Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 01/07/2016, 13:55

Kỷ niệm 40 năm ngày nước ta đổi quốc hiệu từ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (2/7/1976 – 2/7/2016)

Quốc hiệu luôn là một trong những cái tên thiêng liêng nhất đối với mỗi dân tộc, mỗi con người. Nó khẳng định sự tồn tại và chủ quyền của một quốc gia, thể hiện ý thức và niềm tự hào của mỗi dân tộc cũng như sự bình đẳng với các quốc gia, dân tộc khác trên thế giới. Quốc hiệu còn là những cột mốc ghi lại những bước thăng trầm, những bước phát triển trong tiến trình lịch sử dân tộc, đồng thời nói lên khát vọng của ông cha ta về một đất nước toàn vẹn chủ quyền, độc lập, thống nhất, giàu mạnh và vững bền. Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta, từ thuở khai sinh cho đến nay, đất nước ta đã mang nhiều quốc hiệu ứng với từng giai đoạn lịch sử khác nhau :

Văn Lang: Thuộc nhà nước đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử (khoảng hơn 1.000 năm trước công nguyên đến năm 208 trước công nguyên). Nhà nước Văn Lang ra đời là mốc đánh dấu sự ra đời của cộng đồng dân tộc quốc gia Việt Nam có sự thống nhất về lãnh thổ, kinh tế, văn hóa và ngôn ngữ. Tiếng nói của người Lạc Việt, của vua Hùng trở thành tiếng nói quốc gia.

Âu Lạc:  Là nhà nước được thành lập bởi Thục Phán An Dương Vương năm 207 trước công nguyên, nhà nước này đã thống nhất 2 bộ tộc Âu ViệtLạc Việt lại với nhau và đã thành công trước cuộc xâm lược của nhà Tần, nhưng sau cùng thất bại trước Nam Việt của Triệu Đà. Nhà nước này kế tục nhà nước mang tính truyền thuyết Văn Lang của các vua Hùng. Kinh đô của Âu Lạc đặt tại Cổ Loa, ngày nay thuộc huyện Cổ Loa -Đông Anh - Hà Nội.

Vạn Xuân: Là quốc hiệu của Việt Nam trong một thời kỳ độc lập ngắn ngủi thoát khỏi chính quyền trung ương Trung Hoa, dưới thời nhà Tiền Lý và Triệu Việt Vương. Tháng 2 năm 544, sau khi đánh bại quân nhà Lương (Trung Quốc), Lý Bí xưng là Hoàng đế và đặt tên nước là Vạn Xuân. Nhà nước Vạn Xuân ra đời tồn tại gần được 60 năm đã đánh dấu bước trưởng thành về mặt chính trị của giai cấp phong kiến Việt Nam, của tinh thần dân tộc, tinh thần quốc gia. Nước Vạn Xuân chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng đã in dấu ấn không phai mờ trong lịch sử dân tộc, là nguồn cổ vũ lớn để nhân dân ta tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Đại Cồ Việt: Là quốc hiệu của Việt Nam từ thời nhà Đinh đến đầu thời nhà Lý, quốc hiệu Đại Cồ Việt do vua Đinh Tiên Hoàng đặt năm 968. Đại Cồ Việt là quốc hiệu được dùng trong 8 đời vua của 3 triều Đinh, Tiền Lê, Lý, với quãng thời gian dài 86 năm (từ 968 - 1054). Đến năm Giáp Ngọ, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ 6 (1054), vua Lý Thánh Tông mới đặt lại quốc hiệu là Đại Việt. Điều này có nghĩa là khi dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, nước vẫn mang quốc hiệu là Đại Cồ Việt.

Đại Việt: Là quốc hiệu Việt Nam tồn tại trong 2 giai đoạn từ năm 1054 đến năm 1400 và từ năm 1428 đến năm 1804. Tên gọi này chính thức có từ thời trị vì của vua Lý Thánh Tông (1054-1072), vua thứ 3 của nhà Lý. Năm 1400, sau khi thay thế nhà TrầnHồ Quý Ly, người sáng lập nhà Hồ đã đổi quốc hiệu thành Đại Ngu . Năm 1407, nhà Minh xâm lược Đại Ngu và cai trị cho đến năm 1427. Năm 1428, sau khi giành độc lập, Lê Lợi đã lấy lại tên Đại Việt đặt làm quốc hiệu. Quốc hiệu Đại Việt tồn tại tổng cộng trong thời gian khoảng 723 năm, bắt đầu từ thời vua Lý Thánh Tông đến thời vua Gia Long (1054 - 1804), tên gọi Đại Việt được dùng làm quốc hiệu trong thời kỳ cai trị của các chính quyền nhà Lýnhà Trầnnhà Hậu Lênhà Mạcnhà Tây Sơn và 3 năm đầu thời nhà Nguyễn (1802 - 1804). Trong quá trình này tên gọi chính thức Đại Việt bị gián đoạn một lần ngắn ngủi 27 năm vào thời nhà Hồ và thời thuộc Minh (1400 - 1427).

          Đại Ngu: Là quốc hiệu của Việt Nam thời nhà Hồ, từ năm (400 – 1407) ngu ở đây có nghĩa là “sự yên vui, hòa bình”. Quốc hiệu Đại Việt được đổi thành Đại Ngu tháng 3 năm 1400 khi Hồ Quý Ly lên nắm quyền. Sau đó vào tháng 4 năm 1407, nhà Hồ bị thất bại trước nhà Minh, và tên Đại Ngu không được dùng làm quốc hiệu từ thời điểm đó. Sau khi nhà Hậu Lê chiến tranh giành lại độc lập cho Việt Nam, quốc hiệu của Việt Nam đổi lại thành Đại Việt (năm1428).

          Việt Nam: Quốc hiệu Việt Nam chính thức xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Vua Gia Long đã đề nghị nhà Thanh công nhận quốc hiệu Nam Việt. Tuy nhiên tên Nam Việt trùng với quốc hiệu của quốc gia cổ Nam Việt thời nhà Triệu, gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa. Nhà Thanh yêu cầu nhà Nguyễn đổi ngược lại thành Việt Nam để tránh nhầm lẫn. Quốc hiệu này được tuyên phong vào năm 1804. Tên gọi này sau đó xuất hiện trong tác phẩm Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu năm 1905, và sau đó được sử dụng bởi Việt Nam Quốc dân Đảng. Thời Pháp thuộc, đất nước thường được gọi bằng tên "An Nam" cho tới sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền Việt Minh ở Hà Nội chính thức đặt quốc hiệu là "Việt Nam".

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tên gọi của cả nước Việt Nam từ 1945 đến 1976. Nhà nước này được thành lập vào ngày 2/9/1945 (ngày Quốc khánh của Việt Nam ngày nay). Vì sự can thiệp của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nên đất nước ta gặp phải sự chia cắt và các chế độ ngụy quyền đã đặt ra các chính quyền mang các tên khác. Tên Quốc gia Việt Nam do cựu Hoàng đế Bảo Đại ký với Pháp ngày 8/3/1949. Năm 1955, Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại và thành lập nên cái gọi là chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Để góp phần đấu tranh thống nhất đất nước, nhân dân miền Nam đã thành lập ra Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Suốt 30 năm, tuy đất nước lâm vào cảnh chiến tranh, rồi chia cắt, hai tiếng “Việt Nam” vẫn được phổ biến từ Bắc chí Nam và trở thành thân thiết, thiêng liêng với mọi người.

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam: Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, ở mỗi giai đoạn, nước ta từng có những quốc hiệu như Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu, Việt Nam, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngày 30/4/1975, miền Nam được giải phóng, non sông quy về một mối. Hội nghị quyết định thống nhất về mặt nhà nước bằng một cuộc tổng tuyển cử bầu ra quốc hội chung của cả nước. Ngày 2/7/1976, quốc hội khóa 6 nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quyết định đổi tên nước là cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thủ đô là Hà Nội, cờ đỏ sao vàng năm cánh là Quốc kỳ, bài tiến quân ca của cố nhạc sỹ Văn Cao là Quốc ca, Thành phố Sài Gòn – Gia Định đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh. Quốc hội bầu các đồng chí: Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước, Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng Chính phủ, Trường Chinh làm Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. đây là quốc hiệu mang ý nghĩa trọn vẹn vừa độc lập, tự do thống nhất nước nhà và toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo hạnh phúc của nhân dân căn cứ vào lợi ích vè quyền hạn của công dân, đi theo hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Quốc hiệu cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn khẳng định nhà nước Việt Nam có hình thức thể chế là cộng hòa xã hội chủ nghĩa, có chế độ chính trị dân chủ, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.Nước Việt Nam mang tên mới: Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày bắt đầu chương mới huy hoàng của lịch sử Việt Nam. Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định quốc hiệu đó, đưa nó trở thành chính thức cả về pháp lý lẫn trên thực tế.

Theo quy định của Hiến pháp năm 1980, nhà nước cộng hoà dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ chuyên chính vô sản, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn lãnh thổ. Quốc hội là đại diện của nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất nắm cả ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc hội có hai cơ quan mới là Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Chính phủ. Hội đồng Nhà nước là cơ quan cao nhất, bảo đảm sự hoạt động thường xuyên của Quốc hội. Đó là sự tập trung nhiệm vụ, quyền lực của uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước vào một cơ quan. Hội đồng Chính phủ theo Hiến pháp năm 1980 gọi là Hội đồng Bộ trưởng đứng đầu là chủ tịch hội đồng bộ trưởng do Quốc hội bầu ra, được phân nhiệm nắm quyền hành pháp và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Toà án nhân dân tối cao do chánh án toà án nhân dân tối cao đứng đầu được phân nhiệm nắm quyền tư pháp và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đứng đầu là viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao nắm quyền kiểm sát, quyền công tố và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Như vậy, Quốc hội không chỉ nắm toàn quyển lập pháp, hành pháp, tư pháp mà còn thực hiện quyền giám sát toàn bộ các cơ quan quyền lực nhà nước.

Hệ thống chính trị của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm các tổ chức, đoàn thể. Hệ thống chính trị tạo nên những tổ chức đa dạng, phong phú, những mối quan hệ chính trị đa chiều nhằm lôi cuốn tất cả mọi người, mọi công dân vào sinh hoạt chính trị và xã hội, bảo đảm cho quyền lực của Đảng, của chính quyền được thực thi rộng khắp. Nguyên tắc tối cao của hệ thống chính trị là bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, một hệ thông bộ máy Đảng được tổ chức từ Trung ương đến địa phương bao gồm năm cấp. Cơ quan cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng 5 năm họp một lần. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương bầu ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương Đảng với hạt nhân là Bộ Chính trị là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc.

Ngoài xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị, ta đã ra sức xây dựng một hệ thông pháp luật trong đó đã xây dựng các bản Hiến pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm đạo luật cơ bản. Hiến pháp năm 1980 được thông qua tại Quốc hội khoá VI ngày 18-12-1980, công bố ngày 19-12-1980 gồm12 chương, 147 điều. Hiến pháp khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và hệ thống chính trị, khẳng định quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Hiến pháp đã thể chế hoá đường lối xây dựng kinh tế mới, văn hoá mới, con người mới và xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Ngoài ra, Hiến pháp khẳng định quyền và nghĩa vụ của công dân, quy định cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước.

Hiến pháp năm 1992 do Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 15-4-1992 bao gồm12 chương và 147 điều. Hiến pháp đã khẳng định những thành tựu về mọi mặt trong thời kỳ đổi mới, khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đời sống xã hội và hệ thống chính trị. Hiến pháp năm 1992 quy định cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước có nét khác biệt so với Hiến pháp năm 1980 như bỏ chức danh Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng được gọi là Chính phủ do thủ tướng đứng đầu., Hiến pháp quy định sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp năm 1992 là cột mốc lịch sử trong quá trình phát triển của dân tộc trong thời kỳ đổi mới. Trên cơ sở Hiến pháp, chúng ta đã xây dựng, hoàn thiện hệ thông pháp luật phục vụ cho việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Luật Hiến pháp bao gồm các luật liên quan đến điểu chỉnh các quan hệ quyền lực nhà nước như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Toà án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ta đã xây dựng Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật tố tụng, luật về kinh tế, luật về văn hoá, luật về xây dựng quốc phòng và an ninh và nhiều bộ luật thuộc các lĩnh vực khác.

Từ Văn Lang, Âu Lạc, Vạn xuân …và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dân tộc ta đã trải qua những chặng đường lịch sử đầy chông gai nhưng cũng đầy khí phách anh hùng, chiến thắng vẻ vang.

 

 Nguyễn Yên  

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2481 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày