Đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch xâm lược Việt Nam ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc. Sau khi thực hiện nhiều mưu lược, đế quốc Mỹ đã hất cẳng thực dân Pháp, chính thức vào xâm lược miền Nam nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, chúng đã dùng nhiều thủ đoạn thâm độc như: “tố cộng”, “diệt cộng”, chúng lê máy chém đi khắp miền Nam uy hiếp, giết hại đồng bào, chiến sĩ cách mạng nhằm trả thù cán bộ tham gia kháng chiến; tiêu diệt các cơ sở cách mạng và đàn áp nguyện vọng hòa bình, thống nhất đất nước của các tầng lớp nhân dân niềm Nam. Nhưng tàn độc hơn cả là năm 1961 tổng thống Mỹ J.F.Kennedy đã ký sắc lệnh cho rải các hóa chất khai quang – diệt cỏ lên miền nam Việt Nam.
Âm mưu của Mỹ khi sử dụng chất độc màu da cam/dioxin là đánh vào tiềm lực chiến tranh của quân và dân miền Nam bằng cách phá hoại hoa màu, giết chết gia súc, triệt hạ nguồn lương thực, thực phẩm của nhân dân, làm cho nhân dân gặp nhiều khó khăn, phải chạy theo và chịu sự kìm kẹp của chúng trong các trại tập trung, phá hoại những hoạt động quân sự và đè bẹp ý chí đấu tranh của quân và dân ta. Đồng thời, chúng thường xuyên sử dụng chất độc hóa học với quy mô lớn nhằm phát hiện và tiêu diệt các căn cứ địa của mặt trận Dân tộc giải phóng; các trục đường giao thông thủy, bộ quan trọng để ngăn chặn các hoạt động vận chuyển, tiếp tế cho các lực lượng vũ trang miền Nam. Đặc biệt hơn nữa là Mỹ đã sử dụng chất độc, hơi độc trực tiếp chi viện trong quá trình tác chiến kết hợp với các hỏa lực khác làm tiêu hao và gây khó khăn, trở ngại cho các hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang miền Nam. Và đế quốc Mỹ muốn biến miền Nam Việt Nam trở thành nơi thí nghiệm sử dụng các chất độc, hơi độc, phương tiện, phương pháp sử dụng các chất độc, hơi độc của Mỹ đã có, để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tương lai và đàn áp phong trào giải phóng dân tộc ở các nước khác trên thế giới.
Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun giải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong số đó là chất độc da cam, chưa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn, bản, với diện tích hơn 3.06 triệu ha; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% trong số đó diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Các vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, trong đó Đông Nam Bộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất (56% diện tích tự nhiên bị phun rải hóa chất). Khoảng 86% lượng chất độc đã được phun rải lên các vùng rừng rậm; 14% còn lại được dùng để phá hủy ruộng vườn, hoa màu, chủ yếu là đồng lúa và nương rẫy ở các vùng đồi núi.
Chất độc màu da cam/dioxin (thường gọi là chất độc da cam) là cụm từ chỉ chất độc chứa dioxin. Quá trình sản xuất 2.4.5-T (chiếm 50% thành phần da cam) sinh ra một tạp chất (sảm phẩm phụ hay sản phẩm không mong muốn) là dioxin. Dioxin là chất độc nhất trong các chất độc mà con người biết đến. Dioxin tồn tại dưới dạng chất hữu cơ, không tan trong nước và khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Gây tàn phá khủng khiếp đến hệ sinh thái tự nhiên và gây ung thư, tai biến sinh sản ở người bị nhiễm dioxin.
Chất độc da cam/dioxin đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, sức khỏe và tâm lý con người Việt Nam:
1. Chất độc da cam đã hủy hoại môi trường sinh thái:
Theo các số liệu thống kê, một số lượng gỗ lớn đã bị hủy diệt cho chất độc da cam: Rừng Sác bị hủy diệt 17.787 ha rừng tương đương với 1.979.639 m3 ; Khu vực rừng Cà Mau có 73.942 ha rừng bị rải chất độc da cam với 19.979.867 m3 gỗ bị hủy hoại ; Khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long là 2.240 040 m3 tại 40.334 ha rừng bị rải chất độc da cam;…v.v.
Bên cạnh rừng bị hủy hoại thì chất đất của rừng cũng bị biến đổi do chất diệt cỏ dioxin. Đất trở nên hoang hóa, nếu không cải tạo thì không thể sử dụng được. Sau 55 năm từ khi Mỹ mở đợt phun rải chất độc da cam/dioxin, ở nhiều khu rừng như Tây Nguyên cây cối vẫn không thể mọc nỗi.
Ngoài ra, chất độc da cam đã phá hủy 236.000 ha đất nông nghiệp ở miền Nam Việt Nam bằng một hoặc nhiều lần phun rải (khoảng 8% tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước). Thêm vào đó, ít nhất 8.000 ha đất canh tác bị rải ở Lào và Campuchia. Việc rải chất hóa học lên đất nông nghiệp khiến hủy hoại nguồn thực phẩm ngay lập tức, nhiều làng, xã rơi vào tình trạng mất mùa, đói khát.
Không chỉ vậy, chất độc da cam còn hủy diệt tài nguyên động vật trong rừng. Rất nhiều động vật đã chết như các loại thú: gấu, hổ, lợn rừng, hươu, sóc, thỏ,… ; nguồn thủy sản; các loài chim muông,…v.v
2. Chất độc da cam/dioxin đã hủy hoại sức khỏe, gây ra những tổn thương tâm lý sâu sắc ở con người,:
Khi con người tiếp xúc với cất độc da cam/dioxin có hàm lượng cao trong thời gian ngắn có thể dẫn tời các triệu chứng ngoài da, tạo ra những vết sẫm màu hoặc có thể rối loạn các chức năng gan. Nếu tiếp xúc lâu dài có thể tác động tới các hệ thống miễn dịch, gây rối loạn sự phát triển của hệ thần kinh, tuyến nội tiết và cả chức năng sinh sản.
Theo Hiệp hội nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam (VAVA), có hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh không sao kể siết. Rất nhiều gia đình có 3 nạn nhân trở lên. Có gia đình cả 15 người con đều là nạn nhân của chất độc da cam. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các bệnh phổ biến ở con cháu các nạn nhân chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, ung thư, tai biến sinh sản, dị dạng, di tật bẩm sinh. Đặc biệt là chất độc hóa học có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3. Phần lớn những gia đình là nạn nhân chất độc da cam đã và đang sống trong khổ đau, bệnh tật, đói nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Những em bé được sinh ra, có em có mắt nhưng không thể ngắm nhìn, có đôi môi xinh nhưng không thể cười nói, có đôi tay nhưng không thể nâng niu, có đôi chân nhưng không thể bước, có trái tim nhưng chẳng biết buồn vui…, đó là hình ảnh của những nạn nhân chất độc da cam mang theo nỗi đau quằn quại về thể xác và sự trống rỗng trong tâm hồn.
55 năm đã trôi qua, nhưng cứ đến ngày 10 tháng 8 hằng năm nhân dân cả nước lại quặn lòng cùng với nỗi đau của những gia đình, người bị nhiễm chất độc da cam. Bằng những hành động cụ thể trong những năm qua Đảng, Nhà nước ta và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm sóc đến những nạn nhân nhiễm chất độc da cam như: động viên, thăm hỏi, tặng quà đến những gia đình có người nhiễm chất độc da cam; tuyên truyền, kêu gọi mọi người dân đồng cảm, chung tay, góp sức giúp đỡ những người nhiễm chất độc da cam; xây dựng chế độ chính sách được hưởng hàng tháng cho người nhiễm chất độc da cam; biểu dương những gia đình, người nhiễm chất độc da cam vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng;…
Đào Thanh