Là cơ quan lãnh đạo của các cấp Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thay mặt cho công nhân, viên chức và lao động tham gia quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, tham gia xây dựng pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân, viên chức và lao động tham gia quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, tham gia xây dựng pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân, viên chức và lao động.
Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng, ngày 20/6/1946, Hội nghị Cán bộ công đoàn cứu quốc toàn quốc đã quyết định đổi tên “Hội công nhân cứu quốc” thành “Công đoàn” và ngày 20/7/1946 tại thủ đô Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chính thức tuyên bố thành lập. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, công đoàn các cấp đã động viên công nhân tham gia chiến đấu, vận động công nhân di chuyển hàng vạn tấn máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu ra vùng căn cứ để xây dựng cơ sở sản xuất, phục vụ kháng chiến lâu dài. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam tập hợp, đoàn kết rộng rãi công nhân lao động trong cả nước cùng toàn dân đấu tranh xây dựng, bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.
Từ ngày 01 đến ngày 15/1/1950, tại chiến khu Việt Bắc, Đại hội lần thứ I Công đoàn Việt Nam đã họp và đề ra nhiệm vụ mới của giai cấp công nhân và Công đoàn trong kháng chiến. Đại hội đã bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt, ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng làm Chủ tịch, đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm Tổng thư kí Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Sau đại hội, phong trào công nhân và hoạt động công đoàn ở vùng tự do có nhiều chuyển biến. Phong trào “ Thi đua sản xuất, thi đua xây dựng” Cải tiến kĩ thuật, phát huy sáng kiến, trau dồi nghề nghiệp”... phát triển sâu rộng.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng đã nhanh chóng bắt tay tiến hành khôi phục kinh tế. Năm 1955, ở miền Bắc lực lượng công nhân, viên chức thuộc khu vực sản xuất vật chất có khoảng 76.000 người. Số công nhân, viên chức trong các ngành công nghiệp quốc doanh là 21.200 người, trong đó số công nhân trực tiếp sản xuất là 17.000 người, và hơn 16.000 công nhân làm thuê trong các xí nghiệp tư bản tư doanh thuộc nhiều ngành và một lực lượng thợ thủ công khoảng 298.000 người. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có 1.100 công đoàn cơ sở và 14 vạn đoàn viên công đoàn. Ngày 14/9/1957, Quốc hội đã nhất trí thông qua luật công đoàn, qui định vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của Công đoàn Việt Nam.
Từ ngày 23 đến ngày 27/2/1961 Đại hội công đoàn Việt Nam lần thứ II đã được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội đã quyết định đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Hoàng Quốc Việt - ủy viên trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch đoàn Chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam, đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu lại làm Tổng thư kí. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, Tổng Công đoàn Việt Nam đã động viên CNVCLĐ thi đua “phấn đấu trở thành tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa”, hưởng ứng phong trào “3 xây, 3 chống” , “Mỗi người làm việc bằng hai”.
Hội nghị lần thứ 13 Ban chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam (tháng 4 năm 1965) đã xác định giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn nêu cao ý chí tiên phong cách mạng cùng toàn dân quyết tâm chiến đấu chống Mỹ và thắng Mỹ nhằm xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tích cực chi viện cho cách mạng miền Nam tiến tới thống nhất nước nhà. Tháng 10 năm 1965, đoàn đại biểu Tổng Công đoàn Việt Nam và đại diện Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam đã tham dự Đại hội Công đoàn thế giới lần thứ IV họp ở Ba Lan. Đại hội thông qua nghị quyết kêu gọi các tổ chức công đoàn thế giới và nhân dân thế giới ủng hộ giúp đỡ công nhân Việt Nam chống Mỹ xâm lược.
Dưới sự chỉ đạo của Tổng Công đoàn Việt Nam, các Công đoàn ngành Trung ương, các Liên hiệp Công đoàn địa phương đã đề ra nhiều biện pháp vận động công nhân tăng năng suất lao động. Tổng Công đoàn Việt Nam chủ động và kịp thời đề ra mục tiêu, nội dung và biện pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất, chăm lo giải quyết những vấn đề cấp thiết về đời sống, sẵn sàng chiến đấu. Tháng 4 năm 1972, đế quốc Mỹ lại đánh phá miền Bắc với quy mô ác liệt hơn, tàn bạo hơn. Công đoàn vận động công nhân, bảo đảm giờ công, ngày công giữ vững và đẩy mạnh sản xuất, bám chỉ tiêu, định mức lao động, giữ vững nội quy kỉ luật lao động và tham gia quản lý sản xuất. Tổng Công đoàn, các Liên hiệp Công đoàn và Công đoàn ngành phân công cán bộ về cơ sở, giúp công đoàn cơ sở chuyển hướng hoạt động và xây dựng tổ chức. Hàng vạn CNVC đã tình nguyện ra mặt trận. Các binh đoàn thợ mỏ, binh đoàn công nhân gang thép đã ra đời trong những năm chiến tranh chống Mỹ và đã lập được nhiều chiến công oanh liệt. Nhiều công đoàn cơ sở đã tổ chức phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” với những buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng được tổ chức với hình thức đa dạng, phong phú.
Từ ngày 11 đến ngày 14/2/1974, Đại hội lần thứ III Công đoàn Việt Nam đã họp tại Hà Nội. Đại hội xác định phương hướng, nhiệm vụ của công tác công đoàn và phong trào công nhân trong giai đoạn mới. Đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch danh dự Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu lại làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Tổng thư ký là đồng chí Nguyễn Đức Thuận.
Ngày 6/6/1976, Hội nghị thống nhất Công đoàn toàn quốc đã họp tại Hội trường Thống nhất, thành phố Hồ Chí Minh. Dự hội nghị có 72 đại biểu thay mặt cho 3 triệu đoàn viên công đoàn hai miền Nam - Bắc, Hội nghị đã quyết định thống nhất Công đoàn hai miền Nam - Bắc thành “Tổng Công đoàn Việt Nam”. Đồng chí Hoàng Quốc Việt – uỷ viên Ban chấp hành TW Đảng được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đức Thuận làm Tổng thư ký.
Đáp ứng yêu cầu của phong trào công nhân, công đoàn trong cả nước, Đại hội lần thứ IV Công đoàn Việt Nam đã khai mạc tại Hà Nội vào ngày 8/5/1978. Tham dự đại hội có 926 đại biểu, thạy mặt cho trên 3 triệu đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức trong cả nước. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh, ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành TW Đảng làm Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí.
Từ ngày 12/11/1983, tại Hà Nội, Đại hội dại biểu lần thứ V Công đoàn Việt Nam đã được tổ chức. Dự đại hội có 949 đại biểu. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Đức Thuận - ủy viên TW Đảng được bầu lại làm Chủ tịch, đồng chí Phạm Thế Duyệt - Uỷ viên dự khuyết TW Đảng được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Tổng Công đoàn Việt Nam. Đại hội quyết định lấy ngày 28/7/1929 là ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 17 đến ngày 20/10/1988 tại Hà Nội. Dự đại hội có 834 đại biểu của 58 đoàn cùng với 225 đại biểu khách mời, 59 đại biểu của 32 đoàn khác quốc tế. Đại hội quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đổi tên Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố, đặc khu, huyện, thị xã là Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, đặc khu, huyện, thị xã. Bỏ chức danh Tổng thư ký, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là người đứng đầu Ban Chấp hành và Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; thay chức đanh Thư ký công đoàn các cấp bằng chức danh Chủ tịch công đoàn. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Tư - ủy viên dự khuyết Ban chấp hành TW Đảng làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đại hội VI Công đoàn Việt Nam được ghi nhận là Đại hội đổi mới của phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Từ ngày 9 đến ngày 12/11/1993, đại hội lần thứ VII Công đoàn Việt Nam đã họp tại Hà Nội. Tham dự đại hội có hơn 600 đại biểu thay mặt cho công nhân viên chức và lao động khắp mọi miền đất nước. Tại đại hội đồng chí Nguyễn Văn Tư - ủy viên TW Đảng, được bầu làm chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Từ ngày 3 đến ngày 6/11/1998, Đại hội lần thứ VIII Công đoàn Việt Nam đã họp tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 898 đại biểu, đại diện cho hàng triệu đoàn viên công đoàn và công nhân, viên chức lao động cả nước, 31 đoàn đại biểu quốc tế, đại diện Tổ chức Liên hiệp công đoàn Thế giới, đại biểu công đoàn các nước trong khu vực và các đoàn Ngoại giao. Đại hội đã bầu đồng chí Cù Thị Hậu - ủy viên TW Đảng làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Từ tháng 10 đến 13/10/2003, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IX được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội bầu đồng chí Cù Thị Hậu - ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng được bầu lại làm Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam.
Từ ngày 02 đến ngày 5/11/2008, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X được tổ chức tại Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 985 đại biểu chính thức. Đại hội bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khóa X gồm 160 đồng chí. Tại phiên họp thứ nhất, đồng chí Đặng Ngọc Tùng được bầu làm chủ tịch Tổng liên đoàn. Đại hội công đoàn Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2013 – 2018 tiếp tục bầu đồng chí Đặng Ngọc Tùng – Uỷ viên Ban chấp hành trung ương Đảng, bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam giữ chức chủ tịch.
70 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam luôn trung thành vì lợi ích của giai cấp công nhân và dân tộc, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lợi ích hợp pháp và chính đáng của người lao động. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thành lập đã đánh dấu bước ngoặt của phong trào công đoàn Việt Nam với một tổ chức thống nhất và ổn định trong cả nước.
Nguyễn Yên