Hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng hình ảnh đồng chí Hà Huy Tập – một tấm gương kiên trung, bất khuất, suốt đời chiến đấu, hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc vẫn được in dấu đậm nét trong tâm thức nhiều thế hệ cách mạng Việt Nam.
Trong lịch sử trường kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thế hệ nối tiếp thế hệ, đã sản sinh ra bao lớp anh hùng hào kiệt làm rạng danh đất nước. Bước sang thế kỷ XX, khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đi theo ngọn cờ chủ nghĩa Mác-Lênin đã thúc đẩy sự ra đời những thế hệ chiến sĩ cách mạng kiểu mới, lớp này ngã, lớp sau tiến, trong đó Nghệ - Tĩnh – mảnh đất “địa linh nhân kiệt” – đã vinh dự sản sinh cho đất nước nhiều người con ưu tú mà một trong những tên tuổi bất diệt đó là đồng chí Hà Huy Tập.
Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh – một một vùng quê giàu truyền thống cách mạng.
Đại diện cho một lớp thanh niên trí thức đầy nhiệt huyết, sớm tham gia phong trào yêu nước và cách mạng từ những năm giữa thập kỷ 20, đồng chí Hà Huy Tập là người có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình vận động thành lập Đảng cũng như việc xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức đảng trong những năm về sau trên cương vị là nhà lãnh đạo tối cao của Đảng.
Với trí tuệ mẫn tiệp, trình độ học vấn vững vàng, được đào tạo có hệ thống về lý luận Mác – Lênin ở Trường đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản (1929 – 1932), đồng chí Hà Huy Tập là một người có tư duy lý luận sắc sảo và tài tổ chức. Được Quốc tế Cộng sản cử về nước để khôi phục phong trào quần chúng và hệ thống tổ chức đảng sau khi cao trào cách mạng 1930 – 1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp, đồng chí Hà Huy Tập đã có những đóng góp to lớn vào việc lập lại cơ quan lãnh đạo và tổ chức Trung ương của Đảng (Ban Chỉ huy ở ngoài) làm nhiệm vụ của Trung ương Đảng khi Trung ương chưa được khôi phục (1932 – 1934), chuẩn bị và chủ trì Đại hội lần thứ nhất của Đảng (3 – 1935), tham gia khởi xướng và lãnh đạo cuộc vận động dân chủ (1936 – 1939).
Là một trong những nhà lý luận xuất sắc đương thời, đồng chí còn để lại một di sản lý luận vô cùng quý báu cho Đảng. Những tác phẩm của Hà Huy Tập đã phản ánh một cách sâu sắc những vấn đề lý luận về đường lối, chính sách của Đảng ta lúc bấy giờ. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử chi phối, Hà Huy Tập cũng có những hạn chế trong việc nhìn nhận, đánh giá vấn đề dân tộc và giai cấp ở Việt Nam. Mặc dù có những hạn chế nhất định do bối cảnh lịch sử chi phối, song Hà Huy Tập đã sớm vượt qua và đến với chân lý của thời đại. Các tác phẩm của Hà Huy Tập từ năm 1936 về sau đã phản ánh sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn liền với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của lịch sử, soi đường, chỉ lối cho nhân dân ta trong cuộc đấu tranh đòi tự do, dân sinh, dân chủ, hòa bình. Trên bước đường đấu tranh, hoặc trong chốn lao tù đế quốc khắc nghiệp, Hà Huy Tập luôn vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Hy sinh dưới mũi súng tàn bạo của quân thù giữa lúc cách mạng đang ở vào bước ngoặt lịch sử, sự ra đi của Hà Huy Tập đã để lại cho đồng bào, đồng chí nỗi tiếc thương vô hạn. Đánh giá công lao của Hà Huy Tập và các chiến sĩ cách mạng tiền bối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã để lại cho Đảng và nhân dân ta những di sản quý báu, những bài học có ý nghĩa sâu sắc đối với các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam hiện nay và mãi mãi về sau. Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Hà Huy Tập – Tổng Bí thư thứ ba của Đảng đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền tảng chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng. Phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản Hà Huy Tập là tấm gương bất diệt để những người cộng sản và toàn thể nhân dân Việt Nam học tập và noi theo. Lời căn dặn cuối cùng “Hãy xem tôi như người còn sống” của Tổng Bí thư Hà Huy Tập trước lúc đi xa là lời nhắn nhủ, động viên, cổ vũ những người cộng sản Việt Nam luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết, luôn vững vàng, lạc quan, tin tưởng, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và các chiến sĩ cộng sản tiền bối của Đảng đã lựa chọn, phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập, chúng ta càng tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại. Sự nghiệp cách mạng của chúng ta đang ra sức xây dựng hôm nay chính là sự đóng góp bằng xương, bằng máu của bao lớp người đi trước, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập – người chiến sĩ cộng sản kiên trung.
_ Thanh Vân_
