ trẻ ngày nay kế thừa, phát huy, phấn đấu xây dựng sự nghiệp nước nhà vì lý tưởng cách mạng, vì tự do, độc lập của dân tộc.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1809 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày