Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Bảy, 27/08/2016, 07:55

KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY MẤT CỦA CỐ TỔNG BÍ THƯ HÀ HUY TẬP (28/8/1941 – 28/8/2016)

         75 năm đã trôi qua, kể từ ngày Đồng chí Hà Huy Tập hy sinh anh dũng trong tư thế của người lãnh đạo Đảng Cộng sản với niềm vững tin vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí sống mãi trong lịch sử vinh quang của Đảng và của dân tộc Việt Nam. Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa (nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Vốn là giáo viên trường tiểu học Vinh, vì tham gia truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh nên bị buộc không được dạy học nữa. Từ năm 1926 đồng chí tham gia nhóm Phục Việt sau đổi tên là Tân Việt.

Tháng 3/1927, Hà Huy Tập rời Vinh vào Sài Gòn và dạy học tại một trường tiểu học tư thục mang tên An Nam học đường ở Gia Định và cùng với các đồng chí Nguyễn Đình Kiên, Đào Xuân Mai, Trần Ngọc Danh... hoạt động phát triển tổ chức Tân Việt. Ở đâu, đồng chí cũng chú ý đến việc dạy học cho dân lao động nghèo, qua đó tuyên truyền tinh thần yêu nước và cách mạng giành độc lập.

Năm 1928, Hà Huy Tập đã tổ chức nhiều cuộc bãi công của công nhân. Cuộc bãi công có tiếng vang mạnh nhất là cuộc bãi công của trên 300 công nhân làm đoạn đường xe lửa Gò Vấp – Biên Hòa đòi tăng lương thắng lợi. Hà Huy Tập còn là linh hồn trong các cuộc bãi khóa của học sinh, chống lại chế độ giáo dục hà khắc của nhà trường, khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc trong thanh niên, học sinh, làm cho chính quyền thực dân rất lo lắng. Tháng 6/1928, hiệu trưởng An Nam học đường quyết định đình chỉ việc giảng dạy của Hà Huy Tập với lý do “kích động học sinh bãi khóa nhiều lần”. Tuy vậy, Hà Huy Tập vẫn tiếp tục công việc dạy học và tuyên truyền cách mạng từ Bà Rịa, Biên Hòa, đến Sài GònGia Định. Cuối năm 1928, Hà Huy Tập đã cùng với các đồng chí Phan Đăng Lưu, Lê Liên Vũ, Trần Ngọc Danh sang Quảng Châu Trung Quốc, liên lạc với Tổng Bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội bàn về việc hợp nhất giữa hai tổ chức. Sau đó Phan Đăng Lưu trở về nước, còn Hà Huy Tập và Trần Ngọc Danh được giới thiệu sang học ở Liên Xô tại trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva.

Ngày 19/7/1929 Hà Huy Tập đến Mátxcơva và ngày 24/7/1929 đồng chí nhập học tại trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Trong những năm tháng học tập ở đây, đồng chí đã được nghiên cứu các tác phẩm về chủ nghĩa Cộng sản của Các Mác và Lênin. Qua đây, đồng chí càng hiểu rõ vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp, về cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc. Cuối năm 1929, Hà Huy Tập được kết nạp vào đảng Cộng sản Bônsêvích Nga.

Năm 1932, Hà Huy Tập tốt nghiệp trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông, đồng chí trở về Việt Nam. Trên đường về nước, khi đến Pháp thì bị bắt và bị trục xuất sang Bỉ. Từ Bỉ, đồng chí tìm cách về Trung Quốc.

Năm 1934, cùng với đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập đã tham gia Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng. Ngày 20/12/1934, thay mặt Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, Hà Huy Tập đã gửi Báo cáo tới Quốc tế Cộng sản và thư gửi Ban Phương Đông thuộc Ban Chấp ủy Quốc Tế Cộng sản về những công việc quan trọng. Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, đồng chí nêu rõ khái quát về tình hình phong trào cách mạng, tình hình tổ chức các cấp bộ đảng ở Đông Dương, một số biện pháp mà Ban chỉ huy ở ngoài đã tiến hành để có thể tổ chức Đại hội Đảng lần thứ nhất vào tháng 3/1935.

Tháng 3 năm 1935, đồng chí Hà Huy Tập được cử làm Bí thư Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương, trực tiếp chủ trì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935 tại số 2, đường Quan Công, Ma Cao (Trung Quốc). Đồng chí Hà Huy Tập được đọc Báo cáo Chính trị, nêu bật tình hình thế giới, tình hình xứ Đông Dương; chính sách mới của đế quốc Pháp và mưu mô mới của bọn thống trị bản xứ; cao trào cách mạng mới; tình hình Đảng và nhiệm vụ của Đảng… Đại hội đã thông qua Điều lệ Đảng và bầu BCH TW Đảng gồm 13 ủy viên. Trong hoàn cảnh Đảng vừa khôi phục tổ chức, phong trào cách mạng đang từng bước phục hồi, Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hà Huy Tập đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương, bầu ra được một Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa hết sức to lớn. Thành công của Đại hội lần thứ nhất đánh dấu việc Đảng ta đã được khôi phục về tổ chức, các cơ quan lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở được lập lại, Đảng vẫn giữ vững và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Lịch sử ghi nhận công lao và cống hiến của đồng chí Hà Huy Tập và nhiều chiến sỹ cộng sản trung kiên khác.

Ngày 26/7/1936, tại Thượng Hải, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương họp để điều chỉnh đường lối chính trị. Tại hội nghị, đồng chí Hà Huy Tập được phân công về nước để tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương mới khôi phục các tổ chức Đảng trong nước. Tháng 10/1936 đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Khi mặt trận bình dân Pháp lên nắm chính quyền, Trung ương Đảng ta do Hà Huy Tập đứng đầu đã kịp thời cho phát động phong trào Đông Dương Đại hội và cho thành lập ở khắp nơi trong toàn quốc những Ủy ban hành động để thu thập nguyện vọng các tầng lớp nhân dân. Hà Huy Tập cùng với các đồng chí Lê Hồng Phong, Phan Đăng Lưu… đã lãnh đạo rất sát phong trào đấu tranh của quần chúng. Ngoài các công tác lãnh đạo ra, đồng chí còn có nhiệm vụ viết những tài liệu huấn luyện lý luận cho Đảng và viết các bài báo tiếng Việt và tiếng Pháp để đăng trên các tờ báo công khai của Đảng ở Sài gòn, như tờ báo Dân Chúng, Le Peuple, Lao Động. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Hà Huy Tập, các đảng viên hoạt động bí mật cùng nhau ra sức xây dựng lại cơ sở và hệ thống tổ chức của Đảng. Xứ ủy Nam Kỳ được bổ sung, chấn chỉnh để tăng khả năng làm việc, lãnh đạo toàn xứ ủy Nam Kỳ. Xứ ủy Bắc Kỳ liên bắc Trung kỳ được thành lập. Qua tám tháng lãnh đạo phong trào cách mạng (từ tháng 8/1936 đến tháng 3/1937), Tổng Bí thư Hà Huy Tập cùng Đảng ta đã thực hiện đường lối chính trị mới, được đảng viên và quần chúng đồng tình. Phong trào quần chúng sôi nổi và đã thu được những kết quả quan trọng trong bước đầu. Hà Huy Tập là người giải quyết toàn diện, sâu sắc những vấn đề cơ bản về chỉ đạo sách lược của cả thời kỳ vận động dân chủ. Đó là một trong những nhân tố quyết định đưa phong trào đấu tranh cho dân chủ trong năm 1937 phát triển mạnh mẽ, vững chắc, làm cơ sở cho phong trào tiến lên đỉnh cao vào năm 1938.

Đầu năm 1938, Hà Huy Tập có việc ra Sài Gòn để gặp một số các đồng chí bàn những việc quan trọng và bị địch bắt tại điểm hẹn vào ngày 9/1/1938. Sau khi bị bắt, bọn địch đã dùng đủ mọi cực hình tàn bạo để tra khảo, nhưng đồng chí đã dũng cảm chịu đựng, kiên quyết từ chối không khai nhận điều gì về những hoạt động cách mạng của mình. Trong thời gian Hà Huy Tập bị tù, các đồng chí còn lại trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng được sự đồng ý của đồng chí Lê Hồng Phong, đã tiến hành Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ năm. Hội nghị bàn về việc đối phó sau khi đồng chí Hà Huy Tập bị bắt và cử người thay đồng chí và bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư của Đảng.

Đến năm 1939, Hà Huy Tập được mãn hạn tù, nhưng vẫn bị đưa về quản thúc tại Vinh. Về Vinh một thời gian ngắn, gặp lúc thực dân Pháp bắt đầu tham gia cuộc Đại chiến thế giới lần thứ II, bọn phản động thuộc địa lại ra lệnh bắt đồng chí và đưa về giam ở khám lớn Sài Gòn để tiếp tục tra tấn, kết tội đồng chí một cách vô căn cứ của chúng. Ngày 23/10/1940, bọn thực dân Pháp đưa Hà Huy Tập ra tòa án và buộc tội “hoạt động chống phá nhà cầm quyền Pháp và phá rối công cuộc trị an ở Đông Dương”, kết án thêm cho đồng chí 5 năm tù khổ sai. Đến ngày 25/3/1941, thực dân Pháp đổi thành án tử hình vì tội “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”. Tuy bị kết án tử hình Hà Huy Tập vẫn giữ thái độ rất bình tĩnh tuyên bố: “tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động”

Ngày 28/8/1941, tại Hóc Môn, thực dân Pháp đã đưa đồng chí Hà Huy Tập ra bắn cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai… Đồng chí Hà Huy Tập hy sinh lúc mới 35 tuổi, sự ra đi của Hà Huy Tập để lại cho đồng bào, đồng chí nỗi tiếc thương vô hạn.

          Kỷ niệm 75 năm ngày mất của cố tổng bí thư Hà Huy Tập (28/8/1941 – 28/8/2016), là dịp để nhân dân Việt Nam tri ân, tưởng nhớ đến đống chí. Tinh thần và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Hà Huy Tập sống mãi với Đảng, Tổ quốc và dân tộc Việt Nam.

 

Nguyễn Thìn

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 843 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày