Đề Thám người gốc ở làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Về năm sinh của ông có nhiều tài liệu viết ông sinh năm 1840, 1845, 1858,… nhưng theo những nghiên cứu của Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm viết trong cuốn sách “Hoàng Hoa Thám (1836 - 1913)”, thì ông sinh năm 1836, trong một gia đình nhà nho nghèo. Cha ông là Trương Văn Thân có học chữ Nho, nhưng lận đận đường khoa cử. Sau nhiều lần đi thi không đỗ, ông Thân chán cảnh lều chõng, đưa cả gia đình lên Sơn Tây sinh sống và tham gia phong trào khởi nghĩa chống triều đình cùng Nguyễn Văn Nhàn. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, vợ chồng ông Thân bị giết hại, con trai là Thiêm trốn thoát và ngụ ở làng Trũng cùng chú ruột.
Khi người chú chết sớm, Thiêm phải đi chăn trâu cho nhiều gia đình, rồi được Bá Phức nhận làm con nuôi và lấy vợ là Thị Tảo ở cùng làng. Khi Bá Phức nổi dậy chống Pháp, Thiêm đi theo và đổi tên là Đề Dương. Năm 1885, Đề Dương cùng Bá Phức, Thống Luận theo Cai Kinh (Hoàng Đình Kinh). Đề Dương được Cai Kinh yêu mến đặc biệt cho mang họ Hoàng và đổi tên là Thám. Tên Hoàng Hoa Thám có từ khi ấy.
Sau khi Hoàng Đình Kinh chết, Đề Thám lại cùng Bá Phức trở về Yên Thế. Lúc này, Đề Thám đã trở thành một thủ lĩnh có quân riêng và hoạt động độc lập.
Đề Thám người cao tầm thước, vai rộng, ngực nở, tóc thường cắt ngắn, có khi cạo trọc, mắt một mí, dáng đi chậm rãi, nói năng từ tốn nhỏ nhẹ. Được rèn luyện nhiều trong lao động và chiến đấu, nên sức khỏe rất cường tráng. Ông có năng lực chiến đấu ít ai sánh kịp, có sự hiểu biết sâu sắc về địa hình, địa thế và giỏi sử dụng vũ khí trong chiến đấu. Vì vậy, Đề Thám đã từng có lần một mình đánh lại hàng trung đội của địch.
Đề Thám cũng rất giỏi trong việc dựa vào địa hình tự nhiên để xây dựng những công sự đạt hiệu quả chiến đấu rất cao. Năm 1890, Đề Thám cùng nhóm nghĩa quân xây dựng một hệ thống công sự rất công phu ở thung lũng Hố Chuối (thuộc phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang). Ở công sự này, tháng 12 năm 1890, Đề Thám cùng với trên 100 nghĩa quân đã đánh bại 3 cuộc tấn công hàng ngàn tên của địch, có đại bác yểm trợ và do những sĩ quan cao cấp dày dạn kinh nghiệm chiến trận của Pháp chỉ huy. Ở Đồng Hom tháng 3 năm 1892, với vài chục nghĩa quân dựa vào một hệ thống công sự dã chiến đào ở ngọn đồi phía đông, nghĩa quân Đề Thám đã bắn chết ngay hàng chục tên lính Pháp và tay sai chỉ bằng loạt đạn đầu khiến quân địch hết sức hoảng sợ.
Các sĩ quan trong quân đội Pháp đã từng giao chiến với Đề Thám đều ca ngợi tài năng của Đề Thám. Trong đó, tướng Galliéni, chỉ huy quân đội Pháp, nhiều lần chạm súng với Đề Thám đã nhận xét: “Các công sự và vị trí chiến đấu của Đề Thám tất cả đều có những tuyến phòng thủ phía ngoài được ngụy trang cẩn thận. Khoảng đất sau tuyến ngoài thường có những công sự trung gian bố trí rất gần nhau. Cuối cùng công sự chính bao giờ cũng ẩn kín rất khó phát hiện. Kẻ địch chỉ có mặt tại các công sự khi lực lượng tấn công đã đến gần khoảng 40m, 30m hoặc gần hơn nữa”.
Các công sự của nghĩa quân Đề Thám thường đắp bằng đất, có lỗ châu mai ở hai, ba hoặc bốn tầng. Những công sự này thường có những ụ pháo nhỏ, những đường di chuyển lợp bằng tre, tất cả đều được bao bọc bằng một hoặc nhiều hàng rào bằng tre. Khoảng cách giữa những hàng rào và công sự thường chồng chất những chướng ngại vật như cây, cọc nhỏ, hố bẫy,...v.v.
Đề Thám xây dựng cho mình và nghĩa quân một cách đánh độc đáo. Ông không bao giờ dùng toàn bộ lực lượng ra đối mặt với kẻ thù. Mỗi khi địch tấn công, sau khi nổ súng tự vệ, Đề Thám đều chia lực lượng của mình thành nhiều nhóm nhỏ, di chuyển nhanh vào rừng rậm, chuẩn bị sẵn thế trận để chờ địch tới. Quân địch buộc phải chia nhỏ lực lượng, không đem theo pháo được, len lỏi vào rừng để truy đuổi nghĩa quân, chỉ khi địch đã đến gần các công sự đã bố trí sẵn chừng vài chục mét, phơi mình trước các họng súng chờ sẵn của nghĩa quân thì ông mới cho nổ súng giết địch ngay từ loạt đạn đầu, rồi nếu địch còn mạnh, thì nghĩa quân lại nhanh chóng rút sang một địa điểm khác. Sau một vài lần như vậy, kẻ địch bị tiêu hao sinh lực, chán nản, phải rút lui. Với cách đánh linh hoạt, cơ động, Đề Thám đã hạn chế đến mức tối đa sức mạnh của địch, bắt chúng phải đánh trong tư thế bất lợi và phát huy tối đa chỗ mạnh của nghĩa quân, nhờ đó đã làm thất bại hầu hết các chiến dịch đàn áp của Pháp do những tướng tài chỉ huy.
Căn cứ Yến Thế ở phía tây tỉnh Bắc Giang, có diện tích rộng chừng 40 đến 50km2, gồm đất đồi là chủ yếu, có cây cối rậm rạp, gò bụi um tùm. Nhờ có chiến thuật đánh du kích và tài năng chỉ huy của Đề Thám, nghĩa quân Yên Thế đã có thể duy trì được cuộc chiến đấu trong gần 30 năm ròng rã. Trong cuộc đời chiến đấu của mình, có những lúc khó khăn, Đề Thám đã phải tạm hòa hoãn với Pháp, nhưng bao giờ cũng có điều kiện danh dự, tức là không bị mất tự do. Điển hình như: Trong cuộc giảng hòa lần thứ nhất năm 1894, Đề Thám đòi được làm chủ bốn tổng Hữu Thượng, Nhà Nam, Mục Sơn, Yên Lê (tức là gần hết vùng Thượng Yên Thế). Ở cuộc giảng hòa thứ hai năm 1897, Ông buộc Pháp phải cho phép khẩn hoang ở Phồn Xương, giữ được 25 tay súng bảo vệ đất đai của mình. Trong 11 năm tạm giảng hòa, thực dân Pháp tìm mọi cách để hạ uy tín của ông, thủ tiêu tự do của ông, nhưng ông vẫn tỉnh táo và kiên quyết giữ vững. Đến khi giặc Pháp bội ước phản công, ông sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến đấu và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Đối với nghĩa quân, Đề Thám đối xử chân tình, bình đẳng, gần gũi và hết lòng chăm sóc khi ốm đau, khi gia đình gặp khó khăn với tinh thần “có phúc cùng hưởng, có họa cùng lo”. Nghĩa quân và nhân dân lao động ở nhiều nơi đã đến nhờ ông giúp đỡ và ông sẵn sàng che chở, đùm bọc. Mặc dù trong tay có sức mạnh và quyền lực, nhưng trong mấy chục năm làm thủ lĩnh, Đề Thám không bao giờ lạm dụng để trấn áp hoặc sách nhiễu nhân dân. Ông trừng trị nghiêm khắc bất cứ nghĩa quân nào, bất cứ ai làm tổn hại đến quyền lợi của nhân dân hoặc tình hòa hiếu giữa nhân dân với nghĩa quân. Không những thế, Đề Thám còn luôn có ý thức chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng với nhân dân trong vùng. Ông thường xuyên đi lại thăm hỏi, hòa mình với nhân dân, sẵn sàng bỏ tiền bạc riêng để giúp một số làng tu bổ chùa chiền (như ở làng Lèo); xây dựng đình (như ở làng Dĩnh Thép); chữa nhà thờ (như ở làng Tân An),…. Khi dân trong vùng đói kém, ông sẵn sàng xuất thóc giúp hoặc cho vay. Nhân dân một số làng mang ơn, thường đưa biếu các sản vật tự làm lấy, ông vui vẻ nhận chỉ để duy trì tình hòa hiếu chứ không bao giờ có ý sách nhiễu. Trong những ngày ở đồn Phổn Xương có cuộc vui, ông tha thiết mời nhân dân tới chia vui. Tài năng và đức độ ấy đã khiến cho Đề Thám trở thành một thủ lĩnh có uy tín rất lớn. Những thủ lĩnh của các phong trào kháng chiến chống Pháp cuối thế kỷ XIX coi ông như một thủ lĩnh đáng tin cậy, coi căn cứ Yên Thế và lực lượng kháng chiến của ông như một thành trì kiên cố. Các nhà lãnh đạo phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, như Phan Bội Châu, cũng coi Đề Thám và lực lượng nghĩa quân Yên Thế như một niềm hy vọng. Nhân dân cả nước, nhất là ở Bắc Kỳ, coi Đề Thám như một nhân vật thần thoại, coi Yên Thế như một vùng căn cứ bất khả xâm phạm.
Trong cuốn hồi ký: La tragédie Franco – indochinoise (Bi kịch Pháp – Đông Dương), Tome II, Delmas, Paris, 1948. Sĩ quan Pháp - Arnaud Barthouet đã phải thừa nhận tài năng và đức độ của Đề Thám: “Nếu tôi nói, xét về mặt quân sự, Đề Thám có trình độ của một sĩ quan chỉ huy, mọi người có thể sẽ cho tôi là đã nói điều xúc phạm. Ấy thế mà, những cuộc hành quân quy mô để chống lại ông ta do các tướng lĩnh có tiếng chỉ huy như Tướng Godin, Đại tá Godard, Trung tá Winchel Mayer, Đại tá Frey, Tướng Voyron, Đại tá Galliéni, Đại tá Bataille và nhiều vị khác nữa, đã không bao giờ thật sự thành công. Ông ta vẫn thoát,… luôn luôn ở vào thế yếu, chiến thuật không thay đổi, vậy mà ông ta vẫn không hề bị tổn thất. Có lúc lực lượng hoàn toàn bị bao vây, bị đảo lộn và chia cắt, ông ta vẫn đi thoát,... Ông ta có những tài năng lớn của một chiến binh. Sẽ là hèn hạ nếu không công nhận điều đó.”
Đến giữa năm 1908 xảy ra vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội có sự tham gia của nghĩa quân Đề Thám. Nhân cơ hội này, thực dân Pháp chủ trương tập trung lực lượng tiêu diệt nghĩa quân Yên Thế. Tháng 1-1909, dưới quyền chỉ huy của Đại tá Bataille, khoảng 15.000 quân cả Pháp và ngụy đã ào ạt tấn công vào Yên Thế. Nghĩa quân vừa chống đỡ vừa chuyển dần xuống Phúc Yên, Vĩnh Yên, Bắc Ninh rồi rút sang Tam Đảo, Thái Nguyên. Trên đường di chuyển, nghĩa quân vẫn đánh trả quyết liệt, gây cho địch những thiệt hại nặng nề. Điển hình là trận chặn giặc ở đồn Hom, Yên Thế ngày 30-1-1909; trận núi Hàm Lợn ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) ngày 15-3-1909.
Trước các cuộc vây quét tiêu diệt gắt gao của quân Pháp, lực lượng nghĩa quân ngày càng giảm sút. Đến cuối năm 1909, hầu hết các tướng lĩnh đã hy sinh hoặc sa vào tay giặc như Cả Trọng, Cả Huỳnh, Cả Tuyển (con trai Nguyễn Thiện Thuật), Ba Biều, bà Ba Cẩn... Đến đây cuộc khởi nghĩa về cơ bản đã thất bại.
Đề Thám, sau gần một tháng lặn lội vào sinh ra tử mới vượt qua được vòng vây của giặc trở về Yên Thế vào tháng 11 năm 1909. Quân Pháp lại dồn lực lượng về Yên Thế bao vây bắt Đề Thám. Mặc dù chỉ còn một mình, Đề Thám vẫn được bạn bè và nhân dân tận tình giúp đỡ che chở. Ông vẫn tiếp tục chống Pháp đến cùng. Sau nhiều lần phái quân đi truy lùng không bắt được Đề Thám, bọn giặc gian hiểm bèn tính kế khác để ám hại ông. Mấy tên tay chân của Lương Tam Kỳ được Pháp mua chuộc đã tìm cách lọt vào Yên Thế. Nhận chỉ thị của Pháp, chúng tìm cách sát hại Đề Thám. Ngày 10 tháng 2 năm 1913, lợi dụng lúc Đề Thám đang ngủ say, chúng ra tay sát hại ông một cách hèn hạ. Sau đó, chúng cắt thủ cáp của ông nộp cho Pháp để lĩnh thưởng. Bọn Pháp bắt dân chúng và người nhà đến nhận mặt. Người thủ lĩnh nổi tiếng và cũng là người nghĩa quân cuối cùng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã hy sinh.
Những nghĩa quân Yên Thế bị bắt tại trận hoặc buộc phải ra hàng đều bị thực dân Pháp xử án rất nặng. Một số bị tử hình, và phần lớn là tù chung thân hoặc đi đày biệt xứ. Vợ của Đề Thám sau một thời gian bị giữ ở nhà tù, cũng bị đưa đi đày ở Algeria năm 1910. Bà mất ngày 25 tháng 12 năm 1910. Cô Hoàng Thị Thế, con gái của bà Ba bị Pháp bắt, lúc ấy chừng 10 tuổi. Chúng đưa sang Pháp. Đến năm 1965, bà Thế xin về nước và được Nhà nước ta cho hưởng lương hưu trí và sống ở Hà Nội.
Gần 30 năm hoạt động chống lại quân xâm lược, Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế đã gây cho quân Pháp những tổn thất nặng nề và nhiều phen điêu đứng. Cuối cùng do tương quan lực lượng của nghĩa quân yếu hơn quân Pháp nên Đề Thám đã bị kẻ thù giết hại. Mặc dù, cuộc khởi nghĩa Yên Thế chấm dứt, nhưng khí phách của Hoàng Hoa Thám, tinh thần của cuộc khởi nghĩa vẫn ghi đậm trong trang sử vàng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Nhân dân cả nước mãi mãi trân trọng và gìn giữ những giá trị tinh thần cao đẹp đó. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày mất của Đề đốc Hoàng Hoa Thám (1913 - 2023), Thư viện tỉnh Đồng Nai xin giới thiệu sơ lược về tiểu sử, sự nghiệp và những đóng góp của ông trong phong trào chống thực dân Pháp xâm lược. Qua đó, giúp bạn đọc hiểu hơn về tài năng của một chiến binh, một nhà chỉ huy quân sự, người thủ lĩnh xuất sắc của quê hương Bắc Giang. Đồng thời, giúp thế hệ trẻ hun đúc tình yêu quê hương, đất nước; khơi gợi niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc; phát huy tính tự lực, tự cường trong lao động và sản xuất, góp phần đưa non sông Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc trên thế giới./.
Đào Thanh